Người dịch: Trương Thái Du

Nguồn: Chinese Text Project 東越列傳

Mân Việt vương Vô Chư cùng với Việt Đông Hải vương Diêu đều là hậu duệ Việt vương Câu Tiễn, họ là Sô. Khi Tần đã thôn tính hết thiên hạ, liền phế xuống hàng tù trưởng, lấy đất ấy lập quận Mân Trung. Đến khi chư hầu phản Tần, Vô Chư và Diêu đem người Việt quy phụ Ngô Nhuế là huyện lệnh Bà Dương, nhập vào quân Bà Dương, theo chư hầu diệt Tần. Lúc này Hạng Tịch đang là minh chủ chư hầu, không cho vương chức, Vô Chư và Diêu lấy cớ đó không tuân phục Sở vương. Khi Hán đánh Hạng Tịch, Vô Chư và Diêu đem người Việt phò Hán. Năm Hán vương thứ 5 (202 BC), phục hồi Vô Chư làm Mân Việt vương tại đất Mân Trung xưa, đóng đô tại Đông Dã. Năm Hán huệ đế thứ ba (193 BC), nêu thành tích người Việt giúp Hán cao tổ, nói rằng Diêu quân trưởng có nhiều công lao, dân chúng quy phục, bèn lập Diêu làm Đông Hải vương, đóng đô ở Đông Âu, người đời gọi là Đông Âu vương.

Sau vài thế hệ, đến năm Hán cảnh đế thứ ba (154 BC) Ngô vương Lưu Tị mưu phản, muốn Mân Việt đi theo, Mân Việt chưa nghe, chỉ mỗi Đông Âu theo Ngô. Đến khi Ngô bị đánh bại, Đông Âu nhận tiền thưởng triều đình, giết Ngô vương tại Đan Đồ, nên không bị tội, được cho về nước.

Con của Ngô vương là Tử Câu trốn tránh ở Mân Việt, oán hận Đông Âu giết cha mình, thường khuyên Mân Việt đánh Đông Âu. Đến năm Kiến nguyên thứ ba (138 BC), Mân Việt phát binh đánh Đông Âu. Đông Âu hết lương thực, nguy khốn, sắp đầu hàng, bèn sai người báo gấp cho vua Hán. Vua hỏi thái úy Điền Phân, Phân trả lời: “Người Việt đánh nhau, xưa nay vẫn thường xảy ra, nhiều lần phản phúc, chẳng đáng làm phiền Trung Quốc đến cứu. Thời Tần đã bỏ mặc, giờ đây chẳng nên giữ lại.” Trung đại phu Trang Trợ chất vấn Điền Phân: “Thấy tai họa có sức mà không cứu, ân đức thiển bạc, không đem phúc che chở, sao lại buông bỏ? Vả chăng, ngay với bạo Tần, chúng ta còn sửa sang Hàm Dương đổ nát, huống chi với người Việt. Ngày nay nước nhỏ kia cùng khốn đến cấp báo thiên tử, thiên tử chẳng giúp đỡ, họ biết nhờ vả ai nữa, thiên tử làm sao còn có thể dưỡng dục bảo hộ vạn quốc?”. Vua nói: “Kế của thái úy không dùng được. Ta mới lên ngôi, không muốn xuất hổ phù phát binh các quận, quốc”. Bèn sai Trang Trợ dùng phù tiết phát binh quận Cối Kê. Cối Kê thái thú không muốn tuân lệnh, Trợ chém đầu một quan Tư Mã, hiểu dụ thánh chỉ, lúc ấy binh tướng mới lên đường cứu Đông Âu. Chưa đến nơi, Mân Việt lui quân. Đông Âu xin dời đô vào sâu đất Trung Quốc, tất cả dân chúng đều đi theo, trú lại một dải vùng Giang Hoài.

