Sau entry “Nghi án Trịnh Công Sơn copy nhạc“, phản hồi thật sự nằm ngoài tưởng tượng của tôi. Entry ấy tôi viết trên blog cá nhân, một dạng nhật ký cá nhân với những dấu hỏi và hy vọng được thỉnh giáo giới chuyên nghiệp. Logic rất đơn giản, tôi từng là khách hàng trả tiền cho những sản phẩm âm nhạc của TCS, tôi có quyền đặt câu hỏi. Bạn sẽ làm gì nếu một ngày đi mua trứng vịt lộn mà bị bán cho trứng cút lộn?

Từ nhật ký cá nhân lên Báo điện tử thì vấn đề đã trở nên hoàn toàn khác. Người đọc Báo điện tử không còn là vài chục bạn bè thường ghé qua blog tôi mỗi ngày nữa. VTC khai thác ngay nguồn tin mà không đắn đo được mất. Thanh Niên tinh đời hơn, họ có nửa trang nhất hoành tráng với ảnh lấy từ gia đình TCS và một cái tựa về bản chất chả khác gì VTC nhưng khó bắt bẻ. Được dịp, nhiều nhạc sĩ và ca sĩ đua nhau múa mép một cách đầy cảm tính, đôi khi xỉ vả tôi không tiếc lời.

Tôi đã thầm nhủ chấm dứt từ hôm qua với việc sửa chữ “đạo” thành “copy” cho nó nhẹ nhàng, tuy trong lòng bức bối không kể xiết. Tuy vậy, như người ta thường nói “Ở hiền gặp lành”, “Cây ngay không sợ chết đứng”, hôm nay có hai độc giả của tôi gửi đến cho tôi hai cặp ca khúc có nét giống nhau không khác gì “Con mắt còn lại” và “The syncopated clock”. Rút kinh nghiệm “xương máu” tôi kết luận ngay chính người Pháp và người Mỹ đã đạo nhạc Trịnh Công Sơn. Tôi hy vọng nhạc giới Pháp và Mỹ đừng cảm tính như nhạc giới Việt Nam, trả lời giúp tôi nghi án mới này.

1. The Syncopated Clock đạo Con mắt còn lại.

2 và 3. Domino là bản nhạc mở đầu mà bất cứ người học Guitar nào cũng gặp. Nó đạo bài “Diễm xưa” và “Rừng xưa đã khép” của Trịnh Công Sơn: Hai bản nhạc này cùng giọng, ba nốt làm nên motive chủ đạo lập đi lập lại rất giống nhau SI ĐÔ SI – LA SI LA. Điều khác nhau ở hai bản này chỉ là nhịp 3/4 và 2/4 và những nốt phát triển lên từ motive chủ đạo. Thoạt nghe khó nhận ra hơn “Con mắt còn lại” và “The syncopated clock”.

4. Harlem Nocturne đạo bài “Hạ trắng” của Trịnh Công Sơn: Có hẳn một câu gần giữa, giống như hai trẻ sinh đôi cùng trứng.

5. Boulevard tiếp tục copy “Chiếc lá thu phai“. Kiểu này thì “Hồ sơ thần copy” chắc còn dài lắm.

6. Chủ Nhật Buồn nhạc Tây. Đạo bài Lời buồn thánh của Nhạc sĩ vĩ đại của thế giới – TCS

Extra Bonus: “Blowin in The Wind” của nhạc sĩ, chủ nhân giải Nobel văn học 2016 đã copy ý tưởng “Để gió cuốn đi“.

———-

Xin người đọc tự đánh giá khi nhấn vào các link đã ẩn tại mỗi bài hát. Tôi cấm tất cả những ca sĩ và nhạc sĩ đã bình luận và bênh vực cho TCS trên các báo không được bênh vực người Pháp và người Mỹ trong trường hợp này, để tránh cảm tính “ghét cay ghét đắng” văn hóa tư bản thực dân, dẫn đến những kết luận không tỉnh táo và thiếu lý trí.

Ảnh minh họa: Bên trái, quyển sách cáu bẩn thời gian vì tôi đã sử dụng hồi bé và bây giờ sắp đến con gái 8 tuổi của tôi sử dụng để học đàn Piano. Bên phải là quyển ca khúc TCS thời sinh viên tôi đã mua, giá của nó cao hơn học bổng 40 ngàn đồng tháng của tôi. Hóa ra tôi đã phí tiền mua quyển sách có bài nhạc Pháp kia, vì nhạc sĩ đã đạo bài “Rừng xưa đã khép” của TCS. Tôi sẽ kiện NXB trả lại tiền cho mình.

——————–

Cập nhật 17.04.2011:

Không như lý luận siêu phàm của một số người là tôi rảnh quá, không có việc gì làm nên mới phát hiện Mỹ – Pháp đạo nhạc TCS. 3/4 phát hiện do các bạn đọc blog tôi chỉ ra và báo chí góp phần phát tán tài liệu liên quan. Do vướng liên tiếp các chuyến công tác nước ngoài, tôi không có nhiều thời gian cho đến ngày 29.4. Xin thành thật xin lỗi các bạn nếu không trả lời comment. Ngoài ra số comment chửi bới thỉnh thoảng tôi mới cho lên một cái, để các bạn hình dùng ra chân dung một nhóm fan nào đó của nhạc Trịnh. Đã bước vào thế giới mạng thì phải chấp nhận sống chung với lũ thôi. 🙂

Ảnh: Máy bay vừa hạ cánh xuống Bangkok