The origin of the historic terms Ouyue 甌越 and Luoyue 駱越
Tiền đề: Chúng tôi nhận thấy dấu vết trừu tượng hóa từ tố đất và nước để trở thành quốc danh trong rất nhiều ngôn ngữ khắp hoàn cầu. Tùy vào ngữ pháp, đất và nước có thể gọi là tiền tố hay hậu tố. Hậu tố đất/land/soil ở châu Âu: England (vùng đất của những thiên thần), Deutschland (vùng đất của con người), Netherland (vùng đất thấp). Tiền tố đất/land/soil tại Đông Nam Á: Myanmar có lẽ hình thành từ tiền tố Mje nghĩa là đất/soil tiếng Burmese ngữ hệ Hán Tạng. Tương tự, Malaysia có tiền tố Malai nghĩa là đất/soil trong tiếng Tangkhulic hệ Hán Tạng vùng Manipur, Ấn Độ.
Cũng trong ngữ hệ Hán Tạng, đất/soil/earth ở tiếng Darang (Tây Tạng) đọc là: [khala:i / khɯlɑi]. Tiếng Yidu Lhoba (Trên cao nguyên Tây Tạng): [khɯlɑi]. Tiếng Kiranti, Nepan: [kha]. Tiếng phía đông Kiranti: [kham/akhuma]. Đây chính là âm của chữ Hán Khu 區: thời Thương đọc là [kho], Chu [kho], Tây Hán [khwa], Đông Hán [khwa]. Người Hoa Hạ đã trừu tượng hóa đất/land/soil bằng công thức: Khu區 (vùng đất) + Qua 戈 (vũ khí bảo vệ) -> Vực 或 (chỉ quốc gia) + Vi 囗 (tường thành) -> Quốc國 (quốc gia).
Nếu người Hoa Bắc gọi tổ quốc là Sơn Hà (đất nước), người Hoa Nam lại đảo ngược thành Giang Sơn (nước đất). Trong 5 tỉ chữ Hán từ các sách vở Trung Quốc đã số hóa tại Chinese Text Project, từ nhà Hán trở về trước, Sơn Hà 山河 được dùng 47 lần, Giang Sơn 江山 chỉ xuất hiện 8 lần. Từ nhà Ngụy trở về sau Sơn Hà được dùng 386, Giang Sơn vẫn thấp hơn và ở mức 357 lần. Thống kê này ghi nhận ảnh hưởng ngôn ngữ phía nam lên phía bắc, suốt quá trình nam tiến của người Trung Quốc.
Từ đó chúng tôi kết luận tiền tố chỉ ý niệm sơ khởi của quốc gia ở phương nam sẽ phải tồn tại hình thức Nước, vùng Nước, bằng chứng vững chắc nhất đã thấy tại Việt ngữ. Theo nhu liệu ngữ hệ Austronesian, dạng proto của Nước là một từ đa âm [danum], tiếng Formosa phía bắc đảo Đài Loan vẫn đọc là [lanum]. Khi đơn âm hóa để phân bổ vào những nhánh nhỏ, nó hình thành các chi: [*ɗaak] (tiền Mon Khmer). [daik] (Mon).). [Da] và [Dak] của một số tộc người gốc Austronesian trên Tây Nguyên Việt Nam vẫn dùng nghĩa là nước, vùng nước, sông suối nhưng hàm ý xứ sở. Và cuối cùng là [num – nạm – nụm – nậm] (Thái Tráng). Trải qua mấy ngàn năm biến âm rất đa dạng, và có thể bị tác động bởi ngữ hệ Hán Tạng, người Việt ngày nay đọc water và country đều dưới âm Nước.
- Âu và Việt
Tại lưu vực Dương Tử từ phía nam tỉnh Hà Nam đến châu thổ sông Hoài và Giang Đông, âm [wa] và [wat] là tiền tố đứng trước các quốc danh xuất hiện dày đặc trong sách sử Trung Quốc. Sách Dật Chu Thư liệt kê tên các tiểu quốc phía nam đầu thời Thương: 漚深 Âu Thâm, 越漚 Việt Âu, 甌鄧 Âu Đặng. Các chữ Âu này dù dị tự nhưng chỉ mang âm [wa], Việt có âm [wat]. Qua thời Chu rồi Tần và Hán, các tiền tố Vu于, Ư 於 và Ô 烏 đều mang âm [wa] rất thịnh hành đứng trước tên đất, tên nước như: Ô Hử (bộ tộc), Vu Việt, Ư Việt, Ô Thương, Ô Trình, Ư Lăng, Vu Đồ, Vu Tiềm… Sau đó Âu và Việt tiếp tục chia tách, sáp nhập, tạo nên các xứ sở: Đông Âu, Tây Âu, Tây Vu, Đông Việt, Nam Việt, Âu Lạc… Sự tồn tại cặp Âu Việt và Việt Âu càng khẳng định âm Âu và Việt có mức độ giống nhau khá cao.
