Ký ức về Mã Viện ở miền Bắc Việt Nam
![]() |
![]() Bìa tập sách Opusculum de Sectis apud Sinenses et Tunkinenses
|
Nhan đề tập sách có thể dịch ra tiếng Việt là: “Một luận thuyết nhỏ về những giáo phái của người Hoa và Đông Kinh”, dày 359 trang.
Đây vốn là ghi chép của linh mục người Ý, Adriano di St. Thecla (1667 – 1765), người sống gần 30 năm ở miền Bắc Việt Nam trong thế kỷ 18.
Khi đang là nghiên cứu sinh của ĐH Cornell với luận án về Liễu Hạnh, bà Olga Dror tình cờ tìm thấy cuốn sách trong một kho tư liệu tại Paris.
Bài giới thiệu đã gây tranh luận và ngạc nhiên cho nhiều độc giả.
Để cung cấp thêm thông tin về quyển sách, dưới đây là phần viết về việc tìm kiếm dấu tích Mã Viện ở miền Bắc Việt Nam.
Phần này là của Olga Dror, dịch giả của cuốn sách, trích trong phần giới thiệu tác phẩm.
Olga Dror hiện đang giảng dạy ở Khoa Lịch sử, Đại học Texas A & M University.
Một trong những điểm đáng chú ý nhất trong chương viết về các vị thần là khi Adriano di St. Thecla đánh đồng Mã Viện với Vua Bạch Mã.
Mã Viện là một trong những viên tướng nổi tiếng của nhà Hán, được gửi đến khu vực mà nay là miền Bắc Việt Nam để chinh phục cuộc nổi dậy của Hai Bà Trưng năm 42 – 44. Cuộc nổi dậy này được lịch sử Việt Nam xem là một sự kiện vinh quang trong lịch sử tranh đấu lâu dài chống ngoại xâm. Mã Viện đã không chỉ đàn áp được cuộc nổi dậy mà còn thiết lập nền tảng cho sự cai trị của nhà Hán. Khi quay về Trung Quốc năm 44 sau Công nguyên, ông đươc xem như là anh hùng của đế chế. Chiến dịch của ông được mô tả trong nhiều biên niên sử của Trung Quốc và Việt Nam, đặc biệt là trong Đại Việt Sử Ký Toàn Thư – đây là tập sách mà Adriano di St. Thecla đã dựa vào để kể lại trong bản thảo của ông.
Vua Bạch Mã, được Adriano di St. Thecla nhắc đến trong mối liên hệ với Mã Viện, là Thành hoàng của Hà Nội. Truyền thuyết về vị này được tìm thấy trong quyển Việt Điện U Linh Tập, do Lý Tế Xuyên tập hợp vào thế kỷ 14. Ở đó, ông xuất hiện với cái tên Long Đỗ, và truyền thuyết về ông liên quan đến Cao Biền, vị quan thời Đường trấn thủ ở miền Bắc Việt Nam thế kỷ 9. Theo truyền thuyết, khi Cao Biền sai đắp thành Đại La, bỗng thấy một dị nhân cưỡi rồng bay lượn trên mặt thành. Cao Biền định dùng bùa phép trấn yểm đi, nhưng thấy đồ bùa phép đều bị sét đánh nát vụn. Thấy mình không thể vượt qua vị thần thiêng này, Cao Biền quyết định quay về Trung Quốc.
Sau đó, truyền thuyết này được trau chuốt thêm và vị thần có một tên mới, Bạch Mã.
Câu chuyện mới như sau: khi vua Lý Thái Tổ (1009 – 28) dời đô về thăng Long, cho tu sửa thành Đại La nhưng công việc mãi không xong. Vua sai người vào đền cầu đảo, trong chỗ lát thấy một con ngựa trắng từ trong đền ra, đi khắp một vòng quanh thành, đến đâu có vết chân để lại đến đấy. Vua sai theo vết chân ngựa trắng mà đắp, quả nhiên thành xây xong.
