Nguồn gốc của thuật ngữ Lạc Việt

4 Comments

The origin of the historic term Luoyue – 駱越

Cách đây gần 20 năm, chúng tôi đã có những tháng năm trai trẻ thật đẹp đẽ, rong ruổi trên vùng Tây Nguyên và Đà Lạt. Khi tìm hiểu các địa danh Dalat, Dak Nong, Dak Min, Dak Nhim, Dak Song… ký âm bằng Pháp ngữ, chúng tôi đã lờ mờ nhận ra sự gần gũi của chúng với Lạc Việt.

Sau này tiếp xúc với “Thử tìm nguồn gốc ngữ nghĩa của từ tố Lạc”, của Nguyễn Kim Thản, Vương Lộc, tạp chí KHXH, 1974; chúng tôi đã tin Lạc 駱 trong Lạc Việt mang nghĩa là Nước như giả thiết của tài liệu. Các tác giả đã căn cứ trên nhóm từ Lạc điền, Lạc dân, Lạc hầu, Lạc tướng, Lạc vương và đi tìm âm tương ứng ở bắc bộ Việt Nam, một xóm rất nhỏ của ngôn ngữ Austronesian. Do nhu liệu quá ít, nên lý luận hơi gượng gạo, chưa kể việc họ không để ý đến sự trừu tượng hóa từ tố Nước.

Trực giác nói với chúng tôi âm Nước cổ đã được người Hán ký âm bằng Hán tự thành Lạc 駱, nhưng cuối cùng, mãi đến hôm nay các chi tiết và công cụ ngữ âm học mới được tập hợp đầy đủ để chứng minh điều này.

quangtay

Một lễ hội giỗ tổ Lạc Việt Vương tại Quảng Tây, châu thổ Tây giang, năm 2016.

Bám vào những dòng sông 

Đi đến không gian Lạc Việt, chúng tôi phải bám vào Trường giang và Hồng hà, bởi Hán sử đã nhắc đến người Lạc Việt phía bắc tận Kinh Châu, ở giữa là Quảng Tây và cuối cùng tại châu thổ sông Hồng.

Chữ Hán 江 giang chỉ sông Trường giang, từ thời Chu đến Minh đọc là [krōŋ]. Đó chính là âm tiền Mon Khmer, mẹ đẻ của từ [Sông] trong tiếng Việt. Khi người phương nam còn làm chủ con sông Trường Giang, họ gọi các nhánh nhỏ đổ vào sông mẹ bằng một âm gì đó mà người Hán ký âm thành Đà沱. Âm Tây Hán trở về trước của Đà沱là [l(h)āj], Đông Hán là [l(h)ǟ] và Đường âm là [d(h)ā]. Đây là định nghĩa của Đà 沱trong sách vở Trung Quốc: ở miền nam sông lớn gọi là Giang, sông nhánh gọi là Đà. Tuy nhiên chúng tôi nhìn rộng hơn, Đà沱có lẽ chỉ sông nhỏ, sông nhánh, suối lớn. Dalat (dòng suối của người Lat) và phụ lưu Đà giang của Hồng hà chứng minh điều đó. Sau rốt, Đà 沱 trong một câu Kinh Thi “月離于畢,俾滂沱矣 – Nguyệt li vu tất, tỉ bàng đà hĩ” lại có nghĩa là mưa lớn, nhiều nước.

So sánh các âm qua các thời kỳ của chữ Hán Đà沱 với âm chỉ Nước tiền Mon Khmer [*ɗaak] ở trên, chúng tôi thấy nó gần như đồng nhất với nhau. Nói cách khác Hán âm đã tuân thủ âm bản địa của Đà 沱 và chúng là một tại Đường âm.

Và từ chỉ quốc gia dùng tiền ngữ nước, trừu tượng hóa nước để thành quốc gia đầu tiên mà chúng tôi đã tìm thấy chính là Đô都. Vì nhu liệu của S. Starostin không có liệt kê lịch sử ngữ âm của Đô. Chúng tôi phải đi đường vòng: Tự điển ghi nhận Đô đọc là Đương Cô Thiết (當孤切), nghĩa là nói lái thành Đô Cương và giữ Đô lại. Từ đây chúng tôi tra lịch sử ngữ âm của Cô 孤 và lấy nguyên âm của nó. Từ thời Chu đến Đông Hán sẽ là nguyên âm A, nghĩa là Đô lúc ấy đọc là Đa. Đời Đường tương ứng nguyên âm Ô, lúc này nó là Đô. Hoán chuyển A thành Ô chúng tôi có vô số ví dụ. Như chữ Phụ 父, Hán âm của nó là [bá] và Đường âm là [bwó], tức Ba – Bố, và Mai – Mối, Ngạt – Ngột, Hạt – Hột, Ang – Ông (từ翁 cũng chỉ cha trong tiếng Hán).

Bộ Ấp trong chữ Đô 都 ghi nhận nghĩa của từ Đô là quốc gia. Chu Lễ viết: Cự quốc ngũ bách lý vi đô – Nước rộng năm trăm dặm gọi là Đô. Đa/Đô 都 không có trong giáp cốt văn, rõ ràng đây là ngôn ngữ Dương Tử đã được người Hoa Hạ ký âm và sử dụng muộn nhất là từ thời Chu.