Nhìn nhận thoáng qua, nhiều người đã cho rằng [wa] và [wat] là trợ từ ngữ khí và không mang nghĩa. Tuy nhiên khi đi sâu vào nhu liệu ngữ hệ Hán Tạng, chúng tôi thấy âm [wa] khớp hoàn toàn với âm chỉ nước và mưa trong tiếng Kiranti cũng như Newar (Nepan) và rất gần gũi với các nhánh Lolo [ue] (mưa) và [waji] (máng nước), Miến Điện [rwa] (mưa), Tạng [uà] (mưa) và [wa] (máng nước), Kuki – Chin [waa] (sông). Đặc biệt chữ Vũ 雨 nghĩa là mưa trong Hán ngữ có âm cổ đại cũng là [whá], tuyệt đối tương đồng khi đọc lên vì chúng chỉ khác nhau âm h chỉnh độ mở của khẩu hình.
Đến đây đã xuất hiện khả năng các vùng đất hai bên bờ hạ lưu Dương Tử cũng từng trừu tượng hóa nước, vùng nước để trở thành cương thổ, lãnh thổ hoặc quốc gia.
Đầu tiên chúng tôi sẽ xét đến từ Việt trên thanh gươm ngài Bá vương Câu Tiễn (hình trên): Nó gồm hai bộ phận. Bên trái là chữ Ấp bao gồm vòng tròn phía trên chỉ một vùng đất, dưới là hình nhân, ý nói tụ cư. Phần này ý chỉ quốc gia sơ khởi. Bên phải là chữ Việt戉 mang âm Việt, tức [wat] vào thời Thương – Chu. Nó hoàn toàn là một chữ khác với Việt 越 bộ Tẩu, nghĩa là vượt qua, dù đồng âm.
Ở phương diện âm, chữ Việt bộ Ấp thừa âm [t] so với âm chỉ nước và mưa [wa]. Tuy nhiên nó lại khớp ý với chữ Vực或 Hoa Hạ. Chữ Việt 戉 là một loại binh khí cổ điển hình dạng giống chiếc rìu, cũng thể hiện chủ quyền quốc gia sơ khởi như chữ Qua戈 trong chữ Vực或.
Sự lệch âm này chắc chắn đã khiến người Hoa Hạ đọc tên nước Việt hơi khác với chính người Việt. Từ đó mới xuất hiện hàng loạt chữ [wa] đồng âm được người Hoa Hạ ở các khu vực khác nhau tạo thành tiền tố chỉnh âm hoặc bổ âm cho Việt. Đó chính là Âu, Ư, Vu. Âu Việt, Ư Việt, Vu Việt trong sử sách là một nhưng đã được ký âm nhiều cách. Âu, Ư, Vu và cả Ô nữa, đều đồng âm với từ tố Nước [wa]. Nói cách khác, chúng hoàn toàn có thể đã được trừu lượng hóa lên thành quốc gia ở vùng Giang – Hoài, bằng âm chỉ nước và mưa trong ngữ hệ Hán Tạng.
Chắc hẳn khi nhà Tần thống nhất chữ viết, ý nghĩa là một quốc gia có chủ quyền của chữ Việt bộ Ấp đã được các học giả Hoa Hạ để ý. Hậu quả là họ đã chuyển tất cả những chữ Việt bộ Ấp trên sách vở qua bộ Tẩu mãi mãi. Ý chí độc lập và hùng khí Đại Việt ở cửa sông Dương Tử chìm vào bóng tối, ít nhất là trên tự nghĩa, hơn 2200 năm qua!
Cũng dưới thời đại của vua Tần, Việt bổ Tẩu trở thành thành tố của khái niệm Bách Việt trong sách Lã Thị Xuân Thu. Nó phiếm chỉ tất cả các tiểu quốc hoặc các liên minh bộ lạc lạc hậu vùng Giang nam. Nhà Hán thay nhà Tần và ở thời Tây Hán, họ khai sinh thuật ngữ Lạc Việt.
- Lạc Việt
Cách đây gần 20 năm, chúng tôi đã có những tháng năm trai trẻ thật đẹp đẽ, rong ruổi trên vùng Tây Nguyên và Đà Lạt. Khi tìm hiểu các địa danh Dalat, Dak Nong, Dak Min, Dak Nhim, Dak Song… ký âm bằng Pháp ngữ, chúng tôi đã lờ mờ nhận ra sự gần gũi của chúng với Lạc Việt.
