Các công trình nghiên cứu ngôn ngữ học thế giới gần đây cho rằng hai từ dùng để gọi cha và mẹ của nhân loại có tuổi đời khoảng 15 ngàn năm và hầu như thống nhất khắp hoàn cầu. Chúng tôi lại nghĩ xa hơn, đây là cặp từ chứng minh loài người có cùng tổ tiên châu Phi và ít nhất từ Mama phải có tuổi đời trên 70 ngàn năm, khi các dòng di cư băng qua trạm trung chuyển Tây Á để tỏa ra khắp nơi. Nói cách khác, tháp Babel trong Thánh Kinh và văn minh Lưỡng Hà có thật, tối thiểu là với hai từ Mama và Papa.
Khảo sát tổ hợp hai từ này ở Việt Nam, trong tương quan các ngôn ngữ liên hệ Mon Khmer, Austronesian, Thái – Tráng và Hán, là hướng tiếp cận thú vị tái khẳng định nguồn gốc dân tộc Việt Nam.
***
Việt ngữ có rất nhiều từ chỉ phụ mẫu: Mẹ, Má, Mợ, Mạ, Mệ, Mụ, U, Bu, Bầm, Đẻ, Cái. Và Bô, Bố, Bọ, Ba, Cha, Tía (爹), Thầy.
1. Gốc Austronesian: MẸ, U, BU, BỐ
Từ quan trọng nhất là Mẹ và dễ dàng nhận thấy chúng xuất phát từ tiếng Proto Mon Khmer [*meeʔ] và phát âm rất giống tiếng Thái แม่ – [Phiên âm quốc tế của giới ngôn ngữ học là Mæ̀ hoặc Mae]. Đi cặp với Mẹ là Bố, cùng trong ngữ hệ này [*[ʔ]boʔ].
Trước khi nhánh Thái giành được quyền lực từ nhánh Âu Việt rồi dựng ra Lê triều tại Việt Nam, lịch sử có một vị thủ lĩnh gốc Thái rất nổi tiếng là BỐ CÁI ĐẠI VƯƠNG (khoảng 784 – 791). Liên quan đến chuyện này, Đại Việt sử kí toàn thư chép: [俗謂父曰布,母曰盖 Tục vị phụ viết bố, mẫu viết cái] – Tập quán người Việt gọi cha là Bố, mẹ là Cái. Ngoài ra, Lĩnh Nam chích quái – Hồng Bàng thị truyện chép rằng người Việt gọi Lạc Long Quân là Bô:「逋乎何在?Bô Hồ Tại Hà?] – Bố ơi người ở đâu? Liên kết với พ่อ [Phó – Ph̀x] ở tiếng Thái hiện đại thì rõ ràng Bố có liên hệ nào đó với Thái ngữ.
Trong tiếng Indonesia, Mẹ phát âm là Ibu, gần giống Bu là tiếng gọi Mẹ trong một nhánh Mân ngữ ở Hạ Môn – Phúc Kiến. Tuy nhiên những từ này rất khó tách bạch tại Việt ngữ vì nó xuất phát từ hai nguồn trong đại gia đình Austronesian: Proto Mon Khmer bản địa hoặc di dân Âu Việt. Trường hợp Ẩu – Ủ (嫗) tiền thân của U là điển hình. Đây là một từ của văn minh Dương Tử, cách ký âm khác của nó là Âu trong Âu Cơ mang nghĩa Quốc Mẫu.
2. Gốc Hán: CHA, BA, BỐ và MÁ, MỢ
Ở gốc này chúng tôi lại phải phân biệt Hán Dương Tử hay Hoàng Hà. Các liệt kê ngữ âm ở đây dựa vào nghiên cứu của nhà ngôn ngữ học quốc tế người Nga S. Starostin. Thật vậy, theo Khang Hy Tự Điển, người miền bắc Trung Quốc dùng chữ Đa (爹 – người Triều Châu đọc là Tía) để chỉ Bố. Nó được ký âm bởi chữ Phụ (父) mang nghĩa Bố và chữ Đa (多) mang âm. Âm tương đồng trong tiếng Việt chính là Cha. Câu ca dao:
Công cha như núi Thái Sơn.
Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra.
