Dân số quận Giao Chỉ thời Tây Hán

11 Comments

Nếu cho rằng Âu Lạc là quốc gia của An Dương Vương ở đồng bằng sông Hồng thì nó sẽ mâu thuẫn với tất cả các ngữ cảnh, trừ tập hợp #1A. Theo #1A: Quan Giám Quế Lâm đã ngồi máy bay trực thăng đi xuống đồng bằng sông Hồng phía tây nam Quế Lâm, vượt qua khoảng cách 640km theo đường chim bay, phía dưới là núi non trùng điệp, để dụ hơn 40 vạn dân binh Âu Lạc thuộc Hán.

DansoGiaoChi1

Mặt khác theo Địa lý chí hạ của Hán Thư: 交趾郡,戶九萬二千四百四十,口七十四萬六千二百三七 Giao Chỉ quận có 92.440 hộ, 746.237 nhân khẩu. Nếu cho số liệu của Hán Thư là ở cuối thời Tây Hán, thì trong vòng 100 năm, dân số Âu Lạc, tức quận Giao Chỉ đã tăng gần gấp đôi.

Khả năng rất lớn ở đây là sử quan thống kê nhân khẩu đã nhầm lẫn giữa Giao Chỉ quận và Giao Chỉ bộ. Thật vậy, theo Hán Thư số liệu nhân khẩu các quận của Giao Chỉ bộ như sau: Nam Hải: 19.613 hộ, 94.253 khẩu. Uất Lâm: 12.415 hộ, 71.116 khẩu. Thương Ngô: 24.379 hộ, 146.160 khẩu. Hợp Phố: 15.398 hộ, 78.980 khẩu. Tổng cộng nhân khẩu 4 quận phía nam nhà Tây Hán là 390.509 người. Suýt soát 40 vạn, chính là con số Sử Ký đã đưa ra.

Việc không có các con số nhân khẩu của Châu Nhai và Đạm Nhĩ, hai quận thuộc đảo Hải Nam là do quan Hán ra đảo luôn bị người bản xứ giết hại. Sau khi Hán Chiêu đế lên ngôi thì sát nhập hai quận làm một là Chu Nhai. Sau năm 48 BC thì bỏ luôn vì chi phí giữ quận cao quá.

Các sử gia phương Tây, những người luôn tư duy rất logic trên các con số như Bielenstein (1948), Stephen O’ Harrow (1978) đều bật ngửa (confused) với số liệu dân số quận Giao Chỉ thời Tây Hán. Họ đâu biết rằng chính sử gia Trung Quốc cũng lẫn lộn giữa Giao Chỉ bộ và Giao Chỉ quận, chứ không phải riêng sử gia phong kiến Việt Nam.

Bảng dưới đây thống kê dân số chín quận thuộc Giao Chỉ bộ ở hai thời kỳ Tây Hán và Đông Hán, lấy ra từ Hán Thư và Hậu Hán Thư.

DansoGiaoChi

Chúng tôi tin chắc con số 746.237 là dân số của Giao Chỉ bộ gồm 9 quận. Giao Chỉ bộ bắt đầu bằng bốn quận nội địa Nam Hải, Uất Lâm, Thương Ngô và Hợp Phố, dân số của nó tương đương 40 vạn người là số liệu Sử Ký đã nói. Các quận còn lại dần dần mới bị chiếm đóng sau này.

Như vậy nếu lấy số 746.237 trừ đi tổng số của sáu quận còn lại, chúng ta sẽ có con số khá thuyết phục, dân số quận Giao Chỉ khoảng cuối thời Tây Hán là 120.230 người. Nó hoàn toàn hợp lý trong tương quan dân số với các quận còn lại.

Số dân quận Cửu Chân nhiều hơn quận Giao Chỉ gần gấp rưỡi cũng nói lên những điều rất thú vị. Trung tâm của đồ đồng Đông Sơn đông dân hơn, có khả năng trù phú hơn đồng bằng sông Hồng ở thời điểm Công nguyên là điều dễ hiểu.

Dân số Thương Ngô tăng gấp ba lần, Nam Hải tăng hai lần rưỡi sau khoảng hơn 100 năm, cũng có khả năng do sự di dân của người Hán từ Trung Nguyên xuống. Nói cách khác, sự Hán hóa đã xảy ra mãnh liệt ở các quận phía bắc của Giao Chỉ bộ trong thời Hán.

(Trích sách KHẢO CHỨNG TIỀN SỬ VIỆT NAM bằng THIÊN VĂN HỌC CỔ ĐẠI TRUNG HOA)

SỬ KÝ – NAM VIỆT LIỆT TRUYỆN

Leave a comment

Người dịch: Trương Thái Du

Nguyên văn: Chinese Text Project 南越列傳

Ghi chú: Thương Ngô nằm phía tây bắc Phiên Ngu, trị sở thời Tây Hán là Quảng Tín, hiện nay thuộc thành phố Ngô Châu, Quảng Tây. Quế Lâm ở về phía tây bắc Thương Ngô, thủ phủ là thành phố Quế Lâm hiện tại. Phía bắc Nam Việt được nhà Hán định vị ở Trường Sa, Hồ Nam. Phía đông định vị trong Đông Việt liệt truyện là Yết Dương. Chính nội dung trong bản dịch này cộng với nhiều căn cứ khác tại Sử Ký cũng như Hán thư, chúng tôi cho rằng Âu Lạc là tên bản địa của nước Nam Việt.

Ngữ cảnh Triệu Đà nói tây Âu Lạc là nước trần truồng và sự kiện nguyên tả tướng Âu Lạc chém đầu Tây Vu vương đề cập trong Kiến Nguyên dĩ lai hầu giả niên biểu, cho chúng ta định vị phía tây Phiên Ngu. Tây Vu có khả năng là Tây Âu, cũng có thể nó không phải địa danh, chỉ mang nghĩa vùng đất phía tây mà thôi. Quận Hợp Phố xuất hiện đúng phía tây Phiên Ngu, trị sở Từ Văn nay là huyện Hải Khang, Quảng Đông (thuộc bán đảo Lôi Châu, cách đảo Hải Nam một eo biển dài 68km, chỗ hẹp nhất 18km).

Ước tính diện tích Nam Việt vào khoảng 250.000 km2, Triệu Đà áp dụng chế độ vương hầu tự trị với Giám quan giám sát, không có biên giới rõ ràng, trừ khu vực giáp nhà Hán ở Trường Sa được xây dựng quan ải, dân số 400 ngàn người. Theo Sử Ký và Hán Thư, Nam Việt không liên quan đến châu thổ sông Hồng.

