Việt Nam is Southern Land or The Origin of the word Vietnam

—————————–

Lưu ý: Nghiên cứu tự nghĩa Việt đã được chúng tôi cập nhật. Nó có nghĩa là NƯỚC chứ không phải ĐẤT như nội dung ở đây. Chúng tôi vẫn giữ lại toàn văn bài khảo cứu cũ bởi nó ghi nhận quá trình tư duy và vận động để tìm đến sự thật.

—————————–

Từ đẳng lập là một hiện tượng đặc biệt thú vị trong ngôn ngữ. Nó là dấu vết hòa nhập của những nhóm người, bộ lạc, dân tộc… Với tiếng Hán, nó là bằng chứng cụ thể và khó bác bỏ của quá trình phát triển ngôn ngữ cũng như thôn tính lãnh thổ và thực dân. Bằng việc khảo sát các từ đẳng lập, chúng tôi sẽ lần đầu tiên nêu ra tự nghĩa một cách xác đáng nhất của từ Việt越 trong quốc danh Việt Nam cũng như dọc 3000 năm Hán sử.

Tại Trung Quốc, giáp cốt văn thời Thương Ân dùng từ Vực或 để mô tả cương vực, khái niệm quốc gia. Nó ghép bởi chữ Qua戈 là một thứ vũ khí và một hình tròn nhỏ bên cạnh tượng trưng cho chữ Khu 區 chỉ một vùng đất. Ý nghĩa của nó là mảnh đất này có chủ. Chậm nhất là ở thời Tây Chu, quốc gia biểu thị bằng chữ Quốc 國, lúc này cương vực (chữ Vực 或) đã có tường thành (chữ Vi囗) bao quanh. Chu Lễ còn viết: Nước lớn gọi là Bang, nước nhỏ là Quốc. Từ một vùng Đất hiền hòa đến Vực có vũ khí thô sơ đảm bảo chủ quyền, qua Quốc có hộ thành và quân đội, cuối cùng là Bang có chư hầu; ngôn ngữ Trung Quốc đã qua bốn bậc phát triển, hay cũng có thể nói là bốn bậc văn minh. Từ Tần Thủy Hoàng trở đi, chữ Quốc ở bậc thứ ba được dùng cho tới ngày nay.

guo

Ảnh: Giáp cốt văn đời Thương mô tả quốc gia là chữ Vực.

Hán ngữ có từ ghép đẳng lập Khu Vực區域 để chỉ một vùng đất và hiện nay nó vẫn còn tồn tại như một hóa thạch ở Việt Nam, không gian biên viễn của Hán ngữ cổ đại. Khu 區 trong bốc từ (lời giải bói toán) thời Thương mô tả một vùng đất. Chẳng hạn 王其狩區 vương kì thú khu là vùng đất đi săn của vua. Đặc biệt, theo sách “Vạn tính thống phổ” thời Minh, họ Khu區 cũng là họ Âu歐 trong Hoa ngữ thời Chiến Quốc. Ở Sử Ký và Hán Thư (Hung Nô liệt truyện và Tô Vũ truyện), đất Âu Thoát甌脫 còn được viết Khu Thoát 區脫. Nghĩa là Khu 區 đồng nghĩa hoặc đồng âm, hoặc cả hai với Âu 甌, chỉ lãnh thổ của một dân tộc thiểu số ngoài biên cảnh, chậm nhất là ở thời điểm ra đời của Hán Thư, kỷ Tây Hán.

Vì tính chất đa trung tâm của văn minh Hoa Hạ, ngoài Quốc國, chữ Hán còn dùng Ấp 邑 với ý nghĩa tương đồng. Ấp bao gồm chữ Vi chỉ tường thành phía trên, dưới là hình nhân quỳ gối , ban đầu mô tả một khu vực tụ cư của dân chúng. Kim văn trên một vò rượu thời Thương còn ghi “大邑商 – Đại Ấp Thương” chính là chỉ Thương Quốc.

yuewang2

Ảnh: Các hình thức chữ Ấp.

