Truyện ngắn HÒM THƯ ẢO MỊ

5 Comments

Ảnh: Nọc cấy lúa miền Tây nam bộ.

Hòm thư ảo mị

Trương Thái Du

Chầu nhậu là để “rửa” bài báo mới nhất của tôi phân tích biến động và tiềm năng thị trường chứng khoán. Tôi đã khẳng định những người không biết gì về đầu tư tài chính mới xem thị trường chứng khoán là chiếu sấp ngửa. Đáng tiếc, bàn dân hiện nay đang đến sàn như những con bạc. Họ chẳng rõ và cũng không quan tâm đến khái niệm lợi tức ở thì tương lai! Giá cổ phiếu Việt Nam không hàm chứa khả năng sinh lợi của doanh nghiệp. Tâm lý chủ đạo là bầy đàn và đám đông.

Hơn mười hai giờ đêm, cậu học trò đang được tôi hướng dẫn làm luận án thạc sĩ giành trả tiền. Nó cười trừ bảo rằng phải cỡ mươi bài báo như thế mới đủ nhuận bút trang trải bia rượu. Thằng này thẳng ruột ngựa nhưng thiếu tế nhị. Tôi đang giả vờ say nên bỏ qua. Giả vờ say là “bài tủ” của tôi. Tửu lượng rất cao nhưng tôi luôn biết dừng đúng lúc. Khi nào muốn rời khỏi bàn nhậu, tôi hơi gục đầu, vận công làm khuôn mặt tím tái. Tôi sẽ đẩy nước bọt chặn giữa họng trong khi co bóp mạnh cơ bụng. Màn cho chó ăn chè có kiểm soát và đầy ấn tượng sẽ khiến một trong những em út tiếc nuối đứng dậy hộ tống tôi ra xe.

***

Đến đầu ngõ, tôi nhót khỏi ghế, đóng sầm cửa và phẩy tay chào tài xế. Thật cực hình khi bị nhốt trong những chiếc hộp chung chạ gắn động cơ, nồng nặc mùi nước hoa khô.

Đêm yên tĩnh lạ lùng. Tôi ngồi hít những hơi thở mát lành trên chiếc ghế đá đặt ngoài vỉa hè trước nhà. Nửa tháng nay vợ ra nước ngoài thăm con du học, tôi bỗng được sống thoải mái tự do như thời thanh niên bay nhảy.

Óc tôi lâng lâng. Không lẽ rượu đã ngấm sâu vào máu? Trước mắt tôi mọi vật bỗng mờ mờ ảo ảo. Tôi dán cái nhìn chếnh choáng vào một khối hộp hình chữ nhật treo ở hàng rào sắt giả gỗ. Quái lạ! Nhà tôi không gắn thùng thư. Vậy thì tôi đang ngồi ở đâu?

Tôi lục túi. Cổng mở. Cửa mở. Tôi đang cầm chùm chìa khóa vạn năng? Chính xác là từ ngày lập gia đình tôi ít khi phải tự làm thao tác này. Ba tiếng chuông điện, còi xe máy hoặc xe hơi cực ngắn vang lên, sẽ có ai đó khẩn trương bước ra. Có thể là vợ tôi. Có thể là cô/bà osin nào đó. Cũng có thể là đứa con một được hết sức nuông chiều, luôn kể công vẽ trạng khi mở cửa cho bố. Dạo gần đây vợ tôi phải dùng một cô giúp việc còn trẻ vì tìm mãi không chọn được bà già nào thích hợp. Trước ngày xuất ngoại nàng tế nhị “đẩy” osin về quê nghỉ phép có lương, mong tránh trước những “lùm xùm” nhạy cảm.

