Yellow River Map, Lo Shu Square, Yin Yang, Five Elements and Yi Jing, the “Holy Grail” of East Asian Civilization
Trong hàng chục năm trở lại đây, giới cổ học Việt Nam liên tục đưa ra những giả thiết chấn động: Hà đồ, Lạc thư, thuyết Âm dương, Ngũ hành và Kinh Dịch là sản phẩm trí óc của người Việt cổ. Đa số chúng dựa trên những biện giải chưa thật sự thuyết phục, tuy gây nhiều tranh cãi nhưng cuối cùng vẫn đi vào hình thức đánh trống bỏ dùi. Tác giả Viên Như có lần trả lời phỏng vấn báo chí như sau: “Có thể nói Dịch học là bản thể luận đầu tiên của nhân loại; đồng thời là hiện tượng luận… Chính vì điều này nó không những cung cấp hiểu biết về bản chất của nhân sinh và vũ trụ, mà còn cho phép con người có những dự đoán dựa trên những kết quả có tính siêu nhân quả”.
“Chén thánh – Holy grail” là một thuật ngữ văn hóa và tín ngưỡng của văn minh phương Tây, ý nghĩa thần kỳ của nó được xây dựng dựa trên truyền thuyết các hiệp sĩ bàn tròn. Ở góc độ nào đó, Hà đồ, Lạc thư, thuyết Âm dương, Ngũ hành và Kinh Dịch cũng có bản chất “chén thánh”.
Trong quá trình viết quyển sách ” KHẢO CHỨNG TIỀN SỬ VIệT NAM bằng THIÊN VĂN HỌC CỔ ĐẠI TRUNG HOA”, chúng tôi có một hướng tiếp cận các vấn đề nói trên từ thiên văn và lịch pháp.
HÀ ĐỒ VÀ LẠC THƯ
Con người biết ngày – đêm khi thấy sáng tối, có hoặc không có ánh mặt trời. Tiếp theo họ sẽ quan sát các pha trăng để rút tỉa ra quãng thời gian một tháng. Cổ Sử Trung Hoa khẳng định trước khi có Dịch lý, người ta dùng lối kết thằng結繩 (thắt nút) để sinh hoạt. Khi mơ ước trở về xã hội bán khai, nơi nhân quần vui sống với nhau giản dị, trung thực, ngay thẳng, Lão Tử đã viết trong Đạo Đức Kinh “使民復結繩而用之”, nghĩa là “Nên khiến dân chúng quay trở lại dùng lối thắt nút”.
Người ta cũng biết hình thức kết thằng này đã từng tồn tại lâu dài ở Hawaii và đế chế Inca tại Nam Mỹ như ảnh dưới, với tên gọi Quipu. Các nhà nghiên cứu có khuynh hướng xem quipu là công cụ tính toán, hơn là yếu tố huyền hoặc khai sinh chữ viết.
Quipu của đế chế Inca, Nam Mỹ.
Chúng tôi cho rằng “kết thằng” chính là tạo các nút dây, bắt chước và mở rộng thuật bấm độn. Hẳn là xưa kia, ngày tháng, tuần trăng được tính toán bằng cách đếm các đốt ngón tay, như những ông thầy bói Á Đông hiện nay vẫn làm. Hành vi này, dưới ánh sáng thiên văn, có tuổi đời không dưới 4000 năm (trễ nhất là trước khi năm chí tuyến – tropical year đã được hầu hết các nền văn minh xác định khá chính xác, căn cứ vào quan trắc độ cao mặt trời, là khoảng 365.25 ngày). Hoàn toàn không phải tình cờ khi chúng tôi nhận thấy những qui luật làm lịch thấp thoáng trên hai bàn tay con người: Ngũ hành: 5 ngón tay. Âm Dương: hai mặt bàn tay, tay trái – tay phải, nam tả nữ hữu. Tháng trăng 28 ngày bằng số đốt ngón tay trên hai bàn tay. Thiên can: 10 ngón tay. Địa chi: 12 đốt trên 1 bàn tay không tính hai đốt ở ngón cái. Nhị thập bát tú: Đúng bằng số đốt ngón tay ở hai bàn tay.
Nhìn vào Hà Đồ dưới đây chúng ta thấy các nút dây, những con số tự nhiên từ 1 đến 9. Giả thiết là: khi trí tuệ người cổ đại đã vượt qua được hai bàn tay của chính mình, đã biết một tháng trăng (chu kỳ giữa hai thời điểm trăng tròn) dài hơn 29 ngày, họ thiếu đốt ngón tay để diễn tả điều này (cũng như những con số khác lớn hơn trong thực tế cuộc sống). Kết thằng được khai sinh trên cơ sở ấy.
