KHẢO CHỨNG TIỀN SỬ VIỆT NAM bằng CỔ THƯ và THIÊN VĂN HỌC

3 Comments

Ghi chú về bản quyền

Do sự nóng lòng đọc sách và thúc giục từ một số bạn đọc của tác giả tại mạng xã hội facebook và blog wordpress, phiên bản đầu tiên của “Khảo chứng tiền sử Việt Nam bằng Cổ Thư và Thiên Văn học” sẽ xuất hiện dưới dạng ebook, thông qua nhà xuất bản sách điện http://www.smashwords.com trong tháng 6.2017.

https://www.smashwords.com/books/view/727590

Cover

“Khảo chứng tiền sử Việt Nam bằng Cổ Thư và Thiên Văn học” là thành quả hai mươi năm đam mê lịch sử của bản thân tác giả. Nó không phải dạng sách thời thượng giết thời gian, đọc một lần đã đủ. Một nửa quyển sách (gần 50 ngàn chữ, 70 trang A4) chứa đựng kiến thức thiên văn và các sử liệu thô, nhiều thứ lần đầu tiên được dịch qua tiếng Việt, hàng trăm trích đoạn nguyên văn Hán ngữ hữu quan lịch sử Việt Nam hết sức bổ ích cho những người muốn tự truy tầm lịch sử theo cách hiểu và nhãn quan cá nhân độc lập. Do đó chắc chắn bản điện tử và bản in (nếu có) sẽ không mâu thuẫn và tranh giành thị phần của nhau. Hơn nữa, nếu có một nhà xuất bản truyền thống tiếp cận bản thảo với hội đồng biên tập chuyên nghiệp, hiệu đính và phản biện trên tinh thần khoa học trong sáng, các bản in sẽ có thế mạnh thương mại hơn bản điện tử rất nhiều.

Xin bạn đọc đừng nhầm lẫn, quyển sách của chúng tôi không nêu ra giả thiết. Nó khẳng định và chứng minh lịch sử thiên văn học xoắn bện với lịch sử văn minh. Tách lịch sử thiên văn ra khảo chứng rồi soi chiếu ngược vào lịch sử văn minh chúng tôi đã chỉ ra ý nghĩa của thuyết Âm Dương, Ngũ Hành, Hà Đồ, Lạc Thư và Kinh Dịch. Hệ quả kèm theo là chuỗi thuật ngữ Nam Giao, Giao Chỉ, Tượng quận, Cửu Chân và Nhật Nam xuất hiện như là một hệ thống khái niệm thống nhất có liên quan đến Thiên văn học. Ngữ nghĩa của các thuật ngữ trên đây sẽ thay đổi hoàn toàn một số chi tiết lịch sử Hoa nam cũng như Việt Nam.

Giá phát hành dự định ở Smashwords sẽ là 3.99USD/một bản ebook pdf. 30% nội dung sách cho phép download miễn phí trước khi người đọc quyết định mua.

Sách cũng có thể tiêu thụ trực tiếp giá 39.999 VND/ebook bằng cách thanh toán thẳng qua tài khoản Paypal truongthaidu@gmail.com hoặc đại lý ủy thác phát hành. Xin liên hệ email ở trên hoặc facebook để biết thêm chi tiết.

49% số tiền thu được qua phân phối ebook trong một năm (6.2017 – 6.2018) tác giả sẽ dành ủng hộ vô điều kiện cho Tạp Chí Toán Học Pi (http://pi.edu.vn), sự giúp đỡ nhỏ hầu mong giúp thêm một số em học sinh có niềm say mê với toán, môn học bắt buộc phải giỏi thì tương lai xã hội mới có những sử gia toàn diện. Phương án dự bị cho trường hợp bất khả kháng là Quỹ Cơm Có Thịt (http://tnvc.vn/).

Chúng tôi cũng hoàn toàn để ngỏ khả năng các độc giả sau khi đọc ebook miễn phí từ bất cứ nguồn nào, có nhu cầu trả nhuận bút cho tác giả bằng tài khoản Paypal: truongthaidu@gmail.com.

UP DATE 13.7.2017: Toàn bộ nhuận bút 3 triệu VND từ 31.5.2017 đến 30.6.2017 đã được sử dụng mua 120 quyển tạp chí Pi tặng các em học sinh ở 17 trường PTTH.

IMG_5969

Người Việt Nam từ đâu đến?

Leave a comment

Trương Thái Du – KHẢO CHỨNG TIỀN SỬ VIỆT NAM bằng CỔ THƯ và THIÊN VĂN HỌC

Research prehistory of Vietnam under Chinese classical Astronomy and Text.

Đất phát tích của văn minh Việt Nam hiện đại là châu thổ sông Hồng. Trước công nguyên nó vốn hoang sơ, vì cách đó 2.000 năm toàn bộ gánh lúa bắc bộ nằm dưới mực nước biển. Hồ Lãng Bạc, nơi Hai Bà Trưng quyết chiến với Mã Viện chắc chắn đã được sa bồi trong hoàn cảnh nước rút để tạo ra nền móng cho Hà Nội.

