Anh Cả anh Hai, cả hai đều là anh Cả.

Leave a comment

Dưới ánh sáng ngữ âm học so sánh, trên cơ sở nhu liệu tiếng Việt và hầu hết phương âm Trung Quốc, các giải thích cũ về từ vựng Đại Việt – bất kể dân dã hay hàn lâm, đều trở nên tùy tiện đến ngớ ngẩn và nực cười. Điển hình nhất, phải kể đến lý giải hàm nghĩa Anh Cả và Anh Hai ở hai miền Nam – Bắc.

Một trong những “giải nghĩa” tùy tiện đầy rẫy trên mạng.

Hai chữ Nho có nghĩa tương cận là Cự 巨 và Đại 大 đều chỉ to, lớn. Từ ghép Cự Đại 巨大 xuất hiện muộn nhất là ở thư tịch Tây Hán, trong sách Đạo giáo của Lưu An và sau đó ở thời Đông Hán, trong triết Nho của Vương Xung. Cự Phách 巨擘 nghĩa đen là ngón tay cái, to nhất trên mỗi bàn tay, nghĩa bóng chỉ người nổi trội, xuất hiện tận thời Chiến Quốc trong sách của Mạnh Tử.

1. Cự 巨 = Cả

Cự 巨 chắc chắn có cổ Hán âm là Cả. Tiếng Mân ở Trừng Hải, Quảng Đông hiện đọc [kə35] (kỡ) gần với Cả nhất, còn hầu hết các chi Mân ngữ đọc là [kɯ35] (kữ) hay [ki/y].  Quan hệ biến âm Ư/A có thể tham khảo Dư 餘 thường được đọc song âm là Dư Dả, Thư 舒 thành Thư Thả, Thứ 恕 thành Tha Thứ. Dả, Thả và Tha đều tồn tại âm tương đồng ở Hoa Nam khi đọc chữ Dư, Thư và Thứ. Ngoài ra Lữ 呂 là họ người, nên không tạo thành song âm Lữ Lã, tiếng Việt đọc cả hai kiểu, Lữ/Lã hậu hay Lữ/Lã Bố, là vậy.

Ngoài nghĩa to, lớn như trong Biển Cả, Sóng Cả, Đũa Cả, Cả vú lấp miệng em, Cả gan – to gan (nói tắt của to gan lớn mật, tức Can đảm 肝膽), Vợ cả – vợ lớn; Cự 巨 mang rất nhiều nghĩa khác, trong đó most (gần với Cực 極 và Tối 最) được ghi chép đầy đủ trong tự điển và thư tịch cổ đại Trung Quốc nhưng không thấy hiện diện ở từ điển Việt Nam. Tuy nhiên không vì thế mà nghĩa most của chữ Cự không có trong tiếng Việt, Tất Cự 悉巨 chính là Tất Cả.

2. Đại 大 = Hai, Đôi/Đối 對 = (số) Hai.

Anh cả, tiếng Trung hiện nay và xưa kia đều gọi là Đại Huynh 大兄 hoặc Đại Ca 大哥. Chữ Đại 大 còn có âm Thái, bạch thoại Việt Nam và Hạ Môn lại tương đồng ở âm To [to22]. Trong dòng chảy biến âm suốt 2000 năm qua của ngôn ngữ Á Đông nói chung, tình cờ Thái đã mất phụ âm đầu [t] để thành thể Hai ở Việt Nam hoặc Hái [hai213/45] trong tiếng Cám phổ biến ở trung và bắc Giang Tây, đông Hồ Nam, đông nam Hồ Bắc, tây nam An Huy và tây bắc Phúc Kiến. Trường hợp mất phụ âm đầu [t] để thành Hái, có thể dẫn chứng thêm chữ Thái 採 nghĩa là hái, ngắt. Đây có thể là hệ quả của biến âm tương đồng nhưng độc lập của âm [thái] cổ, và cũng không thể loại trừ khả năng tiếng nam bộ Việt Nam và tiếng Cám có chung gốc trung đại.  

