Đa phần các loại bột gạo (không phải làm từ lúa mạch) được viết bằng chữ Hán là Phấn 粉. Đây là phép hội ý dùng chữ Mễ 米 bên trái chỉ gạo, chữ Phân 分 bên phải chỉ chia nhỏ, xay nghiền nhuyễn và đồng thời làm âm cho Phấn 粉. Chữ Phấn trong Son Phấn cũng là Phấn 粉 này vì thời cổ bột gạo thường được dùng trong trang điểm.

Cổ âm của Phấn được các nhà ngôn ngữ học thế giới tái tạo khá thống nhất: Edwin Pulleyblank [punX], Trịnh Tường Phương [*pɯnʔ], S. Starostin [pǘn]… Đây chính là âm Bún trong Việt ngữ vậy, vừa khớp âm, vừa khớp nội hàm. Đặc biệt theo ghi nhận của Starostin, âm Bún hiện tại của Việt ngữ rất giống phương âm Hạ Môn – Phúc Kiến của chữ Phân 分 [pun].

Như vậy từ/âm Bún phải xuất hiện muộn nhất ở Việt Nam là vào thời Lý – Trần và nó mang/tương đồng với Mân âm, tiếng nói của tổ tiên hai dòng họ vĩ đại này.

Quá trình biến âm P/B thành PH chúng tôi có thể chỉ ra hằng hà sa số ví dụ: Buồm/Phàm, Bố/Phụ, Bún/Phở, Bơi/Phù, Bụng/Phúc, Bụt/Phật… Đặc biệt biến âm Ơ <-> U trong Bơi/Phù được đảo ngược ở Bún/Phở cũng là logic cho cổ âm Bún biến thành Phở ở đầu thế kỷ 20.

Hình 1: Bát phở Hà Nội điển hình.

pho_hanoi

Hình 2: Một bát ngưu nhục phấn 牛肉粉 (bún/phở thịt bò) đặc sản của tỉnh Hồ Nam – Trung Quốc.

pho_honam

Hình 3: Món Hà Phấn của người Phúc Kiến

Pho_PhucKien

Thành ra về từ nguyên, phở và bún chỉ là âm của một chữ Phấn 粉 duy nhất. Bún là Đường âm. Phở là Việt âm hiện đại. Âm Tây An và Tế Nam Sơn Đông là giống Phở nhất [fẽ]. Giống bởi quy luật biến âm tương đồng chứ không phải và không thể do vay mượn của nhau.

Sự liên kết Bún và Phở trong ngữ âm và sự phát triển ngôn ngữ đã trình bày ở đây sẽ bác bỏ bất cứ lập luận tráng men “gốc Pháp” nào vào món Phở. Kiểu tư duy thừa nô lệ và thiếu biện chứng ấy chỉ làm xấu hình ảnh của Phở đi mà thôi.

Phở là đặc sản Á Đông mang hương vị Việt, tiền thân của nó, từ ngữ âm đến hình thức thể hiện, là món Bún dân dã phổ biến khắp Hoa Nam và Việt Nam. Điều này chắc chắn chẳng mảy may làm sứt mẻ niềm tự hào của tất cả chúng ta về Phở.

Thạch Viên

9.2018 – T.T.Du