Người Việt Nam ngày nay chủ yếu là con cháu cư dân hai quận Giao Chỉ và Cửu Chân. Cuối thời Tây Hán dân số hai nơi đó là 120.230 + 166.013 = 286.243 người. Năm 1932 Tản Đà viết: “Dân hai nhăm triệu ai người lớn. Nước bốn ngàn năm vẫn trẻ con.” Có tài liệu khác dẫn con số nhỏ hơn là 17,702 triệu người. Nghĩa là sau 1932 năm, dân số Việt Nam tăng từ 61,8 đến 87,33 lần. Theo một tài liệu tổng hợp nghiên cứu lịch sử dân số Trung Quốc[1], tỉ lệ tăng của họ trong khoảng tương đương với Việt Nam chỉ là 8,3 lần (500 triệu/60 triệu).

Mặt khác tỉ lệ tăng dân số Việt Nam sau hơn 2000 năm thấp hơn 3,5 lần tỉ lệ tăng dân số của quận Nam Hải thời Tây Hán, tức Quảng Đông ngày nay.

Đối tượng so sánh Dân số thời Tây Hán Dân số năm 2015 Tỉ lệ tăng
Việt Nam 286.243 92.000.000 321,4 lần
Quảng Đông 94.253 108.500.000 1.151,1 lần

Nếu ở Quảng Đông người ta chắc chắn sự tăng dân số kinh khủng như vậy là do dòng nhập cư bắt đầu từ đời Hán, 94.253 khẩu Tây Hán, đã vọt lên 250.212 khẩu thời Đông Hán. Con số ở Việt Nam phức tạp hơn, đòi hỏi các nghiên cứu sâu rộng và chính xác hơn, cũng như tham khảo kỹ lưỡng khoa học di truyền. Quyển sách này chỉ xin gợi ý vai trò của người di cư với cơ cấu dân số nói riêng và văn hóa lịch sử Việt Nam nói chung.

Dân gian Việt Nam hay nói: “Một ngàn năm nô lệ giặc Tàu”. Điều này không chắc đã sai, dù từ lúc Hai Bà Trưng bỏ mình đến khi Ngô Quyền xưng vương là chưa đến 900 năm. Nó đơn giản chỉ là thứ ca từ của dòng nhạc sến rẻ tiền, rên rỉ, sản phẩm của tư duy âm tính yếm thế, nhược tiểu. “Một ngàn năm nô lệ giặc Tàu” khóc lóc gợi ý sự thương hại của tha nhân trên cơ sở bản ngã yếu hèn. Do đó đầu tiên nó phản bội Trưng Trắc và Trưng Nhị, hai bà mẹ kiêu hùng của lịch sử Việt Nam, thà chết chứ không đầu hàng cường tặc. Bất cứ sử gia hạng bét nào trên thế giới cũng có thể đặt câu hỏi: Tại sao không phải là một ngàn năm đánh đuổi giặc Tàu?

Tuy vậy “nô lệ” hay “đánh đuổi” thực ra đều phiến diện. Nếu từ thế kỷ thứ nhất đến thế kỷ thứ mười, mảnh đất Việt Nam không dang tay bác ái với những người di cư yêu tự do và lao động, với các vị Hán quan lương thiện đã chọn quận Giao Chỉ và Cửu Chân làm quê hương, không tiếp thu Phật giáo đến từ biển, không học hỏi văn minh Hán; họ có thể tự cường để giành độc lập và kiến quốc được không?

Một lần nữa chúng tôi xin nhắc đến thuyết âm dương cổ điển, hay nhị nguyên đối lập như ngày nay người phương Tây định nghĩa: Nhân loại thích gọi thời gian có mặt ngắn ngủi của mỗi cá nhân trên địa cầu là đời sống, mặc dù sống là hành trình đi đến cái chết, chết vô biên mà sống thì hữu hạn. Người lạc quan và có tiền đồ thấy nửa ly nước sẽ bảo nó đầy một nửa, kẻ bế tắc luôn khẳng định đã vơi gần hết.

Theo quan điểm của chúng tôi, người Kinh ở Việt Nam hiện nay hình thành bởi ba nguồn gene và văn hóa:

1. Từ Dạ Lang, liên minh các bộ tộc Lạc Việt trong địa bàn các tỉnh Quảng Tây, Quý Châu, Hồ Nam và Vân Nam hiện nay. Ở đỉnh cao nhất trong lịch sử phát triển của mình, thủ lĩnh Dạ Lang đã xưng vương, xây dựng thành quách, cung điện và những cơ cấu chính trị xã hội tiền phong kiến. Xung đột Dạ Lang và Ba Thục ở Hoa nam trước Công nguyên đã phản ánh vào truyền thuyết An Dương vương. Bắt nguồn từ Dạ Lang, ngôn ngữ Việt gọi quốc gia là nước, ký ức xa nhất là 3.400 năm từ thời bị giặc Ân đánh ở Hồ Bắc và Hồ Nam vẫn tồn tại trong truyện cổ tích Thánh Gióng. Người bản địa Lạc Việt ở châu thổ sông Hồng và người Dạ Lang ở Cửu Chân được ghi nhận rất rõ ràng trong Hán sử. Nó chứng thực về mặt chủng tộc và văn hóa, người Việt cổ và người Dạ Lang rất gần gũi. Truyền thuyết Dạ Lang cho rằng một trong những dòng vương hầu của họ có cùng tổ tiên với các vua Sở, mười tám đời vua Hùng bước ra từ đây. Âm Hùng chính là họ của vua Vàng thần thoại Trung Hoa và cũng là họ gốc của cao tổ hoàng gia Sở quốc.

