Hồng đậu sinh Nam quốc

6 Comments


Tương tư

Hồng đậu sinh nam quốc
Xuân lai phát kỷ chi
Nguyện quân đa thái biệt
Thử vật tối tương tư.

————————————-

Hôm nay nghe bài hát Hồng đậu sinh Nam quốc. Giọng ca Đồng Lệ lịm ngọt. Chợt nhớ đêm qua quên thắp nhang ngày rằm cho gia tiên và con gái Tiểu Hồng.

Ca sĩ Đồng Lệ

Quả là văn hóa Trung Hoa có những đường dẫn cổ xưa nhưng mãi mãi tráng lệ và hiện đại. Chẳng hạn đọc câu Kinh Thi “Quan quan thư cưu”, ta đã đi xuyên qua trên dưới ba ngàn năm lịch sử của một nền văn học từ dân gian đến hàn lâm.

Bài Tương Tư ở trên của Vương Duy thời Đường. Nó nói về lòng thương nhớ của người vợ có chồng lưu lạc trong những đoàn quân đế quốc nam chinh.

Quả Đậu đỏ còn gọi là Tương tư đậu

Hồng đậu sam

Hồng Đậu là loại đậu đỏ phổ biến ở Lĩnh Nam thời ấy. Nó biểu trưng cho những trái tim đôi lứa tràn đầy yêu thương nhung nhớ, gần giống cách người Pháp đã làm với hoa Tigôn. Giữa ngày xuân, thiếu phụ mơ ngóng về phương nam, nơi những cành đậu đang đâm cành trổ lá. Nàng ước ao chàng sẽ hái thật nhiều Hồng đậu mang về bắc. Ước mơ càng giản dị thì giá trị tố cáo của nó đối với chiến tranh bành trướng và chinh phạt càng cao.

Muôn đời nay nhân dân Trung Quốc và tính nhân văn trong văn hóa Trung Quốc luôn đối lập với các tập đoàn cầm quyền, ít nhất là ở khát khao hòa bình, yêu thương, đoàn tụ.

Chắc ai cũng biết hiện nay Hoa kiều trên thế giới có hai ngày quốc khánh. Trong một khu phố Tàu thương mãi sầm uất điển hình tại Los Angeles chẳng hạn, khi nhóm Cộng múa lân đốt pháo vào ngày 01.10 thì nhóm Quốc vui vẻ ra xem, điều ngược lại sẽ diễn ra sau đó chín hôm. Họ rất ít khi bới móc nhau anh đúng tôi sai .v.v..

Và đặc biệt người Trung Quốc không có ngày chiến thắng trùng với quốc hận. Điều đó không lạ tí nào, nếu bạn biết và thấu hiểu những hình tượng sâu xa trong những bài thơ kinh điển như Tương Tư của Vương Duy, Lương Châu Từ của Vương Hàn.

——————————–

Xem thêm: Bình thơ Lương Châu Từ [https://truongthaidu.wordpress.com/2007/12/07/phe-binh-l%C6%B0%C6%A1ng-chau-t%E1%BB%AB/]. WordPress dạo này không thể add link.

Nỗi niềm hòa bình

2 Comments

21/04/2010 | 7:00 sáng | Chưa có phản hồi.

Chuyên mục: Nhìn lại cuộc chiến 1954-1975
Thẻ: > >

Từ Bắc vô Nam tay cầm bó rau. Tay kia cầm sợ dây, dắt theo con cày.” Không lâu sau ngày 30.4.1975 người Sài Gòn đã hát câu ấy. Họ nhại theo giai điệu mà họ Trịnh truyền qua làn sóng phát thanh đến hàng triệu con tim Việt Nam, ngay sau khi tướng Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng.

Nối vòng tay lớn?