Hà đồ
Chúng tôi đặt mình vào vị trí những cư dân Á Đông giữa kỷ nguyên đồ đá và thấy rằng nếu những nút thắt của Hà Đồ cùng màu, đơn điệu, lập đi lập lại, sẽ rất dễ gây nhầm lẫn. Mỗi khi đọc số phải cẩn thận đếm từng nút dây một. Do đó nếu số lẻ được thắt bằng nút dây màu nhạt, số chẵn dùng sợi thừng đậm hơn, tốc độ nhận dạng con số sẽ nhanh hơn đáng kể.
Cải tiến cuối cùng để tăng tối đa tốc độ đọc số là tạo khối vuông và chữ nhật cho các số chẵn 4-6-8, Lạc Thư hẳn phải ra đời từ đó. Hơn thế nữa, chín số tự nhiên của Lạc Thư lại được sắp xếp thành một ô vuông ma thuật 3×3. Sự huyền diệu của các con số bắt đầu được xây dựng.
Lạc thư và ma phương 3×3
Người trung quốc cho rằng Hà Đồ thuộc về thời đại huyền sử Phục Hy, ước chừng năm 2600 BC, Lạc Thư của vua Vũ, khoảng 2150 BC. Đến đời Thương, giáp cốt văn đã có bộ số đếm từ 1 đến 9, do đó vai trò của các nút thắt có thể đã hoàn thành nhiệm vụ lịch sử. Tuy nhiên một số đặc thù văn hóa của chúng vẫn còn hiện diện: Hai màu sáng tối để phân biệt các số lẻ và chẵn được khoác vào thuộc tính tương ứng lần lượt là dương và âm. Vẻ đẹp toán học của các con số trong ma trận kỳ ảo sẽ được trình bày như sự linh thiêng. Đây chính là cơ sở ra đời cho Chu Dịch.
Chiếc bàn tính truyền thống của người Trung Hoa, là sự tổng hợp các nút dây và những con số trong Hà Đồ và Lạc Thư.
Ở góc độ nào đó chúng ta mơ hồ thấy rằng cổ nhân hình thành thiên văn khi truy lục ý niệm thời gian, và cùng với thiên văn toán học đã ra đời. Con người hiện đại ngày nay vẫn dùng đôi bàn tay trẻ em để dẫn chúng vào thế giới toán học bao la, hoặc hướng dẫn chúng xác định tháng dương lịch nào có 30 hoặc 31 ngày. Riêng bản thân tôi, tôi tin chắc rằng các phép tính cơ sở cộng trừ nhân chia cũng ra đời từ hai bàn tay chúng ta. Chẳng hạn 3×4=12 chính là tổng số đốt tay trên một bàn tay, không tính ngón cái.
Đi xa hơn nữa, chúng tôi ngờ rằng thuyết Ngũ hành được xây dựng đầu tiên từ bàn tay trái của người Trung Hoa: Ngón lớn nhất trong bàn tay là ngón cái, vừa dùng để đếm/bấm vào các đốt ở bốn ngón kia từ phải sang trái, từ trên xuống dưới, vừa là hành Thổ trung ương/cuối cùng khi xếp nó nằm giữa bàn tay. Trật tự này cũng có thể dẫn đến cách viết từ phải sang trái, từ trên xuống dưới khi văn tự ra đời.
Quá trình đếm ngũ hành bắt đầu bằng số 1, hành thủy, ngón út; đến số 5, hành thổ, ngón cái, có vẻ khá logic và tương đối hợp lý: từ nhỏ đến lớn. Nó cũng có thể là nguyên do Tần Thủy Hoàng đã chọn thủy đức màu đen cho đế chế Đại Tần của mình, nghĩa của nó là một, đầu tiên, đứng đầu. Và thực tế ông đúng là nhà cách mạng đầu tiên trong lịch sử Á Đông đã khai mở hình thức nhà nước phong kiến tập quyền.
