Cách đây 12 năm, BBC có một bài viết gây nhiều tranh cãi và bất ngờ: “Ký ức về Mã Viện ở miền Bắc Việt Nam“. Nội dung ở đấy giới thiệu học giả Olga Dror từ đại học Cornell và các nghiên cứu liên quan đến tục thờ Mã Viện tại Việt Nam. Bài báo kết luận: “Bà không thể giải thích vì sao ngôi làng lại thờ một viên tướng Trung Hoa đã đàn áp các nữ anh hùng dân tộc chiến đấu vì tự do của đất nước. Bà chỉ có thể nói rằng việc thờ Mã Viện là một truyền thống mà người địa phương đã truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác, và rằng việc thờ viên tướng này là điều bà được dạy khi còn trẻ. Điều này đặt giả thiết rằng Mã Viện đã được cả người Việt Nam và Trung Quốc thờ như một vị thần bảo vệ”.
Trước đó, cũng BBC nhắc đến quyển “Một luận thuyết nhỏ về những giáo phái của người Hoa và Đông Kinh” của bà Olga Dror, kèm theo một phần bài giới thiệu sách của tiến sĩ Li Tana, ĐH Quốc gia Úc, in trong Journal of Southeast Asian Studies năm 2003:
“Theo Dror, các đền thờ Mã Viện tồn tại không chỉ ở Hà Nội mà cả ở Cổ Loa, cũng như Thanh Hóa và Phúc Yên. Cô còn tìm thấy rằng ở Bắc Ninh nơi người dân thờ Hai Bà Trưng, họ cũng thờ Mã Viện ở trong cùng một ngôi đền. Tất cả những điều này tìm thấy ở miền Bắc, thật kinh ngạc.
Còn ở miền Nam Việt Nam, được đặt ở các hội quán người Hoa, tục thờ Mã Viện từng được người ta tin là đã do Hoa Kiều đem vào Việt Nam. Điều này là vì tước danh của Mã Viện là Phục Ba (chinh phục sóng dữ), nó đặc biệt đáp ứng nhu cầu của các lái buôn thường gặp nguy nan trên biển, và ông là một nhân vật Trung Hoa hùng mạnh được xem là có thể bảo vệ quyền lợi của người Hoa ở Việt Nam. Nhưng như Dror chỉ ra, còn nhiều khía cạnh khác của vấn đề này. Giờ đây tôi (tác giả Li Tana) thấy rất có thể câu chuyện lại diễn ra theo hướng ngược lại, tức là người Hoa đã lấy lại tục thờ Mã Viện từ người Việt Nam, bởi khi họ đến Việt Nam, việc thờ phụng Mã Viện như một thần bản địa đã diễn ra rộng khắp. Điều này cũng giải thích vì sao Mã Viện lại được gọi là bản thổ công”.
Thật ra cả hai bà tiến sĩ đều chưa đi đến cái mốc đầu tiên trong sử Việt khẳng định tục thờ Mã Viện ở Việt Nam đã xuất hiện từ rất lâu, đến nỗi nó đã trở thành “cổ tích – vết tích cổ xưa” trong An Nam Chí Lược viết bởi Lê Tắc khoảng năm 1335:
威武廟: 東坡記漢兩伏波皆有功於嶺南之民, 前伏波邳離路侯, 後伏波新息馬侯. 南越自三代不能平, 秦雖通道置吏旋復為夷. 邳離始滅其國開九郡. 然至東漢女子徴側反震動六十餘城. 時世祖初平民勞厭兵方下玉關謝西域. 況國荒何足以辱王師. 非新息苦戰則九郡左袵至今矣. 由此論之兩伏波廟食嶺南均矣. 海上有伏波祠元豐中詔封忠顯王. 凡濟海必卜焉謂可濟則濟否則止, 使人信之如度量衡必不吾欺者. 嗚呼非盛德其孰能如此. 某以罪謫儋耳三年, 今乃復還海北往返皆順風無以答神, 貺乃碑而銘之:
至險莫測海與風
至幽不仁魚與龍
至信可恃惟二公
寄命一葉萬仞中
自此而南洗心胷
撫循良民必清通
自此而北端汝躬
屈伸窮達常正忠
生為人英死愈雄
神雖無言我意同
Tạm dịch: (Dấu vết xa xưa thứ hai sau Việt vương thành là) Uy Vũ Miếu: Đông Pha (tức Tô Đông Pha 1037 -1101) viết rằng nhà Hán có hai Phục Ba tướng quân đều có công với dân Lĩnh Nam, thứ nhất là Bi Li Lộ Hầu (tức Lộ Bác Đức – người đã tiêu diệt họ Triệu ở Nam Việt năm 111 BC), thứ hai là Tân Tức Mã Hầu (tức Mã Viện – người đã dập tắt khởi nghĩa của Hai Bà Trưng năm 43). Đất Nam Việt từ thời Tam Đại (Hạ – Thương – Chu) không thể bình định được, thời Tần tuy đã mở đường đến nơi, xếp đặt quan lại cai trị nhưng rồi cũng trở lại tình trạng man mọi. Đầu tiên Lộ Bác Đức diệt Nam Việt mở mang chín quận. Tuy nhiên đến đầu nhà Đông Hán, bà Trưng Trắc nổi dậy làm chấn động hơn 60 thành