————————————–

Nam Việt vương vốn là một quân nhân cấp huyện, bậc Úy, tên Đà, người Chân Định, họ Triệu. Thời Tần sau khi thâu tóm cả thiên hạ, chiếm Dương Việt, đặt ra các quận Quế Lâm, Nam Hải và Tượng, rồi đày dời dân phía bắc xuống, hòa trộn vào với người Việt khắp nơi được mười ba năm. Nhà Tần dùng Đà làm quan đứng đầu huyện Long Xuyên, quận Nam Hải. Đến thời Nhị thế, Nam Hải quận úy Nhâm Hiêu bệnh sắp chết, gọi huyện lệnh Long Xuyên Triệu Đà đến nói rằng: “Nghe nói bọn Trần Thắng làm loạn, vua Tần vô đạo, thiên hạ khổ ải, Hạng Vũ, Lưu Quý, Trần Thắng, Ngô Quảng cùng tất cả châu quận hưng binh tụ dân, đánh nhau tranh thiên hạ, Trung Quốc nhiễu loạn, chưa biết khi nào yên, hào kiệt phản Tần nổi dậy. Nam Hải xa xôi hẻo lánh, ta sợ quân cướp xâm chiếm đất này, ta muốn hưng binh cắt đứt con đường mới mở xuống đây, tự xếp đặt, đợi chư hầu có biến, lại gặp lúc bệnh nặng. Vả chăng Phiên Ngu nhờ vào núi hiểm, biển nam ngăn cách, đông tây vài ngàn dặm, còn có người Trung Quốc đỡ đần, ấy là thế có thể làm chúa của một châu tách biệt, khả dĩ lập quốc. Các trưởng lại trong quận không ai có thể chia sẻ ý tưởng của tôi, đó là lý do tôi mời ông đến mà khuyên nhủ vậy.” Lập tức thảo thư cho Đà, làm quận úy Nam Hải. Hiêu chết, Đà liền viết hịch bảo các cửa ải Hoành Phố, Dương Sơn, Hoàng Khê rằng: “Quân cướp sắp đến, khẩn trương chặn đường và tập hợp lính tráng tự phòng vệ.” Đà dần dần dùng luật pháp loại bỏ các trưởng quan được trí đặt bởi nhà Tần, đem người trong vây cánh của mình thay thế. Sau khi Tần bị diệt, Đà liền thôn tính Quế Lâm, Tượng quận, tự lập làm Nam Việt Vũ vương. Cao đế bình định xong thiên hạ, thấy người Trung Quốc vừa trải qua lao khổ, nên tha cho Đà, chưa đánh dẹp. Năm thứ 11 nhà Hán (196 BC), sai Lục Giả tấn phong Đà làm Nam Việt vương, cấp phẫu phù[1] thông sứ, yêu cầu Đà hòa hợp với những bộ tộc Bách Việt, không làm gì xáo trộn ở biên giới phía nam, định ranh giới Nam Việt và nhà Hán là ở khu vực Trường Sa.

Thời Cao Hậu nhiếp chính, có quan chức xin cấm cửa ải Nam Việt mua đồ sắt Trung Nguyên. Đà nói: “Cao đế phong lập ta làm Nam Việt vương, Cao hậu ngày nay nghe bọn sàm quan, phân biệt Man Di, ngăn cấm trao đổi dụng cụ kim khí, hẳn đây là kế của Trường Sa vương, muốn dựa vào Trung Nguyên, mưu đồ đánh Nam Việt để nuốt vương chức của ta, lập công nghiệp cho mình.” Đà bèn tự dùng tôn hiệu Nam Việt Vũ đế, phát binh đến các ấp biên giới Trường Sa, đánh bại mấy huyện rồi lui quân về. Cao hậu sai tướng quân Long lư hầu Chu Táo tấn công Đà, gặp khí hậu nóng nực ẩm thấp, quan quân bị bệnh dịch lớn hoành hành, không thể vượt qua dãy núi Ngũ Lĩnh. Sau hơn một năm, Cao hậu mất (năm 180 BC), liền bãi binh. Đà nhân đó dùng cường binh uy hiếp biên giới, dùng của cải mua chuộc hối lộ quí tộc người Di ở Mân Việt và tây Âu Lạc, khiến họ phụ thuộc, nhờ thế đất đai Nam Việt từ đông sang tây hơn vạn dặm. Lại ngồi xe mui vàng, trên xe cắm cờ tả đạo, mệnh lệnh đưa ra gọi là chế và chiếu như thiên tử, tự xem ngang hàng với Trung Quốc.

Đến năm thứ nhất Hiếu văn đế (179 BC), vừa an định thiên hạ xong, vua cho sứ giả bố cáo với chư hầu và tứ Di rằng thiên tử từ đất Đại về kinh đô lên ngôi, sẽ dùng đức để cai trị muôn dân. Mồ mả cha mẹ Đà ở Chân Định được vua thiết lập làng thôn trông coi chăm sóc, hằng năm cúng tế đầy đủ. Lại gọi anh em họ của Đà đến, cho làm quan và đối đãi rất hậu. Văn đế bảo bọn Trần Bình tiến cử người có khả năng đi sứ Nam Việt, Bình nói có Lục Giả người Hảo Chỉ, từ thời tiên đế đã quen đi sứ Nam Việt. Bèn gọi Giả vào triều cho chức Thái trung đại phu để làm sứ giả. Lục Giả đến Nam Việt, Việt vương hoảng sợ, viết thư tạ tội rằng: “Thần là Đà, đại trưởng lão xứ Man Di, trước đây Cao hậu ngăn trở chia cách Nam Việt, trộm ngờ bởi Trường Sa vương là bầy tôi sàm nịnh, lại nghe người ở xa tới bảo Cao Hậu đã giết hết gia tộc nhà Đà, đào đốt mồ mả tiền nhân, vì cớ ấy tôi quên mất tôn ti trật tự, xâm phạm biên giới Trường Sa. Vả lại phương nam này ẩm thấp, giữa chốn Man Di, phía đông là Mân Việt chỉ có ngàn dân vẫn xưng vương, phía tây Âu Lạc là nước trần truồng cũng xưng vương. Lão thần lấy bậy đế hiệu, lấy thế làm vui, đâu dám để vua trời nghe được.” Bèn cúi đầu sát đất lạy tạ, nguyện mãi mãi là phiên thần, có nghĩa vụ cống nạp. Bèn hạ lệnh xuống người trong nước: “Ta nghe nói hai anh hùng không thể cùng tồn tại, hai người đức hạnh và tài năng không bao giờ ở cùng thời đại. Hoàng đế nhà Hán là thiên tử hiền nhân. Từ nay trở về sau bỏ đế hiệu, xe mui vàng và cờ tả đạo.” Lục Giả trở về báo lại, Hiếu Văn đế rất vui lòng. Đến thời Hiếu Cảnh đế (157 BC), Đà vẫn xưng thần, sai người vào triều thỉnh chầu. Tuy vậy ở Nam Việt vẫn trộm dùng đế hiệu như cũ, chỉ khi đi sứ thiên tử mới xưng vương và nhận triều mệnh như chư hầu. Đến năm Kiến nguyên thứ tư (137 BC), Triệu Đà mất.