Sau này tiếp xúc với “Thử tìm nguồn gốc ngữ nghĩa của từ tố Lạc”, của Nguyễn Kim Thản, Vương Lộc, tạp chí KHXH, 1974; chúng tôi đã tin Lạc 駱 trong Lạc Việt mang nghĩa là Nước như giả thiết của tài liệu. Các tác giả đã căn cứ trên nhóm từ Lạc điền, Lạc dân, Lạc hầu, Lạc tướng, Lạc vương và đi tìm âm tương ứng ở bắc bộ Việt Nam, một xóm rất nhỏ của ngôn ngữ Austronesian. Do nhu liệu quá ít, nên lý luận hơi gượng gạo, chưa kể việc họ không để ý đến sự trừu tượng hóa từ tố Nước.
Trực giác nói với chúng tôi âm Nước cổ đã được người Hán ký âm bằng Hán tự thành Lạc 駱, nhưng cuối cùng, mãi đến hôm nay các chi tiết và công cụ ngữ âm học mới được tập hợp đầy đủ để chứng minh điều này.
Bám vào những dòng sông
Đi đến không gian Lạc Việt, chúng tôi phải bám vào Trường giang và Hồng hà, bởi Hán sử đã nhắc đến người Lạc Việt phía bắc tận Kinh Châu, ở giữa là Quảng Tây và cuối cùng tại châu thổ sông Hồng.
Chữ Hán 江 giang chỉ sông Trường giang, từ thời Chu đến Minh đọc là [krōŋ]. Đó chính là âm tiền Mon Khmer, mẹ đẻ của từ [Sông] trong tiếng Việt. Khi người phương nam còn làm chủ con sông Trường Giang, họ gọi các nhánh nhỏ đổ vào sông mẹ bằng một âm gì đó mà người Hán ký âm thành Đà沱. Âm Tây Hán trở về trước của Đà沱là [l(h)āj], Đông Hán là [l(h)ǟ] và Đường âm là [d(h)ā]. Đây là định nghĩa của Đà 沱trong sách vở Trung Quốc: ở miền nam sông lớn gọi là Giang, sông nhánh gọi là Đà. Tuy nhiên chúng tôi nhìn rộng hơn, Đà沱có lẽ chỉ sông nhỏ, sông nhánh, suối lớn. Dalat (dòng suối của người Lat) và phụ lưu Đà giang của Hồng hà chứng minh điều đó. Sau rốt, Đà 沱 trong một câu Kinh Thi “月離于畢,俾滂沱矣 – Nguyệt li vu tất, tỉ bàng đà hĩ” lại có nghĩa là mưa lớn, nhiều nước.
So sánh các âm qua các thời kỳ của chữ Hán Đà沱 với âm chỉ Nước tiền Mon Khmer [*ɗaak] ở trên, chúng tôi thấy nó gần như đồng nhất với nhau. Nói cách khác Hán âm đã tuân thủ âm bản địa của Đà 沱 và chúng là một tại Đường âm.
Và từ chỉ quốc gia dùng tiền ngữ nước, trừu tượng hóa nước để thành quốc gia đầu tiên mà chúng tôi đã tìm thấy chính là Đô都. Vì nhu liệu của S. Starostin không có liệt kê lịch sử ngữ âm của Đô. Chúng tôi phải đi đường vòng: Tự điển ghi nhận Đô đọc là Đương Cô Thiết (當孤切), nghĩa là nói lái thành Đô Cương và giữ Đô lại. Từ đây chúng tôi tra lịch sử ngữ âm của Cô 孤 và lấy nguyên âm của nó. Từ thời Chu đến Đông Hán sẽ là nguyên âm A, nghĩa là Đô lúc ấy đọc là Đa. Đời Đường tương ứng nguyên âm Ô, lúc này nó là Đô. Hoán chuyển A thành Ô chúng tôi có vô số ví dụ. Như chữ Phụ 父, Hán âm của nó là [bá] và Đường âm là [bwó], tức Ba – Bố, và Mai – Mối, Ngạt – Ngột, Hạt – Hột, Ang – Ông (từ翁 cũng chỉ cha trong tiếng Hán).
Bộ Ấp trong chữ Đô 都 ghi nhận nghĩa của từ Đô là quốc gia. Chu Lễ viết: Cự quốc ngũ bách lý vi đô – Nước rộng năm trăm dặm gọi là Đô. Đa/Đô 都 không có trong giáp cốt văn, rõ ràng đây là ngôn ngữ Dương Tử đã được người Hoa Hạ ký âm và sử dụng muộn nhất là từ thời Chu.
