Trí thức tiến bộ và khách quan ở Mỹ hay dẫn câu “Washington is Hollywood for ugly people” để ngầm nói về khía cạnh xấu xa của chính trị Hoa Kỳ, ngọn cờ đầu “dân chủ – tự do” phương tây. Tuy nhiên đại chúng ít khi được biết đến mặt trái ở các lĩnh vực khác, đặc biệt là với khoa học xã hội và nhân văn.
Suốt gần một thế kỷ rưỡi nay, học thuật phương tây đã lũng đoạn một cách có bài bản và hệ thống, đối với Việt ngữ nói riêng và Á Đông ngữ nói chung. Ẩn dưới các mỹ từ mô phạm và kinh viện, các “học giả” đã bóp méo tất cả, từ nguồn gốc cho đến lịch sử diễn tiến ngôn ngữ của chúng ta. Họ in sách, truyền bá những điều nhảm nhí khắp nơi, đã đầu độc biết bao thế hệ người Việt.
GẠO – tây phịa đằng tây.
Chúng tôi thấy rằng âm [gạo] được wiktionary truy xuất rất nực cười như trong hình dưới đây.

Thật ra Giạo/Giảo mà biến âm cận đại của nó là Gạo mới là âm mẹ của tất cả ngôn ngữ Á Đông. Do vậy, chúng tôi đã tìm và email trực tiếp đến Laurent Sagart, tác giả được wiktionary trích dẫn. Mục đích đầu tiên ở đây là để kiểm nghiệm liêm sỉ và liêm chính của một trong các tên tuổi đầu ngành, có nghiên cứu tiếng Việt và còn sống. Với sự giúp đỡ rất tiện lợi và hoàn toàn miễn phí của google translate, chúng tôi đã soạn ra một lá thư nhỏ, chuyển tải nghiên cứu của mình về nguyên gốc của âm [gạo].


Xin bạn đọc cũng lưu ý, phần giải thích bằng tiếng Việt vốn đầy đủ và phức tạp hơn bản tiếng Anh rất nhiều. Chúng tôi đã cố gắng giản lược, chỉ nêu chủ điểm, để phù hợp với trình độ Việt ngữ chắc chắn là cực kì hạn chế của các “học giả” tây nói chung. Tất nhiên, từ lâu chúng tôi đã loại trừ việc gửi kết quả nghiên cứu của mình cho bất cứ người bản xứ nào trong ngành. Căn tính nô lệ và niềm tin vào tây không cần kiểm chứng của họ thật sự là không có thuốc chữa.
Nội dung gốc – tra xét từ nguyên của GẠO
“Đầu tiên chúng tôi xin dẫn một ví dụ mà mọi người đều công nhận. Âm Dao trong tiếng Việt có gốc từ chữ Đao 刀 (thật ra Dao là cổ âm của Đao). Tôi coi ngôn ngữ cũng là toán học, do đó ở một số trường hợp nhất định D = Đ (tôi có thể liệt kê rất nhiều ví dụ, nhưng xin để sau). Như vậy ở một thời điểm nào đó trong lịch sử người Việt đã đọc chữ Đạo 稻 là Dạo.
Thứ nhì là chữ Yểu 舀, tiếng Bắc Kinh hiện nay đọc là [yǎo]. Đây chính là cái gáo múc nước trong tiếng Việt.
Từ đây tôi quay ngược đến chữ Đạo 稻 mà rõ ràng tự hình khẳng định bộ Hòa 禾 chỉ nghĩa, chữ Yểu 舀 chỉ âm. Nếu Yểu 舀 đã thành [gáo] thì rõ ràng [gạo] cùng gốc rễ với Đạo 稻.
Chưa hết, cùng đọc bằng âm yểu còn có chữ Đạo 蹈 là gốc của âm Dạo (đi dạo) và Dảo (ký âm sai thành rảo trong rảo bước). Bộ Túc 足 ở đây chỉ cái chân. Người Việt viết “rảo bước” nhưng miền bắc đọc là “giảo bước” còn miền nam lại thành “gảo bước”. Các trường hợp tương tự như (cá) rô -> giô/gô, cái rổ -> giổ/gổ, Để/Đế 柢 (rễ) -> giễ/gễ, … Vẫn có những từ hai miền đọc như nhau: Giá 嫁 -> gả/gá, Đại 汏 -> dáy (trong rửa ráy).