Tôi vào bếp rửa qua khuôn mặt nhầy mồ hôi vương mùi cồn. Tôi muốn tỉnh táo một chút trước khi kiểm tra hòm thư lạ. Không chiếc chìa khóa nào trong tay tôi mở được nó. Nhìn qua ô kính nhỏ phía dưới thì chẳng có giấy má gì. Tôi tặc lưỡi tạm xếp thắc mắc lại. Tôi không rảnh đêm nay. Kế hoạch cần thực thi gấp của tôi là một số bài báo để tính điểm công trình khoa học bổ trợ. Tất nhiên tôi luôn viết bằng tiếng Việt. Tiếng Anh của tôi không tệ lắm, nhưng qui định đánh giá một nghiên cứu trên tạp chí Nature hay Science cũng chỉ bằng mấy tập san đầu ngành hoặc vài tờ báo lớn trong nước. Khát khao cháy bỏng của tôi là đổi chiếc bảng đồng nho nhỏ, khiêm tốn nơi cánh cổng vào thành “PSG – TS X” thay vì “TS X”. Tôi không dùng hòm thư là vậy. Thư từ, báo chí người ta gửi tôi đều có dòng “TS X”. Trong khu dân cư của tôi số nhà là thứ yếu. Chỉ cần thông tin “TS X” hay “GS TS Y” là người của bưu điện biết phải đến đâu, ngôi nhà có cây cau ta thẳng đuột hay cái vỉa hè làm dáng bằng hai chậu bông sứ to đùng.

Lại phải trích dẫn, chú nguồn. Tôi sục vào internet, vào cái trang google nổi tiếng. Một cô học trò cưng đã “bật mí” giúp tôi cách tra cứu này mấy năm nay. Tuy nhiên tôi luôn hạn chế sử dụng các đường link dưới bài viết. Đa phần link đều nói về cuốn sách nào đó, trang bao nhiêu. Tôi dại gì “sinh viên hóa” bài viết của tôi. Nếu không kiểm chứng được giữa sách in và internet, từ tủ sách của tôi hoặc thư viện trường, tôi mới dùng link.

Là tiến sĩ kinh tế, tôi nghiên cứu thị trường vốn. Bài báo về chứng khoán vừa qua sẽ được tiếp nối bởi các chi tiết về các sàn giao dịch vàng mới nổi khắp cả nước.

Nói nhỏ vói bạn đọc, vợ tôi và cậu quí tử đang “đánh” vàng ảo lẫn vàng vật chất xuyên lục địa. Nước Mỹ là đầu tàu kinh tế thế giới, dự trữ vàng của nó hơn tám ngàn tấn, so với sáu trăm tấn của Trung Quốc. Thị trường Mỹ quyết định giá vàng thế giới trong khi người Việt Nam đang… ngủ. Có một chân rết an toàn thức tại Mỹ là đứa con cưng đang du học, vợ tôi giữ lợi thế nhất định. Nàng không những buôn vàng cho mình mà còn làm đại lý chưa chính thức, thu tiền “xâu” bè bạn khi họ muốn giao dịch trực tuyến, bỏ qua những công ty lừa đảo đầy dẫy rủi ro trên mạng, hay các sàn giao dịch vàng vừa đá bóng vừa thổi còi. Đám này cũng có chiêu “rút dây điện” hệ thống máy tính mỗi khi lâm vào thế kẹt, y như anh chứng khoán.

Tôi cứ phân vân, có nên đi vào đúng tim đen của thị trường vàng Việt Nam, với kinh nghiệm gia đình tôi can dự, hay chỉ tung ra kiến thức mô phạm bàn giấy, để thiên hạ trầm trồ. Những biểu đồ rối rắm, các khái niệm chưa
được dẫn dịch phổ thông sẽ là cái bục tôi đứng lên và nhìn xuống. Cũng có lời mời viết bài quảng bá đây đó cho sàn vàng. Tôi không phải hạng ăn tạp. Tôi đề cao giá trị chỗ đứng và tên tuổi của mình.

***

Tôi ngủ quên tại bàn làm việc khoảng hai giờ sáng. Trong cửa sổ chat của vợ con có hàng chục tín hiệu buzz và những cái mặt ngoác cười. Thì ra hai kẻ ấy vừa thắng lớn. Kiểu này thằng bé lại xổ toẹt bài vở thì căng. Thôi kệ. Biết đâu sẽ hay. Nó sẽ là Bill Gate An Nam Mít.