Đã chứa đựng một phần lịch sử hình thành dân tộc Kinh: Những người bố Hán từ Hoa Bắc đã đến châu thổ sông Hồng lấy phụ nữ Lạc Việt bản địa. Con cái ra đời sẽ gọi song thân của mình là Cha – Mẹ, nửa Hoàng Hà, nửa Hồng Hà như chính dòng máu nửa Lạc Việt nửa Hoa Hạ của họ.
Người Triều Châu vốn ở miền bắc Trung Quốc đi về Hoa Nam cuối thời Đường và định cư ở vùng giáp ranh Quảng Đông – Phúc Kiến. Khi di cư sang châu thổ Cửu Long mấy trăm năm trở lại đây, họ đã đem theo từ Tía gọi phụ thân vào ngôn ngữ Nam Bộ Việt Nam. Tía và Cha chính là biến âm của Đa (多) vốn được đọc là [tǟ] ở thời Đông Hán.
Hán ngữ còn một từ khác chỉ Cha là Da 爺, bộ Phụ, dùng chữ Da 耶 chỉ âm. Tiếng Bắc Kinh hiện nay đọc là [yé] rất giống Tía như người Triều Châu và đặc biệt âm Đông Hán của nó là [zhä]. Cơ bản Da 爺 và Đa 爹 có độ tương đồng tuyệt đối cao. Chúng tôi cho rằng đấy là hai cách ký âm có thể ở hai thời kỳ, hai khu vực khác nhau mà thôi.
Ba và Má, Mợ lại dễ hiểu hơn rất nhiều. Nó chính là Hán âm Phụ 父 [bá] và Mẫu 母 [mǝ̄́] trước thời Đường. Đến thời Đường, âm [bá] đã chuyển thành [bwó] tức Bố, Má – Mợ [mǝ̄́] thành [mǝ̄́w]. Ngôn ngữ Trung Nguyên đi theo các dòng di dân Quảng, Triều Châu, Khách Gia vẫn giữ lại âm cổ Ba – Má và cuối cùng chúng đã theo chân những đoàn người Minh Hương tị nạn chính trị đến miền nam Việt Nam.
Ở đây xuất hiện sự tương đồng của âm Bố trong tiếng Proto Mon Khmer và Thái với Đường âm của Phụ 父 là [bwó]. Tiếng Việt có thể tiếp thu từ cả hai nguồn, dù tận gốc rễ, khả năng vùng văn hóa Dương Tử phương nam đã dung nạp từ Bố này từ phương bắc là rất cao. Lý do là chữ Phụ 父 đã hiện diện rất lâu đời, muộn nhất trong giáp cốt văn ở tận thời Thương.
Ngoài các từ chỉ phụ thân ở trên, chúng tôi còn thấy chữ 翁 âm Hán Việt là Ông, xuất hiện ở Sử Ký, nghĩa là Cha. Thời Đường 翁 đọc là [ʔōŋ]. Một biến âm khác của nó là [aŋ] vẫn còn được người Song Phong – Hồ Nam dùng đến ngày nay. Do đó Ông – Ang tương tự như Ba Bố, Mai Mối, Ngột Ngạt, Hột Hạt… chỉ là một chữ ghép bởi hai âm ở hai vùng hoặc hai thời đại khác nhau. Từ Ông Già để chỉ người cha trong ngôn ngữ nam bộ có lẽ bắt nguồn từ đây.
Ảnh: Kiến giải chưa ổn về Ông – Ang của tác giả An Chi.
***
Tóm lại, sự đa dạng và kết hợp chéo của hai từ cốt lõi chỉ song thân trong ngôn ngữ Việt Nam, một lần nữa đã chứng tỏ nguồn gốc đa dạng của chính dân tộc Việt Nam mà chúng tôi đã làm rõ bằng khảo cổ, thư tịch cũng như các công trình khảo sát di truyền gần đây nhất.
Nếu văn minh Hoàng Hà đã chuyển qua phụ hệ chậm nhất là ở đời Thương thì văn minh Dương Tử vẫn ở chế độ Mẫu quyền (một vợ nhiều chồng, lãnh tụ là phụ nữ) hoặc Mẫu hệ (lãnh tụ có thể là nam giới nhưng quyền thừa kế vẫn thuộc nữ giới). Vì lý do đó tên gọi người đàn ông trong gia đình là kém quan trọng. Khi văn minh Hoàng Hà tràn đến, từ bản địa đó (nếu có) đã bị xóa sổ và thay thế mãi mãi bằng Hán ngữ Cha, Ba, Bố, Bá, Thầy...