Nói cách khác [gạo] trong tiếng Việt là biến thể của âm trung đại [yǎo] và nhiều khả năng [yǎo] là Hán âm vì Đạo là Đường âm”.
Cuối cùng thì ngài tiến sĩ Laurent Sagart, nhà nghiên cứu Á Đông ngữ cấp cao ở phương tây đã vội vàng chạy trốn. Trước khi chui đầu xuống cát, ngài thẽ thọt: “Forgive me if I cannot continue this conversation further, due to lack of time, for which I apologize”.

Nỗ lực chống đỡ với sự thật của ngài lại càng làm lộ rõ ngài cực dốt tiếng/chữ Hoa, chứ không riêng tiếng Việt: “I think the weak point in your idea is that 舀 has become [gáo] in Vietnamese. 舀 is a verb, it means ‘to scoop’, not ‘a ladle’, and it applies specifically to scooping grain from a mortar (not liquids). The Old Chinese initial of both 舀 and 稻 is considered by many scholars today to have been *l-; and I am not aware of examples where OC *l- is treated as g- in Vietnamese”.
Tất nhiên là tôi dừng lại, chả cần dây dưa thêm với ngài một phút giây nào nữa. Dạy ngài thêm bất cứ thứ gì đều thừa thãi và vô ích. Chữ Yểu 舀 thật ra kí âm đúng phải là Giểu, tìm hình ảnh Giểu Tử 舀子 bằng google image sẽ thấy đây chính là cái gáo. Động từ Giểu 舀, chỉ cần thêm chữ Tử 子 là thành danh từ mà “học giả” không biết thì rất lạ!
CƠM – ta bịa đằng ta.
Cám là phần vỏ mềm của hạt gạo rơi ra khi xay hoặc giã. Chữ là Hàm 函 , phương ngữ Hán Mân trung đại thường thêm [k] vào như [xam22] (đọc gần như Kham – Ninh Đức, Phúc Kiến). Hậu âm của nó sẽ mất [h] để trở thành Cám (Việt Nam ngữ) hay [kam12] (Mân ngữ ở Bình Nam, Quảng Tây).
Cốm tiếng Thái là Khao Mao [ข้าวเม่า] mang nghĩa lúa non. Người Lào Thái Tày Nùng và cả Khmer đều có cốm. Người Trung Quốc dịch ra thành Lục mễ 綠米. Tìm từ cổ tương đương với Lục 綠 chúng tôi thấy chữ Cám 紺. Nếu tra tự điển sẽ ra rất nhiều nghĩa liên quan đến màu sắc. Sách Quảng Nhã thời Ngụy (tức Bác Nhã thời Tùy, đổi tên do kị húy Dạng Đế Dương Quảng) ghi chú Cám là màu Thương Thanh 蒼青 tức xanh lục. Thuyết Văn lại ghi chú đây là màu trắng chuyển xanh đậm có ánh sắc đỏ. Tiếng Việt đã dùng cả hai nội hàm này, có thay đổi âm và thanh một chút: Xanh lục cho Cốm, tức là nói tắt của Cám Mễ 紺米 chỉ lúa non vỏ còn xanh. Ánh đỏ cho nếp, tức là Nếp Cẩm.
Hình chụp từ điển trực tuyến của một tiến sĩ – nhà giáo Hán Nôm ở trên có 3 cái sai. Một là hai chữ Cam/Cơm 粓/𩚵 này có ghi rõ ràng trong Khang Hi Tự Điển và trước đó là sách Tập Vận 集韻 xuất bản vào thời Tống năm 1037. Các sách ấy đều chú rằng hai chữ này tương đồng, nghĩa chính chỉ thức ăn, tức Nhĩ 餌. Dùng thức ăn mà dụ, tiếng Việt gọi là Nhử/Giử cũng từ Nhĩ 餌 mà ra, tiếng Mân Triều Châu hiện đọc là Giừ, tiếng Ngô ở Ôn Châu đọc y như một số phương ngữ Việt là Giử [zɿ35].
Hai là so sánh đối ứng 6 thổ ngữ của tác giả “NV Tài 2005: 202” nào đó đến đây vô nghĩa.