Ảnh: Ngũ hành và thuật bấm độn
ÂM DƯƠNG VÀ KINH DỊCH
Mãi đến gần đây, Chủ nghĩa cấu trúc (structuralism) của văn minh phương Tây mới chỉ ra rõ ràng rằng nhị nguyên đối lập (binary opposition) là thuộc tính hằng hữu của mọi tồn tại. Về cơ bản, chúng thường thống nhất và bổ xung hàm ý cho nhau. Văn hóa Trung Hoa nêu ra phạm trù này dưới tên gọi Âm – Dương muộn nhất là từ thời Chu. Trong rất nhiều nghĩa của hai đơn tự Âm 陰 và Dương陽 , hầu hết chúng tạo thành các cặp nhị nguyên đối lập như Mặt Trăng – Mặt Trời, Nam – Nữ, Tăm Tối – Tươi Sáng…
Nền tảng tư duy của từng cá nhân hay cả một tổ chức xã hội cũng dựa trên cấu trúc này, nhưng thông thường nhân loại từ Đông sang Tây xưa nay đều có xu hướng chọn mặt tích cực của vấn đề. Chẳng hạn, người ta gọi là “đời sống” chứ không phải “đời chết”, cho dù SỐNG chính là hành trình một chiều đi đến cái CHẾT.
Theo Lịch Thư trong Sử Ký của Tư Mã Thiên, người Trung Hoa trước hết dùng lịch sao (tinh lịch), từ thời Hoàng Đế huyền sử. Chúng tôi tin rằng đây là dấu vết thuở sơ khai, khi thiên văn học chỉ mới đạt đến mức quan sát ngày đêm và tháng trăng. Nếu hiểu tinh lịch theo thiên văn hiện đại, tức là định được chính xác tuyệt đối giờ, ngày, tháng đầu năm bằng vị trí (xích kinh và xích vĩ) của một chòm sao nào đó trên bầu trời đêm, thì khối lượng kiến thức phải đồ sộ như thiên văn phương Tây cuối thời Phục Hưng, cộng thêm với dụng cụ đo thời gian chuẩn, sai số luôn cố định và không quá 5 -10 giây một ngày.
Đến thời Nghiêu Thuấn, Nghiêu Điển đã cho thấy sự hoàn thiện và tổng hợp qui luật chuyển động của mặt trời (nhật), mặt trăng (nguyệt), hành tinh (tinh) và định tinh (thần). Đây cũng có lẽ là thời điểm ra đời nhánh mê tín, phi khoa học của thiên văn gọi là Dịch.
Nếu chọn cặp nhị nguyên đối lập Nhật – Nguyệt để diễn giải Kinh Dịch, chúng ta có thể mường tượng ra một trong những nguồn gốc khả tín của Chu Dịch, được kiện toàn bởi Khổng Tử:
Ký hiệu Dương – một gạch ngang liền lạc tượng trưng cho mặt trời. Ký hiệu Âm – một gạch ngang khuyết ở giữa tượng trưng cho mặt trăng. Hai gạch dưới tên gọi Dương và Âm đó là phù hiệu của Lưỡng Nghi.
Khi chồng hai phù hiệu của Lưỡng Nghi lên nhau theo mọi trật tự trên – dưới có thể có, người ta hình thành được Tứ Tượng: [Âm – Dương] gọi là Thiếu Dương, dương khí khởi sinh, tương ứng với mùa xuân. [Dương – Dương] gọi là Thái Dương, cực điểm nóng nực, tương ứng với mùa hạ. [Dương – Âm] gọi là Thiếu Âm, âm khí khởi sinh, mùa thu . [Âm – Âm] gọi là Thái Âm, cực điểm lạnh lẽo, mùa đông. Tứ tượng bốn mùa này, ở góc độ nào đó là ánh xạ của khái niệm tứ tượng trong thiên văn là Nhật-Nguyệt-Tinh-Thần.
Tiếp tục chia bốn mùa thành các giá trị nhỏ hơn, người ta lần lượt ghép vào Tứ Tượng hai vạch Âm và Dương phía dưới, tạo thành Bát Quái (đơn quái): Càn (trời), Khảm (nước), Cấn (núi), Chấn (sấm), Tốn (gió), Ly (lửa), Khôn (đất), Đoài (đầm).