trì. Thời ấy vua Thế Tổ (Hán Quang Vũ Đế) mới lên ngôi, dân tình lao khổ chán ghét chiến tranh, cửa ải Ngọc Quan bị dẹp, đường sang Tây Vực cắt đứt. Hơn nữa nước (Việt) ta xa xôi hẻo lánh, chẳng đáng phiền lụy đến quân triều đình. Nếu không có Tân Tức Hầu (Mã Viện) khổ chiến, thì cả chín quận đến giờ vẫn mặc áo cài khuy bên trái (ý nói sinh hoạt với phong tục và văn hóa phương nam). Do đó miếu hai vị Phục Ba được thờ phụng nhiều nơi ở Lĩnh Nam. Bên bờ biển (Quảng Đông ngày nay) cũng có đền thờ Phục Ba, được nhà Tống sắc phong Trung Hiển Vương vào giữa những năm Nguyên Phong (1078 – 1085). Mỗi khi đi biển, mọi người thường đến đây cầu xin, nếu quẻ bói bình an thì đi, nếu không thì dừng lại, dân chúng sùng tín như đong đếm, vì chưa từng bị dối lừa. Ôi! công đức không cao dày, làm sao linh nghiệm như thế. Tôi (Tô Đông Pha) từng mắc tội bị đày đi Đam Nhĩ (Đảo Hải Nam) ba năm, hôm nay được về lại biển bắc, đi về đều sóng yên biển lặng, không có gì báo đáp thần nhân, bèn dựng bia đá có khắc minh văn như sau:
Nguy hiểm nhất là cuồng phong bất trắc của biển cả
Đen đủi nhất là gặp cá to như rồng dữ
Tin tưởng nhất là được nương nhờ hai ngài Phục Ba
Gởi sinh mệnh như một chiếc lá giữa muôn trùng dặm nước
Gột tẩy sạch mọi sợ hãi trong tâm can lúc đi xuống phương nam
An ủi lương dân mọi sự sẽ hanh thông
Thẳng một mạch quay về phương bắc
Làm rõ oan ức, thông suốt đạo lý trung nghĩa
Bình sinh là kẻ xuất chúng, chết anh hùng
Các ngài chẳng nói gì hẳn đồng ý với tôi như vậy.
Rất tiếc Lê Tắc không ghi chú Uy Vũ Miếu nằm ở địa phương nào tại Việt Nam, trong khi đó 伏波祠 – Phục Ba Từ – Đền thờ Phục Ba bên bờ biển mà Lê Tắc nhắc đến có thể chính là Phục Ba Từ (vẫn còn giữ nguyên tên) tại Trạm Giang – Quảng Đông – Trung Quốc (ảnh dưới). Không loại trừ Tô Đông Pha bị đi đày từ Quảng Châu. Do đó cũng có thể tồn tại một đền Phục Ba khác tại hải cảng Quảng Châu, nơi Lộ Bác Đức đã đánh thành Phiên Ngu của Nam Việt.
Trạm Giang chính là trị sở xa xưa của quận Hợp Phố thời Hán, nơi Mã Viện tập hợp binh thuyền trước khi viễn chinh đến Việt Nam dập tắt cuộc nổi dậy của Hai Bà Trưng. Những nguyên nhân có thể có đã đưa Mã Viện và Lộ Bác Đức vào đền thờ ở phương nam có thể liệt kê như sau:
a. Giản dị nhất là vì Hầu hiệu của hai ông đều là Phục Ba – Khuất phục sóng dữ. Nó đã trở thành tín ngưỡng của những người đi biển nói chung và dân di cư gốc Âu Việt từ lãnh thổ Nam Việt cũ xuống Việt Nam từ sau năm 111 BC. Không loại trừ ở Bắc Việt, miếu thờ Phục Ba là nơi hương khói cho cả Lộ Bác Đức và Mã Viện. Đặc biệt là phong tục thờ Phục Ba của di dân Hoa Nam đến Nam Việt Nam từ cuối thời Minh chắc chắn không phải từ việc hàm ơn Mã Viện hoặc bắt chước tục thờ Mã Viện của người Bắc Việt như Li Tana đề xuất ở trên.
b. Mã Viện là một viên tướng xâm lược nổi tiếng, đồng chủng, đồng văn và suốt 200 năm đồng triều với các quan lại Hán cai trị khắp châu thổ sông Hồng và sông Mã từ sau năm 43, việc thờ tự ban đầu xuất phát từ đấy.
c. Như đã khảo sát trong “Nguồn gốc dân tộc Việt Nam“, thành phần di truyền chính của người Kinh Việt Nam hiện nay là từ Hoa Nam. Công cuộc thực dân của Mã Viện đã mở toang cánh cửa di dân xuống châu thổ sông Hồng và sông Mã. “Công ơn” ấy có thể đã được ghi nhớ bằng các miếu thờ Mã Viện rất phổ biến ở Bắc Việt trước đây.