Truyền thuyết này rõ ràng có ảnh hưởng Ấn Độ, vì biểu tượng con ngựa trắng có vị trí quan trọng ở Ấn Độ từ thời cổ ở cả trong khu vực tôn giáo (người Bà La Môn thờ ngựa trắng) và khu vực nhà nước (lễ vẽ đường biên giới của một nhà nước đi theo vết chân của một con ngựa trắng). Có thể ảnh hưởng Ấn Độ đã vào khu vực này thông qua người Chăm (vì một số lượng đáng kể người Chăm đã định cư ở các vùng gần Hà Nội sau khi xuất phát từ khu vực miền Trung và đem theo văn hóa Hindu) hoặc thông qua ngả Trung Quốc (vì cái tên ‘Bạch Mã’ nổi tiếng tại đó; ví dụ, ngôi đền nơi vua Hán Minh Đế của nhà Hậu Hán (58 – 76) còn giữ một bản kinh của Siddhartha Gautama từ Ấn Độ và nơi đây được đặt tên là Đền Bạch Mã). Ngôi đền thờ Bạch Mã tại Hà Nội đặt ở số 76 Hàng Buồm.
Mới nhìn qua, lời nói của Adriano di St. Thecla rằng “Vua Bạch Mã, một tướng thái thú có tên Mã Viện, có danh tiếng vang rền” dường như là một sai sót hiển nhiên của một người không rành thực tế Việt Nam và bị nhầm lẫn vì từ mã (ngựa) xuất hiện trong cả hai cái tên. Tuy nhiên, kết luận như thế thì vội vã. Cần ghi nhận rằng Adriano di St. Thecla không phải là người duy nhất xem Bạch Mã và Mã Viện cùng là một nhân vật.
Một nhà du hành người Trung Quốc, Trịnh Tuấn Am, đến thăm Đông Kinh trong thập niên đầu tiên của thế kỷ 18, đã viết như sau trong ghi chép của ông:
“Ở khu Hà Khẩu (phố Hàng Buồm hiện đại thuộc về khu này) của thủ đô, có một ngôi đền Bạch Mã, và người ta bảo rằng tại đó người dân tưởng nhớ cầu chuyện về vị tướng Phục Ba Mã Viện, thuộc thời nhà Hán. Tôi vừa đến Nam quốc và không biết gì hết, vì thế tôi cũng tin đó là thật. Và khi tôi đến đền để đọc các bia, tôi thấy viết ở đó rằng linh hồn của Phục Ba, người thuộc thời nhà Hán, được thời phụng để cầu an cho đất nước và bảo vệ người dân. Tuy nhiên, không rõ từ khi nào ông được thờ phụng ở đó, nó bắt đầu thế nào và từ triều đại nào. Chỉ thấy điều sau đây ghi lại trên bia:
Viết trong mùa thu năm Đinh Mão ở niên hiệu Chính Hòa (1687); ngôi đền được xây từ lâu lắm; các nóc và cột bị hư hại; các thương nhân từ Trung Quốc, như Chiêm Trọng Liên, đã tụ họp người dân, quyên tiền, và thuê người phục hồi, vì thế nay ngôi đền lại tươi đẹp như mới.
Tôi đánh bạo mà nghi ngờ về việc rằng Phục Ba, họ là Mã, cũng được gọi là Bạch Mã. Đâu là lý do cho điều này?”
![]() |
![]() ![]() Trịnh Tuấn Am, viết trong thế kỷ 18
|
Vào mùa thu năm Giáp Ngọ (1714), Trịnh Tuấn Am đi điều tra chủ đề này, và khi tìm kiếm, ông gặp cuốn sách Việt Điện U Linh Tập. Ông ngạc nhiên thấy rằng trong sách này chỉ có nhắc tới truyền thuyết Bạch Mã mà không liên quan gì đến Mã Viện. Những trò chuyện của Trịnh Tuấn Am với người lớn tuổi không cho ra thêm thông tin nào mới, vì thế ông ức đoán rằng những người di dân Hoa kiều đã hiểu sai về ngôi đền và xem Bạch Mã cũng là Mã Viện và vì thế thờ ông.
Trịnh Tuấn Am kết luận rằng Mã Viện và Bạch Mã là hai người khác nhau và bày tỏ e sợ rằng cái sai lầm này sẽ kéo dài vĩnh viễn.