2. Từ nước Việt thời Chiến Quốc. Sau khi suy tàn, quý tộc nước Việt một thời xưng bá ở Trung Nguyên trôi dạt dần về phương nam, đến Mân Việt (Phúc Kiến) rồi Nam Việt (Quảng Đông). Sau năm 111 BC họ lại tiếp tục những cuộc hải hành khó khăn đi về phương nam tìm kiếm tự do và ghé vào trước hết là Cửu Chân, sau đó mới đến quận Giao Chỉ. Họ mang theo totem rái cá và tục thờ chó xa xưa của tổ tiên mình, xâm mình, nhuộm răng đen và ăn trầu theo đó mà đi vào văn hóa Việt Nam. Lịch sử chủng Việt Chiến Quốc kéo dài từ 2.500 đến 3.000 năm.

3. Từ chính Trung Hoa, nguồn gene và văn hóa Hán trong quan binh viễn chinh, tù chính trị bị lưu đày. Họ trấn đóng ở quận Giao Chỉ và Cửu Chân đời này sang đời khác hơn một ngàn năm. Chưa kể quan lại Bách Việt gốc Hoa và người lai giữa Hoa tộc với Bách Việt tộc di cư xuống. Họ khiến ngôn ngữ Việt xuất hiện rất nhiều từ đẳng lập Hán Nôm như Chia Ly, Thân Mình, Hiền Lành, Quái Gở… Hơn nữa, những đợt di dân cách nhau hàng trăm năm, thậm chí hàng ngàn năm sẽ làm phát sinh những từ ghép đẳng lập Hán Việt – Hán Việt nhưng một âm là Hán cổ đã Việt hóa và biến đổi giọng đọc, và một âm Hán trung đại, như Hận Thù, Tranh Đấu, Hoan Hỉ[2]… Đáng kể nhất là tiềm thức của gene Hán có đúng 4.000 năm lịch sử! Nó sẽ phủ nhận bằng trực giác và cảm tính bất cứ luận chứng nào cho rằng lịch sử mảnh đất Việt Nam không thể dài đến mức ấy.

Lịch sử Việt Nam nên được nhìn bằng tư duy tích cực và thấu hiểu bản chất tương hợp biện chứng của văn hóa và di truyền. Sử học giành độc lập dân tộc đầu thế kỷ 20 đã thần thoại hóa cổ sử để xây dựng các biểu tượng siêu nhiên, nhằm động viên đại chúng và trao cho nhân dân sức mạnh tinh thần của cha ông họ. Tuy là bước lùi so với Khâm Định Việt Sử của nhà Nguyễn, nhưng nó đã giúp người Việt đồng lòng đứng dậy cởi ách nô lệ. Đáng lẽ sử học Marxist sau đó phải trở về với hiện thực, song họ không làm thế. Học thuyết thoát Hán (de-Sinicization) đã được thiết kế công phu bởi nhu cầu địa chính trị, tầm nhìn chỉ năm bảy chục năm. Sách sử tiếp tục huyền thoại hóa, bản địa hóa, tín ngưỡng hóa cổ sử, bất chấp mọi hậu quả. Phong trào bài Hoa – thoát Trung điên cuồng ngoài xã hội hiện nay là gì, nếu không phải sản phẩm của sử học chính thống Việt Nam, bắt đầu bằng Trần Trọng Kim – một trí thức uyên bác nhưng chấp nhận làm tay sai thực dân và sau đó là con rối của Phát Xít Nhật. Việt Nam Sử Lược là quyển sử bằng quốc ngữ đầu tiên nhưng hết sức phi khoa học và thiếu trung thực: Đưa hết truyền kỳ cổ tích hoang đường vào cổ sử, kéo lịch sử Việt Nam đến tận năm 2.897 BC. Trắng trợn biện hộ cho quá trình xâm lược Việt Nam của người Pháp, bẻ cong tất cả những sự kiện liên quan đến các quan Tây dù mới chỉ xảy ra vài chục năm.

Những sử gia chân chính và các nhà chính trị có tầm nhìn nên hiểu nguy cơ tự cô lập, bế quan tỏa cảng từ thời Minh Mạng – Tự Đức đang có khả năng hồi sinh ít nhất là trong dư luận xã hội. Biết đâu một lần nữa nó lại đưa cả dân tộc trở về những năm tháng đen tối, nếu không kịp thời hóa giải.

Cách đối xử với quá khứ của mỗi dân tộc sẽ định hình tương lai chính họ. Nếu yêu chuyện cổ tích hơn các bài học thực tế, họ sẽ chỉ gặt hái được những giả tưởng và ảo ảnh mà thôi./.