***
Trên không gian mạng Việt ngữ chúng tôi thấy có tác giả Lý Vĩnh Huê với tục danh “Hoa Bộ” hay Robert Lý nổi tiếng từng khảo cứu một bài thơ của Lê Quý Đôn, xin chép lại ở đây để mọi người tham chiếu:
《經鬼門謁伏波將軍廟》 KINH QUỶ MÔN YẾT PHỤC BA TƯỚNG QUÂN MIẾU
瞻謁山祠向水涯 Chiêm yết sơn từ hướng thủy nhai
修然心緒動追依 Tu nhiên tâm tự động truy y
鄉並款段仙為者 Hương tịnh khoản đoàn tiên vi giả
塞漠旌旄壯亦哉 Tái mạc tinh mao tráng diệc tai
當日偉談傳米穀 Đương nhật vĩ đàm truyền mễ cốc
千秋公議恨雲臺 Thiên thu công nghị hận Vân đài
炎郊處處依餘庇 Viêm Giao xứ xứ y dư tý
鳶詀元曾此地來 Diên chiếm Nguyên tằng thử địa lai
散盡千金惠故人 Tán tận thiên kim huệ cố nhân
間並一劂事明君 Gian tình nhất quyết sự minh quân
應知功大多貽累 Ưng tri công đại đa di lụy
只為情深苦服勞 Chỉ vị tình thâm khổ phục lao
能記荒蔞酬主簿 Năng ký hoang lâu thù chủ bạc
仙緣薏苡圓將軍 Tiên duyên ý dĩ viên tương quân
至今浩氣英風在 Chí kim hạo khí anh phong tại
繚繞吳山粵嶠雲 Liễu nhiễu Ngô sơn Việt kiệu vân
(Tạm dịch: QUA QUỶ MÔN VIẾNG MIẾU PHỤC BA TƯỚNG QUÂN
Bái viếng núi đền nhìn ra chân trời; Tấm lòng kính cẩn nhớ về thuở nào. Làng quê thờ phụng vị tiên; Cờ xí biên ải thêm hùng tráng thay. Thuở ấy bậc lưu hầu truyền dạy [cho dân trồng] mễ cốc; Ngàn thu bàn luận còn ghi mối hận đài mây. Cả Viêm bang lẫn Giao Chỉ thảy được nương nhờ; Diều hâu Nguyên Mông từng thử ghé chốn này.
Trút ngàn vàng đền ơn người cũ; Cùng nắm con dao thờ minh chúa. Đành chịu công lớn nhiều âu lo; Chỉ bởi thâm tình nên phải chịu khổ. Cỏ hoang còn biết báo đáp quan ngài; Lau lách nhờ duyên trọn theo tướng quân. Chí khí phi thường đến nay vẫn còn; Quanh quẩn trong mây ở núi Ngô non Việt).
***
Người Việt Nam hiện nay luôn thắc mắc tại sao cha ông họ từng thờ tự một kẻ xâm lược. Lịch sử cần phải được truy xét biện chứng, nếu không tư duy chúng ta cứ quanh quẩn trong lối mòn tù đọng mà không tự ý thức được. Chẳng hạn việc tồn tại đền thờ Sầm Nghi Đống ở Hà Nội là rất bình thường. Thứ nhất là do triều Tây Sơn rất ngắn. Thứ hai là tâm tình hoài Lê ở châu thổ sông Hồng rất mạnh. Sầm Nghi Đống là đồng minh của nhà Lê, cũng như mới đây quân đội Mỹ là đồng minh của Nam Việt Nam và người Việt ở California đã đang và sẽ dựng những tượng đài vinh danh tướng lính Mỹ đã sát cánh cùng họ trong chiến tranh Việt – Mỹ.
Tuy nhiên tục thờ Mã Viện xưa cũ hơn và ẩn giấu một bí ẩn mà chúng tôi đã khai mở trong quyển sách “Khảo chứng tiền sử Việt Nam bằng Cổ thư và Thiên văn học“. Nó liên quan đến quá trình hình thành dân tộc Việt Nam, chủ yếu từ nhánh Hoa Nam đã Nam Tiến trong suốt 2000 năm qua!
T.T.D
@Phodong Village 11.2017
Aug 17, 2018 @ 00:53:48
Có thể là nơi thờ tự đó là do người Hán phương Bắc di dân qua lập nên.