Ta có thể thấy sự lo xa của Trịnh Tuấn Am không hoàn toàn vô lý, bởi vì bức tượng Mã Viện còn để trong ngôi đền này cho đến thời gian gần đây, như mô tả của Vũ Đăng Minh và Nguyễn Phú Hợi trong cuốn Temples et pagodes de Hanoi (1956). Dường như không biết về lịch sử lẫn lộn lâu đời giữa Bạch Mã và Mã Viện, họ quy sự có mặt của Mã Viện trong ngôi đền là vì “trong thời gần đây, người Hoa, không biết đến truyền thuyết Bạch Mã, đã biến đền thành đền của Mã Viện vì họ thấy trong chữ Mã có họ của viên tướng nhà Hán.” Như hai tác giả này đặt giả thiết, việc người dân thờ Mã Viện trong đền Bạch Mã có thể quy cho là vì sự hiểu nhầm và thiếu kiến thức lịch sử hay huyền thoại Việt Nam của cộng đồng người Hoa, và do lẫn lộn ngôn ngữ.
Nhưng tôi sẽ thử mở rộng việc giải thích bằng hai khả năng sau đây.
Đầu tiên, theo một nghiên cứu hiện đại (cuốn Đường phố Hà Nội của Nguyễn Vĩnh Phúc và Trần Huy Ba), “bắt đầu từ thế kỷ 17, Hoa kiều được cho phép sống ở Thăng Long, và họ tập trung ở nhiều con phố, trong đó có phố Hàng Buồm. Đây là nhắc đến sự gia tăng giao thương giữa Đông Kinh và Trung Quốc trong thế kỷ 17, khiến nhiều thương nhân người Hoa định cư ở Hà Nội. Nhưng trước đó đã có một cộng đồng Hoa kiều ở Hà Nội trong nhiều thế kỷ.
Có thể nghĩ rằng người Hoa ở Hà Nội đã bắt đầu thờ Mã Viện như một anh hùng Trung Hoa đã đưa văn minh và quyền lực Hán vào đất nước nơi họ nhập cư. Do khu vực này của thành phố chủ yếu là người Hoa, có thể giả thiết rằng những người định cư mới đến đã lấy các ngôi đền có sẵn và đưa vào các vị thần mà họ tôn thờ. Tuy nhiên, vì vẫn luôn là một thiểu số, họ không dám trục xuất vị thần Bạch Mã ra khỏi đền thờ, mà lại hợp nhất cả hai vị.
Giả thuyết thứ hai của tôi là người được thờ đầu tiên tại đền này không phải là Bạch Mã, mà chính là Mã Viện.
Khi vương quốc Việt Nam phát triển trong thế kỷ 11, ngôi đền mới được chuyển sang để thờ Bạch Mã. Giả thuyết này có thể được hỗ trợ bởi việc Thăng Long đã tồn tại dưới cái tên Đại La từ trước khi Lý Thái Tổ dời đô về đây trong thế kỷ 11. Ngoài ra, khi thái thú Cao Biền được gửi đến để bình định vùng này trong thế kỷ 9, ông đặt thủ đô tại đây. Có thể giả định rằng ông đã củng cố tục thờ có sẵn từ trước dành cho viên tướng tiền nhiệm Mã Viện, hoặc thậm chí lập ra tục thờ nếu nó không tồn tại từ trước. Theo Việt Điện U Linh Tập, Mã Viện đã hiện ra trước Cao Biền trong một giấc mơ khi Cao Biền đang ở Đại La. Tục thờ Mã Viện có thể đã mở rộng do sự áp đặt từ trên xuống.