Lạc Việt

Lạc Việt chỉ bắt đầu xuất hiện vào thời Tây Hán. Chúng ta có 3 chữ Lạc tạo nên Lạc Việt: 雒越 , 駱越 , 貉越. Đây chắc chắn là Hán tự ký âm phương ngữ Lạc Việt. Ba bộ chỉ ý nội dung mang tính miệt thị: 隹 chuy, một giống chim. 馬 mã, là ngựa. 豸trĩ, một loài sâu. Người ta dùng một chữ duy nhất chỉ âm là 各 các. Từ thời Chu đến Minh, âm Các đều đọc là [kāk]. Chúng tôi không khớp nối được với Đà 沱. Tuy nhiên khi dùng một chữ đồng âm với các chữ Lạc trên, bộ thủy, tên một con sông ở Hoa Bắc thì sự tương đồng lại hiện ra: Lạc 洛 Đông Hán trở về trước đọc là [rhāk], trở về sau đọc là [lhāk] hoàn toàn khớp với âm Đà 沱 Đông Hán là [l(h)ǟ].

Như vậy Lạc trong Lạc Việt là lần ký âm thứ hai chữ Đà 沱 chỉ nước, sông nhánh hay vùng nước đã được trừu tượng hóa thành xứ sở của một bộ lạc. Lần thứ nhất là chữ Đa/Đô都, dùng cho nước nhỏ. Với Lạc Việt, chữ Lạc dùng chủ yếu cho các bộ lạc còn chậm phát triển. Những ngữ ý miệt thị rất đáng trách bị lạm dụng, chắc chắn đã được viết ra bởi một viên thư lại Hán triều thiếu tư cách, phẩm giá và tri thức. Chúng không thể biện hộ dù theo Hán Thư, thời Tây Hán có dạo người ta kiêng bộ Thủy, là hành khắc với bản mệnh Hỏa của triều đình, dựa vào lối giải thích mê tín của thuyết ngũ hành.

Khi Việt không còn là tên riêng của nước Việt ở cửa sông Dương Tử, từ bộ Ấp chỉ quốc gia, nó chuyển qua bộ Tẩu và biến thành từ phiếm chỉ các nhóm bộ lạc hoặc tiểu quốc giang nam. Người Hán đã căn cứ trên tiền ngữ chỉ ý niệm quốc gia của họ để đặt tên cho phân nhánh Thái có gốc tích từ Điền Trì ở Vân Nam xuôi xuống Trường giang, Tây giang và Hồng hà, chủ nhân văn hóa trống đồng. Lạc Việt ra đời từ đó.

@12.2017 T.T.Du

Văn Lang và vua Hùng Phùng Hưng

7 Comments

Khởi đi từ Đại Việt Sử Lược (1388), Văn Lang được ghi nhận là một quốc gia có trước Công Nguyên. Không rõ sự thực thế nào nhưng Văn Lang trong hình dung của rất nhiều người Việt Nam hiện đại rất to và văn minh, có 4000 năm lịch sử như hình dưới.

dat van lang

Trong quá trình khảo sử, chúng tôi bắt gặp ghi chép thời Bắc Tống về một nước Văn Lang trùng tên, khá bé, cư dân hồn nhiên thuần phác như con người thượng cổ, sống theo tinh thần Lão Tử:

Sách 太平御覽 Thái Bình Ngự Lãm, Bắc Tống (977-984). Chương Châu Quận Bộ Thập Bát 州郡部十八. Đoạn Lĩnh Nam Đạo 嶺南道.

Nguyên văn: 《方輿志》曰:峰州,承化郡。古文郎國,有文郎水。亦陸梁地。秦 屬象郡。二漢屬交趾郡 。吳分置新興郡。晉改 為新昌。陳置興州。隋 平陳,改為峰州;煬帝 初,廢。唐復置峰州。

林邑記 , 曰:蒼梧以南有文郎野人,居無室宅 ,依樹止宿,食生肉,采香為業,與人交易,若上皇之人。

Tạm dịch: Phương Dư Chí viết: Phong Châu tức quận Thừa Hóa. Xưa là nước Văn Lang, có sông Văn Lang. Cũng là xứ sở phóng túng hoành hành. Thời Tần thuộc Tượng Quận. Tây và Đông Hán thuộc quận Giao Chỉ. Nhà Ngô chia ra xếp vào quận Tân Hưng. Tấn đổi thành Tân Xương. Nhà Trần (557 – 589) gọi là Hưng Châu. Tùy thay Trần, cải ra Phong Châu; từ những năm đầu Tùy Dạng Đế (604 – 618) thì bãi bỏ. Đường triều khôi phục đặt là Phong Châu.

Lâm Ấp Ký viết: Phía nam Thương Ngô có người Văn Lang hoang dã, sống không cần nhà cửa, dựa vào cây cổ thụ làm chỗ nghỉ ngơi, ăn thịt sống, lấy việc tìm hái hương liệu mưu sinh, trao đổi với người dưới xuôi, giống như thời tối cổ.

 ***

Nếu so sánh niên đại đi vào sách vở thì Văn Lang thời Đường lâu đời hơn Văn Lang trong Việt sử gần 500 năm. Khớp vào bản đồ thời Đường, Văn Lang trùng với Phong Châu – Phú Thọ ngày nay. Đó là khu vực nằm ngoài khối màu xanh mô tả những lãnh thổ đã bị Đường triều đô hộ.