Hán Điển ghi nhận Cám ngữ đọc chữ Đại là Hái (thanh dương khứ)

Âm Hai chỉ số 2 trong tiếng Việt có liên đới với chữ Đôi/Đối 對. Đôi/Đối này lại nằm trong nhóm từ lõi tối cổ của cả ngôn ngữ Á Đông và Ấn Âu: Bồ Đào Nha [dois], Tây Ban Nha [dos], Pháp [deux], Italian: [due], Latin [duo],  Nga [dva], Hy Lạp [dýo], Malay [dua], Indonesian [dua], Philippine [dalawa], Nepal [du’ī], Hindi [do], Champ Phan Rang [dua], Rhade/Jarai [dua], Bài Loan ngữ (trên đảo Đài Loan) [ɖusa]… Cũng như tiếng Anh dưới ảnh hưởng của biến âm Đ/T để Duo (La Mã) thành Two, Đôi/Đối 對 trong tiếng Quan Thoại Liễu Châu – Quảng Tây hiện đang bảo tồn âm [tɐi24] tương tự như Ôn Châu [tai42], Bình Giang – Hồ Nam [tai5]… cùng rất nhiều biến thể gần gũi như [toi21] trong tiếng Mân Đông – Phúc Châu và Ninh Đức.

Địa chi thứ 12 Hợi 亥 Mân âm và Quảng âm hầu hết đọc như tiếng Hạ Môn là [hai22]. Ngoài ra bát quái thứ hai của Dịch – Đoài 兌 âm Ôn Châu là [tai42], Hỏa 火, số 2 ngũ hành, tức hệ ngũ phân tối cổ âm Hạ Môn là [he53], chữ Nhị 二, tiếng Linh Xuyên – Quế Lâm lại đọc là [tai35]. Sau rốt là chữ Tái 再 mang nghĩa số hai như trong Tái Phạm, Tái Tiếu (đàn bà lấy chồng lần thứ 2), còn sót lại một hai phương âm Khách Gia và Quảng Tây đọc là [tai52].

Những phương âm này tuy nằm rải rác khắp nơi nhưng sự tương đồng đặc biệt về âm trên các khái niệm ít nhiều liên quan đến số 2 đã dẫn, hé lộ dấu vết rõ nét của từ nguyên chỉ số 2 trong tiếng Việt của chúng ta.

Một mắt xích cực kỳ quan trọng chỉ ra tương quan giữa âm chỉ số 2 và âm Đại 大 là các âm Nôm của chữ Hai 𠄩 (chỉ số 2) với 6 cách đọc từ chữ Đài 台 tượng thanh: Hai, Thai, Thay, Thơi, Đài, Đày.

Sự đồng âm tình cờ của Đại 大 trong Đại Huynh, Đại Ca với âm chỉ số 2 của tiếng Việt đã dẫn đến giải pháp dung hòa gọi người con cả là Anh Hai, rồi cứ từ Hai mà đếm tới. Tiếng lóng nam bộ cũng xướng con bài Tây số 2 là con Heo. Đứng về góc độ âm học, Heo chính là Hai do biến âm A/E như Hạ/Hè, Xa/Xe mà thôi.

***

Anh Cả anh Hai, cả hai đều là anh Cả.

Vợ Cả vợ Hai, cả hai đều là vợ cả.

Đến đây thì chúng tôi hy vọng bạn đọc đã hiểu hai câu lắt léo phía trên. Tưởng như đùa vui nhưng đây chắc chắn là giải thích dung dị song đầy đủ hàm ý của tiền nhân, mà ngay cả các từ điển tiếng Việt đồ sộ xưa nay cũng chưa bao giờ làm được.

Chúng tôi tìm ra chữ Cự chính là nhờ đặt câu hỏi tại sao tổ tiên chúng ta gọi là Con Sông chứ ko phải từ gì khác. Cơ bản, Con (Kiển 囝) là lượng từ phổ biến thứ hai trong tiếng Việt, chỉ sau Cái (Cá 個). Con nghĩa gốc là nhỏ, nếu tiếng Bắc Kinh hiện nay gọi con dao nhỏ là Tiểu Đao 小刀 thì tiếng Mân lại diễn đạt như tiếng Việt Nam là Dao Con 刀囝 (đao kiển). Có thể hiểu rằng Con dùng để đặt trước các danh từ đếm được nhưng có kích thước nhỏ như Con Dao, lớn hơn dao là rựa nên chuyển thành Cái Rựa. Tất nhiên cũng tồn tại những ngoại lệ như Con Voi, Con Bò…

Mọi con sông đều rất nhỏ bé so với Biển Cả, nơi tổ tiên người Việt đã phải vượt qua để di cư đến mảnh đất Việt Nam ngày nay. Hành trình ấy đã để lại những dấu vết rất rõ nét và không thể phủ nhận trong ngôn ngữ của chúng ta.