Đến năm Kiến nguyên thứ sáu (135 BC), Mân Việt đánh Nam Việt. Nam Việt tuân thủ thỏa ước với Hán triều, không dám tự tiện đem người phản kích. Hán Vũ đế sai đại hành Vương Khôi xuất phát từ Dự Chương, đại nông Hàn An Quốc từ Cối Kê, cả hai đều được phong là tướng quân. Hán binh chưa đến dãy núi Du (Dương sơn), vua Mân Việt là Dĩnh đem quân chống cự ở những chỗ hiểm yếu. Dư Thiện, em của Dĩnh, nói với các tướng và họ hàng mưu kế của mình: “Quốc vương tự tiện phát binh đánh Nam Việt, cho nên quân của thiên tử đến đánh dẹp. Tuy Hán binh mạnh, nhất thời vẫn may mắn cầm cự được, sau này tăng viện, cuối cùng cũng bị diệt mà thôi. Nay sẽ giết Dĩnh để tạ tội. Nếu thiên tử thuận, xin bãi binh, nước Mân Việt lại như xưa; nếu không đồng ý, chúng ta sẽ đánh đến cùng; không thắng được thì ra biển mà trốn.” Tất cả đều trả lời: “Đồng ý.” Lập tức dùng giáo đâm chết vương Dĩnh, sai người đem đầu dâng nộp cho đại hành. Vương Khôi nói: “Ta đến đây là để giết Đông Việt vương. Nay thủ cấp y đã tới, dân Đông Việt tạ tội, không đánh mà thắng, lợi muôn bề.” Vương Khôi bèn án binh, đồng thời báo cho nông quân Hàn An Quốc biết, lại sai người đem đầu Dĩnh phi ngựa về dâng báo thiên tử. Triều đình thảo chiếu bãi hai tướng, ngoài ra còn viết: “Dĩnh là loại thủ ác, chỉ có cháu của Vô Chư là Dao quân tên Sửu không can dự vào âm mưu.” Bèn sai lang trung tướng lập Sửu làm Việt Dao Vương, lãnh việc tế tự tổ tiên Mân Việt.

Dư Thiện sau khi giết Dĩnh, uy quyền truyền ra cả nước, dân chúng theo rất nhiều, bèn lén lút tự lập là vương. Dao vương không thể cai quản dân chúng. Vũ đế nghe được nhưng cho rằng chuyện này chưa cần phải dụng binh khiến dân chúng bất an, và bảo: “Dư Thiện cùng với Dĩnh mưu loạn, sau đó giết Dĩnh, quân Hán tránh được việc lao khổ.” Bèn cho Thiện làm Đông Việt vương, cùng Dao vương cai trị xứ sở.

Đến năm Nguyên đỉnh thứ năm (112 BC), Nam Việt làm phản, Đông Việt vương Dư Thiện gửi thư lên Vũ đế, xin lấy tám trăm quân đi theo thuyền chiến của tướng quân Dương Bộc đánh bọn Lữ Gia. Quân đến Yết Dương, gặp sóng to gió lớn nên bị phân tán, không tiến lên được, bèn dừng lại nghe ngóng, và ngầm gửi người đi đến Nam Việt dò la tình hình. Khi quân Hán đã phá được thành Phiên Ngung, quân Đông Việt vẫn chưa tới. Lúc này lâu thuyền tướng quân Dương Bộc gửi thư về triều, mong được nhân tiện dẫn quân đánh luôn Đông Việt. Hán Vũ đế bảo sĩ tốt đã mệt mỏi, không cho phép và ra lệnh bãi binh, yêu cầu các quan hiệu úy tập trung tại Mai Lĩnh quận Dự Chương chờ sai khiển.

Mùa thu năm Nguyên đỉnh thứ sáu (111 BC), Dư Thiện nghe được việc lâu thuyền tướng quân xin đánh mình, Hán quân đã áp sát biên giới, sắp đến nơi, bèn tạo phản, chia quân chặn các nẻo đường. Thiện phong Sô Lực làm “Diệt Hán” tướng quân, tiến đến Bạch Sa, Vũ Lâm, Mai Lĩnh giết ba hiệu úy người Hán. Lúc này nhà Hán sai đại nông Trương Thành và cựu Sơn châu hầu Lưu Xỉ xuất quân phòng bị, hai người này không dám tiến đánh, lui về thủ thế ở những chỗ thuận tiện và rất sợ bị giết.