——————————————————————–

[1] http://www.china-profile.com/data/fig_pop_0-2050.htm

[2] Tham khảo: http://dvtuan63.blogspot.com/2013/07/nguon-goc-tu-kep-han-viet-viet-ong-nghia.html

Câu chuyện hải hành của nhà Hán

Leave a comment

Công cuộc thực dân ba quận Giao Chỉ, Cửu Chân và Nhật Nam chỉ bắt đầu từ sau khi sách Diêm Thiết Luận ra đời, khoảng từ 81 BC đến 61 BC là năm Cửu Chân hiến con lân. Cửu Chân lại là quận có thái thú đầu tiên chứ không phải Giao Chỉ hay Nhật Nam là một chi tiết rất thú vị. Nó đòi hỏi sử gia phải tìm hiểu các dòng chảy cũng như hướng gió tạo nên tập quán hàng hải trong vịnh Bắc Bộ mới có thể giải mã sự kiện.

Tham khảo luận văn Thạc sỹ “Một số kết quả tính toán dòng chảy trong vịnh Bắc Bộ bằng mô hình ba chiều phi tuyến”, tác giả Trần Văn Chung và Bùi Hồng Long, Viện Hải dương học, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, năm 2010; kết hợp chuyên ngành hải hành của bản thân cũng như các tư liệu từ Hán sử, chúng tôi đúc kết như sau: Ở vịnh Bắc Bộ dòng chảy của biển trong năm hầu như cố định, chiều hải lưu ngược chiều kim đồng hồ men theo bờ tây đảo Hải Nam, vòng qua bờ biển Hợp Phố rồi đi xuống dọc quận Giao Chỉ đến Cửu Chân. Chế độ gió cơ bản theo mùa, từ tháng 4 đến tháng 10 theo hướng tây nam – đông bắc của vịnh, từ tháng 11 đến tháng 3 thổi ngược lại. Đầu công nguyên non nửa châu thổ sông Hồng vẫn còn bị biển lấn sâu, tạo thành những vùng nước nông rất dễ mắc cạn. Bên trong vịnh Hạ Long các đảo đá chập chùng, đá ngầm khắp nơi. Với trình độ hàng hải kém cỏi của người Trung Nguyên, dù đã tận dụng truyền thống sông nước từ Mân Việt và Giang Nam, ở thời điểm thế kỷ thứ nhất trước công nguyên chỉ có hai cách hải hành thụ động như sau.

a. Từ vịnh Lôi Châu thuộc quận lỵ Từ Văn của Hợp Phố vừa nương theo hải lưu, vừa dùng buồm lấy sức gió đông bắc, tốc độ thuyền buồn sẽ lớn nhất, vào vịnh Bắc Bộ bằng eo Quỳnh Châu, vượt qua khoảng 664km đến thẳng Cửu Chân chỉ dưới 10 ngày. Lúc về phải ép buồm hoặc bánh lái băng qua cửa vịnh Bắc Bộ, tận dụng hải lưu và gió tây nam đưa trở lại chỗ xuất phát, cũng mất hơn mười ngày nếu trong mùa gió tây nam, quãng đường khoảng 722km. Nếu hải hành ở những thời điểm không thuận lợi, gió và nước ngược nhau sẽ khiến thời gian dài ra. Phương án chỉ dùng gió có thể áp dụng, quãng đường về sẽ ngắn hơn nhưng thời điểm khởi hành và trở về phải cách nhau nửa năm, tốc độ một trong hai chiều đi hoặc về rất thấp.

b. Xuất phát từ cửa sông Trường giang với thủy thủ đoàn Giang nam hoặc cửa sông Tây giang với thủy thủ đoàn người Mân Việt sẽ phải đi vòng phía đông đảo Hải Nam, trực chỉ Nhật Nam. Quãng đường Hậu Hán Thư đã tính là 9.000 dặm[1], tốc độ 30 dặm một ngày, mất cả năm mới tới nơi. Nếu đi qua eo Quỳnh Châu, cách hải hành phía trên (a) sẽ nối tiếp.

Các khoảng cách hàng hải thực tế ngày nay vào khoảng như sau: Theo eo Quỳnh Châu, Phiên Ngu – Cửu Chân : 1000km; Phiên Ngu – quận Giao Chỉ : 850km. Đi bên mạn đông đảo Hải Nam: Phiên Ngu – Nhật Nam: 950km; Phiên Ngu – Cửu Chân : 1.500km. Từ cửa sông Trường giang đến Phiên Ngu: 1.500km.

Hoppho_Cuuchanroad

Ảnh: Hải hành từ Hợp Phố đến Cửu Chân thuận tiện hơn vào quận Giao Chỉ

Không chỉ riêng Sử Ký và Hán Thư, các mô hình trên đây hoàn toàn phủ nhận khả năng Triệu Đà đã đến châu thổ sông Hồng. Đợt Mã Viện đánh quận Giao Chỉ, Hậu Hán Thư cũng ghi rõ quân sĩ men theo sát biển, vừa đi thuyền vừa đi bộ bạt núi khai ngòi, qua cả ngàn dặm mới đến Lãng Bạc. Vì nếu nếu dong buồm phía ngoài vịnh Hạ Long, bị hải lưu đẩy, chiến thuyền Mã Viện sẽ đến thẳng Cửu Chân. Thời ấy biển mênh mông, chưa có ngọn hải đăng Hòn Dấu chỉ đường cho tàu thuyền vào các cửa sông dẫn đến Hà Nội. Thiếu kiến thức hàng hải, thật khó hình dung cổ sử và hiểu nó sai lạc là điều dễ hiểu và đã diễn ra.