Tóm lại: Để chỉ người con lớn nhất trong gia đình, bạch thoại sông Hồng dùng cổ âm Cả của chữ Cự 巨, bạch thoại trung và nam bộ Việt Nam dùng phương âm [hai] của chữ Đại 大.

Đông Giang 06.01.2021

@T.T.Du

Nguyên lai một số địa danh ở Hà Nội

Leave a comment

Hiện tượng song danh trong tên các vùng đất ở Hà Nội khá phổ biến. Ngoài tên chữ Nho đọc theo Đường âm như Từ Liêm, Đông Ngạc, Diễn, Mễ Trì; còn có tên gọi dân dã kèm theo – được sách vở xưa nay cho là âm Nôm – như Chèm, Vẽ, Nhổn, Kẻ Mẩy.

Đầu tiên phải khẳng định nói tắt hoặc giản xưng địa danh là thực tế thực hành ngôn ngữ có tính phổ quát toàn cầu, tiếng Anh gọi là “short name” hoặc “nickname”. Nói tắt có nhiều mục đích, từ gọn hóa âm tiết cho dễ nhớ đến thể hiện sơ nét đặc điểm lịch sử, văn hóa, thậm chí kinh tế – chính trị riêng biệt của vùng đất. Do vậy nhiều địa danh lớn trên thế giới hầu như không bao giờ chỉ dùng một nickname. Los Angeles sở hữu đến hàng chục tên khác nhau, bắt đầu từ L.A trở đi. Thượng Hải có giản xưng là Hỗ 滬, biệt xưng Thân 申. Các địa danh ở Từ Liêm như Chèm, Vẽ, Nhổn rõ ràng là nói tắt. Nhưng nếu đọc đầy đủ Kẻ Chèm, Kẻ Vẽ, Kẻ Mẩy sẽ giống như tên khác, hơn là giản xưng.

Trong ngữ pháp tiếng Trung hiện nay Cá 個 là lượng từ đặc biệt và phổ biến bậc nhất, dùng được với hầu hết danh từ chỉ người, bộ phận cơ thể, hoa quả, vật dụng, thiên thể, sông hồ, tổ chức, sự kiện, hoạt động, thời gian, thực phẩm, ý tưởng, suy nghĩ… Các phương ngữ Trung Quốc vẫn lưu tồn đủ các âm thông dụng ở Việt Nam: Cửa [kɤ45] (Thái Nguyên) , Gái [gai] (Ngô Việt ngữ – Ngọc Sơn – Giang Tây), Cái [kai42] (Ôn Châu), Cổ [ko445] (Hàng Châu), Củ [ku35] (Thượng Hải), Kẻ [ke53] (Khách Gia), Cây [kei31] (Khách Gia)… Thậm chí ở Dương Sóc – Quảng Tây – người ta đọc chữ Cá 個 là Ná [na24] đầy chất Thái – Mường của tiếp đầu ngữ địa danh. Biến âm K/G còn chỉ ra khả năng Gã/Kẻ trong tiếng Việt thực chất cũng từ chữ Cá.

Cổ và Kẻ, ở nhiều trường hợp – là một, do dùng chữ Cổ 古 giả tá (mượn) hoặc viết nhầm chữ Cá 個 vì đồng âm. Lấy ví dụ Kẻ Giai là tên Nôm của Cổ Trai 古齋, xã Ngũ Đoan, huyện Kiến Thụy, đất tổ nhà Mạc.

Do vậy chúng tôi đã có đủ dữ liệu để kết luận các tiền tố Kẻ/Cổ/Cái/Cửa/Na/Cây trong địa danh Việt Nam chỉ là lượng từ mà thôi. Nó mang tính dân gian cổ đại chất phác và rất tiền sử của ngôn ngữ Á Đông nói chung, rồi phổ dụng trong tiếng Việt, Trung và cả Thái – Mường từ quá khứ đến hiện tại.      

1. Đường Lâm 糖林 (đồn điền mía) hay Đường Lâm 唐林 (China town).

