Chữ Tiết/Tết 節 có rất nhiều nghĩa. Trong thư tịch Á Đông, Tiết Nhật 節日 chỉ lễ hội (festival) bắt đầu thấy vào thời Đường ở sách Thông Điển (năm 801) rồi phổ dụng suốt các thời đại sau đó. Bạch thoại Việt ngữ đã giữ từ ghép này để dùng đến tận ngày nay, chỉ thay đổi thanh một chút xíu cho thuận tai: TẾT NHẤT.
Âm TẾT không hề là cách đọc chữ Nho riêng của người Việt Nam như một số anh hề me Tây thoát Hán bẻ cong sự thật vẫn tuyên truyền nhảm. Nó được ghi rõ ràng trong tự điển Thuyết Văn Giải Tự thời Hán: Tử Kết Thiết 子結切 = TẾT!
***
Mừng tết cổ truyền Nhâm Dần 2022, chúng tôi tin rằng không có gì ý nghĩa hơn, bằng việc chính thức công bố một phát hiện mang tầm lịch sử và văn hóa nhân loại: Bộ số đếm tự nhiên gồm 10 con số từ 0 đến 9 của của người Việt Nam hiện tại chứa đựng ít nhất 4 âm khớp với tên và giá trị nhị phân của các quẻ Chu Dịch như bảng sau:

Không – Một – Vài – Bảy – Tám vốn là âm bạch thoại dân dã, song song với văn ngôn triều đình Linh – Nhất – Nhị – Thất – Bát. Chỉ đến thời hiện đại, người Việt mới dung hòa bạch thoại và văn ngôn để hoàn thiện một ngôn ngữ quốc gia thống nhất và chính thức. Điều tương tự cũng đã diễn ra ở Trung Quốc.
Việc 4 âm bạch thoại này chỉ đúng giá trị nhị phân của quẻ Chu dịch khoảng 3000 tuổi, sẽ đưa tiếng Việt lên tầm vóc rất cao, nếu không muốn nói là vĩ đại, trong đại gia đình ngôn ngữ hoàn cầu. Người đọc có thể đặt nghi vấn ở một số chi tiết nhưng 4 âm này may mắn tạo thành một hệ thống chặt chẽ và liên tục, không thể phá vỡ. Sự khá tương đồng của âm chỉ số 2 và 7 còn chỉ ra dấu vết đơn âm hóa hệ ngũ phân cổ xưa như được biểu diễn trong số La Mã II và VII (5+2). Cổ nhân đã đọc chệch để khỏi nhầm lẫn Vài/Bảy hoặc đổi thanh trong Đường âm Bỉ và Bĩ.
Đến đây chúng ta lại thấy rằng khi người La Mã cổ đại còn đánh vật với hệ ngũ phân (nguồn gốc bộ lạc lạc hậu của 5 ngón tay trên một bàn tay), thì tổ tiên của người Việt (khi đó còn ở lãnh thổ Trung Quốc ngày nay) đã dùng nhị phân và số 0 hàng ngàn năm!
Đầu thế kỷ 20, khi từ chối tài trợ cho một số đề tài liên quan, quỹ Rockefeller nổi tiếng ở Mỹ nhận định: “Các ngành nhân văn, khoa học xã hội và nghệ thuật là những lĩnh vực quá chủ quan và chứa đầy nguy cơ chính trị” (Xem sách John D. Rockefeller của Ron Chernow). Đấy là chuyện ở Hoa Kỳ. Nhìn qua Á Đông hoặc toàn thể nhân loại, chủ nghĩa thực dân đê hèn cùng thuyết Âu tâm kết hợp hài hòa với các mưu đồ chính trị của những kẻ “biết tuốt” ngu xuẩn, đã bóp méo tất cả sự thật và gieo rắc biết bao tín điều tuyệt đối hoang đường về nền tảng văn minh của chúng ta.