Lạc Việt
Lạc Việt chỉ bắt đầu xuất hiện vào thời Tây Hán. Chúng ta có 3 chữ Lạc tạo nên Lạc Việt: 雒越 , 駱越 , 貉越. Đây chắc chắn là Hán tự ký âm phương ngữ Lạc Việt. Ba bộ chỉ ý nội dung mang tính miệt thị: 隹 chuy, một giống chim. 馬 mã, là ngựa. 豸trĩ, một loài sâu. Người ta dùng một chữ duy nhất chỉ âm là 各 các. Từ thời Chu đến Minh, âm Các đều đọc là [kāk]. Chúng tôi không khớp nối được với Đà 沱. Tuy nhiên khi dùng một chữ đồng âm với các chữ Lạc trên, bộ thủy, tên một con sông ở Hoa Bắc thì sự tương đồng lại hiện ra: Lạc 洛 Đông Hán trở về trước đọc là [rhāk], trở về sau đọc là [lhāk] hoàn toàn khớp với âm Đà 沱 Đông Hán là [l(h)ǟ].
Như vậy Lạc trong Lạc Việt là lần ký âm thứ hai chữ Đà 沱 chỉ nước, sông nhánh hay vùng nước đã được trừu tượng hóa thành xứ sở của một bộ lạc. Lần thứ nhất là chữ Đa/Đô都, dùng cho nước nhỏ. Với Lạc Việt, chữ Lạc dùng chủ yếu cho các bộ lạc còn chậm phát triển. Những ngữ ý miệt thị rất đáng trách bị lạm dụng, chắc chắn đã được viết ra bởi một viên thư lại Hán triều thiếu tư cách, phẩm giá và tri thức. Chúng không thể biện hộ dù theo Hán Thư, thời Tây Hán có dạo người ta kiêng bộ Thủy, là hành khắc với bản mệnh Hỏa của triều đình, dựa vào lối giải thích mê tín của thuyết ngũ hành.
Khi Việt không còn là tên riêng của nước Việt ở cửa sông Dương Tử, từ bộ Ấp chỉ quốc gia, nó chuyển qua bộ Tẩu và biến thành từ phiếm chỉ các nhóm bộ lạc hoặc tiểu quốc giang nam. Người Hán đã căn cứ trên tiền ngữ chỉ ý niệm quốc gia của họ để đặt tên cho phân nhánh Thái có gốc tích từ Điền Trì ở Vân Nam xuôi xuống Trường giang, Tây giang và Hồng hà, chủ nhân văn hóa trống đồng. Lạc Việt ra đời từ đó.
- Kết luận
Các biện giải chữ Hán ở đây dựa vào nghiên cứu lịch sử ngữ âm của S. Starostin, chúng tôi tin rằng chúng sẽ ngày càng hoàn thiện hơn, cũng như chưa chắc chuẩn xác tuyệt đối. Kết luận của bài viết này nên được tham khảo và tiếp tục đi sâu hơn.
Chúng ta không thể tìm một sự tương đồng tuyệt đối khi dùng ngôn ngữ này ký âm một ngôn ngữ khác, đặc biệt là với chữ Hán đơn âm tiết, một âm thường là cách đọc của rất nhiều chữ. Chẳng hạn từ tiếng Anh Europe được người Hán ký âm là Âu Châu 歐洲 (ōu zhōu), chỉ hao hao giống âm gốc mà thôi. Do đó tỉ lệ tương đồng các Hán tự ký âm đã liệt kê trên đây là rất cao, rất đáng chú ý.
Lạc Việt và Âu Việt là hậu duệ của nền văn minh sông nước Dương Tử với đỉnh cao Lương Chử không may đã bị diệt vong vào năm 2200 BC vì đại hồng thủy. Do đó các tên gọi của chúng có dính dáng đến tiền tố nước là rất hợp lý. Nếu các luận cứ trên đây đúng, thì đáp số của các thuật ngữ lịch sử liên quan hết sức giản dị. Và hy vọng chính sự giản dị, sẽ đem đến tính thuyết phục cho khảo cứu này: Việt bộ Ấp là một trong những chữ Nôm đầu tiên trong lịch sử Việt Nam. Tuổi đời của nó trẻ nhất là 2500 năm.
- Âu Việt = Quốc gia hình thành từ các Nước (Việt) nhỏ vùng Giang – Hoài.
- Việt Nam = Nước Nam. Nó tương đương với Southern Land nhưng không tương đồng như trước đây chúng tôi đã suy luận.
- Lạc Việt = Các bộ lạc tiền Thái – Tráng, có điểm chung là đều trừu tượng hóa xứ sở của mình từ từ tố Nước (Da, Dak).