Nắng vàng. Tiếng chổi lao công xao xác trong từng tràng chó sủa bụi. Hôm nay tôi chỉ có hẹn gần trưa, xe của một dự án tư vấn sẽ đến đón. Chợt nhớ cái hòm thư ngoài hàng rào, tôi ra ban công nhòm xuống. Ô hay… hôm qua tôi say thật rồi. Một cơn say hiếm hoi. May mà tôi chưa nhắn tin hỏi vợ xem ai gắn hòm thư, để nàng có cớ mắng yêu tôi là tiến sĩ “ngộ”, như đã từng làm khi tôi góp ý vào việc buôn vàng của mẹ con nàng. Nàng có lý. Nàng không đánh bạc, thi thoảng nàng chỉ tát nước theo mưa, mua mua bán bán một ít vàng vật chất theo cảm tính. Thu nhập chủ yếu của nàng nằm ở công đoạn môi giới.

Chiều tôi có giờ trên giảng đường. Tôi bỏ bữa sáng cả tuần nay, phần vì lười, phần vì lưng quần đã chật hơn. Là thầy giáo, tôi có bí quyết “giữ eo” và luôn ra mặt coi thường những cái bụng bia của các “quan”. Theo “lịch” từ đây đến cuối tuần tôi sẽ không ngồi xuống bàn nhậu nào nữa. Thế hệ của tôi học càng cao, chức càng lớn thì tỉ lệ lạm dụng nước uống có cồn càng tăng. Mới trung niên mà hậu quả đã âm ỉ, không ít kẻ bắt đầu đái tháo đường, suy giảm chức năng gan.

***

Đầu tuần. Một cuộc tiếp khách không quá trễ, có bia rượu gây hứng chứ không phải nhậu nhẹt. Tôi say sắc. Cô học trò thân thiết thủa nào tình cờ gặp lại líu lo suốt. Sau rốt nàng nài tôi đi uống cà phê bằng được. Quán lung linh ánh nến. Chiếc dương cầm cũ mèm, tiếng đã vỡ, đệm cho mấy tay đàn dây điệu nghệ. Tôi ngáp bù hai lần trong nhà vệ sinh. Tôi thầm ước phải chi đây là một chiếu đờn ca tài tử ngoài trời thông thoáng, dưới ánh trăng. Nó thật cụ thể, giản dị và dễ hiểu, như bao nhiêu người Việt Nam dù đã nếm đủ cao lương mĩ vị, vẫn luôn động lòng trước “Canh rau muống, cà dầm tương”.

Trên chiếc xe tay gas yên liền, hương tóc thanh xuân làm tôi xao xuyến. Đụng chạm da thịt, dù qua mấy lần vải, vẫn dậy lên hân hoan bối rối. Mắt nàng khi tạm biệt ánh lên sự tha thiết và lời hẹn tái ngộ.

“Tình là cái chi chi?” Tôi đang triết lý trên ghế đá thì tri giác quay ngoắt về thực tế kì dị. Cái hộp thư say rượu hôm nào lại hiện ra, trêu ngươi bên hàng rào.

Tôi sờ vào nó. Cảm giác thô ráp rất thật. Ổ khóa chìm bằng đồng đã mất. Tối um con mắt chột bí hiểm.

Một mảnh giấy bạc màu thời gian gói chiếc chìa khóa rỉ xanh hạ mình nằm cuối góc hòm thư. Trong ánh sáng chan hòa của phòng làm việc, tôi bàng hoàng nhận ra mảnh giấy ấy từng báo tin tôi đậu đại học cách đây hơn hai mươi năm. Địa chỉ rành rành: thôn… ấp… xã… tỉnh…

Một giấc mơ thôi mà. Tôi quay lại với bài báo đang thiếu phần kết.

Sự bất lực thật rách việc. Tôi thấy kinh tế học vừa mang yếu tố xã hội, vừa cần các chuẩn mực khoa học. Phải chi tôi đi theo con đường thuần nhân văn. Nhà văn chẳng hạn. Thật là nhẹ nhõm và dễ dàng. Xã hội chuộng sex ư? Sẽ có những tiểu thuyết, tập truyện ngắn mô tả cảnh làm tình y như phim con heo ngay trước bàn thờ tiên tổ. Thích phi chuẩn hả? Trào lưu phóng sự – tự sự đồng tính luyến ái lên ngôi ngay. Muốn lấy nước mắt của bà con chăng? Bút ký là thể loại ưa dùng. Bi lụy vào. Hư cấu lắt léo. Phải nhìn xã hội tăm tối hơn truyền thống “Tắt đèn”. Ác nghiệt ngầm thì thêm ít đạo đức giả trong một vài ngữ cảnh tuyên ngôn, vẽ vời lối thoát phi thực tế, sáo mòn và cũ rích.