Căn cứ vào Hậu Hán Thư, Mã Viện đã xuất phát từ Linh Lăng vì 300 thủ lĩnh khởi nghĩa của Hai Ba Trưng bị bắt giải đến bến cuối cùng là chỗ này. Trường Sa, Quế Dương và Linh Lăng cũng chính là vùng chiến sự ác liệt thời Tần, nơi Đồ Tuy đã bỏ mạng. Đi trong các nhánh sông nhỏ, qua Linh Cừ đã được đào bởi quân Tần cách đó hơn 250 năm là lý do công tác chuẩn bị xe và thuyền, tu sửa cầu đường, thông khe lạch cản trở, tích trữ lương thảo mất gần hai năm. Đến Thương Ngô tức Ngô Châu thị ngày nay là Mã Viện đã đi vào Tây giang. Đoàn giang thuyền này phải ra biển tại Phiên Ngu và tập trung tại Từ Văn, Hợp Phố, tức vịnh Lôi Châu ngày nay. Không rõ Đoàn Chí là tướng Giao Chỉ bộ đóng quân ở đâu, nhưng nếu chỉ huy lâu thuyền thì chỉ có thể neo trên sông lớn Tây giang, nghĩa là tại thành phố Ngô Châu hoặc Phiên Ngu. Ngô Châu là trị sở Giao Chỉ bộ, cho nên khả năng Đoàn Chí ở đó nhiều hơn. Dù sao đi nữa đến Từ Văn thì Đoàn Chí bệnh chết.

Tháng tư mùa hạ tức tháng năm dương lịch năm 43[1] Mã Viện đến Lãng Bạc và đánh bại Hai Bà Trưng. Từ vịnh Lôi Châu vào vịnh Bắc Bộ qua eo Quỳnh Châu cuối xuân đầu hạ thường không có gió mùa mạnh. Đội hình chiến thuyền vượt biển có nhiều giang thuyền nhỏ là lý do Mã Viện phải đi cặp sát vào bờ, vừa ép buồm đón từng cơn gió, vừa vận dụng dòng hải lưu ngược chiều kim đồng hồ trong vịnh Bắc Bộ để đến cửa sông dẫn vào Hà Nội. 542km hải hành mất khoảng 10 ngày.

Mayuanroad

Ảnh: Đường hải hành nhiều khả năng Mã Viện đã sử dụng đầu năm 43.

Các trang sử Việt đã mắc một sai lầm rất lớn là hiểu Giao Chỉ bộ là quận Giao Chỉ. Nói chung họ cứ thấy Giao Chỉ thì trực hiểu ngay là Giao Chỉ quận. Do đó khi Hán Vũ đế bổ nhiệm thứ sử trông coi Giao Chỉ bộ Việt sử suy luận rằng Giao Chỉ quận là trung tâm, đầu não và nơi đóng cơ quan quản lý cả bộ Giao Chỉ.

———————————————————

 

[1] Ngày tháng ở Nam Man Tây Nam Di Liệt Truyện và Mã Việt Liệt Truyện, tuy cùng trong Hậu Hán Thư nhưng không khớp với nhau. Ở tài liệu thứ hai chép mùa xuân năm 42 Mã Viện đến Lãng Bạc, tháng giêng năm 43 mới chém được đầu Hai Bà Trưng.

[1] Xem phần 2, bản dịch Hậu Hán Thư.

Trích: Trương Thái Du – KHẢO CHỨNG TIỀN SỬ VIỆT NAM bằng CỔ THƯ và THIÊN VĂN HỌC – Research prehistory of Vietnam under Chinese classical Astronomy and Text.

Biểu tượng Rồng – Tiên trong sử Việt

4 Comments

 

Trong Nam Man Tây Nam Di Liệt Truyện của Hậu Hán Thư, chúng tôi thấy những dấu hiệu totem của các sắc dân xung quanh và giữa lòng Trung Hoa cổ đại như sau: Người Nam Man cổ xưa ở vùng trung tâm nước Sở sau này thờ chó. Tại đó, còn có những chủng người đội nón làm bằng da rái cá cũng thấp thoáng biến thể totem chó, bởi vì Hoa ngữ còn gọi rái cá là chó nước (thủy cẩu). Người bản xứ ở quận Thục có lẽ dùng totem hổ, cho rằng vị vương khai quốc của họ chết hồn phách nhập vào hổ trắng, từ đó có tục hiến tế người sống lấy máu dâng hổ. Đáng chú ý nhất là các bộ tộc Ai Lao cổ, vốn cư trú giữa đầu nguồn hai con sông Trường giang và Mekong lại được sử quan Hán ghi nhận nguồn gốc cha rồng, mẹ nói tiếng chim, phong tục xăm mình vằn vện như con rồng và căng thùy tai. Tiền thân rồng vốn là một gốc cây trầm hương, do đó khả năng người Ai Lao dùng totem trầm hương, nguồn gốc của tục thắp hương đốt trầm[1]. Các nước xung quanh vùng tây nam Trung Quốc đến tận nơi phát tích đạo Phật, ngày nay vẫn được ghi nhận là địa bàn sinh trưởng của giống cây trầm hương. Đặc thù xuất hiện dưới suối một đoạn gốc mục nát phần vỏ, còn lại là phần lõi có hương và rắn chắc trong truyện với thực tế là tuyệt đối trùng khớp. Totem gốc trầm hương của người Ai Lao gần gũi với totem ba đốt tre dưới suối và nguồn gốc họ Trúc của bộ tộc Dạ Lang ở trung lưu Tây giang Hoa nam ngày nay.