Kinh Đô nhà Thương ở bờ nam Hoàng hà, do đó có lẽ Vực 或 mang âm của các bộ tộc Hoàng hà nói về vùng đất, lãnh thổ hay khái niệm tiền quốc gia. Âu 甌 và Khu 區 nhiều khả năng là Hoa ngữ ký âm nội hàm tương đương với Vực 或, tức vùng đất, lãnh thổ hay khái niệm tiền quốc gia của các bộ tộc kém phát triển hơn ở hai bờ bắc và nam Dương tử. Khi chuyển qua hình thái bộ lạc, có thể họ đã nhất loạt dùng tiền tố Âu hay Khu đứng trước tên riêng. Âu và Khu vốn mang nghĩa gốc là vùng đất nhưng đã được trừu tượng hóa thành khái niệm tiền quốc gia. Khi quyền lực được thống nhất, thủ lĩnh bộ lạc mạnh nhất trở thành lãnh tụ của hình thái nhà nước quân chủ, Âu và Khu trở thành quốc danh, ít nhất là ở khía cạnh đối ngoại với các lân bang văn minh hơn ở phương bắc.

Dưới đây là liệt kê các từ liên quan xuất hiện trong cổ thư Hoa ngữ và phần nào chứng minh luận điểm trên của chúng tôi:

Sách Dật Chu Thư (475 BC – 221 BC) có đề cập đến một nước tên là Âu Đặng甌鄧 từ thời Thương, ở phía nam vương quốc [正南甌鄧]. Nước Đặng là một trong hàng trăm chư hầu tiểu quốc thời Tây Chu, ước định vị trí là phía nam tỉnh Hà Nam hiện nay, đã bị nước Sở xóa sổ năm 678 BC.

甌越 Âu Việt: Xuất hiện 3 lần trong Sử Ký (Triệu thế gia), Chiến Quốc Sách và sách Phương Ngôn thời Tây Hán. Âu Việt ở đây đồng nghĩa với nước Việt Chiến Quốc. Các ngữ cảnh thuật lại nhận xét của Triệu Vũ Linh vương ( 340 BC – 295 BC): 夫翦發文身,錯臂左衽,甌越之民也。黑齒雕題,卻冠秫絀,大吳之國也 – người Âu Việt cắt tóc ngắn, vẽ mình, xăm cánh tay, vạt áo nằm bên trái; người nước Ngô thì nhuộm răng đen, xâm vẽ lên trán, đội mũ làm bằng da rái cá, quần áo may vá thô vụng.

越國 Việt Quốc: Xuất hiện dày đặc trong sách Chu – Tần và Hán, các sách Mặc Tử, Lã Thị Xuân Thu, Sử Ký đều chỉ nước Âu/Ư Việt.

於越 Ư Việt và 于越 Vu Việt: Các phần mềm Hoa ngữ hiện tại đồng hóa Ư và Vu là một. Sách vở Tần Hán trở về trước nhắc đến hai từ này tổng cộng 122 lần. Vì Ư và Vu ngoài chức năng ký âm Âu, nó còn là giới từ, liên từ, thán từ và động từ trong Hán ngữ. Chúng tôi chỉ rút ra ngữ cảnh chứng minh Ư và Vu ký âm Âu. Sách Thuyết Uyển của Lưu Xương thời Tây Hán: Phù Sai thôn tính Ư Việt. Sách Mặc Tử thời Chiến Quốc 7 lần nhắc đến Ư Việt: Mặc Tử viết ông mến người Ư Việt, lại có ngữ cảnh mô tả ông đến Ư Việt. Xuân Thu Công Dương Truyện thời Tây Hán: Năm Chiêu Công thứ 8, Sở diệt nước Trần, đày công tử Trần xuống Vu Việt. Hán Thư, Hóa Thực Truyện: Vu Việt và Nhung Địch được nhắc đến.

東甌 Đông Âu: Khá rõ, chỉ Đông Việt, hậu duệ Việt vương Câu Tiễn. Riêng Sử Ký đã lập đi lập lại 16 lần từ Đông Âu chỉ quốc danh, quốc vương.

