The learner always begins by finding fault, but the scholar sees the positive merit in everything. – Hegel

Dưới đây là nguyên văn trang đầu tiên của quyển quốc sử Việt Nam đầu tiên còn lưu giữ được cho đến ngày nay, đó là An Nam Chí Lược của Lê Tắc, được viết vào khoảng năm 1335. Sách này nằm trong bộ sử thứ chín của “Khâm định tứ khố toàn thư” nhà Thanh. Lê Tắc vốn gốc họ Nguyễn ở khu vực Thanh Hóa ngày nay, hậu duệ của Thứ sử Giao Châu Nguyễn Phu thời Đông Tấn (317 – 420).

annamchiluoc

古南交周號越裳,秦名象郡。秦末,南海尉趙佗擊併之,自立國僣號。西漢初,髙帝封為南越王。歴數世其相吕嘉叛,殺其王及漢使者。孝武遣伏波將軍路博德平南越,滅其國,置九郡,設官守任。今安南居九郡之內,曰交阯、九真、日南是也。後歴朝沿革,郡縣不一。五季間,愛州人吳權領交阯。後丁、黎、李、陳相繼篡奪。宋因封王爵。官制刑政稍效中州。其郡邑或仍或革,姑槩存之。

Âm Hán Việt: Cổ Nam Giao Chu hiệu Việt Thường, Tần danh Tượng quận. Tần mạt, Nam Hải úy Triệu Đà kích tính chi, tự lập quốc thiết hiệu. Tây Hán sơ, Cao đế phong vi Nam Việt vương. Lịch số thế kì tương Lữ Gia bạn, sát kì vương cập Hán sứ giả. Hiếu vũ khiển Phục ba tướng quân Lộ Bác Đức bình Nam Việt, diệt kì quốc, trí cửu quận, thiết quan thủ nhậm. Kim An Nam cư cửu quận chi nội, viết Giao Chỉ, Cửu Chân, Nhật Nam thị dã. Hậu lịch triều duyên cách, quận huyện bất nhất. Ngũ Quý gian, Ái châu nhân Ngô Quyền lĩnh Giao Chỉ. Hậu Đinh, Lê, Lý, Trần tương kế soán đoạt. Tống nhân phong vương tước. Quan chế hình chánh sảo hiệu trung châu. Kì quận ấp hoặc nhưng hoặc cách, cô khái tồn chi.

Dịch nghĩa: Cõi Nam Giao ngày xưa, nhà Chu gọi là Việt Thường, tên thời Tần là Tượng quận. Cuối Tần, quan úy quận Nam Hải là Triệu Đà đánh chiếm thôn tính, tự lập quốc và dùng đế hiệu. Đầu Tây Hán, Cao đế Lưu Bang phong Triệu Đà làm Nam Việt vương. Sau khi trải qua nhiều đời, thừa tướng Lữ Gia ở đấy làm phản, giết Nam Việt vương và sứ giả nhà Hán. Vũ đế chí tôn sai Phục ba tướng quân Lộ Bác Đức bình định Nam Việt, diệt quốc, trí đặt chín quận, thiết lập quan chức trấn nhậm. Nước An Nam ngày nay từng thuộc chín quận ấy, bao gồm ba quận là Giao Chỉ, Cửu Chân và Nhật Nam. Sau khi trải qua sự thay đổi của nhiều triều đại, quận huyện không còn tương đồng. Đến thời Ngũ Quý (907 – 960), Ngô Quyền, người Ái châu thống lĩnh Giao Chỉ. Sau thì đến các họ Đinh, Lê, Lý, Trần nối nhau tiếm đoạt. Nhà Tống dựa vào đó mà phong vương tước. Quan chế pháp lệnh hình luật (ở trung ương) mô phỏng khá giống Trung Quốc. Bậc quận huyện thì có chỗ chiếu theo, có nơi khác biệt, (sau đây) tạm sơ lược lưu biên.

Phân tích: Về cơ bản, đây là quan điểm sử học Việt Nam thời Trần. Các tài liệu lịch sử phong kiến cũng như hiện đại sau này hầu như tiếp thu hoàn toàn nội hàm ở đây để diễn giải quá khứ dân tộc. Hai chỗ chúng tôi gạch chân phía trên là hai sai lầm của sử gia, dẫn đến việc suy đoán cổ sử Việt Nam thiên lệch và thiếu logic.

1.Tính bản địa: Châu thổ sông Hồng vốn được gọi là quận Giao Chỉ từ thời Tây Hán, chín quận phía nam trong đó có quận Giao Chỉ lại được gọi là Giao Chỉ bộ. Do đó ba quận Giao Chỉ, Cửu Chân và Nhật Nam được cho là Nam Giao Chỉ (bộ). Nó tương đương với cụm chữ Hán ở “Nam Man Tây Nam Di Liệt Truyện” trong Hậu Hán Thư: “Giao Chỉ chi nam”. Từ đó các sử gia phong kiến Việt Nam thống nhất cho rằng Nam Giao Chỉ chính là Nam Giao, một địa danh trong sách Thượng Thư ở tận thời Nghiêu Thuấn cách đó hơn 3000 năm. Nghĩa là trong suốt 3000 năm, người Việt, nước Việt hầu như không thay đổi…

2.Tính hư cấu: “Nam Man Tây Nam Di Liệt Truyện” trong Hậu Hán Thư chép: 交阯之南有越裳國Giao Chỉ chi nam hữu Việt Thường quốc. Nghĩa là phía nam Giao Chỉ có nước Việt Thường. Sự kiện Việt Thường này được nhắc đến sớm nhất là trong sách Trúc Thư Kỷ Niên xuất lộ từ một ngôi mộ thời Chiến Quốc. Khớp nối Việt Thường, nhiều khả năng là một từ phiếm chỉ được sáng tác trong sách dạy làm vua triều Chu, với vùng phía nam Giao Chỉ bộ là cách tư duy bất chấp thời gian và không gian.

Hai đặc tính trên đây của cổ sử Việt Nam, sẽ bị bác bỏ bằng tất cả các phương tiện khảo sát lịch sử xưa nay như cổ thư, khảo cổ, văn hóa, ngôn ngữ, phong tục… Đặc biệt chúng tôi sẽ bóc tách lịch sử thiên văn học Á Đông khỏi lịch sử Trung Quốc, từ đó soi chiếu ngược vào những khoảng trống còn mơ hồ. Điều này chắc chắn có tác động và những hiệu quả tương tự như Jared Diamond đã dùng Sinh vật học kiến giải lịch sử nhân loại trong “Guns, Germs, and Steel”.