Năm 2004 tại Bắc Kinh, tác giả Khương Nhung đã viết một quyển tiểu thuyết rất nổi tiếng mang tên Lang Đồ Đằng, tức totem sói. Về mặt văn hóa, Khương Nhung tin và dùng nhiều dẫn luận chứng minh hình thức bái lang sói, tức loài chó hoang, làm tổ thú là tiền thân của hình tượng con rồng Trung Hoa.

Chó, sói và hổ về hình thể rất gần nhau, phải chăng văn hóa Trung Hoa đã tổng thành những totem tối cổ của các sắc dân, các trung tâm văn minh độc lập trong lãnh thổ của họ để xây dựng hình tượng con rồng hư ảo? Để tượng long, con người cần có trí tưởng tượng vượt qua những quan sát bằng con mắt trần tục, tích hợp vào đó tôn giáo và các hiện tượng tự nhiên có năng lượng lớn như sấm chớp mưa giông bão lụt. Xã hội phải ở một trình độ văn minh nhất định mới có thể sáng tạo và sử dụng hình tượng con rồng.

Theo Viện khảo cổ của viện hàn lâm khoa học xã hội Trung Quốc, tượng hình rồng xưa nhất đã đào được là một cổ vật bằng lam ngọc, xuất lộ tại di chỉ Nhị Lý Đầu, Hà Nam, trong cuộc khai quật năm 2003 – 2004[2]. Niên đại của nó cách ngày nay vào khoảng 3.700 năm (ảnh dưới).

dragon

Nhị Lý Đầu là một quận thuộc Lạc Dương, nằm bên bờ nam Hoàng hà, cố đô Đông Chu nơi Tấn Văn Hầu đã mang theo Thái Cộng Hầu xuất quân đánh nhau với người Man. Người Man Di trong câu chuyện cổ tích Bàn Hồ không thể ở mãi tận bờ nam Trường giang như sử quan Đông Hán định vị. Chắc chắn nó cách Lạc Dương không xa lắm, nó chính là Giao Chỉ cuối thời Tây Chu vậy. Nói cách khác thuật ngữ Man Di trong lịch sử Trung Quốc mang đặc thù văn hóa hơn là chủng tộc. Văn minh Trung Quốc hết đời này đến đời khác gồm thâu nhiều bộ lạc “man di” xung quanh, tiếp thu văn hóa và con người của vùng đất bị khuất phục, cùng người mới tạo dựng một nền văn hóa mới. Chủ nhân nền văn hóa mới ấy sẽ lại gọi những bộ tộc xung quanh chưa hợp nhất với mình là Man Di. Vòng tròn biến hóa ấy lập đi lập lại trong nhiều ngàn năm. Đây chính là hợp đề của triết lý biện chứng trong Kinh Dịch. Do không áp dụng loại trừ, văn minh Trung Quốc đã trở thành nền văn minh duy nhất của nhân loại phát triển tuy có trồi sụt, nhưng không hề gián đoạn hơn 4.000 năm nay.

Một ví dụ điển hình và rất gần đây có liên quan đến Việt Nam là hai mươi năm thuộc Minh của nước Đại Việt đầu TK 15. Quan lại chiếm đóng của Minh triều đã đem về chính quốc không những giá trị vật chất, mà còn tận dụng thứ quý giá nhất là con người Đại Việt. Từ ông quan đầu triều Hồ Nguyên Trừng với các phát minh vũ khí tân tiến, đến đứa trẻ mặt mũi sáng sủa tên là Nguyễn An, sau này bị thiến, trở thành thái giám và góp phần xây dựng Cố cung ở Bắc Kinh.

Giành được độc lập từ giữa thế kỷ thứ 10, qua đến triều Lý, người Việt mới bắt đầu viết sử. Trải suốt ngàn năm ảnh hưởng văn hóa Hán, dấu tích totem của người Việt hầu như mai một gần hết. Tuy nhiên chúng tôi vẫn tìm được hai chi tiết mờ nhạt:

Một là truyền thuyết dân gian vẫn truyền kể vua Đinh Bộ Lĩnh là con của rái cá, ghi lại trong sách Công Dư Tiệp Ký của Vũ Phương Đề vào thế kỷ 18.

Hai là Đại Việt Sử Ký Toàn Thư chép: “Trước ở viện Cảm Tuyển chùa Ứng Thiên Tâm, châu Cổ Pháp có con chó đẻ con sắc trắng có đốm lông đen thành hình hai chữ “Thiên tử”. Kẻ thức giả nói đó là điềm năm Tuất sinh người làm thiên tử. Đến nay, vua sinh năm Giáp Tuất lên làm thiên tử, quả là ứng nghiệm.” Đây là tích viết về vua Lý Công Uẩn. Nhiều ý kiến cho rằng đền Cẩu Nhi giữa hồ Trúc Bạch ở Hà Nội hiện nay là nơi thờ tự con chó con được triều Lý phong là Phúc thần, cùng thời điểm ra đời của kinh thành Thăng Long.