@5.1.2018 T.T.Du
◇§ Mặt Hồ Phẳng Lặng. | thạch thảo viên - vũ đan huyền
Aug 20, 2020 @ 01:34:41
◇ Mặt Hồ Phẳng Lặng. | thạch thảo viên - vũ đan huyền
Jun 28, 2020 @ 20:40:15
Jan 12, 2018 @ 12:43:38
Cũng trong ngữ hệ Hán Tạng, đất/soil/earth ở tiếng Darang (Tây Tạng) đọc là: [khala:i / khɯlɑi]. Tiếng Yidu Lhoba (Trên cao nguyên Tây Tạng): [khɯlɑi]. Tiếng Kiranti, Nepan: [kha]. Tiếng phía đông Kiranti: [kham/akhuma]. Đây chính là âm của chữ Hán Khu 區: thời Thương đọc là [kho], Chu [kho], Tây Hán [khwa], Đông Hán [khwa]. Người Hoa Hạ đã trừu tượng hóa đất/land/soil bằng công thức: Khu區 (vùng đất) + Qua 戈 (vũ khí bảo vệ) -> Vực 或 (chỉ quốc gia) + Vi 囗 (tường thành) -> Quốc國 (quốc gia).
________________
Nếu bác cứ suy diễn ngôn ngữ kiểu này thì đừng có trách nhóm Bách Việt cũng suy diễn ngôn ngữ như bác để ra kết quả là người Bách Việt là chủ thể của Trung Hoa thời xưa đấy.
Nếu vậy sao bác không đưa từ Hạ (夏) vào danh sách phát âm như các từ ở trên. Sách cổ thời Tiên Tần chỉ có nói Khu Hạ (區夏) chứ không nói là Khu Ân, Khu Chu, hay Khu Hán, Khu Đường…
Chẳng lẽ Khu Hạ là Nước Hạ, theo ngữ pháp tiếng Nam Á Mon Khmer đấy nhé. Nhà Hạ hóa ra là của người Âu Việt luôn à? Đúng rồi, không phải ngẫu nhiên con cháu nhà Hạ là vua Thiếu Khang phong cho con thứ Ư Việt ở Cối Kê, không phải ngẫu nhiên vua Vũ đi tuần thú ở Cối Kê. Vua Vũ cũng là người ở Cối Kê đất Âu Việt vậy.
Jan 09, 2018 @ 18:13:23
Jan 08, 2018 @ 20:17:28
Jan 07, 2018 @ 14:18:16
Jan 05, 2018 @ 20:48:19
@Tích Dã: Tôi chịu hẳn bác rồi đấy. Chả có căn cứ, chỉ nói vu vơ 🙂
Jan 05, 2018 @ 17:34:59
Tôi phát hiện từ nước (nhược/渃) để chỉ nước-quốc gia trong tiếng Việt có thể có gốc từ tiếng Chăm, xa hơn là tiếng Phạn của từ Naraga, nghĩa là đô thị, thành phố, nó dịch sang tiếng Hán là quốc (國). Có thể từ Nagara du nhập vào tiếng Việt để chỉ nước (quốc/國) từ thời Lí-Trần. Thời xưa nói đến nước-quốc gia là nói đến vua, vua thường đóng đô ở tòa thành(quốc/國).
Từ Naraga được phiên âm sang tiếng Hán là Na Kiệt La (那喝羅). Ví dụ nước Chiêm Thành vốn có tên là Ví dụ nước Chiêm Bà (của người Chăm) là Campanagara (Chiêm Bà Na Kiệt La/占婆那喝羅), trong đó Camba/Chiêm Bà (占婆) là tên riêng, nagara/Na Liệt La (那喝羅) nghĩa là thành/ấp, dịch nghĩa chung là thành/ấp của người Chiêm Bà, nói gọn là Chiêm Thành (占城) vậy.
Từ Naraga cũng được phiên âm thành Lộc Ách (祿厄), đã bị rút gọn. Có thể người GIao Chỉ thời Lí-Trần cũng đã cũng rút gọn đọc Naraga thành Nak Ga, cuối cùng thành Nak – Nước để chỉ thành/ấp, tức quốc gia.
Jan 05, 2018 @ 15:06:00
@Tích Dã: Tôi đã giải một bài toán cực kỳ phức tạp bằng tư duy toán học chứ không đơn giản chỉ là ngôn ngữ. Như mọi bài toán khó, nghiệm của nó lại tuyệt đối giản dị. Tôi sẽ lược hết thiên kiến của anh trong các còm, giữ lại tư liệu anh dẫn để các thế hệ trẻ hơn làm việc và chứng minh tôi đúng. Tôi sẵn sàng đăng bài phản biện của anh nhưng nó phải tròn trịa, hợp logic, chứ không phải như các còm anh đã viết.