Cháu nội Triệu Đà tên là Hồ nối ngôi Nam Việt vương. Lúc này (135 BC) Mân Việt vương là Dĩnh hưng binh đánh phá các ấp biên giới của Nam Việt, Hồ sai người dâng thư đến Hán triều: “Hai nước Việt đều là phiên thần nhà Hán, Mân Việt bỗng tùy tiện đem quân xâm lấn, thần không dám đưa người ra chống lại, xin nhờ thiên tử xử lý.” Thiên tử khen Nam Việt biết giữ phép tắc, tuân thủ thỏa ước với Hán triều, liền phát quân, sai hai tướng đi thảo phạt Mân Việt. Binh lính chưa đến Du lĩnh, em Mân Việt vương là Dư Thiện giết Dĩnh để đầu hàng, vì vậy bãi binh.

Thiên tử sai Trang Trợ đến báo cho Nam Việt vương biết, Hồ cúi đầu nói: “Thiên tử vì thần mà hưng binh thảo phạt Mân Việt, thần có chết cũng không báo đáp được ân đức này.” Rồi sai Thái tử Anh Tề vào kinh đô Hán làm túc vệ triều đình. Hồ nói với Trợ: “Nước vừa bị cướp phá, sứ giả đi trước, Hồ sẽ ngày đêm thu xếp hành lý để vào bệ kiến thiên tử.” Trợ đi rồi, đại thần can gián: “Hán đem quân giết Dĩnh, cũng là đe dọa Nam Việt. Hơn nữa tiên vương từng dặn, đối với thiên tử đừng thất lễ là được, chớ nên nghe lời đường mật mà vào triều. Vào rồi có khi không về được, đó là cái thế mất nước đấy.” Hồ bèn cáo bệnh, rốt cuộc không vào triều kiến. Sau đó khoảng hơn 10 năm, Hồ bị bệnh nặng thật sự, thái tử Anh Tề xin về nước. Hồ mất, thụy hiệu là Văn vương.

Wendi_xingxi_3

Long Kim Ấn (ấn rồng bằng vàng đúc) phát lộ tại lăng mộ Triệu Văn Vương ở Quảng Châu năm 1983. Chữ trên ấn: Văn đế hành tỉ . Triệu Hồ còn có tự danh ghi trong mộ là Mạt (昧)

Anh Tề lập triều đại mới, lập tức giấu ấn Vũ đế trước kia đi[2]. Thời Anh Tề làm túc vệ ở Trường An, đã lấy một nữ nhân Hàm Đan họ Cù, sinh con trai tên Hưng. Sau khi lên ngôi, lại gửi thư lên Hán triều xin lập Cù thị làm vương hậu, Hưng là con nối dõi. Nhà Hán mấy lần cho sứ giả khuyên nhủ Anh Tề, Anh Tề chuộng lạc thú, tùy tiện giết người, buông thả phóng túng, sợ vào triều phải tuân thủ luật pháp nhà Hán, ngang hàng các chư hầu nội địa, nên quyết cáo bệnh, không đi. Chỉ sai con thứ là Công vào làm túc vệ. Anh Tề mất, thụy hiệu là Minh Vương.

Thái tử Triệu Hưng lên ngôi, để mẹ đẻ làm Thái hậu. Thái hậu lúc chưa làm vợ Anh Tề, thường tư thông với người Bá Lăng tên là An Quốc Thiếu Quý. Sau khi Anh Tề mất, năm Nguyên đỉnh thứ tư (113 BC), nhà Hán sai An Quốc Thiếu Quý đến dụ dỗ Nam Việt vương và thái hậu vào chầu, như các chư hầu nội địa; ra lệnh cho Biện sĩ gián đại phu Chung Quân đến nhắn nhủ, bọn dũng sĩ Ngụy Thần phụ giúp hỗ trợ, vệ úy Lộ Bác Đức tiến quân đóng ở Quế Dương đợi tin sứ giả. Vương ít tuổi, thái hậu là người Trung Quốc, từng đi lại với An Quốc Thiếu Quý, nay quay lại thông dâm. Người Nam Việt biết rõ, đa số không tán thành thái hậu. Thái hậu bối rối, muốn dựa vào uy nhà Hán, nhiều lần khuyên vương và quần thần xin nội thuộc nhà Hán. Nhân tiện nhờ sứ giả dâng thư lên vua Hán, xin được coi như chư hầu, ba năm triều cống một lần, mở bỏ các cửa ải ngăn giữa nhà Hán và Nam Việt. Thiên tử đồng ý, ban cho Thừa tướng Nam Việt là Lữ Gia ấn bạc, cùng với các loại ấn cho các quan Nội sử, Trung úy, Thái phó, ngoài các chức đó ra thì tự thiết lập. Bỏ hai hình phạt cũ là thích chữ vào mặt và cắt mũi, dùng luật pháp Hán, ngang với các chư hầu nội địa. Sứ đoàn lưu lại áp chế phủ dụ Nam Việt. Vương và thái hậu chuẩn bị hành trang và cống vật , chuẩn bị nhập triều.

Thừa tướng Nam Việt là Lữ Gia đã già, giữ chức ba đời vương, dòng họ hơn bảy mươi người làm việc quan ở bậc trưởng lại, nam lấy vợ là con gái nhà vua, nữ được gả cho con cái anh em tông thất nhà vua, quan hệ với cả Tần vương ở Thương Ngô. Trong nước, Lữ Gia rất được kính trọng, người Việt tin tưởng, có nhiều kẻ làm tai mắt, được lòng dân hơn cả vương. Triệu Hưng gửi thư chấp nhận nhập Hán, Lữ Gia nhiều lần khuyến cáo ngăn cản, vương không nghe. Có ý định làm phản, Lữ Gia mấy lần cáo bệnh không gặp sứ giả triều đình. Sứ giả đều lưu ý Gia, nhưng ở thế chưa thể giết được. Vương và thái hậu sợ bọn Gia khởi sự trước, bèn mở tiệc rượu, dựa vào thế lực sứ giả Hán, âm mưu giết bọn Gia. Các sứ giả ngồi nhìn về phía đông, thái hậu nhìn về phía nam, vương nhìn về hướng bắc, thừa tướng Lữ Gia và đại thần nhìn qua hướng tây, ngồi uống hầu. Em Gia là tướng, cầm quân ở phía ngoài cung điện. Giữa cử rượu, thái hậu nói với Gia nhưng nhằm làm sứ giả nổi giận: “Nam Việt nội thuộc, có lợi cho quốc gia, tướng quân lại lo ngại rằng sẽ bất tiện, tại sao vậy?” Các sứ giả do dự, cuối cùng chẳng ai dám hành động. Gia không thấy thân tín của mình xung quanh, liền đứng lên bỏ đi. Thái hậu phẫn nộ, muốn đâm Gia bằng cây mâu, Triệu Hưng cản lại. Lữ Gia ra được bên ngoài, chia quân của em mình về nhà riêng phòng bị, cáo bệnh, không đồng ý gặp vương và sứ giả. Bèn lén cùng các đại thần chuẩn bị làm loạn. Vương vốn không muốn giết Gia, Gia biết vậy, cho nên mấy tháng không có chuyện gì. Thái hậu cứ dâm loạn, dân trong nước không ưa, muốn giết bọn Lữ Gia nhưng cô độc, không có khả năng.