西甌 Tây Âu: Sử Ký 3 lần viết liền Tây Âu Lạc. Hán Thư bỏ chữ Lạc, khẳng định phía tây Nam Việt có tiểu quốc Tây Âu. Sách Phương Ngôn thời Tây Hán có phân tích chữ viết một vùng có tên Tây Âu, theo trật tự đề cặp thì vùng này nằm phía dưới Kinh Ngô, tức Kinh Châu sau này. Sách Hoài Nam Tử có đề cặp đến Tây Âu, nhưng lại dùng chữ 嘔, đồng âm nhưng dị tự với Âu 甌.

西于 Tây Vu: Chủ yếu đề cặp đến Tây Vu vương trong Sử Ký. Địa lý chí trong Hán Thư ghi Tây Vu là một huyện của quận Giao Chỉ. Hậu Hán Thư, Mã Viện Liệt Truyện cũng ghi Mã Viện xin chia huyện Tây Vu thành Phong Khê và Vọng Hải. Cần lưu ý Tây Vu trong Sử Ký và Tây Vu ở Hậu Hán Thư khác nhau.

駱越 Lạc Việt: Hán Thư, Hậu Hán Thư, Tiền Hán Kỷ và Đông Quan Hán Ký chín lần nhắc đến Lạc Việt 駱越. Người Lạc Việt ở Trung Lư thuộc Kinh Châu – Hồ Bắc: 3 lần, rõ nhất là năm Kiến Vũ thứ 11 (năm 36), Hậu Hán Thư ghi nhận Tang Cung đóng quân phòng thủ người Lạc Việt tại Trung Lư. Người Lạc Việt ở châu thổ sông Hồng: 6 lần đều liên quan đến Mã Viện vào các năm 40 – 43.

Hẳn là ở thời Tây Chu, trong khi Vực 或 đã tiến hóa đến Bang và Quốc, lúc đó nước Việt vùng Giang nam mới ra đời. Trước khi âm Âu bản địa của người Việt dùng để chỉ quốc gia được ký âm bằng chữ Việt 越 bộ Tẩu 走 thời Chiến Quốc, vốn mang nghĩa Vượt trong Hoa ngữ, Câu Tiễn đã dùng chữ Việt bộ Ấp trên thanh gươm của mình. Nó là chữ thể triện thời Xuân Thu mang ký số B01749 trong hình dưới. Đây hẳn là chữ của nước Âu Việt, bộ Ấp 邑 mang nghĩa quốc gia và ghép với chữ Việt 戉 để chỉ âm.

yuewang3

Tất nhiên Giang nam không chỉ có duy nhất người Việt, họ chỉ có thể là một liên minh bộ lạc tiến bộ nhất, mạnh nhất đã chuyển hóa lên hình thức nhà nước phong kiến. Từ đó Việt được hiểu rộng ra là các tiểu quốc Giang nam nói chung, tức Bách Việt. Một khi Việt biến thành một từ phổ thông Hoa Hạ, không còn là danh từ riêng, người ta phải dùng phương ngữ Giang Hoài là Âu甌 để ghép trước Việt, nhằm chỉ nước Việt của Câu Tiễn. Do ngôn ngữ Chiến Quốc chưa thống nhất, ngoài ký âm Âu bằng Âu 甌, người Hoa Hạ còn dùng Ư 於 và Vu于. Từ đó sinh ra  Ư Việt 於越và Vu Việt 于越 , cùng nghĩa với甌越 Âu Việt. Sự không thống nhất này càng chứng tỏ âm Âu là phương ngữ và đã được nhiều học giả khác nhau dùng các chữ Hán khác nhau nhưng có ngữ âm hao hao để ghi lại.