Nhị phân là một bộ số tưởng chừng rất cao siêu nhưng hình như lại có gốc rễ cực kì thuần phác. Khi còn là những bầy người, tiền nhân tư duy rất chậm chạp và giới hạn, họ chỉ dùng số 1 và 2 để đếm. Các số lớn hơn 2 được thực hành như một bài toán mẫu giáo hiện đại. Chẳng hạn phương ngữ Kalaw Lagaw Ya trên các đảo biệt lập ở eo biển Torres giữa Papua New Guinea và Australia chỉ có số 1 [madhabaig] và 2 [ùka]. Số 3 là [2-1] (ùkamadhabaig), số 4 là [2-2] (ùkaùka)… Lấy ví dụ số 7 được biểu diễn bằng nhị phân 3 bit hiện đại là [111] = (1×22) + (1×21) + (1×20), về bản chất có sự tương đồng rất cao với logic của người cổ đại.

Ông Bà, Ông Vải là gì?
Trên bàn thờ của người Á Đông Nho quyển theo Đạo giáo thường thờ Cha/Mẹ, Ông Bà (tổ phụ) và Ông Vải (Tị Tổ 鼻祖) là người bắt đầu một nhánh dòng họ địa phương. Chữ Tị 鼻 này tôi đã phân tích nhiều lần. Cổ Hán âm của nó chính là Vòi. Tị Ẩm chính là uống bằng vòi, ngầm chỉ sinh hoạt xô bồ ở các bộ lạc chậm tiến.
Không riêng gì người Việt Nam, tiếng Việt Nam còn lưu tồn âm Vải của chữ Tị 鼻, Việt Đông (Quảng Đông) ngữ ở Hạc Sơn và Khai Bình hiện nay vẫn đọc là [vai32] và [vei31]. Còn tại sao chỉ thờ Ông Vải mà không có Bà Vải, thì có lẽ do đặc tính của chế độ phụ hệ và đa thê xa xưa, mỗi chi họ sẽ có một Bà Vải khác nhau, không tiện và không cần nêu ra hết.
Dần và Hổ
Sắp tới là năm Dần 寅, tượng con Hổ 虎. Đây là loài thú được người Á Đông kính sợ, nên ở Trung Quốc gọi là Lão Hổ, còn Việt Nam tôn thành Ông Hổ, do vận dụng từ ghép Lão Ông 老翁 hay Ông Lão 翁老.
Vào thời nhà Hạ, Hạ lịch dùng Dần 寅 làm tháng 1 mở đầu hàng năm. Chúng ta phải hiểu rằng nội hàm Hạ chỉ những gì cổ xưa chỉ còn trong truyền thuyết và được truyền miệng rồi dùng văn tự ghi lại vào đời Chu, Tần và Hán. Ngoài ra các sách Quảng Vận và Tập Vận còn ghi nhận âm Di của chữ Dần 寅. Hiện tiếng Tamang dòng Hán Tạng ở Nepan gọi con hổ là [tsjan]. Đây rõ ràng là liên kết ngữ âm chỉ ra quan hệ chi Dần và con Hổ 虎. Âm Khái chỉ con Hổ ở miền Trung Việt Nam cũng chỉ có thể làm sáng tỏ bởi âm Hán Tạng [khai53] Kayan – Karen và [khaila] Tsangla – Bodic.
Nhiều người Việt ngày nay không biết rằng tuy Hùm cũng là Hổ nhưng là con Hổ Trắng, chữ Hàm 甝, được sách Nhĩ Nhã cuối thời Tần đầu Hán ghi chép rõ ràng. Con Hùm là hộ thần của Đạo giáo Á Đông cho nên rất nhiều đền miếu Việt Nam còn đắp tượng hay phù điêu Bạch Hổ.