Rất khó để trả lời truyền thuyết con rồng cháu tiên của người Việt Nam phát triển lên từ totem gì. Chẳng lẽ cũng tương tự như người Trung Nguyên từ chó và rái cá? Phải là totem cả đôi mới xứng với rồng – tiên! Thật vô lý, dù có thể cho rằng tiên là biến thể của chim Lạc trên trống đồng. Mặc nhiên biểu tượng rồng – tiên chỉ có thể ra đời sau khi totem biến mất, trong khi đó chó và rái cá vẫn xuất hiện sau thế kỷ thứ mười. Nói cách khác, hình ảnh rồng – tiên nhiều khả năng được sao chép và tổng hợp từ một nền văn hóa khác sau thế kỷ 11. Chính thao tác đưa rồng – tiên về quá khứ rất xa, tạo nên kỷ Hồng Bàng trước đó mấy ngàn năm trong sử Việt, đã chỉ ra đây là một biểu tượng khá cọc cạch và lệch pha. Nó vừa đi trước vừa phủ nhận totem của dân tộc. Rất có thể rồng tiên chỉ là vay mượn và diễn nôm biểu tượng hoàng gia long – phụng của bắc triều mà thôi. Bản chất của nó thiên về củng cố vương quyền phong kiến Việt Nam, nhằm nô dịch nhân dân, hơn là sản phẩm thoát thai từ totem.

Chúng tôi không thể khẳng định totem cổ nhất có thể truy lục được của người Việt là chó và rái cá, cũng như không dám kết nối người Việt hiện đại với người Việt ở Trung Hoa thời chiến quốc qua nét totem rất mờ nhạt. Tuy nhiên totem chó hoặc rái cá lại hoàn toàn phù hợp, đồng đẳng với ngôn ngữ Việt Nam, ít nhất là trong trường hợp từ [Nước] mang gốc bộ lạc để chỉ quốc gia. Từ [Nước] mãi mãi không thay đổi trong tiếng Việt là bởi người Việt không cần sáng tạo ra từ khác thay thế, để chỉ các trình độ phát triển cao hơn của xứ sở mình, nó đã có sẵn và rất tiện dụng ở tiếng Hán Việt rồi. Chẳng hạn: “Nam quốc sơn hà nam đế cư.”

————————————————————————

[1] Hương và đốt hương cúng bái tế tự tồn tại từ rất xa xưa trong mọi nền văn minh lớn, là hình ảnh thu nhỏ của đống lửa khi nhân loại hoang dại còn sùng bái lửa. Có lẽ tục đốt trầm ở Trung Quốc tiếp thu từ các bộ tộc Ai Lao.

[2] http://www.kaogu.cn/en/backup_new/Academic/2013/1026/41367.html

Trương Thái Du

Trích từ sách: KHẢO CHỨNG TIỀN SỬ VIỆT NAM bằng CỔ THƯ và THIÊN VĂN HỌC

Lịch sử thực dân các bộ tộc Ai Lao của nhà Hán

2 Comments

Trích Hậu Hán Thư

Người dịch: Trương Thái Du

phothisach

Người Di Ai Lao, tổ tiên là một nữ nhân tên Sa Nhất, sống ở vùng núi Lao. Nàng thường đánh bắt cá trong suối, ngày nọ chạm vào một gốc cây trầm hương bỗng động lòng, nhân đó mang thai, mười tháng sau sinh được mười con trai. Sau đó cây trầm kia biến thành con rồng, bay khỏi dòng suối. Sa Nhất chợt nghe tiếng rồng nói: “Nàng vì ta mà sanh hạ con cái, hiện chúng ở đâu rồi?” Chín đứa con thấy rồng sợ hãi chạy mất, chỉ đứa nhỏ nhất thì không, nó ngồi (tọa) lên vai rồng (long bối), rồng nhân đó dùng lưỡi liếm con mình. Người mẹ vốn nói ngôn ngữ của loài chim, gọi “bối” là “cửu”, “tọa” là “long” do đó gọi tên con là Cửu Long (ngồi trên vai). Sau này trưởng thành, các anh trai thấy Cửu Long tài giỏi thông tuệ bởi đã được cha rồng liếm vào người, bèn cùng nhau nhường cho ngôi vương. Dưới núi Lao có một đôi vợ chồng, lại sinh mười người con gái, anh em nhà Cửu Long cùng cưới làm vợ, sau dần dần sinh sôi nảy nở đông đúc. Tộc người này có tục xăm mình, thể hiện hình tượng con rồng, quần áo cũng đính đuôi rồng. Con của Cửu Long, đời đời tiếp nối. Bèn phân đặt tiểu vương, cấp cho làng ấp sinh sống, phân tán ra nhiều nhánh suối thung lũng. Ai Lao là vùng đất hoang sơ tận cùng phía ngoài, sông núi thâm sâu cách trở, ít người lai vãng, chưa từng thông giao với Trung Quốc.