Nov 18, 2017 @ 20:00:47
Tân đính hiệu bình Việt điện u linh tập (新訂較評越甸幽靈集) của Gia Cát Thị (諸葛氏) thời Hậu Lê soạn:
京都 河口坊有廟曰白馬者,記云:「東漢光武時,伏波將軍姓馬諱援也。」予濫叨天爵,每得履 檢京邦,且莫知之,亦誠以為然。及謁廟,閱碑碣,內祀載漢伏波神,以為福國庇民,而未 詳神記祀於何代,事實之由來,及興創於何朝?其碑時正和歲在丁卯菊月書耳。祠 宇歲久,棟壁摧朽。北商詹仲聯等,集眾捐貲,鳩工重修,廟貌渙然日新。予竊疑伏波馬姓 何以白馬稱焉?必有以也。及甲午秋,予偶暇檢敝簏蠹簡,接得靈集,內載南國祀祭福神, 而東都東市神廣利王者,昔曾顯靈于唐高駢時,及李太宗朝間。厥後凡比年迎春,椎牛祈 福,必會祭于彼。詢訪故老,則云:「神當建城時,有護國奠民之力,現白馬之祥,赫濯英 靈,莫可尚矣!然馬懾于象,故今眾獸經過其祠輒死。是以封為白馬大王故耳。」而北客南 商訛以為實,括土建牆,崇加褒賞。卻認白馬二字,以為乃是東漢平交之馬伏波將軍也。今 以為白馬王封美號,校閱字義,文理異同。稽諸封號,如利字改賴字,音同字異,是避黎朝 國諱之意也。現有本神傳書可擬,內書廣利王,而外目錄書廣賴王,則其義可知也。順字改 正字,避陳順宗諱,敷字與孚字同。應字改感字者,此魚魯訛傳之謬也。以此論之,故知確 然是廣利王,即龍肚王氣之神,非伏波將軍明矣。若云神像則何以辨別,而知要為伏波乎? 蓋神人在昔,前朝屢揚赫濯,為南越福德之神。以故皇恩隆賜,以雕木象。北旅是賈販之 徒,曷克廣聞遠識,訛傳妄認以為真伏波之廟。至制衣帶冠冕帷帳岫傘八供奉事,其實乃龍 肚王氣之神像也。茲採嶺南摭怪故錄,王氣君靈應傳,然白馬字意,尚未見載;是以一併之 而檢擬,白馬王美字封號,庶備完閱。予恐歲久,訛以傳訛,猶杜大夫之為杜丈夫,王侍中 之為王待中也。是以表而出之,候將來考正,使後來曉然知所蹤跡。 罔知是神本紀,卻以為伏波神也。故筆而書之,其事跡已詳,嶺南摭怪錄焉。奉天府 大令尹黎竹峯誌云:「李太宗時,有默錫功,封為廣利神王;重興元年,加封『聖 佑』二字。
Ở phường Hà Khẩu xứ kinh kì có miếu thờ thần gọi là miếu Bạch Mã, trong miếu có chép: “Thần được thờ là Phục ba tướng quân họ Mã tên Viện thời vua Quang Vũ nhà Đông Hán vậy.” Tôi (Gia Cát Thị) lạm giữ chức thiên tử (vua Hậu Lê) ban cho, cũng từng đi khắp kinh kì rồi mà lại chẳng biết việc này, quả thật là như vậy. Kịp khi tôi vào miếu đọc bia kí, xem đồ tế thì đúng là ghi thần được thời là Phục Ba tướng quân thời nhà Hán, cho là thần có công giúp nước an dân, nhưng không ghi rõ thần được thờ phụng từ thời nào, chẳng ghi rõ nguyên nhân hay việc xây dựng miếu thờ từ thời nào? Trên bia đá ghi là năm Chính Hòa (niên hiệu vua Lê Hi Tông) tuế thứ Đinh Mão, tháng chín (năm 1687 AD) vậy. Miều thờ đã nhiều năm, cột vách đã mục nát. Nhà buôn phương bắc (Trung Quốc) là bọn Chiêm Trọng Liên gom tiền hiến tặng để thuê thợ dựng lại, do đó miếu thờ lại sang trang mới mẻ. Tôi trộm ngờ rằng Phục ba tướng quân họ Mã mới lấy tên gọi là miếu Bạch Mã chăng? Chẳng lẽ là vậy? Kịp đến năm Giáp Ngọ, mùa thu, tôi được lạm giữ chức trông coi về việc thu tập sách vở, được đọc sách Việt điện u linh tập, sách này chép các vị thần được thờ phụng của nước Nam ta, có chép rằng ở chợ Đông miền Đông Đô (thành Thăng Long) có vị thần là Quảng Lợi Vương ngày xưa từng hiển linh vào thời Cao Biền nhà Đường và giữa thời vua Lí Thái Tông. Từ đó về sau hễ đến mùa xuân hằng năm thì mổ bò cúng tế cầu phúc, đều hội họp thờ cúng ở đấy. Tôi lại hỏi thăm các bô lão, họ nói rằng: “Vị thần ấy vào lúc (vua Lí Thái Tổ) dựng thành thì có công giúp nước an dân, có điềm lành ngựa trắng xuất hiện, anh linh hiển hách, đã có từ xưa rồi! Cho nên làm tượng ngựa, xưa nay muông thú có chạy qua miếu này thì liền chết. Cho nên phong thần làm Bạch Mã Đại Vương.” Lại nữa khách bắc người nam ngoa truyền, cho là sự thật, đắp đất dựng tường, càng thêm xưng tụng. Hơn nữa họ lại cho rằng hai chữ ‘Bạch Mã’ là chỉ Phục ba tướng quân họ Mã đã bình Giao Chỉ thời nhà Hán vậy. Nay tôi cho