Hán Vũ đế nghe chuyện Lữ Gia không phục tùng Nam Việt vương, vương và thái hậu lại cô độc yếu đuối không khống chế được, sứ giả nhát gan chần chừ. Nghĩ đã có vương và vương thái hậu đã tuân phục nhà Hán, mỗi Lữ Gia làm loạn, không đáng hưng binh, muốn sai Trang Sâm lấy hai ngàn người đi sứ. Trang Sâm nói: “Đến giao hảo, vài người đã đủ; đến dùng vũ lực, hai ngàn người không đủ đâu.” rồi từ chối vì không khả thi, thiên tử loại bỏ Sâm. Giáp tráng sĩ Hàn Thiên Thu, nguyên là tướng của Tế Bắc vương hùng hổ nói: “Nước Việt bé tí, lại có vương và thái hậu phụ họa, chỉ mỗi Lữ Gia tướng phá hoại, xin được có hai trăm dũng sĩ, hy vọng sẽ chém đầu Gia đem về báo công.” Thiên tử bèn sai Thiên Thu cùng em trai vương thái hậu là Cù Lạc và hai ngàn người tiến đến biên cảnh nước Việt. Bọn Lữ Gia bèn tạo phản, hạ lệnh cho người trong nước: “Vương còn nhỏ, thái hậu là người Trung Quốc, lại cùng sứ giả nhà Hán dâm loạn, chủ trì muốn nội thuộc, đem hết của cải quý báu của tiên vương nịnh nọt hiến nộp cho thiên tử, đem theo nhiều người, đi đến Trường An, bán cho người ta làm nô tì. Y thị chỉ nghĩ đến cái lợi nhất thời cho riêng mình, không màng đến xã tắc của họ Triệu, không lo toan trù tính cho vạn thế nhà chồng.” Bèn cùng em trai đem quân tấn công giết vương, thái hậu và sứ giả. Sai người đến báo cho Tần vương ở Thương Ngô và các quận huyện, lập trưởng nam con người vợ Việt của Minh Vương Anh Tề là Thuật dương hầu Kiến Đức làm vua. Quân Hàn Thiên Thu nhập Việt, phá một vài ấp nhỏ. Sau đó bắt người Việt mở đường và cung cấp lương thực, đến cách Phiên Ngu bốn mươi dặm thì bị quân Việt đánh và tiêu diệt hết. Lữ Gia sai người gói ghém phù tiết ấn tín của của sứ giả Hán đem bỏ ngoài cửa biên tái, trên đó viết mấy lời gian giảo tốt đẹp tạ tội, rồi phát binh trấn thủ tại những nơi hiểm yếu. Vũ đế bảo: “Hàn Thiên Thu tuy không thành công, cũng là quan tiên phong hàng đầu.” Tấn phong con Thiên Thu là Diên Niên làm An thành hầu. Cù Nhạc là chị của vương thái hậu, người cầm đầu việc cầu xin thuộc Hán, tấn phong con Nhạc là Quảng Đức làm Long kháng hầu. Bèn ân xá tội nhân trong nước để chuộc đức và nói: “Thiên tử suy yếu, chư hầu xảy ra bạo lực, người ta sẽ chê cười các đại thần không trừ giặc loạn. Nay bọn Lữ Gia và Kiến Đức làm phản, tự lập mà bình yên vô sự, ta ra lệnh tập hợp tội nhân đến phía nam Giang Hoài cùng thủy binh ở đó tổng cộng mười vạn quân, đi đến Nam Việt thảo phạt.”

Năm Nguyên đỉnh thứ năm (112 BC), mùa thu, vệ úy Lộ Bác Đức được cử làm Phục ba tướng quân, từ Quế Dương, đi xuống sông Hối; chủ tước đô úy Dương Bộc làm lâu thuyền tướng quân từ Dự Chương đem quân xuống Hoành Phố; hai vị hầu cũ của Nam Việt quy hàng nhà Hán làm qua thuyền, cùng Hạ Lệ tướng quân, từ Linh Lăng xuất quân, một cánh xuống sông Li, một cánh chặn tại Thương Ngô; sai Trì nghĩa hầu dựa vào tội nhân đăng lính của Ba Thục, phát thêm quân Dạ Lang, theo đường sông Tang Kha; tất cả tiến về Phiên Ngu.

Năm Nguyên đỉnh thứ sau (111 BC), mùa đông, quân tinh nhuệ của lâu thuyền tướng quân đầu tiên hãm Tầm Xiểm, phá được Thạch Môn, cướp được thuyền thóc của quân Việt, thừa cơ tiến lên, bẻ gãy quân tiên phong Nam Việt, tập hợp vài vạn người đợi Phục Ba. Phục Ba tướng quân cầm quân là tội nhân bị bắt lính, đường xa, đến sau, cùng lâu thuyền hợp vào thêm hơn một ngàn người, rồi cùng tiến. Lâu thuyền tướng quân đi trước, đến Phiên Ngu. Kiến Đức và Lữ Gia cùng thủ trong thành. Lâu thuyền tự chọn chỗ đóng quân thuận tiện, là phía đông nam Phiên Ngu; Phục Ba đến chỗ phía bắc. Lựa lúc trời tối, lâu thuyền đánh bại người Việt, phóng hỏa đốt thành. Người Việt đã từng nghe danh Phục Ba, đêm tối, không biết quân nhiều hay ít. Phục Ba bèn lập doanh trại, sai sứ giả chiêu hàng người Việt, ban ấn quan, rồi lại cho về dụ người khác sang hàng. Mặt này lâu thuyền dồn sức tấn công thiêu đốt đối phương, mặt kia loạn binh chạy đến quân doanh Phục Ba đầu hàng. Mờ sáng, mọi người trong thành đều đầu hàng Phục Ba. Lữ Gia và Kiến Đức lợi dụng đêm tối, cùng thuộc hạ vài trăm người trốn ra biển, dùng thuyền đi về phía tây. Phục Ba bèn tra hỏi các quí tộc Nam Việt, biết được nơi Lữ Gia đến, liền sai người truy tìm. Nguyên hiệu úy hiện dưới quyền Phục Ba là Tư Mã Tô Hoằng bắt được Kiến Đức, được phong Hải thường hầu; quan lang người Việt là Đô Kê bắt được Lữ Gia, được phong Lâm thái hầu.