Thi nhân cũng được, dễ nổi tiếng nhất. À không, không hợp với tôi. Tôi vốn ít nói mà thi sĩ của công chúng cần tràng giang đại hải. Họ cần khả năng tự thoại, tự đề cao mình. Họ có mánh khóe chiếm diễn đàn để thao thao bất tuyệt, để dối trá không chớp mắt, để bịa chuyện gà vịt thành giai thoại, huyền thoại.

Có lần tôi lạc vào một bàn nhậu của văn nghệ sĩ. Tất cả họ dường như thiên bẩm là những mầm non lãnh tụ. Trái gió trở trời họ mới dọn đến phường bán chữ. Tay nhà văn nọ bảo viết xong một truyện ngắn, cảm giác mê li khó tả, sướng hơn ân ái rất nhiều. Gã nhà thơ trợn mắt nói hằng ngày hắn “ân ái” cả tập lục bát mấy chục bài. Ông tiểu thuyết gia gật gù, không tin mình lãnh cảm, không tin nhà thơ yếu sinh lý!

***

Chiều, vị trưởng ban biên tập một tờ báo tên tuổi gọi tôi, khen nức nở bài mới. Họ đã nhờ chuyên gia lão làng thẩm định. Tôi thầm cười khẩy. Mấy ông ấy chỉ được cái tên. Họ thuộc về hệ giá trị cũ, cần thay đổi. Họ nghèo rớt mùng tơi thì lấy đâu ra kinh nghiệm thực tế với vàng, với bạc, với đô la.

Tối, vợ tôi điện thoại nhắc nhở đừng quên rạng sáng mai ra sân bay đón nàng. Nàng kể lể liên tu bất tận đủ chuyện trên trời dưới bể. Tôi khuyên nàng cẩn thận, các đợt sóng và
ng thời buổi kinh tế bất ổn tiềm tàng quá nhiều rủi ro. Nàng bảo tôi ở trên mây. Sóng càng to, biến động càng nhiều khách hàng càng cay cú, càng mong ăn dầy nên dễ chết đứng. Nàng chỉ ngán những lúc quang mây tạnh gió, giá cả vật vờ như chết trôi. Tôi à ừ cho xong. Cúp máy rồi tôi mới nhớ vợ chồng chưa kịp trao đổi về con cái và việc học của nó.

Tối muộn, bà dì vợ eo éo thổi vào tai tôi lời trách ăn ở lộn xộn. Vợ tôi đã nhờ dì ấy đều đặn dẫn osin riêng qua dọn dẹp, lau nhà, tưới cây… Họ có một chùm chìa khóa riêng. Họ tuân thủ đúng lời dặn chớ chạm vào một hạt bụi trên bàn làm việc của tôi. Dì phân trần chỉ có cái kho trên sân thượng là dì chưa rớ đến vì chẳng có chìa khóa. Tôi tự hỏi kho nào nhỉ?

Những bậc cầu thang lát đá lạnh lẽo dẫn tôi khám phá ngôi nhà của chính mình. Quả thật, gian thờ thoáng đãng tựa lưng vào một căn phòng lạ. Ổ khóa đồng rất to. Hai khoen sắt thủ công kệch cỡm. Các bản cửa không sơn. Rãnh vân gỗ nứt thành khe hoặc nẻ đều.

Tất cả chìa khóa ngôi nhà mà vợ tôi bàn giao trước khi đi Mỹ đều không mở được căn phòng ấy, trừ cái anh rỉ xanh trong hòm thư ma quái. Bản lề kèn kẹt. Mùi mốc lưu cữu xộc ra. Bóng đèn dầu ám muội than, tù mù hắt chùm tia sáng hình như được thắp lên từ kiếp trước. Tôi đang đứng giữa một bảo tàng thu nhỏ vừa quen vừa lạ.

Bốn phía tường treo đầy nông cụ trong trật tự đẹp mắt và hợp lý. Hai ba cái thưng đong lúa đủ cỡ quây quần. Một chùm phảng phát cỏ chụm lại như cánh hoa. Xâu nọc cấy lúa nâu bóng tì vết cầm nắm. Cọc thẻ chấm công, dần công tưởng đã kết hẳn vào nhau. Sợi tời trâu bò to tròn phơi lủng lẳng hàng chục lưỡi hái hình liềm trăng đầu tháng. Vài chiếc leng, chiếc lĩa, chiếc giá khỏng khoeo như đang bị treo cổ, hành hình.