rằng danh hiệu Bạch Mã Đại Vương, xét theo chữ nghĩa thì văn lí khác nhau. Kể ra các danh hiệu thì chữ Lợi (利) đổi thành chữ Lại (賴) là đồng âm khác chữ, để tránh tên húy của nhà Lê vậy. Nay có chuyện kể về thần này, trong đó ghi là Quảng Lợi Vương, ngoài ra còn ghi là Quảng Lại Vương, lời này là rõ rồi. Chữ Thuận đổi thành chữ Chính là tránh tên húy vua Trần Thuận Tông, chữ Phu (敷) đọc âm giống chữ Phu (孚). Chữ Ứng ()應 đổi thành chữ Cảm (感), tựa như nhầm lẫn mặt chữ ngư (魚và chữ lỗ (魯) vậy. Do đó xét rằng, đúng ra phải là Quảng Lợi Vương, tức là thần Long Đỗ Vương, không phải là Phục Ba tướng quân là việc rất rõ ràng. Còn như làm thế nào để phân biệt tượng thần, sao chẳng phải là Phục ba tướng quân? Đại khái là vị thần này ở thời xưa thường hiển linh, trở thành vị thần ban phúc lành cho nước Nam Việt (ý chỉ Đại Việt) ta, cho nên nhà vua ban tặng lại làm tượng gỗ để thờ cúng. Khách lữ phương bắc là bọn buôn bán, vốn nghe rộng biết nhiều, ngoa truyền xằng cho rằng là miếu thờ Phục ba tướng quân. Còn như đồ cúng tế như các dải mũ áo ô lọng màn trướng thực ra là của tượng thần Long Đỗ Vương. Tôi lại xét sách Lĩnh Nam chích quái có chép chuyện Vương Khí Quân Linh Ứng, ý nghĩa của hai chữ Bạch Mã vẫn chưa rõ. Cho nên cùng chép ra đây để đợi xem xét rõ ràng danh hiệu Bạch Mã Đại Vương. Tôi sợ lâu năm sẽ ngoa truyền như từ Đỗ đại phu (杜大夫之) lại thành Đỗ trượng phu (杜丈夫), Vương thị trung (王侍中) lại thành Vương đãi trung (王待中) vậy. Cho nên tôi nêu ra đây để đời người đời sau xét lại, khiến cho người đời hiểu rõ gốc tích.
__________________
Vậy là đền Bạch Mã ở 46 Hàng Buồm – Hà Nội từng thờ phụng Mã Viện mà học giả Olga Dror từ đại học Cornell, nguồn cơn được lí giải như trên. Vốn là đền Bạch Mã thờ thần Long Đỗ hiển linh từ thời Cao Biền dựng La thành và vua Lí Thái Tổ định đô ở thành Thăng Long. Đến thời Hậu Lê thì nhà buôn phương bắc có tu sửa đền Bạch Mã đã nhầm lẫn mới thờ Phục ba tướng quân.
Nov 18, 2017 @ 18:35:35
伏波將軍廟碑
Phục ba tướng quân miếu bi (Bắc Tống – Tô Thức soạn)
漢有兩伏波,皆有功德於嶺南之民。前伏波,邳離路侯也。後伏波,新息馬侯也。南越自三代不能有,秦雖稍通置吏,旋復為夷。邳離始伐滅其國,開九郡。然至東漢,二女子側、貳反嶺南,震動六十餘城。世祖初平天下,民勞厭兵,方閉玉關,謝西域,況南荒何足以辱王師,非新息苦戰,則九郡左衽至今矣。由此論之,兩伏波廟食於嶺南者,均也。古今所傳,莫能定於一。自徐聞渡海,適朱崖,南望連山,若有若無,杳杳一髮耳。艤舟將濟,眩栗喪魄。海上有伏波祠,元豐中詔封忠顯王,凡濟海者必卜焉,曰:「某日可濟乎?」必吉而後敢濟。使人信之如度量衡石,必不吾欺者。嗚呼,非盛德其孰能然!自漢以來,朱崖、儋耳,或置或否。揚雄有言:「朱崖之棄,捐之之力也,否則介鱗易我衣裳。」此言施於當時可也。自漢末至五代,中原避亂之人,多家於此。今衣冠禮樂,蓋斑斑然矣,其可復言棄乎!四州之人,以徐聞為咽喉。南北之濟者,以伏波為指南,事神其敢不恭。軾以罪謫儋耳三年,今乃獲遷海北,往返皆順風,念無以答神貺者,乃碑而銘之。銘曰:
至險莫測海與風,至幽不仁此魚龍,
至信可恃漢兩公,寄命一葉萬仞中。
自此而南洗汝胸,撫循民夷必清通。
自此而北端汝躬,屈信窮達常正忠。
生為人英沒愈雄,神雖無言意我同。