Tang_Dynasty_circa_700_CE

Có lẽ Văn Lang thực tế là một tiểu quốc và độc lập với bắc triều nhiều trăm năm, cư dân chủ yếu là Thái – Mường, tức Lạc Việt, đồng chủng với Nam Chiếu. Hình dung Văn Lang có biên giới đến Dương Tử gần với lãnh thổ Nam Chiếu hơn. Nói cách khác, Văn Lang của Việt sử khá tương đồng với biên giới ngữ hệ Thái – Tráng, văn hóa trống đồng xa xưa.

Chi tiết Tùy Dạng Đế (604 – 618) bãi bỏ Phong Châu nhìn ở góc độ khác sẽ là sự cởi ách nô thuộc của vùng đất này. Từ đây mở ra một hướng nhìn rất bất ngờ: Văn Lang có thể chính là một tiểu quốc độc lập trong vương quốc Nam Chiếu, thủ đô ở Phú Thọ ngày nay. Văn Lang sau này đã bị Đại Việt sáp nhập vào bản đồ, lịch sử bị xóa sạch do vô tình hoặc cố ý. Phùng Hưng có lẽ là một trong những vị vua của Văn Lang.

Xin nhắc lại: Theo sách Thông Điển, kẻ có trống đồng tự xưng là Đô Lão 都老, dân chúng sẽ tôn phục. Việt sử chép Bố Cái Đại Vương Phùng Hưng hiệu là Đô Quân 都君. Chữ Quân này mang âm Khun/Hùng. Như vậy Phùng Hưng chính là vua Hùng vậy. Điều thú vị là người Thái Mường hay Âu Việt đều gọi thủ lĩnh của mình bằng âm Hùng. Dùng chữ Hùng 雄 thay Quân, sử gia đã dựng lên một biểu tượng có tính hai mặt để hòa hợp dân tộc.

Bố Cái Đại Vương Phùng Hưng hiệu là Đô Quân 都君. Chữ Quân mang âm Khun/Hùng chúng tôi đã chỉ rõ. Bây giờ đến chữ Đô 都:

Vì nhu liệu của S. Starostin không có liệt kê lịch sử ngữ âm của Đô. Chúng tôi phải đi đường vòng: Tự điển ghi nhận Đô đọc là Đương Cô Thiết (當孤切), nghĩa là nói lái thành Đô Cương và giữ Đô lại. Từ đây chúng tôi tra lịch sử ngữ âm của Cô 孤 và lấy nguyên âm của nó. Quá bất ngờ! Từ Tây Hán đến Đông Hán sẽ là nguyên âm A, nghĩa là Đô lúc ấy đọc là Đa. Tiếng Hán trung đại tương ứng nguyên âm Ô, lúc này nó là Đô.

Đa chính là Dak, tương đồng hoàn toàn với sông nhánh [d(h)ā], người Hán đã ký âm là Đà 沱. Như vậy Đô 都 là cách ký âm khác và tương đương với Lạc. Bộ Ấp trong chữ Đô ghi nhận nghĩa của từ Đô là quốc gia. Chu Lễ viết: Cự quốc ngũ bách lý vi đô – Nước rộng năm trăm dặm gọi là Đô. Rõ ràng đây là ngôn ngữ Thái – Tráng đã được người Hoa Hạ ký âm và sử dụng muộn nhất là từ thời Chu.

Đô Quân như vậy nghĩa là Quốc Quân, âm thời Hán người Việt cổ đọc là Đa Khun, sau thời Đường biến thành Đô Hùng. Từ đó Đô Lão trong các tài liệu thời Hán nói về người Việt Nam cổ sẽ có nghĩa là Quốc Lão.

Không nghi ngờ gì nữa Phùng Hưng chính là một trong những vị vua Hùng của nhánh Lạc Việt trên đất nước này!

@12.2017 T.T.Du

Nguồn gốc tên gọi Hùng Vương

2 Comments

Chúng ta đã rõ Lạc Vương nghĩa là Quốc Vương. Chữ Lạc có tiền ngữ là nước, vùng nước, từ đó được trừu tượng hóa thành lãnh thổ tại ngôn ngữ Austronesian, trong đó Thái – Tráng là một nhánh.

Ngạc nhiên lớn với chúng tôi là Hùng Vương tương đồng hoàn toàn với Quân Vương. Viết về các bộ lạc bản địa sử dụng trống đồng ở vùng Quảng Tây và Bắc Việt Nam, sách Thông Điển năm 801 ghi: 以富為雄 – Dĩ phú vi hùng. Có thể dịch thành “giàu có thì làm thủ lĩnh”. Chữ Hùng 雄 này chính là Hùng trong danh xưng Vua Hùng, Hùng Vương tại tất cả các quyển sử Việt Nam từ xưa đến nay.

Hùng 雄, Hán ngữ cổ đại mang âm [whǝŋ], trung đại khoảng thời Đường đọc là [ɦüŋ]. Âm [ɦüŋ] rõ ràng là sự nặng hóa của phương nam khi đọc âm [kün] của chữ Quân君. Các căn cứ ngữ âm liệt kê như sau: Genghis Khan tức Thành Cát Tư Hãn. Khan âm Mông Cổ là thủ lĩnh, âm KH đi về phương nam trở thành H trong Hãn. Chữ Hảo 好 nghĩa là tốt đẹp, người Hoa Nam đọc rõ chữ H trong khi ở Bắc Kinh chúng tôi nghe được âm KH rất nhẹ. Người Việt cũng có quan hệ bắc – nam như thế trong từ Không ở Hà Nội hay bị biến thành Hông tại Sài Gòn.