Từ tám Đơn Quái, nếu tiếp tục chồng chúng lên nhau sẽ cho ra 64 Trùng Quái hay còn gọi là quẻ Chu Dịch. Mỗi quẻ có 6 gạch Âm và Dương, 64 quẻ tạo bởi 384 gạch. Những gạch này gọi là Hào. Căn cứ trên hình thế của 64 quẻ và vị trí của 384 hào, người ta tạm đủ yếu tố để giải thích cũng như suy diễn mọi thứ ở đời, trên thiên văn, dưới địa lý, từ hiện tại đến tương lai, thậm chí quay ngược trở về quá khứ…
Khi chúng tôi trình bày cách hiểu về Chu Dịch ở trên trong một status facebook Việt ngữ, một số ý kiến phản ứng khá gay gắt nhằm bảo vệ cho niềm tin của họ. Chúng tôi bèn áp dụng cách dựng Bát Quái của Chu Dịch với cặp nhị nguyên đối lập Âm là Nữ, Dương là Nam. Diễn giải đến Bát Quái của nó đã xuất hiện lỗ hổng: thực tế là có những người lưỡng giới mà Lưỡng Nghi, Tứ Tượng và Bát Quái không chỉ ra được.
Lưỡng nghi:
ÂM (NỮ) – DƯƠNG (NAM)
Tứ tượng:
DƯƠNG DƯƠNG (thuần nam) – ÂM ÂM (thuần nữ) – DƯƠNG ÂM (gay) – ÂM DƯƠNG (lesbian)
Bát quái (tạm dùng tên theo Chu Dịch):
Càn: Thuần nam, nam tính.
Đoài: Thuần nam, nữ tính
Ly: Gay, nam tính, đóng vai trò chồng trong hôn nhân đồng tính nam.
Chấn: Gay, đóng vai trò vợ trong hôn nhân đồng tính nam.
Tốn: Lesbian, đóng vai trò chồng trong hôn nhân đồng tính nữ
Khảm: Lesbian, đóng vai trò vợ trong hồn nhân đồng tính nữ
Cấn: Thuần nữ, nam tính
Khôn: Thuần nữ, nữ tính
Chúng ta đều biết bản chất nhị phân Âm – Dương của Chu Dịch hoàn toàn tương đồng với nhị phân 0-1 trong toán học phương Tây và nền tảng kỹ thuật số của nhân loại ngày nay. Xem Âm = 0 và Dương = 1, Lưỡng Nghi ( 1 bit), Tứ Tượng (hai bit) và Bát Quái (ba bít) thể hiện các con số từ 0 đến 7 (màu đỏ) như sau:
Nếu chồng bát quái lên nhau, 8×8 = 64 quẻ Chu Dịch, ta có bộ số tự nhiên từ 0 đến 63 và cần 6 bit. Con số càng lớn thì số bit (tức là số vạch liền và vạch khuyết) càng nhiều. Trong cổ thư Trung Quốc trước công nguyên, người ta đã dùng đến số hàng triệu khi áng chừng chu vi hoàng đạo tại điểm phân là 1.071.000 lý (Chu Bễ Toán Kinh). Nếu dùng Dịch thể hiện con số này thì phải dùng đến 21 vạch lưỡng nghi mới cho ra số nhị phân cùng giá trị [100000101011110011000]. Hẳn nhiên là không thể dễ dàng đọc được bằng mắt, viết được chính xác nếu không có các mạch điện tử.
Như vậy, ra đời sau bộ số đốt ngón tay (chỉ có 28 số tự nhiên), kết thằng (không có số 0), Chu Dịch đã thể hiện được số 0 nhưng lại phát sinh vấn nạn rất lớn khi xử lý văn bản hoặc thể hiện chúng trên thẻ tre hay lụa để viết số. Vì Chu Dịch không thể tồn tại ở vai trò bộ số tự nhiên, người ta đã dùng thuộc tính Âm – Dương và quan hệ kỳ diệu giữa các con số trong ma phương để xây dựng nên huyền bí học.
Tư duy biện chứng nằm trong chén thánh
Quay trở lại với câu trích của Lão Tử phía trên, chúng tôi xin đặt câu hỏi: Ở cùng thời đại Chiến Quốc nhiễu nhương với nhau, tại sao Lão Tử không xiển dương Chu Dịch đang hưng khởi bởi sự quan tâm của Khổng Tử và học trò? Ông có ý gì khi khuyên con người hãy trở lại chất phác với những nút kết thằng, trước khi Hà Đồ và Lạc Thư đã mang vẻ huyễn hoặc?