“Ăn như Hạm” đồng nghĩa với “Ăn như Hùm như Beo”. Hạm có lẽ từ Hùm mà ra và Beo cũng là Hổ nốt, chữ Bưu 彪. Con Báo 豹 cũng còn đọc là Beo. Sự đồng âm thú vị này không hề vô tình vì trong nhiều ngữ chi Hán Tạng ở vùng Hymalaya, Hổ và Báo được dùng chung một âm duy nhất. Ông Kễnh là ông Hổ, chữ Kính 獍 chỉ loài ác thú hình dạng Hổ vừa được sinh ra liền ăn thịt mẹ. Tiếng Hổ gầm được viết bằng chữ Khám 闞. Chằn/Chằng trong “Chằn ăn Trăn quấn” hoàn toàn có thể là từ chữ Trành 倀 chỉ con hổ thành tinh vì bị hồn người mà nó ăn thịt nhập vào đưa về xóm làng cũ để tiếp tục kiếm mồi. Dần 寅 là chi thứ 3 trong 12 địa chi và biệt danh “Ông ba mươi” chắc chắn là phóng dụ vậy.
Cọp 䖎 là một chữ Nho cổ rất ít được dùng trong thư tịch Nho học và đã mất dấu khỏi các sách vở Việt Nam, nơi âm Cọp vẫn được dùng, thậm chí còn nhiều hơn âm Hổ tại miền Trung và Nam. Sách xuất bản trong triều Liêu (916-1125), Tống (960 – 1279) và Khang Hy tự điển đời Thanh đã chép lại từ sách Ngọc Thiên 玉篇 năm 543 (triều Lương): [䖎 – 音狎. 虎也 – Đọc như chữ Hiệp 狎. Mang nghĩa con Hổ]. Tiếng Khách Gia ở Mai Huyện hiện đọc chữ Hiệp này là gần Cọp nhất [kap1].
Dưa Hấu – Hồ Qua 胡瓜
Dưa mà viết đúng bạch thoại sông Hồng phải là Giưa, hiện hầu như không còn dấu vết ở các phương ngữ Trung Quốc đã được Hán Điển online ghi nhận. Do vậy chúng tôi phải suy luận từ Cua và Giải (hoặc rất nhiều ví dụ khác, như Giao/Keo…). Tiếng Việt và phương ngôn huyện Dương Sóc, Quế Lâm (cách Hà Nội 660km theo đường chim bay) đều đọc chữ Giải 蟹 (chỉ con cua) là Cua/Kua. Rõ ràng Giưa chính là cổ âm của Qua 瓜.
Lĩnh Nam Chích Quái gọi dưa hấu là Tây Qua 西瓜. Như vậy văn ngôn Đại Việt và Trung Hoa thông nối với nhau, vì tại sách vở phương bắc từ Ngũ Đại ở TK thứ 10 trở đi, rất nhiều lần Tây Qua được nhắc đến. Khảo cổ vào năm 1980 từng xuất lộ hạt dưa hấu trong một mộ Hán thời Tuyên Đế (71 BC) ở Giang Tô. Như vậy nhiều khả năng dưa hấu đến Á Đông từ tận thời Hán, thông qua con đường tơ lụa.
Rất nhiều thứ du nhập vào Á Đông từ Tây Á được gắn với hoặc định nghĩa với chữ Hồ 胡, như Hồ Cầm 胡琴 là đàn của người Hồ, Hồ Đào 胡桃, Hồ Tiêu 胡椒, Hồ Di 胡夷 tức Rợ Hồ, Hồ Tu 胡鬚 là bộ râu quai nón rậm rạp rất đặc biệt của người Hồ…
Căn cứ vào phát âm Mân Nam phổ biến nhất trong hiện tại của chữ Hồ 胡 là [hou55], thì đã thấy mười mươi Dưa Hấu chính là Hồ Qua 胡瓜. Người Trung Quốc hiện nay không dùng Hồ Qua 胡瓜 chỉ dưa hấu, đơn giản là vì họ đã dùng nó chỉ thứ dưa khác cũng từ xứ Hồ. Đó là Dưa Chuột vậy. Hơn nữa từ nhà Tùy trở đi, nhiều lần chữ Hồ 胡 đã bị kị húy vì nguồn gốc Tây Vực của một số hoàng đế. Việc nó vẫn lưu hành ở Hoa Nam xa xôi là dễ hiểu.