Nhà Hán có hai Phục Ba tướng quân đều có công với dân Lĩnh Nam, thứ nhất là Bi Li Lộ Hầu (tức Lộ Bác Đức – người đã tiêu diệt họ Triệu ở Nam Việt năm 111 BC), thứ hai là Tân Tức Mã Hầu (tức Mã Viện – người đã dập tắt khởi nghĩa của Hai Bà Trưng năm 43). Đất Nam Việt từ thời Tam đại (Hạ – Thương – Chu) không thể bình định được, thời Tần tuy đã mở đường đến nơi, xếp đặt quan lại cai trị nhưng rồi cũng trở lại tình trạng man mọi. Đầu tiên Lộ Bác Đức diệt Nam Việt mở mang chín quận. Tuy nhiên đến đầu nhà Đông Hán, bà Trưng Trắc nổi dậy làm chấn động hơn 60 thành trì. Thời ấy vua Thế Tổ (Hán Quang Vũ Đế) mới lên ngôi, dân tình lao khổ chán ghét chiến tranh, cửa ải Ngọc Quan bị dẹp, đường sang Tây Vực cắt đứt. Hơn nữa miền nam xa xôi hẻo lánh, chẳng đáng phiền lụy đến quân triều đình. Nếu không có Tân Tức Hầu (Mã Viện) khổ chiến, thì cả chín quận đến giờ vẫn mặc áo cài khuy bên trái (ý nói sinh hoạt với phong tục và văn hóa phương nam). Do đó xét rằng miếu hai vị Phục Ba đều được thờ phụng nhiều nơi ở Lĩnh Nam. Xưa nay truyền lại chẳng thể xác định là một vị. Từ huyện Từ Văn vượt biển thì đến quận Châu Nhai, nhìn về phía nam núi non liền liếp, mờ mịt một dải. Neo thuyền sắp vượt biển mà hoa mắt hồn xiêu. Bên bờ biển (Quảng Đông ngày nay) cũng có đền thờ Phục Ba, được nhà Tống sắc phong Trung Hiển Vương vào giữa những năm Nguyên Phong (1078 – 1085). Mỗi khi đi biển, mọi người thường đến đây cầu xin, nếu quẻ bói bình an thì đi, nếu không thì dừng lại, dân chúng sùng tín như đong đếm, vì chưa từng bị dối lừa. Ôi! công đức không cao dày, làm sao linh nghiệm như thế. Từ thời Hán đến nay, các quận Châu Nhai-Đam Nhĩ lúc đặt lúc bỏ. Dương Hùng có nói: “Việc bỏ quận Châu Nhai là do lời khuyên của Giả Quyên Chi, nếu không thì loài rắn rết cũng làm thay đổi xiêm áo của ta mất.” Lời này đúng với thời ấy vậy. Nhưng từ cuối thời Hán đến thời Ngũ đại thì có nhiều người Trung Nguyên chạy loạn đến làm nhà ở đây. Nay đã có mũ áo, cũng mang văn vẻ rồi, không thể nói là nên bỏ đi nữa vậy! Người của bốn châu (của đảo Hải Nam) lấy huyện Từ Văn là chỗ yết hầu, người qua lại nam bắc đều lấy miếu Phục Ba để chỉ hướng, thờ thần ấy dám không cung kính? Thức từng mắc tội bị đày đi Đam Nhĩ (đảo Hải Nam) ba năm, hôm nay được về lại biển bắc, đi về đều sóng yên biển lặng, nghĩ rằng không có gì báo đáp thần nhân, bèn dựng bia đá có khắc minh văn như sau:
Nguy hiểm nhất là cuồng phong bất trắc của biển cả,
Đen đủi nhất là gặp cá to như rồng dữ.
Tin tưởng nhất là được nương nhờ hai ngài Phục Ba,
Gởi sinh mệnh như một chiếc lá giữa muôn trùng dặm nước.
Gột tẩy sạch mọi sợ hãi trong tâm can lúc đi xuống phương nam,
An ủi lương dân mọi sự sẽ hanh thông.
Thẳng một mạch quay về phương bắc,
Làm rõ oan ức, thông suốt đạo lý trung nghĩa.
Bình sinh là kẻ xuất chúng, chết anh hùng,
Các ngài chẳng nói gì hẳn đồng ý với tôi như vậy.
___________________
Như vậy đây là chuyện kể của Tô Thức thời Bắc Tống khi bị đi đày ở Đam Nhĩ (đảo Hải Nam) về nhà ghé qua miếu Phục Ba ở huyện Từ Văn, bèn làm bài minh này. Đến thời Nguyên khi Lê Trắc soạn sách An Nam chí lược có liệt kê nước An Nam/Giao Chỉ có miếu Uy Vũ cũng thờ Mã Phục Ba nhưng có dẫn bài minh của Tô Thức mà thôi. Không phải là Lê Trắc từng bị đi đày ở Đam Nhĩ.