Dư Thiện tự xưng hoàng đế và cho khắc ấn Vũ Đế, dối gạt dân chúng, tuyên bố tùy tiện. Vua Hán sai hoành hải tướng quân Hàn Thuyết xuất phát từ Cú Chương, đi đường biển tiến về phía đông; lâu thuyền tướng quân Dương Bộc đi từ Vũ Lâm; trung úy Vương Ôn Thư từ Mai Lĩnh; Nam Việt hầu (đã hàng Hán) chế qua thuyền, cùng Hạ Lại tướng quân, từ Nhược Tà và Bạch Sa. Mùa đông năm Nguyên phong thứ nhất (110 BC), tất cả các cánh quân đều tiến vào Đông Việt. Đông Việt đem quân trấn giữ tại các nơi hiểm yếu, sai Tuẫn Bắc tướng quân đóng ở Vũ Lâm, đánh bại lâu thuyền của mấy hiệu úy, giết chết trưởng quan. Lâu thuyền tướng quân đốc thúc người Tiền Đường tên là Viên Chung Cổ giết được Tuẫn Bắc tướng quân, được phong Ngự nhi hầu. Từ lúc cánh quân chính vẫn chưa tiến vào.

Cựu Diên hầu của nước Việt tên Ngô Dương ban đầu ở Hán, được sai đi dụ hàng Dư Thiện, Thiện không nghe. Gặp lúc hoành hải tướng quân đến, Ngô Dương lấy ở ấp của mình bảy trăm người làm phản, đánh quân Việt tại Hán Dương. Lại có Kiến thành hầu là Ngao và bộ hạ đi theo, cùng với Dao vương tên Cư Cổ bàn sách lược: “Dư Thiện hay làm việc ác, cướp đoạt của chúng ta, bây giờ Hán binh đã đến, đông và mạnh, kế hay là giết Dư Thiện, quy hàng các tướng Hán, chắc là may mắn thoát tội.” Bèn cùng nhau giết Dư Thiện, cùng mọi người đầu hàng hoành hải tướng quân, cho nên phong Dao vương Cư Cổ làm Đông thành hầu, hoa lợi vạn hộ; phong Kiến thành hầu Ngao làm Khai lăng hầu; phong Việt diên hầu Ngô Dương làm Bắc thạch hầu, phong hoành hải tướng quân Hàn Thuyết làm Án đạo hầu; phong hoành hải hiệu úy Lưu Phúc làm Liễu anh hầu, Lưu Phúc là con Thành dương cung vương Lưu Hỉ, trước kia là Hải thường hầu, vì phạm pháp nên mất tước. Tuy tòng quân nhưng không có công trạng, vì gia tộc công hầu nên mới được phong. Các tướng không có chiến công thì không được phong. Đông Việt tướng có nhiều quân, Hán binh đến, bỏ quân mà hàng, được phong Vô tích hầu.

Hán Vũ đế nói rằng Đông Việt đất hẹp, địa hình trắc trở, người Mân Việt hung hãn dũng mãnh, mấy lần làm phản, chiếu lệnh tất cả quan, quân, tướng, dân dời về xứ Giang Hoài. Đông Việt trở thành vùng đất hoang trống.

Thái sử công viết: Nước Việt tuy là giống Man Di, nhưng tổ tiên có công đức lớn với người dân. Tuy nhiên chẳng có gì là vĩnh cửu! Kinh qua nhiều triều đại tầm thường, Câu Tiễn được một lần xưng bá. Tuy nhiên vì Dư Thiện đại nghịch bất đạo, nước bị diệt, dân bị dời, con cháu sau cùng là Dao vương Cư Cổ được phong vạn hộ hầu, duyên cớ có thể thấy, người Việt từ nay đời đời ở hàng công hầu. Cũng chính nhờ công đức vua Vũ còn lưu tồn vậy.