Thương Ngô vương tên Triệu Quang, cùng họ Việt vương, nghe tin Hán binh đến, cùng huyện lệnh Yết Dương tên Định quyết định thuộc Hán; quan giám người Việt ở Quế Lâm tên Cư Ông dụ dân Âu Lạc hàng Hán; tất cả đều được phong hầu. Quân của qua thuyền và Hạ Lệ tướng quân cùng Trì nghĩa hầu đem quân Dạ Lang đến nơi, Nam Việt đã bình định rồi. Chia làm chín quận. Phục Ba tướng quân được ban thêm đất đai. Lâu thuyền tướng quân điều lính đánh được tuyến phòng thủ kiên cố, phong Tương lương hầu. Từ buổi ban đầu Triệu Đà xưng vương đến cuối, truyền được năm đời, tổng cộng 93 năm thì nước bị diệt.

Thái sử công viết: Ngôi vương của quan úy Triệu Đà, gốc rễ từ Nhâm Hiêu. Gặp lúc nhà Hán vừa yên định, được liệt vào hàng chư hầu. Long lư hầu gặp phải khu vực ẩm thấp, dịch bệnh hoành hành, Đà được thể kiêu ngạo. Người Âu Lạc đánh nhau, Nước Nam Việt lung lay, Hán binh đến biên giới, Anh Tề vào chầu. Sau này mất nước, cũng bởi Cù nữ; Lữ Gia lòng trung nhỏ hẹp, cho nên huyện lệnh Đà không người nối nghiệp. Lâu thuyền tướng quân phóng túng, lười biếng kiêu căng sai trái mê loạn; Phục Ba khốn cùng, trí mưu nảy nở, từ họa ra phúc. Thành bại chuyển dời, ràng chặt với nhau.

———————————————–

[1] Phẫu phù là vật làm tin, thường viết nội dung thiên tử công nhận chư hầu, rồi chẻ làm đôi, mỗi bên giữ một nửa.

[2] Từ việc phát lộ đế ấn của Triệu Hồ trong lăng mộ, dẫn đến khả năng đế ấn của Triệu Đà cũng được chôn theo. Do đó chúng tôi nghĩ câu này có ngầm ý là Anh Tề tuyệt đối tuân thủ yêu cầu cấm dùng đế hiệu của nhà Hán.

SỬ KÝ: ĐÔNG VIỆT LIỆT TRUYỆN

Leave a comment

Người dịch: Trương Thái Du

Nguồn: Chinese Text Project 東越列傳

Mân Việt vương Vô Chư cùng với Việt Đông Hải vương Diêu đều là hậu duệ Việt vương Câu Tiễn, họ là Sô. Khi Tần đã thôn tính hết thiên hạ, liền phế xuống hàng tù trưởng, lấy đất ấy lập quận Mân Trung. Đến khi chư hầu phản Tần, Vô Chư và Diêu đem người Việt quy phụ Ngô Nhuế là huyện lệnh Bà Dương, nhập vào quân Bà Dương, theo chư hầu diệt Tần. Lúc này Hạng Tịch đang là minh chủ chư hầu, không cho vương chức, Vô Chư và Diêu lấy cớ đó không tuân phục Sở vương. Khi Hán đánh Hạng Tịch, Vô Chư và Diêu đem người Việt phò Hán. Năm Hán vương thứ 5 (202 BC), phục hồi Vô Chư làm Mân Việt vương tại đất Mân Trung xưa, đóng đô tại Đông Dã. Năm Hán huệ đế thứ ba (193 BC), nêu thành tích người Việt giúp Hán cao tổ, nói rằng Diêu quân trưởng có nhiều công lao, dân chúng quy phục, bèn lập Diêu làm Đông Hải vương, đóng đô ở Đông Âu, người đời gọi là Đông Âu vương.

Sau vài thế hệ, đến năm Hán cảnh đế thứ ba (154 BC) Ngô vương Lưu Tị mưu phản, muốn Mân Việt đi theo, Mân Việt chưa nghe, chỉ mỗi Đông Âu theo Ngô. Đến khi Ngô bị đánh bại, Đông Âu nhận tiền thưởng triều đình, giết Ngô vương tại Đan Đồ, nên không bị tội, được cho về nước.

Con của Ngô vương là Tử Câu trốn tránh ở Mân Việt, oán hận Đông Âu giết cha mình, thường khuyên Mân Việt đánh Đông Âu. Đến năm Kiến nguyên thứ ba (138 BC), Mân Việt phát binh đánh Đông Âu. Đông Âu hết lương thực, nguy khốn, sắp đầu hàng, bèn sai người báo gấp cho vua Hán. Vua hỏi thái úy Điền Phân, Phân trả lời: “Người Việt đánh nhau, xưa nay vẫn thường xảy ra, nhiều lần phản phúc, chẳng đáng làm phiền Trung Quốc đến cứu. Thời Tần đã bỏ mặc, giờ đây chẳng nên giữ lại.” Trung đại phu Trang Trợ chất vấn Điền Phân: “Thấy tai họa có sức mà không cứu, ân đức thiển bạc, không đem phúc che chở, sao lại buông bỏ? Vả chăng, ngay với bạo Tần, chúng ta còn sửa sang Hàm Dương đổ nát, huống chi với người Việt. Ngày nay nước nhỏ kia cùng khốn đến cấp báo thiên tử, thiên tử chẳng giúp đỡ, họ biết nhờ vả ai nữa, thiên tử làm sao còn có thể dưỡng dục bảo hộ vạn quốc?”. Vua nói: “Kế của thái úy không dùng được. Ta mới lên ngôi, không muốn xuất hổ phù phát binh các quận, quốc”. Bèn sai Trang Trợ dùng phù tiết phát binh quận Cối Kê. Cối Kê thái thú không muốn tuân lệnh, Trợ chém đầu một quan Tư Mã, hiểu dụ thánh chỉ, lúc ấy binh tướng mới lên đường cứu Đông Âu. Chưa đến nơi, Mân Việt lui quân. Đông Âu xin dời đô vào sâu đất Trung Quốc, tất cả dân chúng đều đi theo, trú lại một dải vùng Giang Hoài.