Giữa phòng, sau khi chừa đủ lối đi quanh là một bộ cộ trâu gỗ bằng lăng chịu nước, hai vòng trượt cong cúp đeo theo đôi càng cứng cáp, tựa xuống nền gạch tàu mòn lõm. Cuối phòng, áp sát tường có cỗ ván căm xe bốn mảnh dày cui, lên nước đen bóng. Tất nhiên còn một chiếc bàn bốn chân đóng bằng cây tạp ở góc phải, nơi những cái đèn dầu kề vai góp lửa.

Hộp đồng hồ cổ vô hình nào đó, ở một chỗ nào không rõ trong phòng vẫn lạch cạch gõ nhịp. Bing boong… bing boong… bing boong… bing boong… Thanh âm cộng hưởng đầy bồi nhiễu nhưng vẫn lạnh toát.

Tôi giật mình. Bốn giờ sáng rồi. Tôi không chạy trốn viện bảo tàng gia đình. Tôi phải thay quần áo thật nhanh, gọi taxi thật gấp đi đón phu nhân của mình.

***

Đầu óc lẫn lộn. Tôi chẳng thèm để ý đến mùi mồ hôi gây gây pha nước hoa khô đậm đặc, luôn làm tôi ngạt thở trên những chiếc taxi của thành phố này. Qua khung kính mờ sương, chiếc hòm thư còn nguyên đó, vẫn nhìn tôi bằng con mắt chột sâu hút, đen ngòm, không đáy. Tài xế mang dáng dấp nông dân nhập cư. Anh chưa kịp tắt cuộn băng vọng cổ rên rỉ ngợi ca, đánh đồng nghèo khổ với đức hạnh của đôi trai gái quê mùa nào đó. Cũng có thể anh đã giảm âm lượng tối đa, tế nhị mời gọi người khách đầu ngày chia sẻ nỗi lòng khuya khoắt.

Trong ánh sáng ban mai, bên cạnh người vợ rực rỡ vừa về từ xứ cờ hoa, mọi trật tự quanh tôi bỗng tái lập như cũ. Hàng rào sắt giả gỗ không còn đeo ôm hòm thư bí ẩn. Chiếc chìa khóa rỉ xanh có lẽ đã lặn sâu vào túi quần. Miếng đồng khắc dòng chữ “TS X” ngạo nghễ và láu cá hắt tia nắng sắc lẹm ra con đường nội bộ rộng rãi, đầy cây xanh bóng mát.

Vừa vần hai valy hành lý to đùng của vợ vào nhà, tôi vừa nghĩ không nên kể với cô ấy câu chuyện khó tin vừa qua. Nàng là dân phố thị ba đời. Con tôi không bị đẻ rơi bên bờ ruộng, chẳng mấy khi về quê nội. Họ san xớt được, hay lại làm tôi chết chìm trong nỗi tự ti, trong niềm tin về con người tôi muốn xã hội này sẽ thấy nơi tôi.

Thảo Điền

9.2008

(Đúng 3000 chữ, như dự định)

Blast:


Bùn quê giắt kẽ móng tay

Em ra phố thị đi cày kiếm cơm

Hồn quê vừa sạch vừa thơm

Nhưng sen thiếu gốc nhưng rơm mưa dầm…

Truyện ngắn DẠ KHÚC VEN RỪNG

4 Comments

Chiều nay, khi đang viết 1 truyện ngắn về kinh tế nóng hổi, dự định 3000 chữ thì BTV Báo VN TPHCM báo lúc nào rảnh ghé qua lấy nhuận bút truyện ngắn Dạ khúc ven rừng. “Sản nghiệp” của tôi chỉ mới 23 truyện ngắn, hơn 40 ngàn chữ, nhưng thú thực tôi không “yêu” những đứa con đầu lòng lắm. Chúng dở, và sến… Nhưng thôi, tặt lưỡi vác vào blog, xem như lưu trữ, xem như mời bạn đọc “lót dạ” trước khi dùng món mới trong vài ngày tới.