Theo Việt vương Câu Tiễn Thế Gia trong Sử Ký, Câu Tiễn là hậu duệ vua Hạ Vũ. Con thứ vua Thiếu Khang đời Hạ được phong đất Cối Kê để thờ cúng vua Hạ Vũ. Họ khai hoang lập ấp, cắt tóc xâm mình, trải qua hai mươi đời thì đến Doãn Thường. Doãn Thường đánh nhau với vua ngô là Hạp Lư. Doãn Thường chết, Câu Tiễn được lập làm Việt vương. Các chú giải của đoạn Sử Ký trên cũng gián tiếp giải nghĩa chữ Việt mà xưa nay rất nhiều sách vở Việt Nam đã dẫn luận hoặc chấp nhận:

a. Sách Chính Nghĩa, trích lại từ Ngô Việt xuân thu (viết vào năm 232 đến 300): Vua Hạ Vũ đi khắp thiên hạ, đến Đại Việt, lên Mao Sơn họp quần thần bốn phương phong thưởng, rồi mất và được an táng tại đó. Đến thời Thiếu Khang, vua sợ không ai tế tự tôn miếu, bèn phong con thứ là Ư Việt hiệu Vô Dư đất ấy.

b. Sách Cối Kê ký viết rằng: Con thứ của vua Thiếu Khang hiệu là Ư Việt, do đó tên nước Ư Việt xuất phát từ tên hiệu ấy.

c. Sách Chính Nghĩa viết: Sách Xuân Thu Công Dương truyện gọi Ư Việt là do vùng đất ấy chưa thông với Trung Quốc. Thông rồi thì gọi là Việt.

d. Sách Xuân Thu Tả truyện cho rằng Việt là tiếng nói của người bản địa (Cối Kê) có âm như thế, dùng từ Việt để ghi lại.

e. Sách Thích Danh của Lưu Hi (năm 219): Việt mang nghĩa vượt, vì là nước man di khác vòng lễ nghĩa Hoa Hạ.

Như vậy khảo sát của chúng tôi đang tiến hành không mới. Nó đang đi theo hướng thứ 4 ở trên. Thật vậy, Âu 甌 theo Khang Hi từ điển là phương ngữ Dương Tử, vùng Giang Hoài, khớp với vị trí địa lý của nước Việt thời Chiến quốc. Theo nhà ngôn ngữ học Sergei Starostin, âm Âu 甌 thời Tây Hán đọc là [ʔwā], Việt 越 đọc là [wat], Khu 區 đọc là [khwa], Vực 或 đọc là [whǝ̄k] và Quốc 國 đọc là [kwǝ̄k]. Các âm Âu – Việt và Khu thời Tây Hán giống nhau đến 90% và ở thời Chiến Quốc trước đó vài trăm năm, khi người Trung Nguyên dùng chữ Việt ký âm Âu, có thể chúng đồng âm. Hơn nữa, việc lấy một chữ có âm gần giống để ký âm ngoại ngữ là chuyện rất bình thường xưa nay khắp hoàn cầu.

Sergei Starostin như link đã dẫn, liệt kê âm Âu trong tiếng Miến Điện, Kachin (Bắc Miến Điện) và Trung Quốc hiện nay đều chỉ: cái vại, cái ca, cái bình, nồi nấu lớn, cái vạc, cái âu đựng thức ăn hoặc nước. Nghĩa của nó trong tiếng Việt là cái âu, có khi biến âm thành cái chậu. Nguyên liệu cổ đại tạo nên tất cả những thứ đó là đất. Chữ Âu甌 được ghép bởi chữ Khu區 và Ngõa [瓦]. Khu là một vùng đất, Ngõa vốn mang nghĩa ngói và các dụng cụ bằng đất nung, cả hai đều có thể là chỉ thị đất của âm Âu. Không có nghĩa nào của Âu trong từ điển có thể áp vào các thuật ngữ lịch sử để nói lên điều gì đó. Do đó nếu cho rằng nghĩa cổ nhất của Âu (ít nhất là trước năm 678 BC, khi tiểu quốc Âu Đặng còn tồn tại) là đất thì không có gì hoang đường cả. Thậm chí chỉ có Âu mang nghĩa là Đất (quốc gia) mới thỏa mãn tất cả các quốc danh và vương hiệu gắn với chữ Âu trong sách sử Trung Hoa, kể cả những chữ Âu đồng âm dị tự: Âu Đặng, Âu Việt, Đông Âu, Đông Âu vương, Âu nhân, Tây Âu, Tây Vu…  Xa hơn nữa kết luận ấy có thể làm rõ Âu cơ mang thực nghĩa Quốc mẫu trong ngôn ngữ của một truyền thuyết Việt Nam khá nổi tiếng.