Đến năm Kiến nguyên thứ sáu (135 BC), Mân Việt đánh Nam Việt. Nam Việt tuân thủ thỏa ước với Hán triều, không dám tự tiện đem người phản kích. Hán Vũ đế sai đại hành Vương Khôi xuất phát từ Dự Chương, đại nông Hàn An Quốc từ Cối Kê, cả hai đều được phong là tướng quân. Hán binh chưa đến dãy núi Du (Dương sơn), vua Mân Việt là Dĩnh đem quân chống cự ở những chỗ hiểm yếu. Dư Thiện, em của Dĩnh, nói với các tướng và họ hàng mưu kế của mình: “Quốc vương tự tiện phát binh đánh Nam Việt, cho nên quân của thiên tử đến đánh dẹp. Tuy Hán binh mạnh, nhất thời vẫn may mắn cầm cự được, sau này tăng viện, cuối cùng cũng bị diệt mà thôi. Nay sẽ giết Dĩnh để tạ tội. Nếu thiên tử thuận, xin bãi binh, nước Mân Việt lại như xưa; nếu không đồng ý, chúng ta sẽ đánh đến cùng; không thắng được thì ra biển mà trốn.” Tất cả đều trả lời: “Đồng ý.” Lập tức dùng giáo đâm chết vương Dĩnh, sai người đem đầu dâng nộp cho đại hành. Vương Khôi nói: “Ta đến đây là để giết Đông Việt vương. Nay thủ cấp y đã tới, dân Đông Việt tạ tội, không đánh mà thắng, lợi muôn bề.” Vương Khôi bèn án binh, đồng thời báo cho nông quân Hàn An Quốc biết, lại sai người đem đầu Dĩnh phi ngựa về dâng báo thiên tử. Triều đình thảo chiếu bãi hai tướng, ngoài ra còn viết: “Dĩnh là loại thủ ác, chỉ có cháu của Vô Chư là Dao quân tên Sửu không can dự vào âm mưu.” Bèn sai lang trung tướng lập Sửu làm Việt Dao Vương, lãnh việc tế tự tổ tiên Mân Việt.

Dư Thiện sau khi giết Dĩnh, uy quyền truyền ra cả nước, dân chúng theo rất nhiều, bèn lén lút tự lập là vương. Dao vương không thể cai quản dân chúng. Vũ đế nghe được nhưng cho rằng chuyện này chưa cần phải dụng binh khiến dân chúng bất an, và bảo: “Dư Thiện cùng với Dĩnh mưu loạn, sau đó giết Dĩnh, quân Hán tránh được việc lao khổ.” Bèn cho Thiện làm Đông Việt vương, cùng Dao vương cai trị xứ sở.

Đến năm Nguyên đỉnh thứ năm (112 BC), Nam Việt làm phản, Đông Việt vương Dư Thiện gửi thư lên Vũ đế, xin lấy tám trăm quân đi theo thuyền chiến của tướng quân Dương Bộc đánh bọn Lữ Gia. Quân đến Yết Dương, gặp sóng to gió lớn nên bị phân tán, không tiến lên được, bèn dừng lại nghe ngóng, và ngầm gửi người đi đến Nam Việt dò la tình hình. Khi quân Hán đã phá được thành Phiên Ngung, quân Đông Việt vẫn chưa tới. Lúc này lâu thuyền tướng quân Dương Bộc gửi thư về triều, mong được nhân tiện dẫn quân đánh luôn Đông Việt. Hán Vũ đế bảo sĩ tốt đã mệt mỏi, không cho phép và ra lệnh bãi binh, yêu cầu các quan hiệu úy tập trung tại Mai Lĩnh quận Dự Chương chờ sai khiển.

Mùa thu năm Nguyên đỉnh thứ sáu (111 BC), Dư Thiện nghe được việc lâu thuyền tướng quân xin đánh mình, Hán quân đã áp sát biên giới, sắp đến nơi, bèn tạo phản, chia quân chặn các nẻo đường. Thiện phong Sô Lực làm “Diệt Hán” tướng quân, tiến đến Bạch Sa, Vũ Lâm, Mai Lĩnh giết ba hiệu úy người Hán. Lúc này nhà Hán sai đại nông Trương Thành và cựu Sơn châu hầu Lưu Xỉ xuất quân phòng bị, hai người này không dám tiến đánh, lui về thủ thế ở những chỗ thuận tiện và rất sợ bị giết.

Dư Thiện tự xưng hoàng đế và cho khắc ấn Vũ Đế, dối gạt dân chúng, tuyên bố tùy tiện. Vua Hán sai hoành hải tướng quân Hàn Thuyết xuất phát từ Cú Chương, đi đường biển tiến về phía đông; lâu thuyền tướng quân Dương Bộc đi từ Vũ Lâm; trung úy Vương Ôn Thư từ Mai Lĩnh; Nam Việt hầu (đã hàng Hán) chế qua thuyền, cùng Hạ Lại tướng quân, từ Nhược Tà và Bạch Sa. Mùa đông năm Nguyên phong thứ nhất (110 BC), tất cả các cánh quân đều tiến vào Đông Việt. Đông Việt đem quân trấn giữ tại các nơi hiểm yếu, sai Tuẫn Bắc tướng quân đóng ở Vũ Lâm, đánh bại lâu thuyền của mấy hiệu úy, giết chết trưởng quan. Lâu thuyền tướng quân đốc thúc người Tiền Đường tên là Viên Chung Cổ giết được Tuẫn Bắc tướng quân, được phong Ngự nhi hầu. Từ lúc cánh quân chính vẫn chưa tiến vào.

Cựu Diên hầu của nước Việt tên Ngô Dương ban đầu ở Hán, được sai đi dụ hàng Dư Thiện, Thiện không nghe. Gặp lúc hoành hải tướng quân đến, Ngô Dương lấy ở ấp của mình bảy trăm người làm phản, đánh quân Việt tại Hán Dương. Lại có Kiến thành hầu là Ngao và bộ hạ đi theo, cùng với Dao vương tên Cư Cổ bàn sách lược: “Dư Thiện hay làm việc ác, cướp đoạt của chúng ta, bây giờ Hán binh đã đến, đông và mạnh, kế hay là giết Dư Thiện, quy hàng các tướng Hán, chắc là may mắn thoát tội.” Bèn cùng nhau giết Dư Thiện, cùng mọi người đầu hàng hoành hải tướng quân, cho nên phong Dao vương Cư Cổ làm Đông thành hầu, hoa lợi vạn hộ; phong Kiến thành hầu Ngao làm Khai lăng hầu; phong Việt diên hầu Ngô Dương làm Bắc thạch hầu, phong hoành hải tướng quân Hàn Thuyết làm Án đạo hầu; phong hoành hải hiệu úy Lưu Phúc làm Liễu anh hầu, Lưu Phúc là con Thành dương cung vương Lưu Hỉ, trước kia là Hải thường hầu, vì phạm pháp nên mất tước. Tuy tòng quân nhưng không có công trạng, vì gia tộc công hầu nên mới được phong. Các tướng không có chiến công thì không được phong. Đông Việt tướng có nhiều quân, Hán binh đến, bỏ quân mà hàng, được phong Vô tích hầu.

Hán Vũ đế nói rằng Đông Việt đất hẹp, địa hình trắc trở, người Mân Việt hung hãn dũng mãnh, mấy lần làm phản, chiếu lệnh tất cả quan, quân, tướng, dân dời về xứ Giang Hoài. Đông Việt trở thành vùng đất hoang trống.

Thái sử công viết: Nước Việt tuy là giống Man Di, nhưng tổ tiên có công đức lớn với người dân. Tuy nhiên chẳng có gì là vĩnh cửu! Kinh qua nhiều triều đại tầm thường, Câu Tiễn được một lần xưng bá. Tuy nhiên vì Dư Thiện đại nghịch bất đạo, nước bị diệt, dân bị dời, con cháu sau cùng là Dao vương Cư Cổ được phong vạn hộ hầu, duyên cớ có thể thấy, người Việt từ nay đời đời ở hàng công hầu. Cũng chính nhờ công đức vua Vũ còn lưu tồn vậy.