Dạ khúc ven rừng

Truyện ngắn của Trương Thái Du

1. Nỗi cô đơn dần trở thành cô độc, úa chín trên những nhánh ngày vàng vọt. Từng chiều, từng chiều mất hút trong đêm để lại vĩ thanh sau gót lá. Lại một mùa thu khắc khoải trở về.

Anh bật dậy như muốn bứt khỏi giấc ngủ ma quái, chập chờn nuối tiếc. Ngoài kia sương dày quá. Âm u trong gió tiếng ngàn thông, hay lời thầm thì của tháng năm còn dang dở? Chẳng biết tự bao giờ đêm mới thật sự là niềm háo hức của anh.

Anh đến bên chiếc đàn dương cầm và rướn người đẩy tung hai cánh cửa sổ. Hơi lạnh ùa vào. Những cánh hồng nhung len lén rùng mình nạp đầy sinh khí. Hình như hoa cũng có giác quan. Nó biết rằng mình ra đời trên gốc hồng già cỗi, xù xì gai góc mà cô ấy và anh đã ươm nơi góc vườn. Hôm đó Đà Lạt chìm dưới cơn mưa, sau một mùa hạn kinh hoàng, khô cháy cả những triền rừng bên đèo Prenn.

Em đừng chơi bài này. Buồn lắm!

Anh lấy quyển “Vĩnh biệt” trên tay nàng, vờ giấu sau lưng. Một sợi tóc khe khẽ quăn, vô tình dính vào trang sách. Sau này, mỗi lần giở đến đấy anh đều lo nó sẽ mất đi lúc nào không rõ.

Anh kéo cô đến thật gần, để cùng hướng mắt về hồ Xuân Hương khô kiệt.

Anh chưa biết trái tim Đà Lạt đẹp như thế nào phải không? Mai anh và em sẽ xuống lòng hồ in dấu chân làm kỷ niệm. Em luôn muốn lưu lại bóng hình mình ở đâu đó. Gốc thông chẳng hạn. Nhưng đừng ép em ở trong một giai điệu buồn. Điều đó tốt hơn cho anh.

Anh chiều lòng cô, cất quyển nhạc vào đáy tủ.

2. Sương đã ùa vào kín cả căn phòng. Tiếng vách gỗ trở mình thao thức. Anh lẫn vào sương như một thực thể vô định hình.

Chiếc “dương cầm ma” hiệu disklavier luôn đúng hẹn. Bản Dạ khúc vĩnh biệt cung đô thăng thứ của Chopin cất lên. Vầng sáng dìu dịu. Chẳng phải trăng đâu. Nàng đấy thôi. Tình yêu. Ảo ảnh. Nàng không thật nhưng vẫn hiện hữu. Nàng tựa vào đàn và đưa cánh hồng lên môi. Hương thoang thoảng, trong lành và linh khiết quá.

Hàng phím nhảy nhót, tuồng như những ngón tay nàng chưa thành tro bụi. Chẳng có gì khó tin. Anh đã thu rất nhiều bản nhạc nàng chơi trên chính chiếc dương cầm này. Hệ thống cơ điện trong thùng đàn nối với máy tính, và lưu trữ lại trong tập tin midi.

Nàng yêu biển, một tình yêu không thể sẻ chia. Nàng quen với tiếng sóng khi còn nằm trong bụng mẹ. Gió biển hanh hao đã nâng niu tiếng khóc chào đời của nàng. Vậy mà nàng lại chết duyên cùng rừng.

Vượt qua cảnh báo, anh vẫn xây cho nàng một ngôi nhà bằng giai điệu ở đây, ven rừng. Hằng đêm anh cứ nghe ngóng cánh cửa chẳng bao giờ khóa. Anh hiểu, chỉ khi ấy anh mới được sống với chính anh, bên nàng.

Phần đệm trầm ấm, khoan thai nhịp chèo khỏa nước. Nhẹ. Vang vọng, thẩm thấu vào sự vô cùng của đêm tối. Lời ca lướt múa trong vũ điệu ánh sáng. Chiếc áo mỏng manh màu hoàng yến thời gian tung lên, bay bay ẩn hiện như lân tinh.

3. Anh có sở thích lạ lùng là đi dạo trong nghĩa trang, đọc văn bia mộ chí. Anh thường đứng lâu hơn trước những người chết trẻ, để suy nghiệm về lẽ sống.