![]() |
![]() ![]() Olga Dror
|
Mặt khác, tục thờ cũng có thể được phát triển bởi chính người bản địa, vì Mã Viện đã đem lại một số đổi thay tích cực vào Việt Nam vào đầu thiên niên kỷ thứ nhất sau Công nguyên, khi ông tái tổ chức xã hội và thiết lập trật tự mà khi đó đang thiếu. Theo Philippe Papin, trong quyển Histoire de Hanoi, thì:
“Bên cạnh những viên chức và người định cư Trung Quốc, ông đã tuyển mộ nhân viên địa phương, những người có quyền lực được tăng lên trong sự giám hộ của Trung Quốc. Một số trong đó có thể lên chức cao hơn. Trong các thế kỷ tiếp sau, người Hoa và Việt chung sống với nhau. Chia sẻ cùng quyền lợi, các gia đình hòa nhập, khiến có lợi cho việc kết hợp các tín ngưỡng và kiến thức văn hóa. Vì thế, một giai tầng tinh hoa Việt – Hoa được thành lập mà nhờ đó, một không gian nhỏ thống lĩnh ở đồng bằng sông Hồng đã trở thành một thủ đô uy tín.”
Sau đó, với việc thành lập một chế độ quân chủ Việt Nam độc lập, có thể Mã Viện đã không còn được ưa thích, hoặc có thể việc thờ phụng vị thần này bị kìm nén, và vì thế huyền thoại Bạch Mã được đưa vào để thay thế vị trí trước đây của Mã Viện. Để gắn kết một uy quyền lớn hơn cho Bạch Mã, huyền thoại này đã kết hợp với một vị thần khác (Long Đỗ) được cho là có sức mạnh còn hơn Cao Biền, người cũng là tướng phương Bắc giống như Mã Viện.
Tại đền Bạch Mã ở Hà Nội, Mã Viện còn duy trì vị trí của mình ít nhất cho đến năm 1984 – theo hồ sơ “Di tích. Đền Bạch Mã. Hồ sơ khảo sát năm 1984” của Sở Văn hóa Hà Nội, ở đây bàn thờ Mã Viện đặt trong góc xa phía trái của ngôi đền. Vị trí này tại ngôi đền, ngày hôm nay, để trống. Người giữ đền nói với tôi rằng theo hiểu biết của ông, quả thực có một tượng Mã Viện từ lâu lắm, nhưng không phải ở trong thế kỷ này; ông không nói thêm chi tiết.
Tôi tìm thấy một phản ứng bác bỏ tương tự về sự có mặt của Mã Viện trong đền. Phản ứng này là của những người Hoa vẫn còn sống ở khu vực gần ngôi đền (mặc dù con số họ đã giảm nhiều từ năm 1979).
Tôi phỏng vấn nhiều người Hoa lớn tuổi sống ngay sát cạnh đền, nhưng tất cả đều từ chối nói chuyện về Mã Viện, nói rằng họ chưa từng nghe đến việc thờ Mã Viện tại đền Bạch Mã và rằng không thể nào có chuyện Mã Viện lại được thờ ở bất kì đâu tại Việt nam vì ông bị người Viêṭ xem là kẻ thù tàn nhẫn.
Phản ứng này của họ có vẻ là kết quả từ việc loại bỏ tục thờ Mã Viện ở Việt Nam sau cuộc chiến 1979, khi việc thờ Mã Viện có thể đã bị xem là việc thờ kẻ xâm lược và người Hoa có nguy cơ bị đánh đồng với kẻ xâm lược này.
Theo Adriano di St. Thecla, việc thờ Mã Viện được bắt đầu bởi chính một trong hai chị em Bà Trưng, những người “nhớ đến phẩm cách và sự phục vụ nhà nước của ông. Bà đã dựng đền để thờ ông ở huyện Phúc Lộc, tỉnh Thanh Hóa. Kể từ đó, ông bắt đầu được người An Nam thờ phụng.”
Không rõ nguồn nào đã cung cấp thông tin này cho Adriano di St. Thecla bởi vì theo sử liệu, Hai Bà Trưng đã chết trong chiến dịch của Mã Viện và vi thế không thể nào bắt đầu việc thờ ông, ngay cả nếu họ có ý đó. Phúc Lộc, một tên lấy từ địa danh quê nhà của Hai Bà Trưng, không phải ở Thanh Hóa. Vì thế có vẻ có sự nhầm lẫn ở đây. Hiện không có đền thờ Mã Viện nào ở Phúc Lộc và Thanh Hóa, mặc dù có đền thờ Hai Bà Trưng ở hai nơi này.