Ở Đường Lâm, Sơn Tây, Hà Nội có chùa Mía, tên chữ là Cam Giá 甘蔗 tức cây mía. Ngoài ra Đường Giá 糖蔗 cũng mang nghĩa cây mía. Mía trong tiếng Việt tương đồng 100% với âm Tây An và Hàng Châu [miəʔ2] của chữ Mật 蜜. Cả ba chữ Cam/Đường/Mật đều mang nghĩa ngọt.

Như vậy khả năng rất lớn ngày xưa khu này được gọi là Đường Lâm 糖林 tức rừng mía, đồn điền mía. Và theo thư tịch cũ Cam Lâm 甘林 cũng mang nghĩa đồn điền mía là địa danh thuộc tổng Cam Giá, huyện Phúc Thọ.

Hậu thế đã gượng ép trên cơ sở đồng âm rồi cho rằng làng cổ Đường Lâm 糖林 (đồn điền mía) chính là Đường Lâm 唐林 (làng người Đường di cư) của Ngô Quyền. Họ dựng cả lăng giả cho Ngô vương rồi thờ cúng rất xôm tụ. Đến đây có thể xác quyết tất cả những gì liên quan đến Ngô Quyền ở cái địa danh mang nghĩa đồn điền mía là mạo dựng.

2. Mễ Trì 米池 – Kẻ Mẩy

Mễ Trì mang nghĩa ao gạo, bể gạo, ý nói đây là vùng đất màu mỡ chuyên canh lúa nước, sản lượng cao. Mẩy là Hán âm khi đọc chữ Mễ mà thôi. Tiếng Ngô Việt ở Ôn Châu hiện đọc chữ Mễ bằng âm Mẩy [mei35], tương đồng tuyệt đối với tiếng Việt. Tiếng Quảng Đông ở Nam Ninh cũng rất sát âm Mẩy [mɐi24].

Mễ Trì nổi tiếng với món Cốm. Người Lào Thái Tày Nùng và cả Khmer đều có loại cốm này. Tiếng Thái là Khao Mao [ข้าวเม่า] mang nghĩa lúa non hoặc mới. Người Trung Quốc dịch ra thành Lục mễ 綠米. Tìm từ cổ tương đương với Lục 綠 chúng tôi thấy chữ Cám 紺. Nếu tra tự điển sẽ ra rất nhiều nghĩa liên quan đến màu sắc. Sách Quảng Nhã thời Ngụy (tức Bác Nhã thời Tùy, đổi tên do kị húy Dạng Đế Dương Quảng) ghi chú Cám là màu Thương Thanh 蒼青 tức xanh lục. Thuyết Văn lại ghi chú đây là màu trắng chuyển xanh đậm có ánh sắc đỏ. Tiếng Việt vĩ đại của chúng tôi đã dùng cả hai nội hàm này, có thay đổi âm và thanh một chút: 1. Xanh lục cho Cốm, tức là nói tắt của Cám Mễ 紺米 chỉ lúa non vỏ còn xanh. 2. Ánh đỏ cho nếp, tức là Nếp Cẩm.

3. Diễn 演 – Nhổn

Diễn 演, nghĩa đen gốc là dòng nước, luồng nước rộng dài, mở rộng, xiển dương. Diễn đã đi vào địa danh trong Cầu Diễn, Kẻ Diễn, Phú Diễn, Phúc Diễn – hiện tiếng Hẹ tại Dương Tây – Quảng Đông đọc là Nhiòn [ȵ iɔn35]. Đây là dấu vết cổ Hán âm của chữ Diễn và khá tương đồng với âm Nhổn trong tiếng Việt.

Thật ra Nhổn/Diễn là hệ quả biến âm Nh/Gi/D/Z của ngôn ngữ Á Đông. Chúng tôi từng đưa ra rất nhiều ví dụ chứng minh: Nhà/Gia家, Dơ (bẩn)/ Như 洳, Giàu/ Nhiêu 饒, Gió/ Nhiễu 繞…

4. Cổ Nhuế 古芮 – Kẻ Noi

Cổ Nhuế 古芮 vốn là tên một tiểu quốc tận thời Nghiêu Thuấn. Tấn Thư ở thế kỷ thứ 7, thời Đường, viết: Cách Ngu thành 40 dặm về phía tây bắc có Nhuế thành. Cách Nhuế thành 20 dặm về hướng tây lại có nước Cổ Nhuế. Cũng xin lưu ý, Hồ Quý Ly đã cải quốc danh Đại Việt thành Đại Ngu 大虞 với niềm tin họ Hồ là hậu duệ Nghiêu – Thuấn và quyết tâm xây dựng đất nước hùng cường, độc lập, tự xưng thiên tử – ngang hàng và bình đẳng với nhà Minh. Có lẽ cái tên Cổ Nhuế hình thành muộn nhất là vào khoảng cuối thời Trần.