Thời điểm ấy y gần bảy tuổi. Chiếc loa công cộng cuối phố vỡ òa ngôn từ chiến thắng và những bản hùng ca. Song, y nhớ chính xác mẹ mình đã ôm chặt ba đứa con, nức nở nỗi niềm “hòa bình”. “Hòa bình rồi các con ơi!”, mẹ y đã thốt lên như vậy. Y tin chắc rằng các bà mẹ Việt Nam đều giống nhau. Nếu không có hòa bình, vài năm nữa thôi, mẹ y lại phải tiễn các con ra trận, như đã tiễn em, tiễn cháu mình và không chảy nổi nước mắt khi nhận những tờ giấy báo tử vô hồn. Đến bây giờ y mới biết rằng “chiến thắng” và “hòa bình” có khoảng cách rất xa, từ “quan nối đời” đến “dân vạn đại”.

Cái giọng Bắc của anh em y, người miền Tây Nam Bộ xác định là giọng Huế, dân Sài Gòn chính xác hơn: “Bắc Kỳ ăn cá rô cây. Ăn nhằm lựu đạn chết cha Bắc Kỳ”. Văn học dân gian gọi đấy là đồng dao chăng? Y không rõ. Đó là bài ca ưa thích của lũ trẻ dưới mái trường XHCN vừa trưng thu từ Nhà thờ Công giáo. Một trong những con chiên của cái nhà thờ ấy, bằng giọng Bắc 1954, đã xui anh em y cứ vui đùa ngoài xa lộ thỏa thích. Xích lô máy và xe lam nườm nượp xuôi ngược đi và đến Bến xe Miền Đông sẽ tự biết đường mà tránh con “cán bộ”!? Y ngạc nhiên lắm, nhưng không thể lý giải logic kì cục kia. Tuy vậy mỗi khi cha y cẩn thận lau chùi khẩu súng lục được phát để phòng thân, y cảm thấy an toàn lắm lắm. Y luôn hoàn thành nhiệm vụ canh gác gian bếp nhìn ra khoảnh giếng trời chung của mấy gia đình. Mẹ y bảo đã có trường hợp hàng xóm bỏ thuốc độc vào nồi canh đang nấu của một nhà “Bắc Kỳ” nọ.

Xích lô máy Sài Gòn rất ấn tượng, tiếng nổ như súng liên thanh.

Y có người bạn Nam Bộ đầu tiên sau khi trải qua ba bốn cuộc thư hùng chân tay, u đầu sứt trán vì “bất đồng ngôn ngữ”. Bạn bảo: “Cha tao đang đi học tập mút mùa Lệ Thủy ở quê ngoại mày đó”. Y không thấy chút hận thù nào trong đôi mắt kẻ đồng trang lứa với mình. Chỉ có một câu hỏi ngây ngô bị vo tròn, nổi lềnh bềnh trên nỗi buồn trống vắng tinh khôi. Bảy năm sau y mới gặp cha bạn. “Kẻ thù của nhân dân” ăn chay ngay sau khi được tổ dân phố nhóm họp biểu quyết thuận tình trao quyền “công dân XHCN”, sáu tháng kể từ ngày ông được đoàn tụ cùng gia đình. Ông hiền như bụt, không nửa lời trách vợ có dạo phải son phấn đứng đường. Phải chăng “hòa bình” đã khiến gia đình bạn chịu trăm cay ngàn đắng? Bà mẹ nên được xem như gương tiết liệt?

Sau đôi ba ban học, y đã trở thành người Sài Gòn trăm phần trăm, từ giọng nói đến tác phong sinh hoạt. Y hát tân cổ giao duyên không chê vào đâu được: “Tổ quốc ơi, ăn khoai mì mãi mãi. Từ trận thắng hôm nay, ta ăn độn bằng mười. Từ trận thắng hôm nay ta ăn độn nhiều hơn…”. Những ngày đói vàng mắt ấy, đến mùi mỡ sa lợn xề hiếm hoi dậy lên lúc ai đó nấu ăn, cũng làm đám trẻ con ham chơi đùa trong khu xóm bâng khuâng và ao ước.

Khoai mì hay sắn lát, thứ độn cơm một thời.