Năm Kiến vũ thứ hai mươi ba (năm 47), Ai Lao vương Hiền Lật khiển binh cưỡi bè kết bằng gỗ và trúc xuôi xuống phía nam trên sông Trường Giang và sông Hán, đánh vào biên giới bộ tộc Lộc Kỵ người Di. Người Lộc Kỵ yếu nhược, vì thế bị bắt giữ. Bỗng nhiên sấm chớp mưa giông dữ dội, gió nam cuốn thổi, sông ngòi đảo dòng, hơn hai trăm dặm Trường Giang nổi sóng cồn, bè mảng chìm hết, người Ai Lao chết đuối mấy ngàn mạng. Hiền Lật lại sai sáu vương gia cùng cả vạn quân đánh Lộc Kỵ một lần nữa, Lộc Kỵ vương nghênh chiến, giết được sáu vị vương. Các già làng Ai Lao mai táng sáu vị vương này, nhưng đêm đến hổ xuất hiện ăn hết tử thi, mọi người hoảng sợ dẫn quân về nước. Hiền Lật kinh hoàng, gọi các kỳ lão đến nói: “Bọn ta xâm nhập biên giới, từ xưa đến nay mới có chuyện ấy, nay đánh Lộc Kỵ, lần nào cũng bị trời phạt, Trung Quốc có thánh đế chăng? Trời giúp như thế, nay đã rõ rồi.” Năm thứ hai mươi bảy (năm 51), bọn Hiền Lật bèn đem 2.770 hộ, 11.659 khẩu đến yết kiến đầu hàng thái thú Việt Tây là Trịnh Hồng, xin nội thuộc. Hán Quang vũ phong Hiền Lật làm quân trưởng, từ đó hằng năm vào triều cống.

Hiển tông, năm Vĩnh bình thứ mười hai (năm 70), Ai Lao vương Liễu Mạo sai con đem dân chúng nội thuộc, có tất cả 77 ấp vương, 51.890 hộ, 553.711 khẩu. Trung Quốc giờ đây từ miền tây nam đến Lạc Dương rộng bảy ngàn dặm, thời Hiển tông trí đặt hai huyện Ai Lao và Bác Nam, phân đô úy tây bộ quận Ích Châu lĩnh quản sáu huyện, nhập vào quận Vĩnh Xương. Đường thủy thông đến núi Bác Nam, qua sông Lan Thương (đầu nguồn sông Mekong ngày nay), đi lại rất cực khổ. Có bài hát viết rằng: “Đức nhà Hán bao la, khai mở quốc gia đến cả những kẻ không thần phục. Trải đến tận núi Bác Nam, bến Việt Lan. Qua dòng Lan Thương, mới là đất của người khác.”

Người Ai Lao đều xuyên mũi và căng tai, thủ lĩnh tự xưng là vương, thùy tai rũ xuống ba thốn (~10cm), dân thường thùy tai dài chấm vai. Đất đai màu mỡ tươi đẹp, thích hợp với ngũ cốc, trồng dâu nuôi tằm. Họ biết nhuộm vải thêu hoa, biết dùng lông thú làm len cũng như dệt vải từ cây bông, từ đó tạo thành sợi “lan can” và vải gai nhuyễn mịn, dệt nên loại gấm lụa có hoa văn. Xứ này có cây hoa ngô đồng, xe đánh và dệt thành vải, khổ năm thước, trắng ngần không một vết ố bẩn. Trước đây dùng vải này khâm liệm người chết, tuy nhiên về sau cũng dùng may y phục. Ở đây có loại tre đốt dài một trượng, gọi là bộc trúc. Có mỏ quặng sản xuất đồng, sắt, chì, thiếc, vàng, bạc, đá dạ quang, hổ phách, thủy tinh, ngọc lưu li, con trai, con sò, chim công, bích ngọc, tê giác, voi, khỉ vượn, mạch thú (gấu trúc?). Ở huyện Vân Nam có con nai thần hai đầu, ăn được cỏ độc.

Đầu tiên, tây bộ đô úy người Quảng Hán là Trịnh Thuần thực hành chính trị thanh khiết, triển khai giáo hóa người Di, các tù trưởng cảm mến, đều hiến tặng của ngon vật lạ trong xứ, ca tụng công đức. Nhà vua khen ngợi, liền phong chức thái thú Vĩnh Xương. Trịnh Thuần cùng người Ai Lao thỏa thuận, trưởng làng mỗi năm thu mỗi đầu người hai súc vải, một hộc muối, đây là thuế định kỳ, đã trở thành thông tục và làm hài lòng Di dân. Trịnh Thuần đảm nhận chức đô úy và thái thú được mười năm thì mất. Năm Kiến sơ thứ nhất (năm 76), Ai Lao vương Loại Lao tranh chấp dữ dội với quan huyện, rồi giết quan huyện làm phản, đánh Đường Thành ở Việt Tây. Thái thú Vương Tầm chạy trốn đến Điệp Du. Hơn ba ngàn người Ai Lao đánh phá Bác Nam, đốt phá nhà cửa của dân chúng. Túc tông chiêu mộ và phát binh Việt Tây, Ích Châu, Vĩnh Xương gồm cả người Hán và người Di được 9000 quân đi thảo phạt. Mùa xuân năm sau, người Di Côn Minh là bọn Lỗ Thừa ở huyện Tà Long hưởng ứng, đem người theo quân lính các quận tấn công Loại Lao tại Bác Nam, đại phá và giết được. Đầu Loại Lao được chuyển về Lạc Dương báo công, vua thưởng Lỗ Thừa một vạn xấp vải, tấn phong làm Phá lỗ bàng ấp hầu.

Older Entries