Ba là việc các tự điển cổ Trung Quốc xác định hai chữ này chỉ thức ăn nói chung, đã chứng tỏ tiến sĩ kia hiểu sai hoàn toàn nghĩa gốc của cơm khi chú “thức ăn do gạo nấu chín”. Các phần cùi hay thịt của trái cây ăn được, đều được gọi là cơm như cơm dừa (cùi dừa), quả vải dày cơm mỏng vỏ nhỏ hạt… Từ điển tiếng Việt của Trung tâm từ điển ngôn ngữ Hà Nội – 1992, trang 226 – may mắn còn ghi rõ một trong những nghĩa của cơm là “Những thức làm thành một bữa ăn (nói tổng quát)”.
Tiến sĩ nhốt mình trong phòng quạt máy, thiếu trải nghiệm ngôn ngữ đại chúng, lười tra tự điển nên không biết rằng thành phần chủ yếu trong bữa ăn người Việt là cơm gạo, lâu dần giản xưng thành cơm khiến nhiều người từng nhầm tưởng.
Từ đây chúng ta lại thấy rằng quan niệm xưa nay về chữ Nôm trong học giới Việt Nam đã xuất hiện vấn đề cốt tử. Rất nhiều chữ được cho là chữ Nôm, mang âm Nôm lại là các chữ Hán cổ với các nghĩa hiếm mang tính địa phương, vùng miền, mà chủ yếu là ở Hoa Nam. Trước mắt, tôi chân thành khuyên những người liên quan sử dụng Hán Điển online mỗi khi tra cứu bất cứ chữ Nôm nào. Rất dễ dàng xác định nơi con chữ được sáng tạo ra chỉ sau 30 giây.
Kết luận
Chúng tôi đã phơi bày cùng quí vị hiện trạng đáng buồn trong học giới hàn lâm. Tiến sĩ tây thì bịa đặt, khi được gửi nhu liệu phản biện mang tính xây dựng thì trốn chui trốn nhủi, tránh né rất hèn nhát. Tiến sĩ ta lại chả thông tiếng Việt, nghiên cứu nửa vời xuê xoa, làm cho có. Thứ ngôn ngữ đáng quí mà cha ông truyền lại cho chúng ta đang đứng trước một vấn nạn cần báo động: vừa mai một từng giây từng phút dưới hệ thống kí âm chưa chuẩn, vừa bị hiểu sai gốc rễ bởi sự xuyên tạc của thứ “giả học thuật” ngoại lai hàng thế kỷ nay.
Tây dốt và yếu tiếng ta là chuyện rõ như ban ngày, nhưng chúng tôi không hiểu nổi tại sao nhiều đồng bào mình vẫn thờ tây và có khi còn yêu cầu chúng tôi “trình” những khám phá độc quyền của mình cho tây duyệt! Bài viết này là sự trả lời dứt khoát nhưng không hề khép lại mọi cánh cửa. Chúng tôi sẵn sàng hợp tác hoặc đối chất với bất cứ ai có tinh thần cầu thị, trên bất cứ từ nguyên nào xưa nay vẫn ngộ nhận là gốc Mon Khmer hay Austroasiatic. Trong tổng số khoảng 6000 độc âm trơn, chưa kể thanh của Việt ngữ, chúng tôi đã khai mở xuất xứ được 1500 âm với khả năng chính xác trên 80%. Tổ tiên chúng ta rõ ràng đã dùng bạch thoại Hán Đường Mân nhưng phần lõi của nó lại liên quan mật thiết với tiếng Austronesian cổ đại miền duyên hải phía nam hạ lưu sông Dương Tử.
Từ chối trách nhiệm – Disclaimer: Chúng tôi tuyến bố từ chối mọi trách nhiệm đạo đức và liêm chính khi công bố những email của ông Laurent Sagart mà không hỏi trước, bởi vấn đề chúng đề cặp liên quan đến sai lầm của ông và các học giả phương tây nói chung, khi mạo phạm Việt ngữ bằng sự hiểu biết cực kỳ nghèo nàn về nó – cộng với tư duy áp đặt thực dân rất đáng xấu hổ.
Thạch Viên – Nhơn Trạch
28.5.2021 @Trương Thái Du
Leave a Reply