Chuyện này cũng kể nhà Tống và các triều đại Trung Quốc đã phong thần cho Mã Viện ở miếu Phục Ba như Trung Hiển Vương (忠顯王) hay Uy Vũ Linh Vương (威武靈王), do đó miếu Phục Ba (伏波廟) cũng được gọi là Uy Vũ miếu (威武廟). Nhưng ở An Nam thì Mã Viện lại không được phong vương vì Viện được xem là võ tướng ngoại tộc đi xâm lược. Miếu Phục Ba từng có ở An Nam nhưng được làm sơ sài và không được thờ phụng cung kính như ở miền Lưỡng Quảng.
Nov 17, 2017 @ 19:48:39
An Nam tức sự (Nguyên – Trần Phu thời nhà Nguyên khi đi sứ sang nhà Trần ở thành Thăng Long):
人家門首,必有小祠,其神曰馬大人,刻木像,猥惡不可名狀,朔望則陳于庭,老稚羅拜之。Trước cửa nhà người dân (ở kinh thành Thăng Long) phải có miếu nhỏ thờ thần gọi là ‘Mã đại nhân’, khắc tượng gỗ hình dạng hung ác không biết gọi làm sao cho đúng, cứ đến ngày đầu giữa tháng thì bày ở sân, già trẻ đều bái lạy cúng tế.
鐵船波影見,銅柱土痕枯。 馬援征徵側,造鐵船四隻沈於海,今水清猶徬佛可見。銅柱,援所立也,在乾地鋪,其刻有云:銅柱折,交人滅。今陳日烜以土埋之,上建伏波祠。Thuyền sắt chìm đáy nước, cột đồng vùi gò đất. Mã Viện đánh Trưng Trắc, làm bốn chiếc thuyền sắt thả chìm xuống dưới nước, nay vào lúc nước trong vẫn còn thấy được phảng phất. Cột đồng ở phố Càn Địa, trên cột có khắc chữ: “Cột đồng gãy, người Giao diệt”. Ngày nay Trần Nhật Huyên (Trần Thánh Tông) lấy đất lấp đi, trên đó dựng miếu Phục Ba.
Quảng Đông tân ngữ (Thanh – Khuất Đại Quân soạn):
伏波神,為漢新息侯馬援。侯有大功德於越,越人祀之於海康、徐聞,以侯治瓊海也。又祀之於橫州,以侯治烏蠻大灘也。灘在橫州東百餘里,為西南湍險之最,舟從牂牁至廣必經焉。伏波祠廣東、西處處有之,而新息侯尤威靈,其廟在交趾者,製狹小,周遭茅茨失火,廟恆不及,交趾絕神之。交趾人每懼漢人訴其過惡於侯而得疫病,於是設官二人守廟,不使漢人得入。而其君臣入而祭者,必膝行蒲伏,惴惴然以侯之誅殛為憂。侯之神長在交趾,凡以為兩廣封疆也。Thần Phục Ba là Tân Tức Hầu Mã Viện thời nhà Hán vậy, người Việt thờ thần ấy ở Hải Khang-Từ Văn, vì ngài có công trị thủy ở miền Quỳnh châu vậy. Lại thờ thần ấy ở Hoành châu châu vì ngàu có công dựng bến lớn Ô Man vậy. Bến ấy ở phía đông Hoành châu hơn trăm dặm, là bến sông hiểm yếu nhất ở miền tây nam, thuyền bè từ quận Tang Kha đến miền Quảng châu phải qua bến ấy. Miếu Phục Ba ở Quảng Đông-Quảng Tây nơi nơi đều có, nhưng thờ Tân Tức Hầu là uy linh nhất. Miếu thờ thần ấy ở nước Giao Chỉ (Bắc Việt Nam ngày nay) thì dựng chu vi nhỏ hẹp làm bằng cỏ tranh dễ bắt lửa thường không bằng miếu ta, người Giao Chỉ cũng không thờ thần nữa. Người Giao Chỉ hễ sợ người Hán quở trách mình mắc lỗi với thần mà bị bệnh dịch thì đặt 2 viên quan giữ miếu ấy, nhưng không cho người Hán được vào. Vua tôi nước ấy vào mà tế thần thì phải quỳ gối bò bước khúm núm vì sợ thần trách phạt. Ngài được thờ ở Giao Chỉ đã lâu, vì nơi ấy làm phên dậu cho miền Lưỡng Quảng vậy.