Phodong Village 12.2017
@T.T.Du
◇§ Mặt Hồ Phẳng Lặng. | thạch thảo viên - vũ đan huyền
Aug 20, 2020 @ 01:34:44
◇ Mặt Hồ Phẳng Lặng. | thạch thảo viên - vũ đan huyền
Jun 28, 2020 @ 20:40:18
Dec 26, 2017 @ 10:31:09
Dec 22, 2017 @ 08:42:49
Dec 13, 2017 @ 00:52:36
Vậy có thể suy ra, cặp cha – mẹ thường dùng ở miền Trung Nguyên là đa/da- tả/tỉ/nương. Còn người miền nam là ba/bố – má/mẹ/mễ. Người Minh Hương chạy nạn vào miền nam Việt Nam cuối thời Minh đầu thời Thanh là người ở Lưỡng Quảng và Phúc Kiến, tức là người Hán phương nam từ thời Đường-Tống gốc ở Trung Nguyên xuống miền nam. Từ vựng ba và má để chỉ cha và mẹ là tiếng bản địa ở miền nam du nhập vào tiếng Hán vậy.
Dec 13, 2017 @ 00:43:38
《廣雅》翁爸爹奢父也。媓妣嬭媼姐母也。
Quảng nhã (Tam quốc – Trương Tập soạn): Ông, ba, đa, da, là cha vậy. Hoàng, tỉ, nãi, ảo, tả, là mẹ vậy.
《集韻》爸必駕切,音霸。吳人呼父曰爸。
Tập vận (Bắc Tống – Đinh Độ soạn): Bả, đọc là bất giá thiết, âm bá. Người Ngô gọi cha là bả.
《正字通》夷語稱老者爲八八。或巴巴。後人因加父作爸字。蜀謂老爲波。
Chính tự thông (Minh – Trương Tự Liệt soạn): Tiếng Di gọi là người gia là bát bát, hoặc là ba ba. Sau này thêm chữ phụ nữa thành chữ bả. Người Thục gọi người gia là ba.
_________________
Do đó có thể suy đoán, người Trung Nguyên quen gọi cha là đa (爹), da (奢/爺). Người Ngô về phía nam lại gọi cha là ba/bả (爸), tức biến âm là ba đà (巴駝) trong tiếng Chân Lạp/Khmer hay bô/bố (逋/布) trong tiếng Việt.
Dec 13, 2017 @ 00:06:15
Người Quảng Châu thời Minh gọi mẹ là giá/cá (嫁) cũng là biến âm của tả (姐/毑/嬭/媎) vậy, tức là cái (盖) trong tiếng Việt vậy.
Người Chân Lạp (Khmer) thời Nguyên gọi là mẹ là mễ (米), khá giống người Quảng Tây gọi mễ nang (米囊) thời Nam Tống, tức là tiếng Thái-Tráng và Khmer là giống nhau.
Dec 12, 2017 @ 23:58:25
《說文》蜀人謂母曰姐,齊人謂母曰嬭,又曰㜷,吳人曰媒。
Thuyết văn (Hán – Hứa Thận soạn): Người Thục gọi mẹ là tả, người Tề gọi mẹ là mi, lại gọi là mê, người Ngô gọi là môi.
《方言》南楚瀑洭之間,母謂之媓、毑。
Phương ngôn (Hán – Dương Hùng soạn): Vùng Bạo Khương miền Nam Sở gọi mẹ là hoàng, tả.
《字彙》媎同姐。羌人呼母爲媎。
Tự vị (Minh – Mai Ứng Tộ soạn): Tả đọc âm giống tả. Người Khương gọi mẹ là tả.
嬭 mi là âm cổ, khá giống âm mẹ trong tiếng Việt, tiếng Thái. Nhưng tiếng Bắc Kinh đọc thành Nãi/nǎi, có lẽ là do biến âm thời xưa.