Jan 05, 2018 @ 14:24:26
Hãy nghe người ở vùng Ngô Việt nói gì…
古代东瓯国杂考五题
Cổ đại Đông Âu quốc tạp khảo ngũ đề
Tác giả: 钱志熙Tiền Chí Hi (Tiền Chí Hi, người tỉnh Chiết Giang, từng là giảng viên khoa tiếng Trung tại trường Đại học Bắc Kinh).
温州学者蔡克骄在上述 两说之外, 提出一种新的说法。他根据东南沿海古族多以鸟为图腾这一民族学方面的研究结论, 推论古代 瓯人居住海滨, 以鸥鸟为图腾, 鸥鸟鸣声为 ao, 按照其名自号, 瓯人便以 ao 氏族之名。其后随着陶器 瓯的使用与生产, 瓯就成了这个沿海古族的名称。
Học giả người Ôn châu (tức đất Đông Âu xưa) là Thái Khắc Kiêu từng đề xuất một giả thuyết mới. Ông ấy dựa nhiều bộ tộc thời xưa ở miền ven biển phía đông nam lấy loài chim làm totem (vât tổ), đây là kết luận dựa trên phương diện dân tộc học, suy ra người Âu (瓯人) cư trú ở bờ biển, lấy chim âu (鸥鸟) làm totem, chim âu kêu tiếng là ‘ao’, dựa theo đó mà tự đặt tên cho mình, do đó người Âu tự đặt tên là thị tộc Ao/Âu. Sau đó lại sản xuất và sử dụng cái âu (cái bồn/chén nhỏ) làm bằng gốm, cho nên từ Âu (瓯) trở thành tên gọi của bộ tộc cổ miền ven biển.
Click to access %E5%8F%A4%E4%BB%A3%E4%B8%9C%E7%93%AF%E5%9B%BD%E6%9D%82%E8%80%83%E4%BA%94%E9%A2%98.pdf
Jan 05, 2018 @ 14:04:02
Từ nguyên Âu ((甌/漚/歐/嘔/區) để chỉ các bộ tộc người Việt ở miền Giang Hoài ở miền sông nước, gắn liền với ao hồ sông biển. Âu tức là ao, hồ, chằm, đầm. Người dân ở vùng ấy, gọi là Âu nhân (歐人). Theo sử chép dòng dõi vua Thiếu Khang nhà Hạ được phong ở đất Cối Kê tên là Ư Việt (於越), do đó người Âu còn gọi tên nước mình là Việt (越), thời Xuân thu-Chiến quốc về trước thì Việt (越) thông tác Việt (戉) hoặc Việt (阝戉), cho nên Dật chu thư-Vương hội giải có liệt kê một số tên nước ở Giang Hoài lẫn lộn Âu và Việt trước hoặc sau như Việt Âu (越漚), Ư Việt (於越), Đông Việt (東越), Âu Nhân (歐人), Âu Thâm (漚深), Âu Dương (區陽), Âu Đặng (甌鄧), Cụ Âu (具區).
Việt (戉 hoặc 阝戉) một thời xưng bá ở Giang Hoài, nhưng sau bị Sở diệt, tản mát chạy về Mân-Quảng kẻ xưng vương người làm quân trưởng, có thể do đó mà bị người Sở nói riêng và người Trung Nguyên nói chung mỉa mai dùng từ Việt (越) nghĩa là chạy, sử sách thời Xuân thu-Chiến quốc về sau này đến thời Tần-Hán lại gọi là Việt quốc(越) hoặc là Ư Việt (於越), Vu Việt (于越).
Jan 05, 2018 @ 13:15:12
Tôi quả quyết Âu (甌/漚/歐/嘔/區), Lạc (駱/雒) trong các tên đất, tên nước không có nghĩa là quốc gia/xứ sở trong tiếng Hán. Mà là tiếng bản địa được người Hán phiên âm mà thành. Nghĩa nó là gì thì không rõ vì niên đại quá xa ở thời Tiên Tần về trước rồi khó mà khảo cứu chắc chắn. Nhưng nó không có bản nghĩa là đất (thổ/土) hay nước (thủy/水) trong tiếng bản địa.
Âu ((甌/漚/歐/嘔/區) thời xưa cũng đồng âm với Ô (烏), Vu (于), đó là lí do ở miền Giang Hoài về phía nam còn gọi là đất Bách Việt lại có nhiều tên đất có chữ Âu ((甌/漚/歐/嘔/區) và Ô (烏), Vu (于), cũng đọc thành Ao (凹) trong tiếng Việt, để chỉ chỗ ngập trũng nhập nước. Người Ngô Việt ở Giang Hoài, tức cuối nguồn sông Dương Tử, lưu lượng nước rất lớn, có thể xem là vùng ngập nước, nay vẫn gọi miền cửa sông Dương Tử là thủy hương (水鄉), trạch quốc (澤國), xưa là xứ ở trên bộ thì ít mà ở trên thuyền thì nhiều, lấy thuyền làm xe, lấy chèo làm ngựa vậy.