_______________________
Miếu nhỏ thờ thần Mã đại nhân (馬大人) mà nhà dân thờ có lẽ là thần Bạch Mã Đại Vương (白馬大王). Còn miếu Phục Ba là thờ Mã Viện (馬援). Mã Viện là nhân vật lịch sử, lịch sử gắn liền với danh hiệu Phục ba tướng quân (伏波將軍), còn thần Bạch Mã (白馬) là thần thoại khác hẳn. Do đó đền Bạch Mã vốn không phải thờ Mã Viện, mà là Bạch Mã, tức là thờ thần Ngựa Trắng trong thần thoại địa phương ở Thăng Long (La thành). Đền Bạch Mã có thờ Mã Viện chỉ là phối thờ thêm ở giai đoạn sau mà thôi.
Thêm nữa, miếu thờ Phục Ba chỉ là mang tính cục bộ ở một số vùng, thường mang màu sắc tín ngưỡng hơn là thờ tổ tiên. Mã Viện được phong hiệu Phục Ba tướng quân, được tôn thờ như một vị thần chinh phục sóng gió trở ngại, biểu tượng của người Hán đi chinh phục Nam Man, do đó ở các bến sông ở miền Lĩnh Nam nơi Mã Viện từng đóng quân hoặc các di tích liên quan đến Mã Viện mới có miếu thờ.
_________________
Thời xưa chính trị xã hội không như bây giờ, dân gian có nhiều đối tượng để thờ phụng, hoặc là anh hùng bản địa, hoặc là anh hùng ngoại lai, hoặc do Hoa kiều tự lập miếu thờ, hoặc phối thờ với anh hùng bản địa. Trường hợp thờ Mã Viện là một trong số đó, có ở rất nhiều địa phương như Bắc Ninh, Hà Nội, Vĩnh Phúc, Hưng Yên.
Theo Hứa Văn Đường (許文堂) trong bài viết “Tín ngưỡng dân gian Việt Nam – thần thoại Bạch Mã đại vương” (越南民間信仰—白馬大王神話), đăng trên tạp chí “Nam phương Hoa duệ nghiên cứu” (南方華裔研究), số 4-2010 thì tín ngưỡng thờ phụng Bạch Mã Đại Vương thời nay có 15 chỗ thờ phụng:
1. Đình Đồng Xuân (83 Hàng Giày)
2. Miếu Bạch Mã (76 Hàng Buồm)
3. Đình Tân Khai (44 Hàng Vải)
4. Đình Nội Miếu (30 Hàng Giày)
5. Đình Nhân Nội (33 Bát Đàn)
6. Đình Đại Lợi (50 Gia Ngự)
7. Đình Hàng Đào (47 Hàng Đào)
8. Đình Đồng Lạc (28 Hàng Đào)
9. Đình Cổ Vũ (85 Hàng Gai)
10. Đình Cổ Tân (166 Trần Quang Khải)
11. Đình Nam Hương (75 Hàng Trống)
12. Đình Nam Ngư (48 Nam Ngư)
13. Đình Phúc Lâm (2 Gầm Cầu)
14. Đình Nhân Bác (17B Hàn Thuyên)
15. Đình Thượng Giáp (96 Nguyễn Hữu Huân)
Bạch Mã Đại Vương cũng tức là thần Long Độ, không chỉ là thành hoàng của các phố phường ở Hà Nội mà còn là thành hoàng của một số huyện Mĩ Lộc-Giao Thủy-Vụ Bản-Hải Hậu của tỉnh Nam Định, huyện Yên Mĩ của tỉnh Hưng Yên, huyện Kim Bảng của tỉnh Hà Nam, huyện Yên Khánh của tỉnh Ninh Bình, huyện An Dương của thành phố Hải Phòng, thậm chí ở huyện Hưng Nguyên của tỉnh Nghệ An. Có thể nói tín ngưỡng thờ Bạch Mã Đại Vương rất rộng từ Hà Nội đến Nghệ An.
Hứa Văn Đường cũng cho rằng: Tín ngưỡng thờ Bạch Mã Đại Vương sớm nhất là vào thời nhà Lí. Còn tín ngưỡng thờ Mã Viện ở Việt Nam có lẽ sớm nhất là vào thời nhà Hán. Ở miếu thờ Bạch Mã Đại Vương tại 76 Hàng Buồm có phối thờ Mã Viện mà học giả Olga Drorlà giới thiệu là vì có một giai đoạn vào thời kì Lê-Trịnh thì miếu thờ này bị hư hỏng được người Hoa kiều ở bên cạnh đấy tu sửa, đã phối thờ Mã Viện thay cho Bạch Mã Đại Vương (có lẽ vì sự tích Bạch Mã nên họ đã nhầm lẫn vô ý hoặc cố ý đánh tráo đối tượng thờ phụng). Còn 14 miếu thờ Bạch Mã Đại Vương khác ở Hà Nội không có tình trạng ấy. Đến thời ngày nay (sau năm 1945), do quan niệm mới đề cao tính dân tộc, cho nên tín ngưỡng thờ Mã Viện ngày càng giảm, đối tượng thờ phụng ở miếu Bạch Mã 76 Hàng Buồm là Mã Viện cũng bị loại bỏ mà trở lại như ban đầu vốn có là Bạch Mã Đại Vương.