Tiếng Việt thời xưa cũng có gọi mẹ là “cái” (盖), biến âm thành “giái”, “nái”. Có khi nói mỉa mai thành “mái”. Thường nói về giống cái trong động vật, ví như gà mẹ là gà mái, lợn mẹ là lợn nái vậy. “Cái” trong tiếng Việt cũng có nghĩa là lớn, giống như “Cả”. Cái và Cả là đọc biến âm giống nhau, có thể biến âm thành tả (姐) trong tiếng Thục (tiếng bản địa Tứ Xuyên thời Hán). Vậy về ngữ âm các dân tộc thời xưa từng gọi mẹ là “Tả”, “Mi/Nãi” “Cái/Cả” (姐/毑/嬭/媎/盖).
_______________
《嶺外代答》方言,古人有之。乃若廣西之蔞語,如稱官為溝主,母為米囊,外祖母為低。
Lĩnh Ngoại đại đáp (Nam Tống – Chu Khứ Phi soạn): Người xưa đã có phương ngôn. Như tiếng bình dân ở Quảng Tây gọi quan lại là câu chủ, gọi mẹ là mễ nang, gọi bà ngoại là để.
《真臘風土記》國中語言,自成音聲,雖近而占城、暹人,皆不通話説。如以一為梅,二為別,三為卑,四為般,五為孛藍,六為孛藍梅,七為孛藍別,八為孛藍卑,九為孛藍般,十為答呼。呼父為巴駝,至叔伯亦呼為巴駝。呼母為米,姑、姨、嬸姆以至鄰人之尊年者,亦呼為米。
Chân Lạp phong thổ kí (Nguyên – Châu Đạt Quan soạn): Ngôn ngữ Trung Quốc tự thành âm thanh, dù giống tiếng Chiêm Thành-Tiêm Nhân nhưng đều đều không nói hiểu được. Ví như (người Chân Lap) gọi một là mai, hai là biệt, ba là bi, bốn là ban, năm là bột lam, sáu là bột lam mai, bảy là bột lam biệt, tám là bột lam bi, chín là bột lam ban, mười là đáp hô. (Người Chân Lạp) gọi bố là ba đà, gọi mẹ là mễ. Cô, gì, thím, mợ cho đến người phụ nữ nhiều tuổi hàng xóm cũng gọi là mễ.
《南越筆記》謂父曰爸曰爹。廣州謂母曰嫁,亦曰媽。媽者,母之轉聲,即母也。廣州謂父又曰爸,母曰你,或以阿先之。亦曰亞,兒女排行亦先之以亞。
Nam Việt bút kí (Thanh – Lí Điệu Nguyên soạn): Gọi cha là ba, là đà/tía. Người Quảng Châu gọi mẹ là giá/cá, cũng gọi là ma/má. Ma là biến âm của mẫu, tức là mẹ. Người Quảng Châu cũng cha là ba, gọi mẹ là nhĩ/nễ, có khi dùng từ a ở trước, cũng gọi là á, tên con gái cũng dùng từ á ở trước tên.
_______________
《兵車行》爺娘妻子走相送,塵埃不見咸陽橋。
Binh xa hành (Đường – Đỗ Mục soạn): Da nương thê tử tẩu tương tống, trần ai bất kiến Hàm Dương kiều./Cha mẹ vợ con chạy theo tiễn đưa, bụi bay mù mịt khe khuất cả cầu Hàm Dương.
Thời Đường người miền bắc Trung Quốc còn gọi mẹ là nương (娘).
Dec 11, 2017 @ 21:08:46
Từ “Bu” trong tiếng Việt nhiều khả năng gốc là mẫu (母) trong tiếng Hán biến âm mà thành, ví dụ tiếng Mân Nam (phương ngữ Hán ở nam Phúc Kiến) vẫn đọc mẫu (母) thành “bú”. http://twblg.dict.edu.tw/holodict_new/index.html
Còn từ “U” thì rõ ràng là gốc từ Ẩu (嫗) hoặc Ảo (媼) trong tiếng Hán.
Dec 11, 2017 @ 20:52:42
Chắc đúng như anh nói da 爺 là biếm âm của đa 爹 để chỉ cha trong tiếng Việt. Có nhiều trường hợp cũng có sự sự biếm âm qua lại giữa âm Đ/T và CH/D. Ví dụ:
姊 âm Hán cổ là tỉ thành chị trong tiếng Việt,
嫂 âm Hán cổ là tẩu thành dâu trong tiếng Việt.
