Bài viết này là hàng ế, BBC, Vietnamnet đều không hồi âm… hic… dạo này viết xuống tay quá 😦

—————————————————————————–

Không rõ có ai đã từng tự hỏi từ bao giờ và tại sao đa số người Việt đều cho rằng Việt Nam là một nước nhỏ, thậm chí là nhỏ và yếu. Buổi đầu hiến sử Việt Nam, năm 939, Ngô Quyền ít nhất đã hướng đến một quốc gia độc lập và lớn mạnh, đó phải chăng là lí do ông đặt tên Đại Việt cho vùng đất mình làm chủ? Để ý là diện tích Đại Việt của Ngô Quyền chỉ bằng khoảng một phần ba Việt Nam hiện nay.

 

Từ đó trở đi, quốc hiệu của các triều Đinh, Lý, Trần, Hồ, Lê đều có chữ Đại. Nhà Nguyễn chỉ sử dụng tên gọi Việt Nam từ năm 1802, đến 1838 vua Minh Mạng lại đổi thành Đại Nam. Nhìn rộng ra khu vực ta có Đại Hán, Đại Hàn (Hàn Quốc), Đại Hòa (tên khác của Nhật Bản), Đại Lý (quốc gia cổ của người thiểu số Hoa Nam đã bị diệt vong). Chữ Đại trên không xuất hiện ở các quốc gia Đông Nam Á, điều này khiến ta hình dung thêm một nghĩa nữa của chữ Đại là tôn từ trong khu vực Hán ngữ. Đại trong Đại Việt thể hiện lòng tự tôn của cả một dân tộc, cũng như người xưa tôn trọng ai thì gọi người ấy là Đại nhân.

 

***

 

Khi đã đánh mất lòng tự tôn của ông cha, của hàng ngàn năm lịch sử thì người ta còn lại gì ngoài sự tự ti? Sự tự ti đó có diện mạo như thế nào trong đời sống chính trị xã hội Việt Nam?

 

1. Nước Đại Việt hàng ngàn năm nay nằm cạnh Trung Quốc. Đó chỉ là sự tình cờ chứ không phải thiên mệnh. Thiên mệnh là sản phẩm của những đầu óc tự ti, tự bỉ. Nó thâm căn cố đế trong tiềm thức kẻ hèn nhát, nó chế ngự mọi quyết định của ý thức nơi họ. Rất ít người thấy phản cảm khi nghe lời rên rỉ bi ai: “Một ngàn năm nô lệ giặc Tàu”. Tại sao không thể ngẩng cao đầu và sử dụng mệnh đề tương đương: “Một ngàn năm đánh đuổi giặc Tàu”. Con người chỉ là nô lệ khi họ dễ dàng chấp nhận đời sống nô lệ, mãi mãi đánh mất tự do khi họ xem tù ngục là tổ ấm.

 

2. Để hóa giải “thiên mệnh” ở bên cạnh Trung Hoa, xã hội Việt Nam có hai luồng ý kiến có vẻ trái chiều nhau: Người Việt Nam có gốc Hoa (vì dù gì cũng một ngàn năm nô lệ!) và ngược lại – Người Việt Nam đã di cư lên phía bắc lập nên nước Trung Hoa cổ (ta là bố nó!). Thực ra cả hai nhóm người chủ trương vấn đề này đều ở cùng tầm tư duy thị tộc bộ lạc, còn rơi rớt giữa thời hiện đại trong lề thói làng xã nông nghiệp và sự ganh đua giữa các dòng họ. Người ta lầm lẫn một cách vụng về khái niệm chủng tộc và dân tộc. Rõ ràng người Việt Nam và người Hoa Nam gần như cùng một chủng tộc nhưng thuộc về hai dân tộc khác nhau. Người Trung Quốc di cư sống nhiều đời tại Việt Nam chủ yếu là người Hoa nam, rất dễ dàng bị đồng hóa, đơn giản là vì họ không bước vào không gian của một chủng tộc khác. Có ý kiến cho rằng không nên chọn lãnh đạo Việt Nam nghi ngờ có gốc Hoa vì nguy cơ này nọ là hết sức ấu trĩ. Thử hỏi con cháu Trịnh Kiểm và Nguyễn Hoàng huyết thống tương giao, sao không bắt tay thân thiện hoặc nhường nhịn nhau, “bán nước” cho nhau để quốc gia tránh được binh đao máu lửa mấy trăm năm? Họ Nguyễn Tây Sơn có xem ruột rà máu mủ là gì không? Anh lên ngôi thì em cũng xưng vương, vua Thái Đức Nguyễn Nhạc phải lên vọng đài thành Quy Nhơn than khóc “Bản thị đồng căn sinh” thì Bình Định Vương Nguyễn Huệ mới lui quân.

 

3. Hội chứng “thiên mệnh” sẽ dẫn đến tình cảm yêu – ghét giữa đất nước Việt Nam và Trung Quốc trong quan hệ đối ngoại, đặc biệt ở những vấn đề còn tranh chấp. Trong dân chúng nó sinh ra hiện tượng “bài Hoa”. Ở chính trường nó gây hoang mang, dè đặt, cảnh giác, từ mâu thuẫn biển đảo lan sang các lĩnh vực khác. Người Việt Nam cần tận dụng lợi thế ở cạnh Trung Quốc đang phát triển như vũ bão, hơn là thổi phồng nó lên thành con ngáo ộp rồi bất lực ngóng chờ vận may. Nguy cơ hay cơ hội, phụ thuộc vào góc nhìn chủ quan có sáng suốt và lành mạnh hay không.

 

Trên bàn cờ thế giới, bênh vực kẻ yếu người ta gọi là đạo đức. Nếu không đủ mạnh mẽ, đầu tiên là ở ý chí, thì chắc chắn sẽ chỉ nhận được hàng mớ đạo đức giả mà thôi. Ví dụ gần đây nhất là những gì diễn ra tại Gruzia nửa cuối năm 2008.

 

Ở mức độ hiểu biết hạn chế nhất về lịch sử Trung Quốc mấy ngàn năm nay, cũng nên tin rằng lãnh đạo của họ đã chủ động và cân nhắc rất kỹ lưỡng mỗi lần đưa ra một động thái lãnh thổ với các lân bang. Chúng luôn nằm trong tổng thể trọn gói chính sách chính trị lớn và hoàn chỉnh, chứ không bao giờ đơn giản là ngẫu hứng đơn độc. Đôi khi thất bại ở mắt xích nào đó lại chính là cái người ta mong muốn. Có đủ tự tin mới khó bị cuốn vào tâm điểm ảo và dễ dàng hóa giải thiên la địa võng.

 

***

 

Hàng ngàn năm lịch sử, hơn ba trăm ngàn cây số vuông lục địa, hàng triệu cây số vuông biển đảo, gần chín mươi triệu khối óc, Việt Nam dứt khoát không phải là một nước nhỏ trên bản đồ thế giới.  Tâm thế ấy phải được hoàn nguyên trong tinh thần Đại Việt truyền thống. Nó sẽ là bục lấy đà, là đôi cánh đưa dân tộc Việt Nam tiến về phía trước.