Như vậy từ Việt trong quốc danh Việt Chiến Quốc, Bách Việt có khả năng là Hán tự ký âm Âu bản ngữ Dương tử, nghĩa là đất nước, xứ sở, quốc gia. Cách cấu tạo từ đẳng lập Âu Việt: Dùng một từ phương ngữ (Âu) và một từ Hán ký âm (Việt) đi đôi với nhau. Người Hán hiểu từ sau, người Việt hiểu từ trước. Trước khi có từ Âu Việt cụ thể, người Hoa Hạ dùng Việt Quốc để chỉ vương quốc của Câu Tiễn. Bản chất của Việt Quốc cũng là một từ đẳng lập đồng nghĩa, thuộc các giai đoạn phát triển khác nhau giữa hai khu vực ngôn ngữ gần gũi (Hoàng hà và Dương tử).

Trong văn hiến Việt Nam, ít nhất hai lần chữ Âu đã xuất hiện, dù chưa thật rõ ràng nhưng vẫn có thể hiểu Âu là Đất, là quốc gia: Vua Trần Nhân Tông năm 1288 đã viết hai câu thơ [社稷兩回勞石馬,山河千古奠金甌 – Xã tắc lưỡng hồi lao thạch mã, Sơn hà thiên cổ điện Kim Âu]. Hồ Hán Thương cuối thế kỷ 14 đầu thế kỷ 15 đã đổi tên một ngọn núi ở Thanh Hóa là Kim Âu 金甌. Hầu hết các dịch giả Việt Nam hiện đại đều cho rằng Âu là cái âu, cái chậu, Kim Âu là một điển cố thuần Hán chỉ quốc gia nhưng rất ít khi được sử dụng. Âu trong thơ Trần Nhân Tông hay trong tên núi của Hồ Hán Thương, có khi vô tình, cũng có thể hữu ý, được sử dụng như mật mã lịch sử?

Ngài Trần Trọng Kim vĩ đại dịch nôm thơ của vua Trần thành: “Xã tắc hai phen chồn ngựa đá. Non sông nghìn thuở vững âu vàng”. Nhìn gần chúng tôi thấy Lương Vũ Đế (464 – 549) nhà Lương, kinh đô đặt tại vùng Ngô Việt Dương tử, ngày nay là Nam Kinh. Trong Nam Sử của nhà Lương, đột nhiên Kim Âu mang nghĩa: Cương thổ bền chắc vững vàng, ẩn dụ quốc thổ. Gần thêm nữa là Mao Trạch Đông có bài từ dùng Kim Âu: 收拾金瓯一片,分田分地真忙 – Thu thập kim âu nhất phiến, phân điền phân địa chân mang. Hàm nghĩa là thu thập quốc thổ về một mối, nhanh chóng cải cách ruộng đất.

Rõ ràng học giả nổi tiếng Trần Trọng Kim không hề đề cặp đến quốc thổ, sự toàn vẹn quốc gia của từ Kim Âu. Hoàng gia nhà Trần gốc Âu Việt, Trần Nhân Tông có cần phải học Lương Vũ Đế để dùng Kim Âu không? Hay cả ông và vua Lương đều có gốc rễ văn hóa Ngô Việt, đều hiểu Âu là quốc gia, chẳng ai cần dạy ai, họ đã dùng Kim Âu ẩn dụ quốc thổ bền chắc vững vàng? Hơn nữa, Việt sử từ đầu thời Trần đã đưa Âu Lạc làm quốc danh Việt Nam tiền sử. Cho rằng họ hiểu Âu là cái chậu nhỏ thì thật là ngớ ngẩn và bôi bác! Đặc biệt ở mảnh đất Mân Việt tức Phúc Châu – Phúc Kiến ngày nay, chữ Việt 越 bộ Tẩu (cải cách thời Tần) vẫn đọc là [ou?] hoặc một kiểu biến âm khác là [ok]. Lừng lững sau hai câu thơ của Trần Nhân Tông là non sông Đại Việt với chữ Việt đồng âm cùng chữ Âu.