婿 âm Hán cổ là tế thành rể/dể trong tiếng Việt.
潭 âm Hán cổ là đàm thành chằm trong tiếng Việt.
刀 âm Hán cổ là đao thành dao trong tiếng Việt.
舟 âm Hán cổ là chu thành đò trong tiếng Việt.
Thiên nam ngữ lục (Hậu Lê – Khuyết danh soạn): “Bèn chia con ra làm hai, năm mươi về mẹ năm mươi về cha. Cùng nhau nước mắt nhỏ sa, con ra cách bố, mẹ ra cách chồng.”
Nguyên văn thơ Nôm trên cha là trá (吒), mẹ là (女美), bố là bố (布). Vậy người Việt thời Hậu Lê ít nhất dùng từ trá (吒) và bố (布) để chỉ cha/bố. Bố (布) là từ bản địa Thái-Tráng hoặc Mon-Khmer, còn trá (吒) là gốc Hán của từ da (爺) hoặc đa (爹).
_____________________
Chữ đô (都) trong đô lão (都老) chỉ thủ lĩnh có trống đồng của người Lí-Lão ấy là gốc bản địa Thái-Tráng hoặc Mon-Khmer. Từ đô (都) vẫn còn lưu giữ trong tiếng Việt ngày nay có từ “to”, “cồ” để chỉ to lớn. Có thể cũng biếm âm thành tù (酋), cừ (渠) đều là từ để chỉ thủ lĩnh Man Di thời xưa.
左思《吳都賦》儋耳黑齒之酋,金鄰象郡之渠。《註》酋,渠,皆豪帥也。
Tả Tư Ngô đô phú: Đam Nhĩ Hắc Xỉ chi tù, Kim Lâm Tượng Quận chi cừ. Chú: Tù, cừ, giai hoài soái dã./ Ngô đô phú của Tả Tư (thời Tam quốc): Tù trưởng của người Đam Nhĩ-Hắc Xỉ, cừ soái của miền Kim Lân-Tượng Quận. Chú: Tù-cừ đều là hào soái (cừ soái/thủ lĩnh) vậy.
Từ lão (老) trong Đô lão (都老) không hiểu theo tiếng Hán mà là tiếng bản địa, tiếng Tráng/Choang có nghĩa là người nói chung, ví như tên gọi một số bộ tộc Thái-Tráng như Ngật Lão (仡佬), Lão Qua (老撾) hay như Lí Lão (俚獠).
Còn bô lão (逋老) trong tiếng Việt là gốc từ phụ lão (父老) trong tiếng Hán.
Đại Việt sử kí toàn thư – Trần kỉ: 上皇召天下父老,會于延洪堦,賜食問計。皆曰戰,萬人同辝,如出一口。Thượng hoàng triệu thiên hạ phụ lão, hội vu Diên Hồng giai, tứ thực vấn kế, giai viết chiến. Vạn nhân đồng từ, như xuất nhất khẩu./ Thượng hoàng (Trần Thánh Tông) mời các bô lão trong thiên hạ đến họp ở điện Diên Hồng, ban cho tiến tiệc hỏi kế (đánh giặc Nguyên Mông), đều nói đánh, muôn người cùng lời như xuất một miệng.
Dec 11, 2017 @ 07:55:43
@Tích Dã: 爺 là Cha thì lại càng chứng minh tôi đúng. Đó chẳng qua là cách ký âm khác của từ Cha của người Hoa Bắc mà thôi. Rất cảm ơn mấy tư liệu bổ sung của bác. Tôi đi từ đại thể và tìm chi tiết chứng minh, nguyên quyển sách của tôi cũng hình thành như thế.