Quân 君 âm Hán cổ là [kun], trong văn hiến suốt thời Chu chỉ vua của nước nhỏ, xếp dưới Vương và Đế. Quân 君 xuất hiện nhiều ở giáp cốt văn và bốc tự (lời bói toán) do đó nó thuần Hán. Như vậy nhiều khả năng âm Quân 君 đã được người phương nam vay mượn từ Hoa Hạ phía bắc để chỉ thủ lĩnh bộ lạc từ thời Thương – Ân. Tiếng Thái hiện đại ngày nay vẫn dùng Khun tôn gọi ngôi thứ hai một cách trang trọng.

Đến thời Đường, khi âm chỉ thủ lĩnh của các bộ lạc phương nam là [kün] hao hao giống Hùng 雄 [ɦüŋ], thì từ Hùng 雄 mới được dùng để ký âm ấy. Nói cách khác Hùng Vương trong Hán ngữ chỉ xuất hiện cách đây hơn 1200 năm mà thôi. Cũng nên lưu ý chi tiết về nước Sở, theo Sử Ký vua Sở là người thuộc bộ tộc Hùng 熊, họ Mị 羋 (bộ Dương 羊). Âm cổ đại  của Hùng 熊 là [whǝm], trung đại là [ɦüŋ]. Dục Hùng không thể hiểu là ông vua tên Dục vì âm thời Chu của Hùng 熊 hoàn toàn khác Quân 君.

HungVuong

Ảnh: Hình dung về Hùng Vương của người Việt Nam hiện đại. Cũng nên nhắc đến chi tiết trong Sử Ký: “Bắt đầu từ thời Sở Uy Vương (339 BC – 329 BC), đã sai tướng quân Trang Kiểu theo thượng lưu Trường giang chiếm các vùng phía tây đất Ba và Kiềm Trung. Trang Kiểu là hậu duệ của Sở Trang Vương ( 613 BC – 591 BC). Kiểu đến hồ Điền (Côn Minh – Vân Nam), rộng ba trăm dặm, xung quanh đất đai bằng phẳng phì nhiêu trải dài cả ngàn dặm, dùng binh lính trấn áp rồi gộp vào nước Sở. Kiểu muốn quay về Sở báo tin, nhằm lúc Tần đang đánh Sở để chiếm Ba quận và Kiềm Trung quận (316 BC), đường bị chặn, bèn quay lại xưng vương xứ Điền, đổi cách ăn mặc, sinh hoạt bằng tập quán bản địa như tù trưởng”.

***

Nếu các từ Âu và Lạc chắc chắn là Hán tự ký âm bản địa, bố mẹ gốc Thái, U/Bu gốc Austronesia vẫn còn thấy trải dọc ven biển từ Indonesia lên đến Phúc Kiến đến tận ngày nay, thì ngôn ngữ chính trị bao gồm: Việt (bộ Ấp chỉ quốc gia bên cạnh chữ Việt 戉 ghi âm bản địa) và Hùng (đồng âm đồng nghĩa với Quân ở thời Đường) lại đặc sệt Hoa Hạ. Nó là chỉ dấu cho hình dung nam tiến của các cơ cấu chính trị hậu bộ lạc khu vực từ Dương Tử đến tận Việt Nam:

  1. Việt hầu Vô Dư: Hậu duệ Hạ Vũ vì biến động chính trị phiêu dạt về vùng Giang Nam lập quốc xưng vương.
  2. Dục Hùng: Quan lớn của Chu Thành Vương được phong đất Kinh Sở, nhiều đời sau bành trướng thành một đại quốc bên bờ Dương Tử.
  3. Trang Kiểu: Tướng quân nước Sở, cùng họ với vua Sở, theo lệnh Sở Uy Vương (339 BC – 329 BC) tấn công Vân Nam rồi ở lại làm vua nước Điền.
  4. Úy Đà: Năm 208 BC huyện Úy nhà Tần là Triệu Đà ly khai, thống nhất hai nhánh Âu Việt và Lạc Việt thành lập vương quốc Nam Việt.

Tóm lại, nếu truy ngược lịch sử đến thời Thương – Ân, vua Hùng sẽ là quân trưởng các liên minh bộ lạc phía nam Dương Tử nói chung, nhiều khả năng là quý tộc hay mang dòng máu quý tộc Hoa Hạ, làm vua và ăn mặc theo kiểu bản địa. Văn minh Dương Tử ở đỉnh cao Lương Chử (2200 BC) suy tàn do thiên tai, xã hội cơ bản thụt lùi trở lại hình thái bộ lạc. Sau đó 1000 năm, nền chính trị Hoa Hạ vươn đến. Đó là lý do thuật ngữ Hoa Hạ chỉ lãnh tụ đã thay thế thuật ngữ Dương Tử tương đương trước đó, nếu có.

***

Dù sao đi nữa chúng ta cũng thấy trùng ngữ Quân và Vương trong danh xưng Hùng Vương, lần đầu tiên được nhắc đến là ở Đại Việt Sử Lược (1388). Về bản chất Lạc là ký âm từ chỉ quốc gia trong ngôn ngữ Thái – Tráng đời Hán, Hùng là ký âm quân chủ bộ lạc Hoa Nam thời Đường. Ở phương vị nhất định, trong xã hội Lạc Việt, Lạc Vương và Hùng Vương là một! Việt ngữ hiện đại vẫn dùng cụm từ “xưng Hùng xưng Bá một phương” chính là thể hiện thực nghĩa của chữ Hùng vậy.