Nam nhưng không Man
Ngày 20.9.1989, cách bờ nam Dương Tử 200km, thuộc trung bộ tỉnh Giang Tây (giữa Hồ Nam và Phúc Kiến), trong khi lấy cát từ các cồn nhỏ để gia cố đê sông Cám, người dân huyện Tân Can đã phát hiện một khu mộ hơn 3000 tuổi thuộc về một nền văn minh bí ẩn. Trong hàng ngàn di vật quí giá phát lộ sau đó, có ba món đúc bằng đồng mà kích thước và độ tinh xảo của nó được xác định lớn nhất và đẹp nhất so với bất cứ thứ gì cùng loại và cùng thời còn tồn tại trên khắp thế giới: Chõ đun nấu (cao 105cm, nặng 78.5kg), đỉnh vuông (cao 95cm, nặng 49kg) và tượng hổ phục hai đuôi (hình – dài 53.5cm, cao 25.5 và ngang 13cm, nặng 6.2kg).
Các nhà khảo cổ học Trung Quốc choáng váng. Thì ra cái gọi là phương nam man mọi (Nam Man) trong thư tịch Chu – Tần – Hán chỉ mang ý nghĩa tuyên truyền và chính trị. Dòng Dương Tử đã từng nuôi nấng và rồi hủy hoại một nền văn minh xán lạn, không hề thua kém Ân Thương, triều đại ở giữa Tam Đại – Hạ Thương Chu rực rỡ.
Đêm trừ tịch tết con cọp, mong lắm người Kinh Việt hãy ngắm tượng hổ này, rồi nhớ lại huyền sử Âu Cơ – Lạc Long quân cũng như địa bàn Ngô Việt của câu chuyện mà cha ông mình từng mô tả. Nó ở bờ nam Trường Giang, chứ không phải giữa các tổ mối trên mạn Tây – Tây Bắc – Tày Thái Mường hay thậm chí hoang đường chỉ về phía Tây Nam – Mon Khmer của các chú hồng mao biết tuốt.
Tiếng Việt Mân
Con người có tổ có tông
Như cây có cội như sông có nguồn
Năm 2021 chúng tôi đã khám phá toàn bộ những âm/từ quan trọng trong Việt ngữ đều có gốc Hán Mân, từ dưa hấu cho đến (cá) lóc, không, một, vài, bảy, sáu, chục, mười… Nhưng quan trọng nhất vẫn là tìm ra các qui luật nhất quán để xác định chúng. Một trong số đó là đặc điểm phát âm vần [an] trong tiếng Mân Bắc và Mân Trung thành [ui] ở nhiều trường hợp. Nó cho ta thấy AN ỦI hoàn toàn có thể là song âm Hán Mân đồng nguyên, dù An Úy 安慰 trong tiếng Mân cũng có nơi đọc gần như An Ủi. Qui luật này soi chiếu và khai mở một số lượng âm lõi Việt Mân rất quan trọng: Loan 巒/Núi, Văn 蚊/Muỗi, Vân 云/Mây, Vạn萬/Muôn/Mười, Văn 聞/Mũi/Ngửi, Vận 運/May, Căn 根/Cội…
Cội Rễ là âm Việt Mân của Căn Để 根柢
Cội là bạch thoại sông Hồng, tương đồng tuyệt đối với tiếng Mân Trung ở Sa huyện, Tam Minh thị, Phúc Kiến khi đọc chữ Căn 根 [kɔɪ̃33]. Đây có lẽ là phương âm Hán vì ở Phố thành và Ninh Hóa, Phúc Kiến; Quế Lâm, Quảng Tây cũng đọc gần như thế [kẽi35], [kɛ̃i33] và [kai13]. Nguồn cội tương đương với gốc gác. Gốc Gác là đẳng lập đồng nguyên từ chữ Cước 腳 với nghĩa đen là chân. Do vậy Căn Cước 根腳 mới phải ghi đủ tên cha mẹ, quê quán của mỗi người.