Chẳng biết có phải do kinh nghiệm trùm chăn bông trốn bom B52 vào mùa đông năm nào, y dễ dàng phân biệt được tiếng gầm đại bác từ biên giới Tây Nam với kiểu nổ bùm bụp của lò ngô bung cùng dãy phố. Bà “cố Tàu” cách nhà y một căn lại không được như vậy, mỗi khi nghe tiếng nổ bà lại cuống quít vài câu Việt ngữ ngọng nghịu: “Giặc lùn đến rồi, Nhật đến rồi. Chạy đi, không chết hết!”. Cuối cùng Hội phụ nữ phường cũng mời họ trao đổi gì đó. Gia tộc bà lặng lẽ về Rạch Giá mua thuyền ra biển lớn, đương đầu với sóng dữ và cướp biển. Mười năm sau y mới ngộ ra giải liễn mồ côi nhưng bắt mắt nhất trong nhà bà vốn là hai câu thơ trong bài Thất bộ thi của Tào Thực: “Bản thị đồng căn sinh. Tương tiễn hà thái cấp”.

*

30.4.1975 mãi mãi là một dấu mốc quan trọng trong đời y, còn hơn cả ngày sinh của y nữa. Không phải nó luôn được nhắc đến mỗi khi y làm giấy tờ đi học hoặc đi làm. Lý lịch cá nhân và gia đình ba đời y đôi khi còn cả mốc trước và sau 1954 nữa. Cứ thêm một ngày 30.4 là y hiểu thêm một chút ý nghĩa nỗi niềm hòa bình của cha mẹ mình, cũng như rất nhiều người Nam Bộ thời ấy, qua những câu chuyện khơi gợi trà dư tửu hậu. Y kết luận rằng có đến 80% người dân Việt Nam nghĩ đến hòa bình và thống nhất, hơn là chiến thắng, trong ngày 30.4.1975. Đáng buồn là, với nhiều cộng đồng và xã hội Việt Nam đây đó trên hoàn cầu, nguyên nghĩa của đa số hay bị đảo pha sang “quốc hận” hoặc “chiến thắng”, như trêu ngươi và âm mưu tiếp tục đối chọi nhau. “Hòa hợp” chưa đủ sức sống, trung thực và dũng cảm để mà đâm chồi trên đau thương cũ.

Thật ra rất khó có thể nhìn cuộc chiến 1954-1975 dưới nhãn quan nhị nguyên đúng và sai được. Y biết rằng luôn luôn tồn tại những cặp nguyên nhân song hành với nhau, chia đều, đứng về phía này và phía kia. Khi còn đứng ở phía này hay phía kia để nhìn nhận cuộc chiến, thì hận thù và chia rẽ sẽ chẳng bao giờ mất đi. Có người còn bảo hãy để những năm tháng dằng dặc bi thương ấy lụi tàn!? Chẳng khác nào những cánh bướm lộng lẫy cần quên thời gian là con sâu xấu xí, nằm trong cái kén xám xịt tối tăm. Thậm chí, nhà thơ Linh Phương đã cố gắng đứng giữa hai bên, nhưng ông vẫn phải nghiền ngẫm cay đắng:

Tôi xin được hỏi đồng bào của tôi

Những người lính Bắc Việt chết – đều được trở về nhà

Những người lính Mỹ chết – đều được trở về Tổ quốc

Những người lính Việt Nam Cộng hòa chết – vẫn còn nằm nơi rừng thiêng – nước độc

Còn nằm bên núi đá lạnh căm căm

Đâu là nhân bản – đâu là nhân văn

Đâu là người Việt Nam cao thượng

Đâu là người Việt Nam anh hùng

Sao nỡ để tồn tại những điều oan trái?

Tôi xin được hỏi đồng bào thân yêu của tôi ở hải ngoại

Tôi xin được hỏi đồng bào thân yêu của tôi ở quê nhà

Ba mươi hai năm cuộc chiến trôi qua

Vì đâu hận thù vẫn còn ở lại?