Hùng Vương được ghép bởi hai danh xưng khác nhau, ở hai bậc, hai mức độ: Quân trưởng và Vương thượng. Nó đồng nghĩa với lãnh tụ ở ngôn ngữ hiện đại. Câu “Tất cả chúng ta đều là con cháu vua Hùng” tương đương với mệnh đề ông Nông Đức Mạnh từng nói: “Chúng ta đều là con cháu Bác Hồ”. Tôn Trung Sơn là quốc phụ nước Trung Hoa hiện đại, người Mỹ cũng có lớp Cha ông lập quốc (founding fathers), các khái niệm này giống hệt Hùng Vương của người Việt Nam.

Ý nghĩa của mọi thuật ngữ lịch sử đều nằm trước mắt bạn. Tôi chỉ có mỗi nhiệm vụ chỉ ra mà thôi.

(*) Các ngữ âm liệt kê trong đây lấy từ  S. Starostin

@12.2017 T.T.Du

Nguồn Gốc Chủ Nghĩa Đại Việt

Leave a comment

Vài nét lịch sử danh xưng Đại Việt

Năm 473 BC Việt vương Câu Tiễn tiêu diệt nước Ngô. Ngay sau đó quân Việt bắc tiến vượt sông Hoài cùng hai đại quốc Hoa Hạ là Tề và Tấn họp hội nghị Từ Châu (Từ Châu hội minh, ở vị trí thành phố Từ Châu, tỉnh Giang Tô ngày nay). Ba nước ăn thề rồi cùng suy tôn thiên tử nhà Chu. Vua Chu Nguyên Vương biết ý Việt vương muốn xưng bá, bèn sai người đến ban phúc cho Câu Tiễn. Quân Việt quay về nam lấn đất nước Sở ở vùng sông Hoài, chinh phạt nước Tống cắt đất chia về nước Lỗ, hoành hành một dải Giang – Hoài trong nhiều năm. Các nước nhỏ phải lục tục đến triều cống. Câu Tiễn trở thành Bá Vương.

Không rõ Bá Vương Câu Tiễn có sử dụng danh xưng Đại Việt hay không nhưng sách Ngô Việt Xuân Thu và Việt Tuyệt Thư đều đã trang trọng dùng Đại Việt để chỉ nước Âu Việt. Tuy vậy chủ nghĩa Đại Việt không trực tiếp truyền đến người Việt Nam – con cháu của Câu Tiễn, mà lại thông qua Lưu Nham.

Năm 306 BC, phần lớn Âu Việt bị Sở sáp nhập và lập quận Giang Đông, Việt vương Vô Cường bị giết. Hậu duệ vua Việt chạy về phương nam thành lập nước Mân Việt và Đông Âu ở khu vực Phúc Kiến ngày nay. Năm 222 BC Vương Tiễn sau khi diệt Sở tiến về nam, người Việt đầu hàng. Nhà Tần phế vua Mân Việt và Đông Âu xuống làm Quân trưởng (thủ lĩnh bộ lạc) và lấy đất này làm quận Mân Trung.

Vì có công giúp Cao Tổ nhà Hán đánh Hạng Vũ, năm 202 BC thủ lĩnh Mân Việt được phục hồi vương tước. Chính sử Trung Quốc cũng ghi nhận năm 193 BC Hán Huệ đế lại tấn phong Vô Diêu làm Đông Âu Vương. Không khó để nhận ra rằng đây chỉ là chiêu thức chia để trị, ngăn ngừa sự đoàn kết của người Việt để trở thành một thế lực cạnh tranh với các tiểu vương nhà Hán. Đến năm 110 BC Hán sử lại chép rằng toàn bộ người Việt đã bị dời sâu vào nội địa ở khu vực Giang Hoài. Điều này có lẽ chỉ đúng với quý tộc và vương tôn nước Việt. Mọi mầm mống phục hưng Đại Việt đã được nhà Hán đề phòng từ xa, qua nhiều giai đoạn.

Cũng ở giai đoạn Tần mạt, khoảng năm 208 BC Triệu Đà thành lập nước Nam Việt. Chữ Việt trong quốc danh này chắc chắn là chữ Việt bộ ấp trên thanh gươm Câu Tiễn vì tên bản địa của Nam Việt được chỉ ra rất rõ ràng trong Hán sử là Âu Lạc. Lý do xuất hiện chữ Lạc là bởi sau đó Triệu Đà đã bành trướng và sáp nhập vào Nam Việt vùng đất Lạc Việt phía tây kinh đô Phiên Ngu. Tên nước của Triệu Đà rất thuần phác, nó chỉ mang nghĩa nước Âu Việt phía nam mà thôi.