Nhưng chúng ta không thể chắc chắn là những ngôi đền như thế đã không tồn tại trong thời của Adriano di St. Thecla. Hiện nay rất khó tìm bằng chứng cụ thể về các ngôi đền thờ Mã Viện ở bất kì đâu tại Việt Nam do sự tẩy xóa việc thờ sau cách mạng Tháng Tám, khi gần như toàn bộ các ngôi đền thờ Mã Viện bị phá hủy.
Tuy nhiên, chúng ta có thể tìm thấy những dấu hiệu rằng các ngôi đền thờ Mã Viện quả có tồn tại ở Thanh Hóa.
Ví dụ, Nguyễn Thuật (sinh năm 1842), thống đốc Thanh Hóa trong thời nhà Nguyễn (ông trấn thủ ở Thanh Hóa trong thập niên 1870), nhắc đến một ngôi đền thờ Mã Viện trong một bài thơ nhan đề “Quốc Triều Danh Nhân Mặc Ngân”. Vị trí ngôi đền này không thể xác định, nhưng có vẻ nó là một trong nhiều ngôi đền thờ Mã Viện ở tỉnh Thanh Hóa. Vì thế Adriano di St. Thecla không hẳn là phạm sai lầm nghiêm trọng khi cho rằng có sự tồn tại của các đền thờ Mã Viện ở Thanh Hóa.
Ngoài ra, không phải không có khả năng là tại các ngôi đền thờ Hai Bà Trưng, người dân cũng thờ Mã Viện. Tôi tìm thấy một ví dụ về điều này trong báo cáo do thôn Thanh Bình của làng Đa Tiên, tỉnh Bắc Ninh, nộp cho Viện Viễn đông Bác cổ năm 1938. Báo cáo này nói rằng người dân của thôn này xem Hai Bà Trưng là vị thần bảo vệ chính cho họ, nhưng ngoài ra họ cũng thờ người chinh phục, Mã Viện.
Một chỉ dấu khác là của Nguyễn Đức Lân, viết giữa thế kỷ 19. Ông này mô tả một ngôi đền Mã Viện ở vùng lân cận của hồ Loa. Vị trí hồ này giờ đây không chắc chắn, nhưng có thể nó đã ở ngoại vi của Cổ Loa, một địa điểm cách Hà Nội nhiều cây số về hướng đông bắc gần nơi mà, theo sử Trung Hoa, đã diễn ra trận đánh quyết định giữa Mã Viện và Hai Bà Trưng. Vì thế, lời của Adriano di St. Thecla rằng Mã Viện “được người An Nam thờ” có vẻ chính xác.
Nỗ lực của tôi đi tìm một ngôi đền Mã Viện còn tồn tại, hoặc ít nhất dấu vết của nó, đã đưa tôi đến làng Hoàng Xá, huyện Thạch Đà, tỉnh Phúc Yên. Lý do là vì ngôi làng này đã báo cáo với Viện Viễn đông Bác cổ năm 1938 rằng Mã Viện là một trong các Thành hoàng của họ.
Tại đây, một người giữ đền Linh Tự, bà Nguyễn Thị Đường, đồng ý nói chuyện với tôi về vị thần của làng của bà. Bà Đường, khi đó ở ngoài tuổi 70, nói rằng quả thực làng của họ đã thờ Mã Viện, nhưng vào năm 1946, ngôi đền bị phá hủy. Giờ đây tại vị trí của nó là một bưu điện. Theo bà Nguyễn Thị Đường, vào lúc đó, theo trí nhớ của bà, không có người Hoa sống ở khu vực này.
Bà không thể giải thích vì sao ngôi làng lại thờ một viên tướng Trung Hoa đã đàn áp các nữ anh hùng dân tộc chiến đấu vì tự do của đất nước. Bà chỉ có thể nói rằng việc thờ Mã Viện là một truyền thống mà người địa phương đã truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác, và rằng việc thờ viên tướng này là điều bà được dạy khi còn trẻ. Điều này đặt giả thiết rằng Mã Viện đã được cả người Việt Nam và Trung Quốc thờ như một vị thần bảo vệ.
Recent Comments