Lịch sử hơn 1000 năm chế độ phong kiến Việt Nam có một sự cân bằng rất thú vị: hoàng gia gốc Âu Việt cầm quyền nửa đầu, gốc Lạc Việt ở nửa sau.

Đất tổ Lạc Việt là vùng Vân Nam, thượng lưu Dương Tử. Hạ lưu của nó, châu thổ Giang – Chiết là nơi Âu Việt phát tích. Chính vì vậy, khảo cổ Việt Nam đào được thứ gì, thì ở Hoa Nam người ta đào được thứ đó, nhưng luôn lâu đời hơn, to lớn hơn, đầy đủ hơn và đáng tin với học giới quốc tế hơn. Trống đồng Lạc Việt là ví dụ thứ nhất, nhiều người đã biết. Các nghiên cứu Việt ngữ hầu như chưa nhắc đến lăng mộ hình thuyền của Âu Việt vương Doãn Thường (510 BC – 497 BC), phụ thân ngài Câu Tiễn ở Ấn Sơn, Thiệu Hưng, Chiết Giang.

Boat Coffin1

Ảnh 1: Nhà mồ, trung tâm của Bảo tàng Ấn Sơn Việt Quốc Vương Lăng. 

Rất tiếc, vương lăng đã bị đào trộm nhiều lần, đồ tùy táng thất thoát gần hết. Tuy vậy, qui mô khu mộ, quan tài độc mộc hình thuyền, mái mộ đắp đất trên dàn gỗ chống hình chữ V ngược vẫn ghi dấu văn minh sông nước kênh rạch hồ đầm ở cửa sông Dương Tử.

Có lẽ văn hóa Âu Việt tưởng tượng và hình dung cõi vĩnh hằng ở dưới nước (xứ sở của Lạc Long Quân). Do đó mộ hình thuyền, quan tài thuyền độc mộc là phương tiện để linh hồn xuống thủy cung, về với tổ tiên…

Boat Coffin2

Ảnh 2: Quan tài hình thuyền làm từ độc mộc. Dài 6,2m, đường kính chỗ to nhất 1,15m. Gấp đôi kích thước quan tài hình thuyền Việt Khê ở Việt Nam.

Có ba căn cứ hình chân vạc rất quan trọng chứng tỏ văn minh của người Âu Việt hoàn toàn khác Hoa Hạ.

1. Phong tục, hình thể: Sách Luận Ngữ, chương Hiến Vấn thuật lại lời Khổng Tử: “微管仲,吾其被髮左衽矣 – Nếu không có Quản Trọng, giờ đây (phong tục của) chúng ta (sẽ giống người phương nam) là xõa tóc, cài vạt áo về bên trái rồi”. Vậy mà không hiểu sao trường phái “phản khái niệm Bách Việt” lại có thể cho rằng Nho Giáo là học thuyết của người Việt. Khái quát nói trên của Khổng Tử còn thiếu chi tiết “xăm mình” được lập đi lập lại trong sách vở thời Chu.

Yue_statue

Bức tượng người Âu Việt đào được từ một mộ táng vùng Chiết Giang hiện trưng bày tại bảo tàng Hàng Châu phía trên chỉ ra đặc điểm hình thể và văn hóa bản địa: Mắt to, hai mí. Tóc cắt ngắn, phía trước chẻ ngôi. Xin lưu ý kiểu mắt một mí và vấn tóc của các chiến binh Hoa Hạ phát lộ ở ngoại vi lăng mộ Tần Thủy Hoàng. Cơ thể người Âu Việt xăm vẽ vằn vện như sóng nước. Đặc biệt, nét xăm hình rồng trên hai đùi bức tượng khớp hoàn toàn với phong tục của hoàng gia nhà Trần, đến đời Trần Anh Tông (1276 – 1320) mới chấm dứt.

2. Tên gọi quốc gia: Người Hoa Hạ dùng Quốc là nghĩa bóng của soil/earth/land; người Âu Việt dùng Việt là nghĩa bóng của Nước, vùng nước. Như vậy Bách Việt có thể hiểu là hàng trăm tiểu quốc phương nam có quốc danh phần nhiều bắt đầu bằng Việt, tức là Nước.

