Đường dẫn mua sách: Google Book , Apple Books, Smashwords

Nếu đưa 4 chữ “Mò cua bắt ốc” cho bất cứ giáo sư tiến sĩ ngôn ngữ học nào ở Việt Nam, chúng ta sẽ nhận được câu trả lời chắc nịch nhưng vô căn cứ, đây là các âm “thuần Việt”. Thật ra cái kết luận có thể biết trước ấy không xây dựng từ các dữ liệu ngữ âm học, mà lại được mặc định bởi những trang sử hoang đường, hư cấu thẳng từ cổ tích.

Khi chúng tôi viết bằng văn tự, với các chữ Nho hoàn toàn đồng nghĩa: “Mô giải bát oa 摸蟹扒蝸”, các Đường âm này đã thấy hao hao tiếng Việt hiện đại. Chỉ có chữ Giải 蟹 hơi khó nhận ra nếu không biết trong tiếng Việt con Giải còn gọi là Cua đinh, hoặc Cự giải 巨蟹 là chòm sao con cua. Cua chính là biến âm của Giải, tiếng Việt và Hán âm ở Dương Sóc, Quế Lâm giống nhau hoàn toàn [kua42], trường hợp hoán đổi vận mẫu tương tự là Mãi 買 bạch thoại biến ra Mua. Oa 蝸 thành Ốc do tác động của sự thay đổi từ thanh Âm bình 陰平 qua Âm khứ 陰去 rồi cố định ở thanh Âm nhập 陰入. Hiện tiếng Mân Nam tại Hạ Môn và Sán Đầu đều đọc dưới thanh Âm bình là [o55/33]. Có thể ước đoán Ốc là giản xưng của từ ghép cùng gốc Ao ốc, nếu căn cứ vào chữ Ốc 喔 mà tiếng Việt đọc dưới song âm Eo Óc chỉ tiếng gà gáy.

Việt ngữ ngày nay dùng quá nhiều từ ghép cùng gốc. Nền ngữ học sai lầm gọi đó là Từ láy. Chúng mang tính chất khẩu ngữ bình dân nên phải chấp nhận sự rườm rà của từ vựng để chuyển tải đúng nghĩa cần nói. Với văn ngôn đã có ngữ cảnh cụ thể và đầy đủ, dùng từ ghép cùng gốc sẽ làm giảm đi sự tinh gọn của văn bản. Sự thể là do, khi quốc ngữ của mình hình thành đầu thế kỷ 20, người Việt đang sống đời nô lệ, họ không thể xây dựng một nền văn học hàn lâm chuẩn tắc và duy nhất như nhiều nước khác. Vết thương chí mạng này khó mà lành được, trong bối cảnh hiện tại nền giáo dục và đa số người dân xem trọng ngôn ngữ hậu khai ngoại lai, coi thường tiếng mẹ đẻ tiền khai nhiều ngàn năm tuổi. 

Muốn tìm hiểu về ngôn ngữ, không thể mơ hồ về lịch sử hoặc tách lịch sử khỏi ngôn ngữ. Chẳng hạn có người bảo tỉ lệ gốc Đức trong dân Mỹ hiện nay là cao nhất, không hiểu sao họ không dùng Đức ngữ. Vào năm 1790 trong gần 4 triệu cư dân 13 bang độc lập của Mỹ (từng là thuộc địa của Anh với tiếng Anh là ngôn ngữ hành chính), có một nửa gốc Anh. Do vậy người Mỹ nói tiếng Anh là tất yếu. Chưa kể là ở thời trung cổ, lãnh thổ vương quốc Anh vươn đến tận mấy bang miền tây bắc nước Đức, từng có vua Anh chỉ biết nói tiếng Đức và tiếng La Mã. Sau rốt, thật ra tiếng Anh chứa rất nhiều âm Đức cổ và phát triển lên từ đấy. Ví dụ nhãn hiệu dương cầm nổi tiếng thế giới Steinway vốn có tên gốc tiếng Đức là Steinweg. Stein là Stone, Weg đồng nghĩa với Way. Dịch ra tiếng Đường là Thạch Lộ. Nhập cư Mỹ vào năm 1850, ông Heinrich hòa trộn Đức – Anh thành Steinway.

Các bạn đang đọc một quyển sách tìm về cội rễ tiếng Việt của một người phi hàn lâm, chỉ có tình yêu ngôn ngữ mẹ đẻ của mình dẫn lối. Con số khoảng 3000 âm khai mở ở đây là ước tính gần đúng. Bảng excel còn sót rất nhiều âm/chữ đã tìm ra trong văn bản, đó là chưa kể một chữ Nho thường có rất nhiều âm và nghĩa. Dù đã cố gắng hết sức, áp dụng chân kiềng “âm – nghĩa – dụng” rất ngặt nghèo và khắt khe để đánh giá nhưng sai lỗi và nhầm lẫn do chủ quan là không thể nào tránh khỏi. Hơn nữa kho từ vựng Việt ngữ quá đồ sộ, một bộ óc không thể nào làm chủ hết được. Có người phê bình tác giả nhiều lúc sa đà vào phạm trù tư tưởng trong một quyển sách viết ra với mục đích tìm hiểu gốc rễ âm từ tiếng Việt. Thật ra, như triết học Marx Lenine đã nói rõ, khi lượng đủ lớn sẽ làm chất chuyển biến. Nếu chúng tôi chỉ khảo sát dăm ba khía cạnh thì đấy đơn giản là ngữ học thuần túy. Nhưng đến con số ngàn ở mọi mặt cuộc sống, sinh hoạt, lịch sử, văn hóa, phong tục, tôn giáo… tự dữ liệu sẽ liên kết và chuyển hóa rồi nêu bật tư tưởng. Việc cuối cùng chúng tôi làm là trích dẫn những đánh giá gần gũi với nhận thức mới của mình trong kho tàng học thuật nhân loại, dưới các tên tuổi mà ai cũng biết như Huntington, George Orwell chẳng hạn.

Chúng tôi tin rằng trong vòng 50 năm nữa, người Trung Quốc sẽ phải nghiên cứu kĩ Việt ngữ nếu muốn tỏ tưởng cổ Hán ngữ, từ đặc điểm giọng nói trở đi. Giọng bắc mà điển hình là giọng Hà Nội thừa hưởng tiếng nói của giới quan lại trí thức Đại Đường li khai lập quốc, rồi lại được làm giàu thêm bởi dân tị nạn chính trị văn hay chữ tốt từ Nam Tống, vì vậy nó rất sang trọng. Khi này khi khác, vì nhu cầu củng cố quốc gia dân tộc non trẻ, người ta đã cố tình che giấu điều này. Tuy nhiên mọi thứ sắp thay đổi một cách toàn diện. Trung tâm chính trị, khoa học, văn minh và kinh tế thế giới đang xoay trục về lại đại lục Á Âu, nhưng không còn sự giới hạn địa lý như thời Hán và thời Đường. Tiếng Việt Nam khi ấy không còn là tài sản riêng của dân tộc Việt nữa. Nó chứa đựng những hóa thạch vô giá và trường tồn của hẳn một nền văn minh tiền khai xán lạn.

Khởi thảo tại phố Hàng Buồm, Hà Nội, 2018

Hoàn thành sơ thảo tại Thạch Viên, Nhơn Trạch 3.2024

@truongthaidu