Anh gặp nàng giữa nghĩa trang Du Sinh. Ngôi mộ mới tinh, giản dị. Ánh mắt nàng trên mặt đá cẩm thạch ấm và thực. “Nguyễn Ngọc L… Năm sinh… Nguyên quán…” Không có ngày mất. Nhiều chân hương mới cắm cạnh bụi thạch thảo cuối mộ. Anh cúi xuống nhổ vài mầm cỏ dại.

Cảm ơn anh – Một gọng nữ trầm buồn sau lưng.

Anh xuýt bật ngửa. Nàng mặc bộ đồ đen khá rộng, tóc bồng bềnh tựa sóng mây. Cứ như nàng vừa bước ra từ tấm bia.

Đây là nơi yên nghỉ của chị em sinh đôi với cô chăng?

Tôi là con một.

Xương sống anh lạnh toát.

4. Con đường lên nhà nàng rất dốc, đá cuội to nằm chen giữa đất đỏ. Mưa hay nắng đều nguy hiểm, xảy chân là rơi xuống huyệt ngục. Đứng ở vách núi bên kia sẽ nhìn thấy căn gác cheo leo, ẩn khuất vào tán thông, không khác một tổ chim bồ câu.

Toàn cảnh Đà Lạt thật ấn tượng!

Tuần nào cũng có ít nhất một cây thông trong tầm mắt em ngã xuống. Em hóa hồn chúng vào bầy hạc trắng đang bơi trên nắp đàn.

Ma túy như cơn bão hoang đàng, đã quét qua thôn xóm bình yên bên bãi biển của nàng. Mẹ nàng và cha dượng dắt díu nhau cùng căn bệnh aids xuống mồ cát ba năm rồi. Có lẽ một trong những chiếc kim tiêm oan nghiệt tung toé khắp xóm, từng vô tình cắm vào đôi chân thiếu nữ ham nhảy nhót của nàng.

Hai mươi tuổi, chưa ấm chỗ ngồi trên giảng đường Cao đẳng sư phạm ngành nhạc họa, nàng nhận được bản án tử hình. Bình tĩnh đến lạnh lùng, nàng bán tống bán tháo tài sản thừa kế và dọn hẳn lên Đà Lạt.

Nàng mua căn nhà gỗ dựng trái phép trong rừng, bằng giấy tay. Ngôi nhà vĩnh cửu ngoài nghĩa trang Du Sinh nàng chỉ định chôn mái tóc của mình. Mai này, nàng muốn được hỏa thiêu, rắc tro xuống suối để lần về với biển, với tuổi thơ bên bờ cát miền trung dằng dặc nắng nhiệt đới.

5. Dù lãng tử cách mấy, anh cũng chỉ có thể lên thăm nàng mỗi cuối tuần. Nổ máy xe Honda, sau đúng sáu tiếng anh mới thấy rừng thông của nàng. Lúc nào phép trừ trên đồng hồ cây số cũng là 295 km. Nàng luôn bảo anh đừng dại dột xao lãng tương lai vì nàng, nàng đau lòng lắm. Anh đã hứa sẽ công tác bình thường và gắng chu toàn hậu sự cho nàng.

Nàng chỉ cho anh ghì thơm lên hai má và vầng trán. Những nụ hôn trinh bạch trong như sương. Sự nhạy cảm của nó đo được cả tốc độ xuống sắc tuần qua tuần, trên làn da nàng.

Lần cui chia tay, anh quá chủ quan dù đã nghe người nàng hâm hấp sốt. Hình như nàng biết điển cố “Thà nép mày hoa, thiếp phụ chàng” của Lý phu nhân. Nàng không mặc áo ấm trong mùa đông Đà Lạt mười độ bách phân. Năm ngày sau nàng nhập viện, viêm phổi cấp, hôn mê sâu.

Anh đến chậm.

Chỉ có báo lá cải và những tin đồn hiế
u k khắp Đà Lạt rất nhanh nhẩu. Họ bảo nàng là một giai nhân từng lưu lạc đời Kiều qua Campuchia từ năm mười lăm tuổi, rồi sẵn sàng chung đụng với bất cứ gã xe thồ nào giữa phố núi để có nửa tô cháo ở chợ âm phủ. Đắp tấm chăn mỏng, nàng nằm bất động, queo quắt trong góc phòng. Thiên hạ nườm nượp vào xem. Không ít người đã nhỏ nước mắt và hào phóng ném vài tờ bạc lẻ xuống bậu cửa, thiện ý mong góp mua cỗ quan tài tử tế.