Chu lễ – Hạ quan: 東南曰揚州,其山鎮曰會稽,其澤藪曰具區,其川三江,其浸五湖,其利金錫、竹箭,其民二男五女,其畜宜鳥獸,其谷宜稻。Phía đông nam là Dương châu, nói núi lớn là Cối Kê, có đầm phá là Cụ Âu, có sông là Tam Giang, có ao hồ là Ngũ Hồ, có món lợi vàng thiếc, tre măng, có dân ba trai năm gái, có chăn nuôi muông thú, có trồng cât lúa nước.
Sơn hải kinh – Hải nội nam kinh: 甌居海中甌居海中。閩在海中,其西北有山。一曰閩中山在海中。Âu ở giữa biển, Mân ở giữa biển, phía tây bắc có núi, có người gọi là núi Mân Trung ở giữa biển.
Những ghi chép đó cũng cho ta thấy phảng phất từ nguyên Âu ((甌/漚/歐/嘔/區) để chỉ các bộ tộc người Việt ở miền Giang Hoài ở miền sông nước, gắn liền với ao hồ sông biển. Âu tức là ao, hồ, chằm, đầm. Người dân ở vùng ấy, gọi là Âu nhân (歐人).
Còn Lạc (駱/雒) có nghĩa rộc (ruộng trũng) trong tiếng Việt, còn lưu giữ trong tiếng Tráng là từ lộc (luk/麓) nghĩa là ruộng ở chân núi.
Jan 05, 2018 @ 11:52:08
Đấy chỉ là một chi tiết nhỏ thôi. Ha ha…
http://humanum.arts.cuhk.edu.hk/Lexis/lexi-mf/bronzePiece.php?piece=%E5%8D%80
漢字金文部件分析
區
甲金文從「匸」(或「𠃊」)從「品」,篆文從「品」在「匸」中,本義為藏匿。甲金文從「匸」從「品」,「匸」在甲骨文和早期金文中,上缺一橫,故曰或從「𠃊」,從「匸」取義的字常跟隱藏義有關,篆文從「品」在「匸」中,本義為藏匿。《說文》:「區,踦區,藏匿也。从品,在匸中。品,眾也。」
卜辭用作地名,如《合集》685正:「王其狩區」,「狩」為狩獵,全句意謂王在區地打獵;又疑用作祭名,如《屯南》629:「弜區」,「弜」用如「勿」。
Phân tích các dữ kiện kim văn trong chữ Hán
Khu (區)
Giáp kim văn theo bộ hệ (匸) hoặc bộ ất (𠃊) theo bộ phẩm (品), triện văn theo bộ phẩm (品) ở giữa bộ hệ (匸), bản nghĩa là ẩn náu. Giáp kim văn theo bộ hệ (匸) theo bộ phẩm (品), nghĩa của bộ hệ (匸) thường có liên quan đến ẩn náu, triện văn theo bộ phẩm (品) ở giữa bộ hệ (匸), bản nghĩa là ẩn náu. Thuyết văn: “Khu là gập ghềnh, là ẩn náu vậy. Theo bộ phẩm ở giữa bộ hệ. Phẩm là nhiều vậy.” Bốc từ dùng để chỉ tên đất. Ví như Hợp tập 685 chính: “Vương kì thú Khu.” Thú là săn bắn, toàn câu ý nghĩa là: “Vua đi săn bắn ở đất (ấp) Khu.” Lại ngờ là dùng để chỉ tên một nghi lễ cúng tễ, như Đồn nam 629: “Cường khu.” Chữ cường dùng như chữ vật. Kim văn dùng để chỉ địa danh, thông tác khúc (曲), như trong cái nồi Tử Hòa Tử có khắc chữ Khu Phu (區夫), đọc khác của Khúc Phụ (曲阜)
___________________
Câu bốc từ trong giáp cốt văn 王其狩區Vương kì thú Khu. Chữ Khu ở đây là tên riêng, tức là địa danh, tức là đất (ấp) Khu. Toàn câu văn là Nhà vua đi săn bắn ở ấp Khu. Bản nghĩa chữ khu (區) thời nhà Thương-Chu hoặc Tiên Tần không có nghĩa là vùng đất, mà là ẩn náu. Chữ khu (區) trong từ khu vực (區域) nghĩa là vùng đất xuất hiện muộn hơn, có thể là từ thời Hán-Đường về sau mà thôi.