Đến đây thì chỉ cần kiến thức chữ Nho sơ đẳng (như tôi) là có thể liên kết Cổ Nhuế với Kẻ Noi được rồi. Nhuế 芮 là âm quan thoại thời Đường, âm gốc của nó nằm trong hợp phần Nội 内. Chữ Nhuế hiện được đọc là Noi/Nui ở rất nhiều ngữ chi Hoa Nam như Mân Việt, Quảng Đông, Khách Gia. Điều này chứng tỏ Noi là âm bạch thoại dân dã trung đại của chữ Nhuế.

5. Từ Liêm 慈廉 và Chèm

Sách Thái Bình Ngự Lãm thời Bắc Tống (977-984) dẫn Giao Châu Ký viết: 交州記 曰: 慈廉江者, 昔有李祖仁居此 , 兄弟十人,并慈孝廉讓, 因此名江. Tạm dịch: Từ Liêm là tên sông, xưa tổ tiên họ Lý cư trú ở đây, có 10 anh em sống với nhau giữ trọn Từ, Hiếu, Liêm, Nhượng – nhân đó lấy đức Từ Liêm mà đặt làm tên sông.

Từ Liêm nói tắt, nói nhanh thì thành Liêm 廉. Âm Nôm còn đọc là Rèm. Thật ra viết đúng phải là Gièm. Và như Giầu/Trầu, Giời/Trời, Gièm sẽ biến âm thành Chèm. Chữ Liêm 廉 còn chỉ miếng gỗ vạt góc làm cái Nêm, cái Chêm. Nếu chưa đủ, thì nhìn thêm vào chữ Liêm 簾 bộ Trúc 竹 chỉ cái rèm cửa, rèm che. 

6. Đông Ngạc 東鄂 – Kẻ Vẽ

Đông Ngạc 東鄂 mang tự nghĩa là vùng biên/ven phía đông. Ngạc quốc là một chư hầu của nhà Thương. Như vậy có thể hiểu đây là chư hầu biên viễn. Đến thời Xuân Thu, theo Thủy Kinh Chú “Hùng Cừ (vị vua thứ 9 nước Sở) phong cho con giữa tên Hồng làm vương đất Ngạc (Ngạc vương – sau khi thôn tính Ngạc quốc), từ đó mà ra địa danh Đông Ngạc”. Thông Điển năm 801 thời Đường, viết trong phần Cổ Kinh Châu “Đông Ngạc là tên cũ của Vũ Xương, do Tôn Quyền cải danh”.  Đông Ngạc ngày nay thuộc thành phố Vũ Hán – Hồ Bắc, đó là lý do Ngạc trở thành giản xưng của tỉnh này.

Chúng tôi thấy Ngạc và Vẽ không có sự liên quan trực tiếp về âm với nhau. Ở mặt tự nghĩa Biên/Ven lại đồng âm với chữ Văn 文. Bằng chứng là ngày nay tiếng Đan Dương – Giang Tô (phương ngữ Ngô Việt) đọc chữ Văn là Vèn [vɛn213]. Tiếng Tây An lại đọc Văn thành Vẽ [vẽ24], chính là đẳng lập Văn Vẻ trong tiếng Việt. Và có lẽ Vè mang ý nghĩa là văn vần dân gian, cũng có từ nguyên Văn 文, tiếng Việt Nam và Khai Hóa – Chiết Giang đọc như nhau [vɛ̃341].

Như vậy nhiều khả năng tiền nhân Đông Ngạc cho rằng xứ sở của mình tuy là vùng ven, nhưng có văn hiến và kỷ cương. Thư tịch còn lưu lại những Lệ Bạ 例薄 (vở ghi lại luật lệ làng xã) ở đây từ thời hậu Lê, chứng minh điều đó. Cũng không thể loại trừ Vẽ là âm Nôm của một cái tên rất cũ, trước khi Đông Ngạc được sử dụng.