Tóm lại: Bằng khảo cổ Hoa ngữ Thương – Chu đến Tây Hán, kết hợp với các mắt xích lịch sử, chúng tôi đã có căn cứ xác đáng nhất từ xưa đến nay để khẳng định Việt là Hán tự ký âm Âu từ nước Việt thời Xuân Thu – Chiến Quốc. Chữ Việt này bộ Ấp, thể triện còn lưu giữ trên thanh gươm Câu Tiễn. Năm 334 BC Âu Việt bị nước Sở thôn tính và sáp nhập. Nước mất, nhà tan, ngôn ngữ suy tàn, con cháu ngài Câu Tiễn phiêu bạt về phương nam rồi lần lượt hình thành các tiểu quốc như Mân Việt, Đông Âu, Tây Âu, Âu Lạc (Nam Việt) và cuối cùng là Đại Việt.

Vô hình trung việc thống nhất chữ viết của Tần Thủy Hoàng đã để lại di họa không ngờ: Một thời gian dài đằng đẵng, con cháu hàng trăm đời sau của ngài Câu Tiễn đã không thể hiểu nghĩa của từ Việt đơn giản chỉ là quốc gia hoặc state trong tiếng Anh. Hay chính xác hơn, nó tương đồng với hậu tố -land trong England, Scotland, Deutschland… Do đó có thể hiểu Việt Nam = Southern Land hay Southern State. Và nếu dịch ngược lại từ tiếng Anh qua tiếng Việt, Việt ngữ đã có sẵn từ Nước Nam, nếu không muốn dùng Việt Nam.

Ghi chú thêm về khái niệm tiền ngữ:

Xin được nhắc lại một lần nữa: Toán học là một hình thức ngôn ngữ đặc biệt và ngược lại ngôn ngữ khởi đầu chính là toán học. Khi người ta viết số Một xuống bất cứ chất liệu nào cũng chính là lúc chữ Nhất ra đời. Do đó trong ngôn ngữ luôn có logic toán học.

Khu區 (vùng đất) +Qua 戈 (vũ khí) -> Vực 或 (chỉ quốc gia) + Vi 囗 (tường thành) -> Quốc國 (quốc gia).

Vi 囗 (tường thành) + Tiết卩 (hình nhân quỳ gối) -> Ấp邑 (chỉ khu vực quần cư) + Phong 丰 (bộ Thổ 土, nghĩa là tươi tốt, rậm rạp, to lớn) -> Bang 邦 (đại quốc, nước lớn).

Như vậy tiền ngữ của Bang và Quốc đều là cương thổ được trừu tượng hóa dần lên trở thành quốc gia. Đó chính là nguồn dẫn để chúng tôi kết luận chữ Việt bộ Ấp cũng chỉ cương thổ, hay chính xác hơn là bắt nguồn từ tiền ngữ cương thổ. Âu và Việt thời Tây Hán gần như đồng âm. Chữ Việt ngày nay người Phúc Châu vẫn đọc là Âu. Từ đó suy ra Âu cũng nghĩa là cương thổ. Nó khớp hoàn toàn với tự nghĩa Kim Âu trong tiếng Hán. Cũng cần phải nhắc thêm âm Âu với tiền ngữ đất rất nhiều lần đã đứng trong tên gọi các tiểu quốc vùng cửa sông Dương Tử: 漚深 Âu Thâm, 越漚 Việt Âu, 甌鄧 Âu Đặng (Dật Chu Thư, tên các quốc gia đầu nhà Thương).