Giữa những người Việt Nam với nhau, 30.4.1975 hoàn toàn có cơ hội trở thành ngày tụng ca hòa bình, hòa hợp và hòa giải. Cái họ thiếu luôn là thiện chí và lý tính.

Huntington xếp Việt Nam nằm ở vùng biên viễn của “Thế giới Trung Hoa” (http://www.bbc.co.uk/vietnamese/forum/story/2008/12/081231_china_truongthaidu.shtml)

Nhìn rộng ra nhân loại, 30.4.1975 ít nhất cũng là bài học lịch sử đắt giá không thể lãng quên cho người Việt Nam. Theo thuyết đụng độ giữa các nền văn minh của Huntington thì Việt Nam nằm ở nơi đứt gãy và liên giao của các nền văn hóa Trung – Ấn – Âu. Ông cho rằng thế kỷ 21 (cụ thể là năm 2010), chiến tranh thế giới có khả năng xảy ra tại đây. Ở góc độ hẹp và được cộng hưởng nào đấy, Huntington hữu lý khi cho rằng Việt Nam từng là điểm nóng của chiến tranh lạnh, nơi hai thế giới tư bản và cộng sản cọ xát.

*

Ba mươi lăm năm đã đi qua như một chớp mắt. Vẫn còn đấy nhiều suy tư lắng đọng và lưu cữu. Người ta sẽ chẳng đi đến đâu, nếu không đặt suy tư ấy trên căn bản của nỗi niềm hòa bình nhân bản và những bài học đau thương trong giai đoạn 1954 – 1975.

Thạch Viên, Nhơn Trạch

18.4.2010

© 2010 Trương Thái Du

© 2010 talawas

Văn hóa phật giáo nền tảng của văn hóa Việt Nam

1 Comment

GS Thái Kim Lan có những suy nghĩ rất giống điều tôi đã thể hiện trong bài viết “Sức mạnh mềm Việt nam”.

———————————————————————————————————-

Thanh Tri thực hiện
Tia Sáng
07:48′ AM – Thứ sáu, 09/04/2010

Giáo sư Thái Kim Lan hiện đang dạy tại Đại học Ludwig- maximilian, Munich, Đức về Triết học và Phật học và là Chủ tịch Trung tâm giao lưu văn hóa Đức – Châu Á. Chúng tôi có buổi trò chuyện với Bà về những vấn đề của văn hóa Phật giáo Việt Nam.

Thưa GS, văn hóa là một vấn đề rất chung nhưng cũng rất riêng và ai cũng có văn hóa nhưng không ai giống ai. Vậy thế nào là văn hóa Phật giáo Việt Nam?

Văn hóa Phật giáo Việt Nam là nền văn hóa lấy giáo lý đức Phật làm trung tâm, xây ra trên đất nước Việt Nam, cho con người Việt Nam, trong xã hội Việt Nam, trong lịch sử Việt Nam… gọi là văn hóa Phật giáo Việt Nam. Cụ thể, nếu ta lấy sự truyền bá Phật giáo vào Việt Nam cách đây 2000 năm thì đồng nghĩa với ta có chừng ấy năm văn hóa Phật giáo Việt Nam. Như vậy, qua thời gian văn hóa Phật giáo đã thấm nhuần vào phong tục tập quán, lối sống, hình thành tư tưởng tình cảm… của người Việt Nam. Tất cả những cái đó gọi là văn hóa Phật giáo Việt Nam.

Văn hóa phật giáo Việt Nam được thể hiện trên rất nhiều phương diện. Vậy trọng tâm của văn hóa Phật giáo Việt Nam là gì?