***

Bia trên mộ ông Thủ Đức

Trước khi bước vào thời hiện đại, ở Việt Nam đã tồn tại song song hai thứ ngôn ngữ. Văn ngôn cơ bản là tiếng Đường – khúc chiết, sâu sắc, rõ ràng, nhưng khó hiểu với đại chúng. Bạch thoại dân dã chủ yếu lưu giữ cổ Hán âm hay phương ngôn, gần gũi, giản đơn song tùy tiện, đa nghĩa, và lắm khi thô tục. Vì thiếu nhu liệu nên các học giả đã không phân biệt được Hán âm và Đường âm trong tiếng Việt. Việc cho ra đời những thuật ngữ lỏng lẻo và tuyệt đối sai lầm như từ/âm Hán Việt (bản chất là từ/âm Đường) đã dẫn đến hệ quả bóp méo cả lịch sử ngôn ngữ.

 Không nắm được nét đại thể nhưng liều lĩnh, đã dẫn đến việc nhiều nhà kiến giải địa danh bôi tro trát trấu tên tuổi của mình mà không biết. Điển hình như Trương Vĩnh Ký bảo Sài Gòn nghĩa là củi gòn, thực ra đây là Mân âm của hai chữ Nho – Tây Cảng 西港 hoặc Tây Giang 西江, rồi được ký âm thành Tây Cống 西貢. Trần Quốc Vượng vặn vẹo âm Mân Hán – Gièm/Chèm của chữ Liêm 廉 trong Từ Liêm 慈廉, chả ngại xuyên không từ Chiêm Thành đến bịa tạc ra âm t’liem và gán nó cho một chủng người chưa rõ trong quá khứ.

Được học thuật đầy nọc độc của thực dân bơm mớm, cổ vũ, tẩy não, nhiều “nhà nát” điên cuồng thoát Hán bài Hoa, giải thích lung tung và rất vô căn cứ nhiều địa danh lịch sử ở Việt Nam. Có người nhất mực bảo rằng Huế mang âm hưởng tiếng Champa. Chèm và Sài Gòn đều là bạch thoại Việt ngữ gốc Mân Hán, và Huế cũng rứa. Tên chữ Nho đọc theo tiếng Đường của Huế là Thuận Hóa 順化. Hóa 化 có Mân âm là Huế, cũng như Hoa/Huê 花, Hòa/Huề 和.

Sự thật là, tổ tiên người Kinh Việt di cư đến mảnh đất phương nam này với tâm thế là những người thượng đẳng, rất xem thường văn hóa của thổ nhân bản địa, do đó ko bao giờ dùng tiếng địa phương. Chúng tôi tìm hiểu từ nguyên mấy năm nay, chỉ thấy được vài âm Tai Kadai không quan trọng trong 1000 từ vựng cơ bản: Lội, Mới, Làm, Bông, Bể.

Như vậy, về cơ bản, chúng tôi đã xử lý được nguyên lai một số địa danh cổ thuộc Hà Nội. Nó chỉ ra logic hình thành có hệ thống – những tên gọi thuần chất Hán – Đường, từ văn hóa, lịch sử, cho đến ngữ âm. Một số tên như Xuân Tảo – làng Cáo bị xáo trộn rất mạnh, từ Quả Động thành Minh Cảo rồi Minh Tảo, Xuân Tảo. Thiếu thư tịch, chỉ đoán bừa trên âm, chả hạn Cảo/Cáo, sợ sai nhiều hơn đúng.

Kỷ niệm ngày viếng mộ ông Tạ Huy – Thủ Đức

01.01.2021

@T.T.Du

Nhu liệu ngữ âm học chúng tôi sử dụng trong bài viết này:

1. Hán ngữ đa công năng tự khố (漢語多功能字庫) của Đại học Hồng Công chứa đựng khoảng 20 ngữ chi chính, tối đa chuyển tải từ vài âm đến khoảng 60 phương âm trên một chữ Nho.

2. Hán Điển 漢典 – chứa đựng hơn 8 vạn chữ Nho và 20 vạn từ ngữ. Một chữ Nho liệt kê từ vài chục đến gần 400 phương âm trên toàn lãnh thổ Trung Quốc hiện nay.