Đến năm 917, Lưu Nham ly khai khỏi nhà Hậu Lương thành lập nước Đại Việt, đóng đô tại Phiên Ngu. Lãnh thổ Đại Việt bao gồm các tỉnh Quảng Đông, Quảng Tây tức Nam Việt của Triệu Đà cộng thêm hai trong ba quận phía nam mà Hán Vũ Đế đã thiết đặt nhưng chưa thực chiếm ngay lúc ấy là Giao Chỉ, Cửu Chân, Nhật Nam. Nhật Nam ở thế kỷ 10 đã là một phần lãnh thổ của một quốc gia độc lập với cả Đại Việt và Trung Nguyên là Chiêm Thành. Lưu Nham là cháu nội Lưu An, gốc tích từ vùng Hà Nam phía bắc, đến Phúc Kiến buôn bán làm ăn, sau lại dời xuống Lĩnh Nam và đẻ ra Lưu Khiêm. Lưu Khiêm là Nam Hải Tiết độ sứ của Đường Triều, năm 882 lại thêm chức Phong Châu Thứ Sử. Lưu Nham chỉ dùng quốc hiệu Đại Việt một năm rồi cải thành Nam Hán vì cho rằng mình là hậu duệ hoàng thất nhà Hán. Năm 939 Ngô Quyền ly khai khỏi Nam Hán và thành lập nhà nước Đại Việt. Quốc danh này được người Việt Nam sử dụng cho đến đầu thế kỷ 19, nếu không kể ngắt quãng vài năm Đại Ngu của Hồ Quý Ly.

Chủ nghĩa Đại Việt tiền khởi

Daiviet_NamHan

Ảnh: Bản đồ Đại Việt của Ngô Quyền khi đã tách khỏi Nam Hán.

Đại Việt của các triều đại phong kiến Việt Nam không hề mang bản chất một chủ nghĩa tuyên xưng lãnh thổ bao gồm cả Quảng Đông và Quảng Tây cho đến nhà Tây Sơn. Bản dịch “Hoàng Lê nhất thống chí” viết: Vua Quang Trung sau khi quyết định đánh Trung Quốc, bèn sai bầy tôi là Chiêu Viễn Vũ Văn Dũng sang nhà Thanh dâng biểu cầu hôn và đòi lại đất hai tỉnh Quảng Đông và Quảng Tây. Bản dịch Đại Nam chính biên liệt truyện cũng ghi: Năm Nhâm Tý (1792), vua Quang Trung sai làm biểu văn sang nhà Thanh cầu hôn để dò ý vua Thanh và cũng để mượn cớ gây mối binh đao, nhưng vua bị bệnh không đi được. Cả hai ý trên xuất phát từ một sắc mệnh năm 1791: “Sắc sai Hải Dương, Chiêu Viễn Đại đô đốc Đại tướng quân Dực vận công thần Vũ Quốc Công được tiên phong làm Chánh sứ đi sứ nhà Thanh, kiêm lãnh toàn quyền trong việc tâu thưa để xin lại đất hai tỉnh Quảng Đông và Quảng Tây để dò ý và cầu hôn công chúa để khiêu khích tự ái vua Thanh”.

Chúng tôi tin các chi tiết trên đây là có thực bởi Chủ nghĩa Đại Việt của nhà Tây Sơn đã được Gia Long khéo léo kế thừa và vận dụng, nhưng ẩn dưới cái tên Nam Việt của Triệu Đà. Năm 1802 Nguyễn Ánh sai sứ sang Bắc Kinh yêu cầu nhà Thanh công nhận quốc danh này nhưng thất bại. Tạm chấp nhận sự hoán đổi Nam Việt thành Việt Nam vào năm 1804 nhưng đến năm 1813 thì triều đình nhà Nguyễn quay về với danh xưng Đại Việt. Đến năm 1839 vua Minh Mạng một lần nữa đổi tên nước thành Đại Nam. Người Việt đã sử dụng Đại Nam đến năm 1945, trước khi dùng Việt Nam như chúng ta thấy ngày nay.

Ở khía cạnh chính trị chính thống suốt thế kỷ 20, chủ nghĩa Đại Việt hầu như biệt tích, ít nhất là trên văn bản công khai.

Tham chiếu Chủ nghĩa Đại Thái

Nền chính trị hiện đại phương Tây có thể xem như được bắt đầu từ năm 1648 với Hòa ước Westfalia. Từ đây quyền lợi quốc gia trở thành tính chính danh và mục đích tối thượng cho tất cả các thể chế. Trên cơ sở này, nhà nước dân tộc ra đời. Khi truy vấn nguồn gốc dân tộc, chủ nghĩa dân tộc được sinh thành. Một trong những thứ vô nghĩa nhưng lại gây tác hại rất lớn đến văn minh và tiến bộ là chủ nghĩa dân tộc cực đoan cùng toan tính vẽ lại bản đồ quốc gia men theo các đường biên nhân chủng hoặc ngôn ngữ.

Sử gia Lê Minh Khải – Liam Kelley viết: “Trước thế kỉ XX, người dân ở Siam đều không nghĩ gì nhiều về “nguồn gốc”. Nó chỉ xuất hiện khi người phương Tây lần lượt đến đây và bắt đầu kiếm tìm “các sắc tộc” và “nguồn gốc”, những khái niệm phổ biến ở “phương Tây” lúc bấy giờ và là những nhân tố quan trọng của chủ nghĩa dân tộc, để rồi một số người ở Siam cũng bắt đầu nghĩ theo cách ấy”.