Thật ra chúng tôi không có tham vọng trả lời những câu hỏi rất hóc búa ở trên, mà chỉ muốn chỉ ra rằng, theo quan điểm của Lão Tử, Hà Đồ và Lạc Thư không phải sản phẩm của một nền văn minh khác, sáng lạn, đến từ ngoài vũ trụ. Nó đơn giản là kết tinh lao động trí óc của những bộ não con người cuối thời đồ đá. Huyền bí hóa, suy diễn năng lực thần thánh từ con số ấy, là đi ngược lại logic phát triển tất yếu từ thấp đến cao của tri thức.
Về cơ bản, Kinh Dịch là một trong những phép biện chứng giản lược của Trung Hoa cổ đại. Cùng thời với nó, ở Hy Lạp và Ấn Độ cũng xuất hiện những hình thái tương tự (biện chứng Socrates, Aristotle, Hindu, Phật giáo). Sự triển khai của Dịch không nằm ngoài ý niệm 有無相生 (hữu vô tương sinh) trong Đạo Đức Kinh của Lão Tử. Bằng trực kiến đơn thuần, thiếu chứng nghiệm và cơ sở khoa học, các học giả khai sáng nền Nho học Á Đông đã gắn kết các con số nhị phân sáu bít với các khái niệm cơ sở ở thời đại của mình, nhằm mô tả thế giới xung quanh một cách rất chung chung. Chúng thiếu rất nhiều thứ để trở thành một hệ thống tư tưởng hoàn chỉnh của phép biện chứng, song lại thừa lỗ hổng cho mê tín dị đoan, đoán hung định cát phát triển tối đa.
Chẳng hạn quẻ Khôn mô tả hình dạng trái đất như sau: 直,方,大 – Thẳng, vuông, to lớn. Đây chính là quan niệm “trời tròn đất vuông” của thiên văn Trung Hoa khi Kinh Dịch ra đời. Nó hoàn toàn lạc hậu và phản khoa học, ngay cả với Trương Hành, thiên văn gia cách đây gần 1900 năm đã cho rằng trái đất như lòng đỏ trứng gà, bầu trời như vỏ trứng.
Ở Á Đông, chưa thấy ai từng bị thiêu sống, như Vatican đã làm với Giordano Bruno, người phủ nhận thuyết địa tâm của Kinh Thánh. Nhưng không vì thế mà Kinh Dịch là vô hại, không giữ vai trò cản trở sự tiến hóa của xã hội ở những khía cạnh nhất định.
Chu Dịch, Hệ từ hạ viết: 上古結繩而治,後世聖人易之以書契,百官以治,萬民以察,蓋取諸夬Tạm hiểu: Thời thượng cổ (vua chúa) cai trị bằng lối kết thằng – thắt nút, hậu thế thánh nhân dùng Dịch sáng tạo ra chữ viết khắc trên xương thú và mai rùa, nhờ đó trăm quan quản lý, vạn dân được giám sát, được thế là bởi có quái (quẻ Dịch).
Dịch, như đã phân tích ở trên là hệ số nhị phân, 64 quẻ phổ biến nhất, tương đương với 64 chữ số từ 0 đến 63. Người Trung Hoa đầu tiên viết số một xuống đất hoặc trên bất cứ chất liệu nào, đó là một gạch ngang biểu trưng hình dạng một ngón tay, cũng sẽ là người đầu tiên viết chữ nhất. Như vậy nói Dịch sáng tạo ra chữ viết là có cơ sở, nếu biết bóc tách lớp vỏ huyền thoại ở hầu hết khám phá khoa học tối cổ. Ý kế tiếp không cần bàn cãi, lột tả trọn vẹn một bản chất sắc xảo của Chu Dịch là công cụ cai trị, nô dịch, giám sát không những người dân Trung Hoa mấy ngàn năm nay, mà cả người dân của những dân tộc xung quanh.
Chúng tôi không và cũng không thể phủ nhận Dịch như là nguồn cảm hứng của tín ngưỡng, phân tích tâm lý, thương mại, văn chương và nghệ thuật… ở các lãnh thổ trong vòng ảnh hưởng của nó. Nhưng chúng tôi cho rằng nên nhìn nhận Dịch là phương pháp biện chứng thuần phác, và đối xử với nó bằng biện chứng luận hiện đại, nhằm tiến tới hợp đề. Có như vậy mới vô hiệu hóa được những góc tối không nên có của bộ ngũ Hà đồ, Lạc thư, thuyết Âm dương, Ngũ hành và Kinh Dịch, mà không hủy hoại chúng, những di sản văn hóa đã có nhiều đóng góp cho văn minh Á Đông.