 

SỰ SAI LẦM CỦA TRẦN TRỌNG KIM?

15 Comments

社稷兩回勞石馬,

山河千古奠金甌

Trên đây là hai câu thơ chữ Hán nổi tiếng của Trần Nhân Tông, âm Hán Việt: Xã tắc lưỡng hồi lao thạch mã. Sơn hà thiên cổ điện kim Âu. Trần Trọng Kim dịch thành: Xã tắc hai phen chồn ngựa đá, Non sông nghìn thuở vững âu vàng.

***

Âu ở đây chính là Âu trong Âu Lạc, một thành tố đẳng lập tổ hợp bởi nguyên nghĩa Đất và Nước.

Âu tương đương với xứ sở, hay chữ quốc ở Hán ngữ. Âu bắt nguồn từ nước Việt thời chiến quốc, là ngôn ngữ bản địa của Câu Tiễn, đến năm 193 BC nó vẫn còn tồn tại ở quốc danh Đông Âu của Diêu vương, hậu duệ Câu Tiễn.

Người Man Di Hoa nam gọi vùng sinh sống của mình, dọc theo các nhánh chính và phụ của con sông Tây Giang (ảnh dưới) là Lạc, nghĩa là nước, hàm ý cả xứ sở.

Zhujiangrivermap

Văn hóa Di giao thoa với văn hóa Việt chiến quốc tại Nam Việt đã khai sinh ra thuật ngữ đẳng lập Âu Lạc. Âu Lạc cũng giữ vai trò là tên bản địa của Nam Việt trong các ngữ cảnh Sử Ký và Hán thư.

Tổ tiên nhà Trần đến Việt Nam từ đất Mân. Họ kế thừa nhánh văn hóa Âu Việt, thông hiểu văn hóa Lạc Việt, lấy Nam Việt và Triệu Đà làm cảm hứng kiến quốc. Như Sử Ký đã mô tả:

“Đà nhân đó dùng cường binh uy hiếp biên giới, dùng của cải mua chuộc hối lộ quí tộc người Di ở Mân Việt và Tây Âu Lạc, khiến họ phụ thuộc, nhờ thế đất đai Nam Việt từ đông sang tây hơn vạn dặm. Lại ngồi xe mui vàng, trên xe cắm cờ tả đạo, mệnh lệnh đưa ra gọi là chế và chiếu như thiên tử, tự xem ngang hàng với Trung Quốc”.

***

Sergei Starostin liệt kê âm Âu trong tiếng Miến Điện, Kachin (Bắc Miến Điện) và Trung Quốc hiện nay đều chỉ: cái vại, cái ca, cái bình, nồi nấu lớn, cái vạc, cái âu đựng thức ăn hoặc nước. Nghĩa của nó trong tiếng Việt là cái âu. Nguyên liệu cổ đại tạo nên tất cả những thứ đó là đất. Do đó nếu cho rằng nghĩa cổ nhất của Âu (ít nhất là trước năm 678 BC, khi tiểu quốc Âu Đặng còn tồn tại) là đất thì không có gì hoang đường cả. Thậm chí chỉ có Âu mang nghĩa là Đất (quốc gia) mới thỏa mãn tất cả các quốc danh và vương hiệu gắn với chữ Âu trong sách sử Trung Hoa, kể cả những chữ Âu đồng âm dị tự: Âu Đặng, Âu Việt, Đông Âu, Đông Âu vương, Âu nhân…

Và trong văn hiến Việt Nam, ít nhất hai lần chữ Âu đã xuất hiện, dù chưa thật rõ ràng nhưng vẫn có thể hiểu Âu là Đất, là quốc gia: Vua Trần Nhân Tông năm 1288 đã viết hai câu thơ [社稷兩回勞石馬,山河千古奠金甌 – Xã tắc lưỡng hồi lao thạch mã, Sơn hà thiên cổ điện kim Âu]. Hồ Hán Thương cuối thế kỷ 14 đầu thế kỷ 15 đã đổi tên một ngọn núi ở Thanh Hóa là Kim Âu 金甌. Hầu hết các dịch giả Việt Nam hiện đại đều cho rằng Âu là cái âu, cái chậu; Kim Âu là một điển cố thuần Hán chỉ quốc gia. Hãy bỏ qua chủ nghĩa dân tộc hẹp hòi và nhìn vào sự kiện một cách khách quan nhất để lựa chọn hàm ý.

***

Sử gia Trần Trọng Kim dịch “kim Âu” là cái chậu vàng. Cái chậu, một thứ đồ dùng gia dụng, nhiều khi giữ những chức năng vệ sinh bẩn thỉu, dù bằng vàng hay kim cương đi nữa, không thể và không bao giờ có thể được vua Trần so sánh với đất nước của mình cả. Chữ Âu trong thơ ông là mật mã bí hiểm của lịch sử đã được khai mở trong quyển sách sắp xuất bản:

KHẢO CHỨNG TIỀN SỬ VIỆT NAM bằng THIÊN VĂN HỌC CỔ ĐẠI TRUNG HOA

(Research prehistory of Vietnam under Chinese classical Astronomy)

Tác giả Trương Thái Du

Dịch, Tượng và Cửu chân – Nhật nam

11 Comments

Trước khi tiếp tục đi sâu vào những văn bản Hán cổ phức tạp, chúng tôi muốn quý độc giả giải lao bằng một đoạn văn giả tưởng về những gì đã diễn ra liên quan đến Tượng quận:

Năm 75 BC, gần vãn một buổi chầu như thường lệ của triều đình Hán Chiêu Đế tại kinh đô Trường An, có vị quan trẻ hiếu học bước ra kính cẩn tâu trình:

“Thỉnh cầu bệ hạ, đại Hán ta trên thuận thiên, dưới hợp địa, giữa được lòng muôn dân, tứ di thuần phục. Xưa trời trao Trung Nguyên nguyên vẹn cho Cao Tổ, sách vở cũ còn ghi Tượng quận. Vậy mà ngu thần không hiểu vì sao quận ấy ngày nay đã mất dấu. Chẳng lẽ khoảnh đất cả trăm dặm non xanh nước biếc có cánh bay, có chân đi? Hay nó đã bị người Nam man tái chiếm?”

Đa số các quan rất đỗi ngạc nhiên. Chỉ một số người có kiến thức thiên văn kín đáo trao đổi những ánh mắt bối rối rồi cùng nhìn về hoàng đế. Lên ngôi từ năm 8 tuổi, Lưu Phất Lăng năm ấy vừa tròn 20, đĩnh ngộ hơn người, lại là học trò những vị đại sư hàng đầu đế quốc nên ông không hề bối rối:

“Câu hỏi hay lắm. Trẫm rất thích những người đặt câu hỏi thông minh. Tuy nhiên sau buổi chầu ta phải vào lớp học Dịch lý nên tạm thời không có thời gian. Khanh và ai quan tâm sẽ có câu trả lời ở lần khai triều tiếp theo”.