“Những công trình như cuốn The Tai Race: Elder Brother of the Chinese (Tộc người Thái: Người anh của người Hoa) (xuất bản năm 1923) đã cho rằng người Thái có nguồn gốc từ Trung Quốc. Cuối thập kỉ 1930s và trong suốt Thế chiến II, Phibunsongkhram đã dùng ý tưởng này để cổ xúy cho một dạng thức cực đoan của chủ nghĩa dân tộc Thái, và điều đó khiến một số người ở Trung Quốc tức giận…”

Tác giả quyển “The Tai Race: Elder Brother of the Chinese” là William Clifton Dodd (1857 ~ 1919). Sinh ra ở Marion, bang Iowa nước Mỹ, Dodd là một nhà truyền giáo hoạt động tại Lào và Chiềng Mai, vùng đông bắc Thái Lan. Khẳng định người Thái là “anh cả” của người Hoa, Dodd đã khơi dậy tinh thần bộ tộc cổ hủ để làm gì, nếu không phải muốn biến chúng thành những viên gạch móng cho một sự nghiệp tín ngưỡng gắn liền với chính trị. Không loại trừ ông ta đã mơ đến một “Nước Thái” phụng thờ Kitô trùm phủ cả Thái – Lào – Tây bộ Việt Nam và Hoa Nam.

Ranh giới của Chủ nghĩa Đại Thái hầu như khớp với bản đồ ngữ hệ Thái – Tráng dưới đây.

Taikadai-en.svg

Chủ nghĩa Đại Bách Việt

Chủ nghĩa Đại Việt gián tiếp sinh ra đứa con mắc bệnh tâm thần phân liệt thể hoang tưởng là Chủ nghĩa Đại Bách Việt. Nguồn cơn cũng từ một ông linh mục Tây học. Phiên bản William Clifton Dodd ở Việt Nam tên là Lương Kim Định (1915 – 1997). Cũng là một tu sĩ Kitô giáo như Dodd, ngài Kim Định gom hết thành tựu của văn minh Hoa Hạ về Việt Nam để rồi đi xa hơn Dodd rất nhiều: Việt là bố của Tàu. Chủ nghĩa Đại Việt dưới phép màu Thánh Gióng trở thành Đại Bách Việt, tuyên xưng toàn bộ con người, văn hóa, văn minh và lãnh thổ Hoa Hạ có được là do… ăn cắp của người Việt!

DaiBachViet

Ảnh: Nước Xích Quỷ (Quỷ Đỏ) của Chủ nghĩa Đại Bách Việt.

Đại Bách Việt có mẹ đẻ là phản khái niệm Bách Việt. Thật vậy, thuật ngữ Bách Việt xuất hiện lần đầu tiên ở Lã Thị Xuân Thu (239 BC): 漢之南,百越之際 – Từ sông Hán trở về phía nam là biên giới với Bách Việt. Thuật ngữ ấy mô tả cả vùng bờ bắc Dương tử, được ghi nhận là khu vực đất đai màu mỡ, núi sông diễm lệ, có một số ít liên minh bộ lạc đã có quân trưởng, không có quốc gia nào cả. Khi đi vào lịch sử Việt Nam, Bách Việt lạc hậu đổi chiều trở thành phản khái niệm, là một nền văn minh rực rỡ hơn Hoa Hạ rất nhiều.

Kết luận

Chủ nghĩa Đại Việt tuyên xưng về lãnh thổ, một tiền bản hẹp hơn Đại Đông Á của Fascist Nhật rất nhiều nhưng về bản chất là tương đồng. Chủ nghĩa Đại Hán chú trọng vào văn hóa, tính ưu việt và lâu đời của văn minh Hoa Hạ nhưng không thể giấu đi tham vọng “Thiên tử” đè đầu cưỡi cổ các dân tộc khác. Chủ nghĩa Đại Mông chuộng vũ lực, vó ngựa tung hoành khắp nửa địa cầu đã gieo rắc biết bao đau thương trên lục địa Á – Âu. Và cuối cùng là Chủ nghĩa Đại Thái vạch ranh giới trên cơ sở bản đồ ngữ hệ Thái – Tráng nhưng đã chết yểu cùng với Fascist Nhật.

Là sản phẩm thủ dâm tinh thần hoặc con bài của thực dân đế quốc nhằm phân hóa Á Đông, do đó về cơ bản tất cả các loại Đại Chủ Nghĩa này đều đáng lên án. Ở thời đại mô hình quốc gia dân tộc đã phủ khắp nhân loại, việc tuyên xưng là cha là anh của người Việt và người Thái đối với người Trung Quốc là bước thụt lùi đáng hổ thẹn: Kéo tuột tư duy xã hội về chế độ thị tộc mông muội cách đây mấy ngàn năm.

Tháng 4.2017, khi gặp nhau lần đầu tiên tại Mar-a-Lago, ông Tập Cận Bình đã nói với tổng thống Donald Trump rằng bán đảo Triều Tiên từng là quận huyện của Trung Quốc thời Hán Vũ Đế. Bất kể ngữ cảnh, đây rõ ràng là biểu hiện cần cảnh giác và phê phán của Chủ nghĩa Đại Hán. Chủ nghĩa Đại Việt hay Đại Bách Việt không thể và cũng không nên được chọn làm đối sách với Chủ nghĩa Đại Hán.

Chúng chỉ có một giá trị tham khảo duy nhất: Khi chồng chủ nghĩa Đại Thái và Đại Việt vào cùng một bản đồ, phần tương giao của chúng là Quảng Tây và phía tây Việt Nam từ Điện Biên đến tận Nghệ An – Hà Tĩnh. Một lần nữa gốc tích Lạc Việt (chủng Thái) và Âu Việt của dân tộc Việt Nam hiện lên rõ như ban ngày.

