Ngày 18.3 (âm lịch) năm 1292 Trương Lập Đạo dẫn đầu sứ đoàn nhà Nguyên đến Thăng Long. Ngày 19.3 tại Sứ quán, Thế Tử nhà Trần hỏi Lập Đạo đi đường chắc mệt nhọc lắm (驅馳 khu trì), Nguyên sứ trả lời: “天子不以越南為逺何以驅馳 – Thiên tử bất dĩ Việt Nam vi viễn hà dĩ khu trì”.

vietnam1

Bản dịch An Nam Chí Lược của Viện Đại Học Huế năm 1960 ghi: “Thiên tử không cho rằng nước An Nam là nơi xa cách, thì sứ thần ngại gì xông pha”. Một số người thông thạo Hán tự cho rằng Việt là vượt, nam ý chỉ phía nam, đại khái phải hiểu như sau: “Thiên tử không cho rằng đi phượt về phương nam là xa xôi thì làm sao dám mệt mỏi”.

Tuy nhiên An Nam Chí Lược không chỉ nhắc đến từ kép “Việt Nam” một lần duy nhất. Sau đây là các dẫn chứng tiếp theo.

  1. Khoảng năm 1321, bài thơ phụng dâng vua Trần Minh Tông tựa đề “Tặng thế tử Thái hư tử” của Lang trung Văn Tử Phương trong sứ đoàn nhà Nguyên có hai câu:

從此君臣保民社 – Tòng thử quân thần bảo dân xã

主恩長畀越南人 – Chủ ân trường tí Việt Nam nhân

Diễn nghĩa: Từ đây vua tôi của ngài gắng sức bảo vệ nhân dân và xã tắc. Ơn trên mãi mãi ban xuống cho người Việt Nam.

  1. Khoảng năm 1285 hoặc 1286, Trần Ích Tắc được vua nhà Nguyên đãi yến tiệc ở núi Vạn Tuế. Sự việc được chính họ Trần mô tả trong bài thơ “Vạn tuế sơn yến thị nhật trị tuyết” dưới bút danh Thiện Lạc lão nhân. Hai câu cuối:

越南羈旅陪班列 – Việt Nam ki lữ bồi ban liệt

咫尺光昭日月新 – Chỉ xích quang chiêu nhật nguyệt tân

Diễn nghĩa: Đoàn lữ khách Việt Nam từ phương xa được (ưu ái) xếp đặt ngồi ăn tiệc. Chỉ cách hào quang nhật nguyệt của thiên tử (nhà Nguyên) trong gang tấc.

  1. Cũng vào khoảng thời gian ở trên, An vũ sứ người Việt là Lại Ích Khuy trong bài “Nguyên nhật triều hội” tường thuật một buổi chầu đầu năm, mở đầu bằng hai câu xu nịnh:

聖日垂光被越南 – Thánh nhật thùy quang bị Việt Nam

驛亭官栁許停驂 – Dịch đình quan liễu hứa đình tham

Diễn nghĩa: Ánh mặt trời thần thánh (của Nguyên triều) trùm phủ đất Việt Nam. (Đến nỗi) ngựa cũng phải dừng lại ở gốc liễu trạm dịch (để bái vọng?).

  1. Cuối cùng cũng là năm 1292, trong sứ đoàn Trương Lập Đạo đã dẫn, bốn câu thơ tự sự của Lang trung Trần Cương Trung, người Chiết Giang, đất cũ Âu Việt có từ ghép Việt Nam như một xứ sở:

老母越南垂白髪 – Lão mẫu Việt nam thùy bạch phát

病妻燕北待黃昏 – Bệnh thê Yên bắc đãi hoàng hôn

蠻烟瘴雨交州客 – Man yên chướng vũ giao châu khách

三處相思一夢魂 – Tam xứ tương tư nhất mộng hồn

Diễn nghĩa: Mẹ đã già ở đất Việt phương nam xõa tóc trắng. Vợ đang bệnh chốn Yên bắc đợi hoàng hôn. (Trong khi đó tôi) lại phải làm khách Giao châu nơi sương hại mưa độc. Ba xứ ấy cứ quẩn quanh suy tưởng trong một giấc mộng.

***

Như vậy chỉ trừ Việt Nam trong thơ Trần Cương Trung nghĩa là đất Âu Việt xưa (Chiết Giang) ở phía nam để đối với đất Yên phía bắc (nơi có kinh đô nhà Nguyên), cả 4 ngữ cảnh còn lại đều có thể hiểu Việt Nam chính là Đại Việt hoặc An Nam.

Điều đó có nghĩa là tên gọi Việt Nam có tuổi đời trên 700 năm, dài hơn bất cứ mốc thời gian nào mà giới sử học từng đưa ra. Quan điểm biện chứng và phi tuyến tính của chúng tôi như sau:

  1. Đại Việt: Quốc danh thể hiện sự tự tôn, chứa hào khí Nam Việt xưng đế của Triệu Đà, hùng khí Đại Việt của Bá vương Câu Tiễn, tổ tiên nhà Trần ở cửa sông Dương Tử.
  2. An Nam: Quốc hiệu miệt thị của các triều đình phương bắc, ngụ ý tiểu quốc phải ngoan ngoãn chầu cống. Họ bỏ từ tố quan trọng nhất, chứa đựng bản sắc mấy ngàn năm của một cộng đồng văn hóa đặc thù là (Âu) Việt, ven biển từ cửa sông Dương Tử đến Việt Nam. Tương tự khi ta gọi ai đó là chú nhóc ngoan, mà chẳng cần tôn trọng tên riêng của nó.
  3. Việt Nam: Là giải pháp ngoại giao dung hòa 1 và 2, bỏ hai tính từ “đại” và “an”.

Ở góc nhìn này, tên gọi Việt Nam phải được xem như thành quả ngoại giao cương trực của Đại Việt trong hàng ngàn năm qua, nhằm xác định quyền độc lập và tự chủ của quốc gia. Sử học xưa nay chỉ ghi chép và lý giải tuyến tính các sự kiện, thiếu hẳn công tác đúng đắn là tái lập tư duy của cổ nhân trên sử liệu. Do đó người ta đã không bắt được ý tại, trong cái vỏ ngôn ngoại đơn giản đến thô lược, không phù hợp với truyền thống Á Đông thâm trầm và sâu sắc.

@01.3.2018

T.T.Du