Đó là đạo đức. Vì văn hóa Phật giáo nhấn mạnh đến cách thế sống của con người trong môi trường xã hội Việt Nam. Nó định hướng cho con người tư duy và hành động để đạt đến mục đích sống cao nhất cho bản thân và cộng đồng xã hội, thậm chí là môi trường thiên nhiên. Đó là tính thiện, tính hướng thiện. Điều này chúng ta có thể dễ dàng bắt gặp qua ca dao tục ngữ: “ở hiền gặp lành”, “ác giả ác báo”, “nhân nào quả nấy”… đó đều là những phạm trù đạo đức.

Xin GS thử định vị trí của văn hóa Phật giáo trong dòng chảy văn hóa Việt Nam?

Nó là nền tảng của văn hóa Việt Nam. Tôi nói nền tảng bởi vì nó là cơ sở để người Việt tồn tại và phát triển trên phương diện quốc gia, dân tộc, tư tưởng… Chúng ta biết sự kiện 1000 năm đô hộ của người phương Bắc. Sự đô hộ tất nhiên diễn ra trên tất cả mọi phương diện, nhưng nặng nề nhất là ở tư tưởng. Nếu sự đô hộ bằng biên giới thì sau khi đanh đuôi kẻ thù ra khỏi biên giới là hết, còn vấn đề tư tưởng nó nằm trong đầu không dễ gì gột rửa được, thậm chí kéo dài cả nghìn năm, và rất nhiều dân tộc trên thế giới bị biến mất bằng mỹ từ đồng hóa.

Trung Quốc đã dùng Nho giáo để khống chế tư tưởng dân tộc ta cho mục đích đồng hóa. Chính lúc đó Phật giáo với những nét gần gũi, dung dị mà sâu lắng phù hợp với dân tộc ta được lựa chọn để làm công cụ đề kháng lại với tư tưởng Đại Hán xâm lăng phương Bắc, cho sự độc lập của dân tộc, điển hình là những trường hợp các vua đời Lý, đời Trần. Có thể nói tuyên ngôn độc lập của những tiền nhân này khởi từ ý thức và trải nghiệm về khái niệm “giải phóng khổ đau”, từ sự vận dụng trí tuệ khai phóng, từ chí nguyện thực hiện từ bi cho người bị áp bức, nghèo khổ, và uy dũng quyết tâm thực hiện chính nghĩa con người.

Một ví dụ nữa. Festival Huế tố chức rất nhiều lần, nhưng tôi cảm giác chưa chạm được đến chiều sâu nhất của văn hóa Huế, điều đó cũng có nghĩa là chưa thành công. Bởi vì sâu nhất của văn hóa Huế là Phật giáo. Văn hóa Phật giáo bàng bạc trong không gian, thấm đẫm trong hồn người sông Hương núi Này chừng nào chưa khai thác, khai thác chưa hết yếu tố này chừng đó Festival Huế vẫn chưa thành công.

Nói Phật giáo là hệ tư tưởng cho độc lập dân tộc. Nhưng Nho giáo là sản phẩm của dân tộc Trung Hoa, Phật giáo là sản phẩm của dân tộc Ấn Độ. Không ảnh hưởng Nho thì ảnh hưởng Phật, bản chất của nó đâu có gì khác nhau?

Khác nhau rất nhiều. Nho giáo đã là hệ tư tưởng của kẻ thù thống trị dân tộc ta, và ra sức đồng hóa dân tộc ta qua con đường văn hóa Nho giáo. Để thoát, khỏi một ảnh hưởng văn hóa phải dùng một hệ thống văn hóa khác xứng tầm. Lúc này văn hóa Phật giáo là duy nhất để lựa chọn. Hơn nữa, Ấn Độ ở rất xa ta và chưa bao giờ xâm lược ta. Mặt khác, ở đây ta xét đến tính nội tại của văn hóa phật giáo. Đó là tính độc lập rất cao. Nó phá vỡ mọi lệ thuộc, đưa con người đến đỉnh cao của chân lý và sáng tạo. Một đặc điểm nữa, Phật giáo là một nền văn hóa mở, ở đó dân tộc ta có thể tìm thấy những điều phù hợp cho mình, và sáng tạo đóng góp vào hệ thống giá từ đó, nên ta mới có Phật giáo Việt Nam, khác với Phật giáo các nước.