Jan 05, 2018 @ 11:16:14
@Tích Dã: Ai mà theo dõi kỹ, sẽ thấy anh rất nhiều lần lọt hố. Chẳng hạn cái hố to tổ bố gọi là trợ từ ngữ khí đã được tôi dùng trong bài viết này. Chữ Khu có trong giáp cốt văn, bốc tự. Anh đừng bẻ cong dữ kiện như thế 🙂
Jan 05, 2018 @ 11:08:23
Anh có giải thích được hết tên các quốc gia thời xưa có tiền tố và hậu tố là đất/land/soil ở châu Á láng giềng và cùng thời hoặc sớm hơn với Âu Lạc được không? Ví dụ:
Các nước ở Trung Nguyên qua các thời như Hạ, Thương, Chu, Tần, Hán, Ngô, Sở, Yên, Triệu, Tề, Lỗ, Từ, Tấn, Hàn, Ngụy, Thục, Tống, Vệ, Trần, Trịnh, Tùy, Lương… Rồi thì các nước ở Tây Nam Di như Dạ Lang, Điền, Thư Lan, Cung, Tạc, Nhiễm Mang, các nước ở Liêu Đông như Triều Tiên, Chân Phiên, Phù Dư, Cao Câu Li, Ấp Lâu, Uế Mạch, Ốc Trở,Tam Hàn, Oa… Rồi các nước ở Mạc Bắc như Hung Nô, Tiên Bi, Ô Hoàn, Đột Quyết, Khiết Đan, Nữ Nhân, Hồi Hột…Các nước ngoài biển sau thời Hán như Lâm Ấp, Phù Nam, Chân Lạp… có ý nghĩa là đất hoặc nước không?
Thời xưa ở Trung Quốc, tiếng Hán thì đất/soil/earth là thổ (土) cho nên vùng đất Hoa Hạ còn gọi là Trung Thổ (中土). Sau thời Hán, vào khoảng thời Đường-Tống về sau, từ khu (區) bắt đầu để chỉ vùng đất nhưng không phải để chỉ quốc gia, không ai nói Trung Thổ/Trung Quốc/Trung Nguyên/Trung Châu là Trung Khu (中區).
Tóm lại thì Âu Lạc thì vẫn là tên riêng của người bản địa châu thổ sông Hồng, cũng như tên riêng của rất nhiều quốc gia trên thế giới đương thời. Âm [*ɗaak] (tiền Mon Khmer). [daik] (Mon).). [Da] và [Dak] của một số tộc người gốc Austronesian trên Tây Nguyên Việt Nam vẫn dùng nghĩa là nước, vùng nước, sông suối nhưng hàm ý xứ sở nhưng chẳng ai gọi nước Chân Lạp của người Khmer là [*ɗaak]/[daik] Chân Lạp cả. Âm đọc [num – nạm – nụm – nậm] của người Thái-Tráng nhưng chẳng ai gọi nước Thái-Lào của người Thái-Tráng là num – nạm – nụm – nậm Thái-Lào cả.
[*ɗaak] – [daik] – [Da] – [Dak] trong tiếng Môn-Khmer chỉ mang nghĩa là nước/dòng nước đơn thuần, chẳng phải có nghĩa là là nước/quốc gia trong tiếng Việt. Ví dụ địa danh Đà Lạt nghĩa là Dòng suối của người Lạt, chứ không có nghĩa là nước/quốc gia của người Lạt bao giờ.
Kinh Thi: 月離于畢,俾滂沱矣Nguyệt li vu tất, tỉ bàng đà hĩ. Nghĩa là Mặt Trăng rơi vào phân dã của chòm sao Tất thì dựa báo sẽ có mưa tầm tã.
Bàng đà (滂沱): (nước mưa) tầm tã, dầm dề, ròng rã, giàn dụa…
Đô (都), Thuyết văn giải tự: 有先君之舊宗廟曰都。从邑者聲。周禮:距國五百里爲都。Hữu tiên quân chi cựu tông miếu viết đô. Tòng ấp giả thanh. Chu lễ: Cự quốc ngũ bách lí vi đô./ Chỗ có dựng tông miếu của tiên vương gọi là đô. Theo bộ ấp, đọc âm giả. Chu lễ: “Cách quốc năm trăm dặm là đô”.
Vậy thì đô (都) bản nghĩa là nơi dựng đặt tống miếu, là nơi kinh kì, chỗ vua của một nước ở. Trong một nước có thể có nhiều chỗ, ví dụ đô (都), ấp (邑) là kinh kì phồn hoa đô hội, ví dụ dã (野), bỉ (鄙) là chốn thôn quê hẻo lánh xa xôi.
Cùng thời nhà Chu dựng quốc (國), dựng đô (都) thì ở miền Dương Tử chỉ có các nước Ngô, Việt, Sở cũng mới dựng nước, họ không gọi quốc gia là đô.
Jan 05, 2018 @ 07:51:05