Không ai biết tiền mặt và tài sản còn lại của nàng là hơn hai mươi lượng vàng, trong đó cây đàn dương cầm Yamaha dòng Disklavier chiếm già nửa. Anh đã trao hết cho một quĩ từ thiện.

6. Cõi tạm xin chào

ta đi nhé

Thiên thu sến sáo

khóc làm chi

Bên đồi,

thông đứng tay giang gió

Em cười

chúm chím một mầm xanh.

Anh khắc đá câu thơ nàng làm sẵn cho mình, và đặt nó bên trái tấm bia “Nguyễn Ngọc L.”. Đều đặn tháng tháng, dù nắng hay mưa người ta vẫn thấy một gã trung niên nét mặt hân hoan như kẻ trở về, bước đến ngôi mộ phủ tím hoa thạch thảo.

Người Đà Lạt nói chung có truyền thống huyền thoại hóa những những mối tình nhàn nhạt, trong lời kể buông tuồng, thê thiết, nhiều khi thiếu lôgic đến ngớ ngẩn.

Em nói về “Đồi thông hai mộ” hay “Hồ than thở”?

Từng mảng rừng thông cứ trống trải dần. Chẳng còn lại bao nhiêu cây ra đời trước khi có thành phố này. Sẽ đến một ngày người ta giết hết thông, dành đất cho trùng trùng những dãy nhà ống, nhà ngang lởm chởm mái bằng, nóc ngói. Suối Cam Ly đã trở thành miệng cống lộ thiên nặng mùi. Hoa Cúc quỳ hoang dại, xác xơ soi bóng xuống dòng nước đen.

Dẫu hoàn toàn bất lực trước bất cứ cơn bệnh nhiễm trùng xoàng nào; dẫu cơ thể đã héo kiệt mọi mầm kháng nguyên kháng thể, nàng vẫn đau đáu nghĩ về màu xanh xung quanh mình. “Hãy nhón một nắm tro nơi ngực em, rồi bón vào gốc cây thông non nào đó giữa đèo Prenn!” – Sợ anh quên, nàng nhắc đi nhủ lại bao lần.

7. Sương đã ùa vào kín cả căn phòng. Tiếng vách gỗ trở mình thao thức. Anh lẫn vào sương như một thực thể vô định hình.

Chiếc “dương cầm ma” hiệu disklavier luôn đúng hẹn. Bản Dạ khúc vĩnh biệt cung đô thăng thứ của Chopin cất lên. Vầng sáng dìu dịu. Chẳng phải trăng đâu. Nàng đấy thôi. Tình yêu. Ảo ảnh. Nàng không thật nhưng vẫn hiện hữu. Nàng tựa vào đàn và đưa cánh hồng lên môi. Hương thoang thoảng, trong lành và linh khiết quá.

Hàng phím nhảy nhót, tuồng như những ngón tay nàng chưa thành tro bụi.

Nàng yêu biển, một tình yêu không thể sẻ chia. Nàng quen với tiếng sóng khi còn nằm trong bụng mẹ. Gió biển hanh hao đã nâng niu tiếng khóc chào đời của nàng. Vậy mà nàng lại chết duyên cùng rừng.

Vượt qua cảnh báo, anh vẫn xây cho nàng một ngôi nhà bằng giai điệu ở đây, ven rừng. Hằng đêm anh cứ nghe ngóng cánh cửa chẳng bao giờ khóa. Anh hiểu, chỉ khi ấy anh mới được sống với chính anh, bên nàng.

Phần đệm trầm ấm, khoan thai nhịp chèo khỏa nước. Nhẹ. Vang vọng. Thẩm thấu vào sự vô cùng của đêm tối. Lời ca lướt múa trong vũ điệu ánh sáng. Chiếc áo mỏng manh màu hoàng yến thời gian tung lên, bay bay ẩn hiện như lân tinh.

Thung lũng Đa Thiện,

Đà Lạt 1998 – 2006.