社稷兩回勞石馬,

山河千古奠金甌

Trên đây là hai câu thơ chữ Hán nổi tiếng của Trần Nhân Tông, âm Hán Việt: Xã tắc lưỡng hồi lao thạch mã. Sơn hà thiên cổ điện kim Âu. Trần Trọng Kim dịch thành: Xã tắc hai phen chồn ngựa đá, Non sông nghìn thuở vững âu vàng.

***

Âu ở đây chính là Âu trong Âu Lạc, một thành tố đẳng lập tổ hợp bởi nguyên nghĩa Đất và Nước.

Âu tương đương với xứ sở, hay chữ quốc ở Hán ngữ. Âu bắt nguồn từ nước Việt thời chiến quốc, là ngôn ngữ bản địa của Câu Tiễn, đến năm 193 BC nó vẫn còn tồn tại ở quốc danh Đông Âu của Diêu vương, hậu duệ Câu Tiễn.

Người Man Di Hoa nam gọi vùng sinh sống của mình, dọc theo các nhánh chính và phụ của con sông Tây Giang (ảnh dưới) là Lạc, nghĩa là nước, hàm ý cả xứ sở.

Zhujiangrivermap

Văn hóa Di giao thoa với văn hóa Việt chiến quốc tại Nam Việt đã khai sinh ra thuật ngữ đẳng lập Âu Lạc. Âu Lạc cũng giữ vai trò là tên bản địa của Nam Việt trong các ngữ cảnh Sử Ký và Hán thư.

Tổ tiên nhà Trần đến Việt Nam từ đất Mân. Họ kế thừa nhánh văn hóa Âu Việt, thông hiểu văn hóa Lạc Việt, lấy Nam Việt và Triệu Đà làm cảm hứng kiến quốc. Như Sử Ký đã mô tả:

“Đà nhân đó dùng cường binh uy hiếp biên giới, dùng của cải mua chuộc hối lộ quí tộc người Di ở Mân Việt và Tây Âu Lạc, khiến họ phụ thuộc, nhờ thế đất đai Nam Việt từ đông sang tây hơn vạn dặm. Lại ngồi xe mui vàng, trên xe cắm cờ tả đạo, mệnh lệnh đưa ra gọi là chế và chiếu như thiên tử, tự xem ngang hàng với Trung Quốc”.

***

Sergei Starostin liệt kê âm Âu trong tiếng Miến Điện, Kachin (Bắc Miến Điện) và Trung Quốc hiện nay đều chỉ: cái vại, cái ca, cái bình, nồi nấu lớn, cái vạc, cái âu đựng thức ăn hoặc nước. Nghĩa của nó trong tiếng Việt là cái âu. Nguyên liệu cổ đại tạo nên tất cả những thứ đó là đất. Do đó nếu cho rằng nghĩa cổ nhất của Âu (ít nhất là trước năm 678 BC, khi tiểu quốc Âu Đặng còn tồn tại) là đất thì không có gì hoang đường cả. Thậm chí chỉ có Âu mang nghĩa là Đất (quốc gia) mới thỏa mãn tất cả các quốc danh và vương hiệu gắn với chữ Âu trong sách sử Trung Hoa, kể cả những chữ Âu đồng âm dị tự: Âu Đặng, Âu Việt, Đông Âu, Đông Âu vương, Âu nhân…

Và trong văn hiến Việt Nam, ít nhất hai lần chữ Âu đã xuất hiện, dù chưa thật rõ ràng nhưng vẫn có thể hiểu Âu là Đất, là quốc gia: Vua Trần Nhân Tông năm 1288 đã viết hai câu thơ [社稷兩回勞石馬,山河千古奠金甌 – Xã tắc lưỡng hồi lao thạch mã, Sơn hà thiên cổ điện kim Âu]. Hồ Hán Thương cuối thế kỷ 14 đầu thế kỷ 15 đã đổi tên một ngọn núi ở Thanh Hóa là Kim Âu 金甌. Hầu hết các dịch giả Việt Nam hiện đại đều cho rằng Âu là cái âu, cái chậu; Kim Âu là một điển cố thuần Hán chỉ quốc gia. Hãy bỏ qua chủ nghĩa dân tộc hẹp hòi và nhìn vào sự kiện một cách khách quan nhất để lựa chọn hàm ý.

***

Sử gia Trần Trọng Kim dịch “kim Âu” là cái chậu vàng. Cái chậu, một thứ đồ dùng gia dụng, nhiều khi giữ những chức năng vệ sinh bẩn thỉu, dù bằng vàng hay kim cương đi nữa, không thể và không bao giờ có thể được vua Trần so sánh với đất nước của mình cả. Chữ Âu trong thơ ông là mật mã bí hiểm của lịch sử đã được khai mở trong quyển sách sắp xuất bản:

KHẢO CHỨNG TIỀN SỬ VIỆT NAM bằng THIÊN VĂN HỌC CỔ ĐẠI TRUNG HOA

(Research prehistory of Vietnam under Chinese classical Astronomy)

Tác giả Trương Thái Du