Như GS nói Phật giáo có rất nhiều cái hay. Nhưng chúng ta thấy ngày nay đến với Phật giáo chỉ có những người lớn tuổi, người không còn những khát vọng trần thế. Phải chăng Phật giáo ít chia sẻ những giá trị thời đại?

Đúng là hiện nay Phật giáo ít quan tâm đến nhu cầu của giới trẻ để có cách tiếp cận phù hợp nên không thu hút được họ là đương nhiên. Giới trẻ ngày nay nghĩ gì, thích gì, có những đau khổ gì đó là những vấn đề phải được đặt ra, trên cơ sở đó đem tinh thần khế lý khế cơ của Phật giáo ra mà vận dụng đế đáp ứng. Đáp ứng được thì họ theo là tất nhiên. Đây là tại chúng ta chưa vận dụng, không vận dụng, chứ không phải Phật giáo không có khả năng đáp ứng. “phật giáo tại thế gian, bất ly thế gian giác” tôi nghĩ đây là then chốt của vấn đề, và đây cũng là trách nhiệm của ngành văn hóa Phật giáo. Hơn nữa, có ai “mới” và “trẻ” hơn vị Phật Hoàng Trần Nhân Tông cách đây hơn 700 năm, với công án dành cho hậu thế: hãy sử dụng gia tài văn hoá Phật giáo như chìa khoá mở cửa sáng tạo!

Điều tâm đắc nhất GS muốn chia sẻ là gì?

Như tôi đã nói đó là đạo đức Phật giáo. Đạo đức xã hội đang xuống cấp đến mức báo động. Con đánh cha, vợ giết chồng, thầy giáo xâm hại học trò, cán bộ tham nhũng, người dân xem thường pháp luật, giới trẻ ngày càng sa đọa… đó là những biểu hiện băng hoại đạo đức trong xã hội, trong khi Phật giáo có một kho tàng đạo đức đồ sộ được kiểm định chất lượng qua lịch sử dân tộc, được cộng đồng quốc tế công nhận mà không đem ra ứng dụng được thì rất đáng tiếc. Tất nhiên để đi đến tình trạng này có rất nhiều nguyên nhân như chiến tranh và nhiều vấn đề khác nữa. Nhưng đây là thời điểm thích hợp để ta làm những việc này.

Hội nhập là xu thế tất yếu ngày nay, GS nghĩ Phật giáo có thể đóng góp được gì cho xu thế đó?

Rất nhiều. Tôi nói cụ thể, hội nhập với quốc tế là để thế giới thấy được cái hay cái đẹp của Việt Nam, và học hỏi người ta để nâng cao đất nước, con người, văn hóa mình, chứ không phải chìm nghỉm trong bể mênh mông của văn hóa nhân loại. Muốn như thế thì những gì là tinh hoa của ta phải định cho rõ, phải phổ cập cho rộng rãi, phải thấm nhuần cho sâu xa. Ở đây, như tôi đã nói từ đầu, văn hóa Phật giáo qua thời gian đã thấm nhuần trong phong tục, tập quán, trong tâm tư, tình cảm giúp định hình nên cốt cách Việt… đây là điểm rất quan trọng mà ngành văn hóa Phật giáo nói riêng, Giáo hội Phật giáo nói chung phải nắm thật chắc để vun đắp cho cội nguồn văn hóa Việt. Nếu làm được như thế sẽ là một đóng góp vĩ đại nữa của Phật giáo cho dân tộc trong thời đại mới. Tôi xin nhắc một câu của Điều Ngự Giác Hoàng Trần Nhân Tông: “đừng để tầm thường xuân luống qua”.

Xin cảm ơn GS về buổi nói chuyện này.

Nguồn: Tia Sáng
Số lượt đọc:  382 –  Cập nhật lần cuối:  08/04/2010 03:18:06 PM