Sự hình thành của Dịch lý có thể diễn giải đơn giản như sau: Đi từ [A] đến [B] (tức là không A), không nên là quá trình thủ tiêu [A], mà là hợp đề [A-B] để đưa ra Tứ Tượng. Tuy mới chỉ là đơn tuyến, song Chu Dịch đã thoát ly được biện chứng mông muội “Bỏ A để đi đến B” như hình bên trái. Muốn dẫn chứng “biện chứng mông muội” sống động và thú vị hơn, xin độc giả nhớ lại cảnh Tôn Hành Giả ăn đào tiên, trong văn học Trung Hoa.
Dịch lý đã tiếp cận rất gần vòng xoáy trôn ốc của biện chứng Hegel như hình bên phải: Chính đề [A] không bị phản đề [B] phủ nhận, mà chúng kết hợp với nhau trên cung xoáy trôn ốc để đi đến hợp đề [C]. [C] đến đây lại trở thành một chính đề mới và tiếp tục tìm kiếm phản đề của nó. Trí tuệ nhân loại đã có khi phát triển như thế.
Có bạn đọc thắc mắc tại sao nguồn gốc tưởng như bí truyền của Hà đồ, Lạc thư, thuyết Âm dương, Ngũ hành, Kinh dịch bị tôi lột tả giản dị thế mà lại khai sinh được Trung Y linh nghiệm, với những thành tựu vĩ đại trong hàng ngàn năm qua.
Là một người tìm hiểu lịch sử thiên văn cổ đại Trung Quốc, tôi không dám bước quá xa tầm kiến thức hạn hẹp của mình. Chỉ xin lưu ý một chi tiết: Một trong những vị thuốc trường sinh của Tần Thủy Hoàng là Chu sa hay còn gọi là thần sa, đan sa, xích đan, cống sa. Chúng được nhắc đến rất nhiều lần trong sách vở Tần – Hán trở về trước (trong đó có một ngữ cảnh của Lã Thị Xuân Thu đã giúp chúng tôi xác định khái niệm Giao Chỉ trước năm 239 BC là ở tỉnh Quý Châu, Trung Quốc ngày nay). Tại lăng mộ Triệu văn vương, cháu nội Triệu Đà, phát lộ năm 1983 ở Quảng Châu, các nhà khảo cổ cũng tìm thấy dấu vết Chu sa trong các viên kim đan.
Chu sa chính là một loại khoáng thạch chứa sulfua thủy ngân (Mercury sulfide) thiên nhiên. Độc tính của nó rất đáng ngại, đã được ghi nhận ở Rome trước công nguyên. Thuốc trường sinh của Tần Thủy Hoàng có khi đã hạ tuổi thọ của ông ta xuống đáng kể.
Tóm lại muốn chứng minh Hà Đồ, Lạc Thư, thuyết Âm – Dương, Ngũ hành và Kinh Dịch là sáng tạo của dân tộc nào, thì phải tiếp cận với lịch sử tư duy cốt lõi của chính dân tộc ấy. Chúng tôi cho rằng công cuộc đi tìm nguồn gốc những thứ nói trên hiện nay ở Việt Nam chỉ mới là những tiếp xúc bề mặt sơ sài, thiếu trọng tâm. Các tựa sách báo “giật gân”, “chấn động” không phải là cách học giới kim cổ truy tầm sự thật.
Trương Thái Du
4.2017
Jan 25, 2023 @ 20:07:49
Anh chưa giải thích được bản đồ thiên văn của Hà Đồ và Lạc Thư cũng như Âm Dương-Ngũ Hành. Bản chất của Hà Đồ và Lạc Thư khác nhau chỗ nào.
Apr 02, 2019 @ 17:35:24
Tôi nhìn nhận ở góc độ khác cũ anh ạ. Cảm ơn anh đã giới thiệu.
Mar 31, 2019 @ 09:00:49
Anh đọc sách của cụ Nguyễn Duy Cần . Nhân tử Nguyễn Văn Thọ và Chu dịch xiển chân thì sẽ biết chu dịch dạy cái gì.
Feb 11, 2019 @ 17:07:51
Cám ơn tác giả bài viết.
Cho tôi có chút nhận xét:
Cửu cung sẽ đầy đủ và & của Mr. Chu.
Hihi.
Apr 15, 2017 @ 17:27:21
có khi nào Quipu thành :
-Qui=> qui/ quỉ/ quẻ
– pu hoặc => vu (vu thuật)
phu(cơ/ky) => phục (phục hy)
vũ