Đây tiếp tục là hệ quả biến vận của [an]/[ui/oi/ai]. Cũng ở Sa huyện, Tam Minh thị, Phúc Kiến, chữ Mân 閩 trong biệt xưng tỉnh Phúc Kiến và chữ Man 蠻 (trong dã man) đồng âm [mɔɪ̃31] (đọc như Mòi). Man, Mán, Mọi là những từ miệt thị các dân tộc thiểu số của dân Việt Mân. Tuy nhiên Mọi trong Mọi Người lại xuất phát từ chữ Mẫn 民 (cách đọc phổ biến của người Việt Nam là Dân, các sách Đường Tống chú “Mi lân thiết, âm Mẫn 彌鄰切, 音泯”).
Biển, Mặn và Muối
Ngôn ngữ biểu thị nhận thức chung về thế giới muôn màu muôn vẻ xung quanh một cộng đồng, một dân tộc từ buổi bình minh của lịch sử. Truy cứu ngôn ngữ sẽ cho ta biết dân tộc sử dụng ngôn ngữ nào đó có là chủ thể sáng tạo chính ngôn ngữ ấy không. Có những nhóm âm/từ lõi liên kết nhân quả và tuyến tính với thời gian như Moon và Month: những bầy người nguyên thủy nhận ra mặt trăng đầu tiên. Sau đó trải qua quá trình có thể là hàng ngàn năm họ mới biết được một chu kì trăng tròn khuyết là hơn 29 ngày. Từ đó khái niệm Month ra đời. Tương tự như vậy là quan hệ Sea/Salt.
Nghĩa là nếu tôi chứng minh được Biển sinh ra Mặn và cuối cùng là Muối, thì rõ ràng tổ tiên người Việt Nam là chủ thể của Việt Mân ngữ, chúng có khoảng cách nhất định với nội hàm tương đương ở Trung Nguyên [Lỗ/Lõm 鹵 (chỉ muối mỏ hay đất mặn)/ Giảm 鹹 (mặn)/ Diêm 鹽 (muối)]. Mất 4 năm chúng tôi mới tìm ra quan hệ Minh 溟 (Biển/Bể) với Mặn/Mặng (Mặn Mòi) và Múi/Muối.
Thật vậy, chữ Minh 溟 mang nghĩa Biển hiện vẫn được tiếng Mân Bình Nam, Quý Cảng thị, Quảng Tây đọc như giọng Nam Bộ Việt Nam [biɛŋ12]. Trong khi đó tiếng Mân Nam ở Chương Châu thị, Phúc Kiến phát âm thành [bɛ̃13]. Hầu hết các nhánh Mân ngữ khác đọc chữ Minh thành [maŋ]. Đúng qui luật như Mận/Mai/Mơ, Man/Mọi, An/Ủi… Tiếng Mân Trung ở Sa huyện đọc là [b/m_uɪ̃31].
Như vậy rõ ràng giọng Nam Bộ Việt Nam trong cụm Biểng/Mặng/Múi có vẻ bảo tồn Mân âm đầy đủ hơn cả. Biển/Bể/Mặn/Muối giọng Bắc đã trải qua quá trình khinh hóa nhất định. Dù sao đi nữa cha ông người Việt gốc Mân vẫn còn để lại cặp đẳng lập rất quí giá cho chúng tôi và các thế hệ sau tra cứu: Mặn Mòi và Mặn Mà. Đây là các song âm đồng nguyên, Mòi và Mà cũng là Mặn mà thôi.
Ngôn ngữ, Khảo cổ và Di truyền sẽ là những bệ đỡ giúp các thế hệ tương lai của người Kinh Việt nhận lại tổ tiên đã bị xuyên tạc của mình. Bản đồ biểu thị sự tương đồng của Việt âm với các phương âm Trung Hoa sẽ vẽ lại quá trình di cư: Ngô Việt (Giang Chiết) -> Mân Bắc/Trung/Nam (Mân Việt, Phúc Kiến) -> Việt Nam. Chúng tôi đã có đủ dữ liệu trong bản thảo quyển sách mới để đề xuất tên gọi tiếng Việt Mân cho Việt Nam ngữ từ hôm nay!
Cát Lái, tháng 1.2022
@Trương Thái Du
Recent Comments