3. Thiên văn học và trục thần đạo: Nếu ở Hoa Hạ, trục bắc – nam là thần đạo thì Âu Việt dùng đông – tây (giống Lưỡng Hà). Căn cứ nằm trong họa đồ dưới đây. Trục thần đạo đông – tây của lăng Doãn Thường khá chính xác. Điều này có thể diễn đạt rộng ra rằng người Âu Việt có thể đã sử dụng đồng hồ mặt trời khá chuẩn. Hiện nay khảo cổ chưa xác định được hướng cửa chính của di tích thành quốc Lương Chử. Nếu nó mở về phía đông thì sẽ có bằng chứng người Âu Việt vẫn gìn giữ được khoa học thiên văn của văn minh Dương Tử.

Yue_Orientation

Ảnh 4: Mặt bằng lăng Doãn Thường xẻ ngang một ngọn đồi. Trục thần đạo đông – tây, khác với các mộ hoàng đế phương bắc luôn theo trục bắc – nam. Nguồn xueshu.com.

Mộ thuyền ở Việt Nam

Tóm tắt một số chi tiết trong luận án tiến sĩ sử học bảo vệ năm 2000, “Mộ thuyền trong văn hóa Đông Sơn ở Việt Nam” của tác giả Bùi Văn Liêm: “Phát lộ 41 ngôi mộ có quan tài hình thuyền. Niên đại từ thế kỷ 6 BC đến thế kỷ 2 AD. Phân bổ tại 7 tỉnh Quảng Ninh, Hải Phòng, Hải Dương, Hưng Yên, Hà Tây, Hà Nam và Hà Nội. Mộ thuyền tiêu biểu là Việt Khê, 2500 tuổi, đào được tại  vùng đất trũng thôn Việt Khê, xã Phù Ninh, huyện Thủy Nguyên, thành phố Hải Phòng, 1961”.

Nguyễn Duy Hinh, Văn minh Lạc Việt, nxb. Văn Hóa – Thông Tin, VN, 2004 cũng viết: “Mộ cổ Việt Khê phát hiện năm 1961 tại công trường đào đất Việt Khê thuộc nhà máy đóng tàu Hải Phòng, thôn Ngọc Khuê xã Phù Ninh huyện Thủy Nguyên thành phố Hải Phòng, cách bờ sông Hàn khoảng 50m, cách Cửa Cấm 26km về phía tây bắc”.

VietKhe2

Mộ thuyền Việt Khê nói riêng và toàn bộ mộ thuyền Việt Nam nói chung, mang yếu tố văn hóa Âu Việt, có lẽ là chỉ dấu di cư của người Âu Việt – Nam Việt đến châu thổ sông Hồng sau công nguyên. Vào tay giới khảo cổ học Việt Nam, nó đã được làm hàng trắng trợn, già hóa lên thành 2500 năm.

VietKhe

Ảnh: Xã Phù Ninh huyện Thủy Nguyên, Hải Phòng, nơi đào được mộ thuyền Việt Khê (dấu chấm đỏ trong bản đồ) ngày nay cách biển 28,68 km.

Khớp vào khảo sát địa thủy văn châu thổ sông Hồng, vị trí mộ thuyền Việt Khê trước công nguyên là đáy biển.

sealevel

***

Lịch sử Việt Nam về cơ bản chưa phải kết quả từ quá trình truy tầm sự thật. Nó chỉ diễn giải vụng về những dữ liệu mập mờ, không đầu không cuối rồi ép uổng đại chúng lắng nghe. Không ít cá nhân tài cán giỏi giang nhưng lại nhìn lịch sử cổ đại bằng nhãn quan tôn giáo, nồng nặc tín điều. Cố gắng nhìn xa, trông rộng, thoát khỏi sự cô lập của thuyết bản địa đần độn, người Việt chắc chắn sẽ bàng hoàng nhận ra nhiều giá trị văn hóa và khoa học của tổ tiên mình vẫn còn dấu vết ở ngoài biên giới đất nước.

@01.2018 T.T.Du