(Nguồn tham khảo sử liệu chính: Sử Ký – Tư Mã Thiên)

@12.2017 T.T.Du

Mật mã gương: Lạc Long Quân và Âu Cơ

Leave a comment

Sau khi đi xuôi theo: 1. Khảo cổ: Trống đồng tùy táng và dấu tích văn minh Dương Tử. 2. Ngôn ngữ: Chữ Việt có tiền ngữ là Nước, chữ Lạc cũng có tiền ngữ nước. Đặc biệt là cặp từ gọi song thân bố mẹ, ba má, cha mẹ và thầy u. 3. Thư tịch: Khảo sát toàn bộ sử Trung Quốc có liên quan, bản gốc. 4. Di truyền: Công trình mới nhất Nature đã giới thiệu tháng 10.2017.

Chúng tôi đã tái hiện hoàn toàn quá trình vận động lịch sử trên mảnh đất bắc bộ Việt Nam từ năm 330 BC: Người Việt Nam hiện đại cơ bản là kết quả hòa huyết giữa hai phân chủng Thái (Lạc Việt) và Âu Việt trong đại chủng Austronesia. Ngoài ra họ còn có gene Hán, trực tiếp từ quan lại, lính viễn chinh, tội nhân chính trị đi đày, hoặc đã lai với người Âu Việt từ bờ nam Dương Tử.

Dùng kết quả này soi chiếu ngược lại truyền thuyết Âu Cơ – Lạc Long Quân trong Đại Việt Sử Ký Toàn Thư của Ngô Sĩ Liên thì chúng ta sẽ nhận ra ngay bản chất “mật mã gương” của nó: Mượn motive của  Liễu Nghị truyện do Lý Triều Uy sáng tác vào đời Đường từng được Lĩnh Nam Chích Quái sử dụng, sử gia Ngô Sĩ Liên xây dựng một câu chuyện lịch sử và cần đọc ngược lại mới thấy được sự thật. Không có cuộc chia ly nào cả, mà là sự hợp nhất Âu Việt và Lạc Việt. Âu Việt ở cửa sông Dương Tử được hình tượng hóa thành Mẹ Âu Cơ trên đầu nguồn (Vân Nam). Lạc Việt vốn xuất tích từ Vân Nam lại trở thành Cha Lạc ở cửa sông.

Mirror Images

Như vậy chúng tôi có thể kết luận sử gia Ngô Sĩ Liên ít nhất đã có trực giác đúng đắn về cuội nguồn dân tộc. Trí tuệ của ông chắc chắn cao hơn mặt bằng của kẻ sĩ đương thời và cũng chính trí tuệ ấy đã viết ra một cốt truyện mà hoàng gia cũng như dân gian dễ dàng ghi nhớ rồi chấp thuận rộng rãi. Hẳn ông đã tin tưởng hậu nhân sẽ hiểu được mật mã của mình chỉ bằng một tấm gương giản dị.

Tổng hợp lịch sử hai nhánh Lạc Việt và Âu Việt làm một, sử gia gửi gắm rất nhiều điều trong tự nghĩa của những tên gọi mà ông viết xuống:

  1. Kinh Dương Vương: Vua châu Kinh và châu Dương (theo Vũ Cống). Châu Kinh là nước Sở, còn Dương chính là vùng đất Ngô – Việt, đất tổ Âu Việt.
  2. Lạc Long Quân: Lạc ở đây có tiền ngữ là nước, chỉ quốc gia. Lần lượt bị Sở rồi Tần thôn tính và sáp nhập, người Âu Việt lại phải thiên di về phía nam, từ hồ Động Đình trở xuống và bị hạ cấp xuống hàng quân trưởng. Vậy Long Quân nghĩa là quân trưởng hùng mạnh.
  3. Âu Cơ: Âu đồng âm với Việt, có tiền ngữ là Nước, chỉ quốc gia. Âu Cơ nghĩa là quốc mẫu. Chính tại khu vực phía nam hồ Động Đình, người Lạc Việt từ Vân Nam xuôi Tây Giang xuống đã gặp người Âu Việt. Cuộc hợp chủng đã sinh ra thuật ngữ Âu Lạc.
  4. Hùng vương: Chính là Quân Vương. Nhánh Lạc Việt xuất phát Vân Nam hay Âu Việt từ cửa sông Dương Tử đều gọi vua bằng âm Hùng. Nước Văn Lang của Hùng Vương đã lấy cảm hứng từ Dạ Lang trong Hán sử.
  5. An Dương Vương: Nghĩa của Dương là Nam. Do đó An Dương Vương chính là tiền thân An Nam Vương, nó ám chỉ các vị vương trước kỷ nhà Triệu.

Bạn đọc hãy so sánh giải mã của chúng tôi và kết luận của TS Trần Trọng Dương trên cùng chủ đề: “Đến đây, chúng tôi xin mượn lời của giáo sư Liam Christopher Kelley (Đại học Hawaii) để kết thúc bài viết này: Trải qua nhiều thế kỷ, những truyền thống mà họ [các sử gia] sáng tạo đã trở thành cái tự nhiên thứ hai (second nature). Thực tế, trong nửa thế kỷ qua, dưới ảnh hưởng của chủ nghĩa dân tộc, những truyền thống được sáng tạo ấy (invented traditions) đã và đang trở thành những sự thực không thể thay đổi”.

Chọn sử dụng cái nào, tự bạn hãy quyết định.

Older Entries