Trưa hôm đó Chiêu đế chỉ chấm đũa qua loa rồi vội vào thư phòng với các chuyên gia lịch sử kiêm thiên văn, lịch pháp đang đợi sẵn.

“Tên tiểu lại kia con cái nhà ai mà đầu óc tự do thế. Y chưa được dạy Dịch lý, thuộc Dịch văn ư? Chưa bị nhốt vào chiếc lồng son Dịch kinh, Thoán truyền, Tượng truyền, Hệ từ, Văn ngôn của thánh nhân ư? Tại sao?” Chiêu đế hỏi, ngữ điệu hơi căng thẳng.

Thái sử công cúi mình tâu: “Bẩm bệ hạ. Dịch dạy người sáng suốt phương pháp tư duy, trói kẻ u mê trong tín điều mê tín và cuồng tín. Cứ mỗi ngàn năm sẽ xuất hiện một kẻ thoạt nhìn là đang hủy hoại Dịch Kinh. Nhưng theo chính thuyết âm dương tương hợp, lẽ thuận nghịch hài hòa của Dịch, người đó sẽ làm mới đức tin cho Dịch. Chỉ như vậy giá trị thực sự của Dịch mới trường tồn.”

“Vậy theo khanh ta sẽ phải nói trắng ra Tượng quận không có thật đâu. Đấy chỉ là Quan tượng quận mà thôi. Quan tượng tức là thực hành thiên văn đấy. Trời sao thì đất vậy, cho nên mới có tinh phân, tinh dã thể hiện những vùng đất của nhà Chu, nhà Tần rồi đến Hán ta. Trời tròn ắt đất sẽ tròn, chứ không vuông như kiến thức lạc hậu và đáng tội nghiệp của Khổng Phu Tử”. Chiếu đế vừa nói vừa đi tới đi lui bực dọc.

“Thánh thượng anh minh. Mật chỉ của các tiên vương muôn đời là không phổ biến kiến thức thiên văn ra ngoài xã hội, sợ sinh biến, tao loạn. Ai cũng làm được lịch và xem thiên tượng thì tứ di còn coi Trường An là thủ đô đế quốc nữa không? Vì vậy xin thánh thượng cân nhắc câu trả lời”.

“Vua Tần đánh xuống Ngũ Lĩnh, chiếm Giao Chỉ, cũng một phần vì Lã Thị Xuân Thu bảo nơi ấy có thuốc trường sinh, có chân nhân bất tử. Tại sao chiếm xong rồi, khai thác phần lớn thủy ngân làm sông làm suối trong Ly lăng rồi, không đặt nơi ấy thành quận huyện và dời Giao Chỉ xa xuống phương nam như cha ta và tiền nhân trước kia?” Chiêu đế hỏi.

Thái sử công lại vòng tay kính cẩn: “Ông ấy không tin người xưa, chỉ khát khao cái mới nên bày vẽ, lật ngược tất thảy. Oái oăm là cuối đời, bao nhiêu tâm trí sáng suốt xưa kia đã gộp thâu được lục quốc của họ Doanh bị chính chu sa thần sa tước đi sạch. Ông ấy nghe bọn đạo sĩ bất lương uống kim đan sai công thức nên trúng độc: co giật, run rẩy, mất cảm giác, gan và não bị hủy hoại. Sự hoang tưởng, tính cuồng bạo, sát sinh vô tội vạ, đốt sách, chôn học trò của ông ta có lẽ có nguyên do từ đấy. Chắc chắn thái tử Phù Tô bị biếm ra biên ải trong một cơn say thuốc của vua cha”.

“Thuốc bất tử trở thành đoản sinh. Ô hô ai tai!” Chiêu đế giơ hai tay lên trời ta thán nhưng chợt nhớ rằng Giao Chỉ lúc này đang được gọi vừa là bộ, vừa là quận. Ông hốt hoảng: “Dưới Giao Chỉ quận tại sao cha ta đặt tên là Cửu Chân và Nhật Nam? Như vậy đến con cháu ta thì hết được dùng khái niệm Giao Chỉ rồi sao?”

Thái sử công nhẹ nhàng kiên nhẫn giải thích: “Thưa thánh thượng, ở Phiên Ngung giữa trưa ngày hạ chí thổ khuê đã đứng bóng rồi. Đi xa nữa về phía nam chúng thần đoán biết có một nơi mà ngày xuân phân và thu phân thổ khuê lại đứng bóng, Vũ đế chấp thuận gọi nơi ấy là Cửu Chân. Còn Nhật Nam nghĩa là vùng đất lúc nào bóng thổ khuê cũng ở phía nam thì xa lắm, nơi ngày đông chí thổ khuê đứng bóng trở xuống. Con cháu ngài dùng thuật ngữ này khai mở đế quốc, giáo hóa man di, chứ không nên dùng Giao Chỉ nữa. Nó hiện đại hơn, cập nhật tri thức nhiều hơn và sau hết nó mô tả đất đai Đại Hán bao la hơn bao giờ hết. Công nghiệp ấy, lớn lao cỡ như Vũ đế mới nhìn thấy.”

“Ta hiểu rồi. Còn câu trả lời về Tượng quận, theo khanh thì làm thế nào?”

“Rất đơn giản thưa đấng chí tôn. Thần viết ngay một bản ghi chép (kỷ), lùi lại mùa thu năm trước, bệ hạ duyệt vào. Chiều nay thần hơ qua hơi nước sôi và phơi nắng cho nó cũ đi. Kỷ sẽ có nội dung hoàng đế ra lệnh bãi Tượng quận chia vào Uất Lâm quận và Tang Kha quận. Nếu gã tân lại kia tiếp tục thắc mắc thì một là điều chuyển y lên miền bắc lạnh lẽo làm giám quân, hoặc nếu y thật sự giỏi giang, thần sẽ nhận nó làm học trò, truyền thụ thiên văn, toán pháp và lịch pháp để nối bước chúng thần làm thư ký cho bệ hạ.”

“Khanh có chắc như thế là tối ưu không?” Chiêu đế hỏi và quay lưng lại người nghe, chăm chú nhìn vào tủ sách đồ sộ chất đầy cổ thư là những bó thẻ tre cuộn tròn.

Thái sử công len lén vuốt râu một cách khinh mạn và mỉm cười trả lời: “Sau hai ngàn năm thì không chắc, chứ trong hai ngàn năm, thần tin rằng không một kẻ đầu đen nào có thể hiểu bản chất của thiên văn học Đại Hán chúng ta ở những thuật ngữ này. Lại càng không thể có kẻ nào biết bản ghi chép kia làm ra để chữa cháy”.

Older Entries