Dec 10, 2017 @ 21:14:32
Lĩnh Nam chích quái – Hồng Bàng thị truyện: 貉龍君教民耕稼農桑,始有君臣尊卑之等,父子夫婦之倫。或時歸水府,而百姓晏然無事,不知所以然者。民有事則揚聲呼龍君曰:「逋乎何在?(越俗呼父曰逋。)不來以活我些。」龍君即來,其顯靈感應,人莫能測。Lạc Long Quân giáo dân canh giá nông tang, thủy hữu quân thần tôn ti chi đẳng, phụ tử phu phụ chi luân. Hoặc thời quy thủy phủ, nhi bách tính yến nhiên vô sự, bất tri sở dĩ nhiên giả. Dân hữu sự tắc dương thanh hô Long Quân viết: “Bô hô hà tại? (Việt tục hô phụ viết bô) Bất lai dĩ hoạt ngã tá.” Long Quân tức lai, kì hiển linh cảm ứng, nhân mạc năng trắc./ Lạc Long Quân dạy dân trồng lúa trồng dâu, bắt đầu có trật tự vua tôi lớn nhỏ, có đạo lí cha con vợ chồng. Có khi về thủy phủ mà trăm họ yên ổn vô sự không biết là vì sao. Dân có việc gì thì gọi Long Quân rằng: “Bô ơi ở đâu? (Tục người Việt gọi cha là bô.) Sao không đến của ta.” Long Quân vèn đến, ngài hiển linh cảm ứng, mọi người chẳng đo đếm được.
Đại Việt sử kí toàn thư – Thuộc Tùy Đường kỉ: 子安尊為布盖大王,俗謂父曰布,母曰盖,故以為名焉。王能顯靈異,眾以為神,乃於都府之西立祠,歳時奉祀,即孚佑彰信崇義布盖大王。Tử An tôn vi Bố Cái Đại Vương, tục vị phụ viết bố, mẫu viết cái, cố dĩ vi danh yên, Vương năng hiển linh dị, chúng dĩ vi thần, nãi ư đô phủ chi tây lập từ, tuế thời phụng tự, tức Phu Hữu Chương Tín Sùng Nghĩa Bố Cái Đại Vương./ Con là (Phùng) An tôn (Phùng Hưng) làm Bố Cái Đại Vương, tục gọi cha là bố, gọi mẹ là cái, cho nên lấy tên ấy. Vương có thể hiển linh dị, mọi người cho là thần, bèn dựng miếu thờ ở phía tây đô phủ, hằng năm cúng tế, tức là Phu Hữu Chương Tín Sùng Nghĩa Bố Cái Đại Vương.
__________________
Vậy ít nhất từ thời Trần, người Đại Việt/Giao Chỉ gọi cha là bô hoặc bố. Có thể bô/bố là biếm âm của phụ (父) trong tiếng Hán từ khi nhà Hán thống trị Giao Chỉ rồi chứ không phải gốc tiếng Thái.
Trong tiếng Hán từ phụ (父) đã là từ chỉ cha rồi. Có từ phụ lão (父老) trong tiếng Hán là chỉ những người già cả đáng kính, người Đại Việt đọc thành bô lão (逋老) vậy. Khác với Đô lão (都老) chỉ thủ lĩnh sở hữu trống đồng của người Lí-Lão. Từ “bô” về âm vận khác xa từ “đô”, khó có thể gọi “bô lão” là “đô lão”.
______________________
Lại nói từ “cha” là từ chỉ “bố”, “ba” trong tiếng Việt có thể không phải gốc từ tía (đà/diē/爹) trong tiếng Triều Châu, mà là gốc từ da (爺) hợp lí hơn về âm vận.
《玉篇》以遮切,音耶。俗呼爲父爺字。Ngọc thiên: Dĩ già thiết, âm da. Tục hô vi phụ da tự./Ngọc thiên (Nam bắc triều – Cố Dã Vương soạn): Đọc là ‘dĩ già’ thiết, âm da. Tục gọi cha là da.
《木蘭詩》:“軍書十二卷,卷卷有爺名。” 唐 杜牧 《別家》詩:“初歲嬌兒未識爺,別爺不拜手吒叉。” Mộc Lan thi: “Quân thư thập nhị quyển, quyển quyển hữu da danh.” Đường Đỗ Mục Biệt gia thi: “Sơ tuế Kiều nhi vị thức da, biệt da bất bái thủ trá xoa.” / Mộc Lan thi (Nam bắc triều – Khuyết danh soạn): Quân tịch mười hai quyển, có quyển có tên cha.” Biệt gia thi của Đỗ Mục thời Đường: “Năm trước bé Kiều chưa biết cha, giã từ không lạy chỉ xoa tay.”