Nếu người Hoa Bắc gọi tổ quốc là Sơn – Hà (đất – nước), người Hoa Nam lại đảo ngược thành Giang – Sơn (nước đất). Trong 5 tỉ chữ Hán mà các sách vở Trung Quốc đã số hóa tại Chinese text project từ nhà Hán trở về trước, Sơn Hà 山河 được dùng 47 lần, Giang Sơn 江山 chỉ xuất hiện 8 lần. Từ nhà Ngụy trở về sau Sơn Hà được dùng 386, Giang Sơn vẫn thấp hơn và ở mức 357 lần. Thống kê này ghi nhận ảnh hưởng ngôn ngữ phía nam lên phía bắc, suốt quá trình nam tiến của người Trung Quốc.

Từ đó chúng tôi kết luận tiền ngữ chỉ ý niệm sơ khởi của quốc gia ở phương nam sẽ phải tồn tại hình thức Nước, vùng nước. Theo nhu liệu ngữ hệ Austronesian, các ngôn ngữ có âm nước như sau: Tiền Mon Khmer [*ɗaak], Mon [daik], Lào [nâm], Thái [nam], người Basay gốc Austronesian ở mỏm bắc đảo Đài Loan [lanum]. Một số tộc người gốc Austronesian trên Tây Nguyên Việt Nam vẫn dùng Đạ, Dak để chỉ nước.

Chữ Hán 江 (giang) chỉ sông Trường Giang, từ thời Chu đến Minh đọc là [krōŋ]. Đó chính là âm Mon Khmer của từ Sông trong tiếng Việt. Khi người Mon Khmer còn làm chủ con sông Trường Giang, họ gọi các nhánh nhỏ đổ vào sông mẹ là [d(h)ā], người Hán ký âm là Đà沱. Không loại trừ [d(h)ā] chỉ sông nhỏ nhưng lớn hơn suối.

Và từ chỉ quốc gia dùng tiền ngữ nước, trừu tượng hóa nước để thành quốc gia đầu tiên mà chúng tôi đã tìm thấy chính là Đô都. Vì nhu liệu của S. Starostin không có liệt kê lịch sử ngữ âm của Đô. Chúng tôi phải đi đường vòng: Tự điển ghi nhận Đô đọc là Đương Cô Thiết (當孤切), nghĩa là nói lái thành Đô Cương và giữ Đô lại. Từ đây chúng tôi tra lịch sử ngữ âm của Cô 孤 và lấy nguyên âm của nó. Quá bất ngờ! Từ Tây Hán đến Đông Hán sẽ là nguyên âm A, nghĩa là Đô lúc ấy đọc là Đa. Tiếng Hán trung đại tương ứng nguyên âm Ô, lúc này nó là Đô.

Đa khớp hoàn toàn với [*ɗaak] chỉ nước ở ngôn ngữ tiền Mon Khmer đã dẫn ở trên. Nó cũng cũng đồng âm [d(h)ā] của chữ Đà沱. Bộ Ấp trong chữ Đô ghi nhận nghĩa của từ Đô là quốc gia. Chu Lễ viết: Cự quốc ngũ bách lý vi đô – Nước rộng năm trăm dặm gọi là Đô. Rõ ràng đây là ngôn ngữ Dương Tử đã được người Hoa Hạ ký âm và sử dụng muộn nhất là từ thời Chu.

Đến đây thì Lạc trong Lạc Việt, đã gần khớp với Đô. Ngữ âm của Lạc nằm ở chữ Các 各 , thời Chu đến Minh, âm Các đều đọc là [kāk]. Đặt giả thiết Lạc là cách ký âm gần với Đô, chỉ những bộ lạc đã trừu tượng hóa nước lên thành quốc gia trở nên thực tế hơn bao giờ hết.

Khi Việt không còn là tên riêng của nước Việt ở cửa sông Dương Tử, nó chuyển qua bộ Tẩu và biến thành từ phiếm chỉ các nhóm bộ lạc hoặc tiểu quốc giang nam. Người Hán đã căn cứ trên tiền ngữ chỉ ý niệm quốc gia để đặt tên cho một nhóm Thái có gốc tích từ Điền Trì ở Vân Nam. Lạc Việt ra đời từ đó.

Copyright by Trương Thái Du @9.2017