Khái niệm này được nhà tâm lý học Malta, Edward de Bono, đặt tên năm 1967. Ví dụ tác giả đưa ra là phán quyết của vua Do Thái Solomon (Judgment of Solomon): Đối mặt với vụ tranh chấp con của hai bà mẹ, Solomon yêu cầu cưa đôi đứa trẻ, mỗi người nhận một nửa. Bà mẹ thật sự là người đã phải chấp nhận nhường nhịn kẻ mạo danh để bảo vệ tính mạng con mình.
Ở góc độ nào đó, lateral thinking đứng trên tư duy critical thinking (tư duy phản biện, phân tích) thông thường. Nó đòi hỏi sự sáng tạo những ý tưởng mới từ cái có sẵn, dựa trên những giá trị có tính động (movement value).
Hoa ngữ và Nhật ngữ đều phiên dịch khái niệm này là “thủy bình tư khảo” và định nghĩa đây là tư duy đa hướng, thêm chiều ngang vào chiều dọc (phản biện, phân tích) hoặc phi tuyến tính. Người Việt dịch thành “tư duy ngoại biên” là bám theo tự nghĩa, chứ không phải tính chất.
Tư duy phi tuyến tính hoàn toàn không mới trong các nền văn minh lớn, Edward de Bono chỉ có công đặt tên cho nó mà thôi. Trong lĩnh vực văn học trinh thám Đông – Tây, tư duy phi tuyến tính được nhắc đến rất nhiều. Chẳng hạn tại bộ film “The Invisible Guest” nổi tiếng gần đây, người ta nêu ra trường hợp điển hình như sau: “Trong một cái nhà kho bằng gỗ hoàn toàn bỏ trống. Có một người đàn ông được tìm thấy treo cổ trên cây xà ngang chính. Sợi dây thừng ông ấy dùng để treo cổ là 3 mét. Chân ông ấy cách sàn nhà là 25 cm. Bức tường gần nhất cách 6 mét. Không thể leo tường hoặc với tới xà ngang. Vậy mà người đàn ông đó có thể tự treo cổ được. Làm sao ông ấy làm được điều đó? Ông ấy leo lên một tảng băng, rồi nó tự tan dần bởi nhiệt”.
Truyện dân gian Việt Nam, có lẽ do nhà Nho nào đấy sáng tác từ các chất liệu văn hóa Trung Hoa, cũng có phiên bản phán quyết của Solomon: “Một bà già mất gà đã nổi điên chửi hàng xóm hết ngày này qua ngày khác. Cả xóm chịu hết nổi, bèn kéo nhau đến công đường nhờ phân xử. Vị quan cho phép mọi người thẳng tay tát kẻ làm náo loạn. Hầu hết mọi người nghĩ đến tình làng nghĩa xóm, lại thương bà già của đau con xót, nên chỉ vung tay rất nhẹ. Riêng kẻ trộm, sẵn cáu tiết vì bị nguyền rủa, đã xuống tay rất mạnh. Y liền bị bắt vì tội trộm cắp”.
Tôi không nhớ bất cứ một câu chuyện Bao Công phá án nào cả, nhưng tôi tin chắc bạn đọc sẽ tìm ra giùm tôi ít nhất là vài tình huống mà tư duy phi tuyến tính đã được áp dụng.
Trong quyển sách “Khảo chứng tiền sử Việt Nam bằng cổ thư và thiên văn học” chúng tôi đã áp dụng tư duy phi tuyến tính để lấp đầy các khoảng trống ở Việt sử trước công nguyên.
Theo chính sử Việt Nam từ thời phong kiến đến nay, người ta đều xác quyết có vua Hùng và An Dương Vương cũng như xung đột giữa Triệu Đà với An Dương Vương. Trong khi đó Hán sử lại hoàn toàn thiếu vắng các sự kiện này.
Do đó chúng tôi đã đi đường vòng:
- Một là chứng minh Nam Giao, Giao Chỉ, Tượng Quận, Cửu Chân và Nhật Nam khởi đi là các khái niệm thiên văn hoặc liên quan đến thiên văn và là những giá trị động (movement value).
- Hai là chứng minh người Hán rất yếu hàng hải và Triệu Đà không có đủ điều kiện về kỹ thuật, tri thức cũng như vật chất để thực hiện hải hành trên quãng đường gần 1000km từ Quảng Châu đến Hà Nội để xâm lược mảnh đất tiền Việt Nam.
Từ đó lý thuyết di cư đã được áp dụng. Nó đã đủ hợp lý để phủ nhận hoàn toàn hư cấu bản địa của văn hóa Việt Nam. Nói cách khác, tiền sử Việt Nam có quá nhiều khoảng trống. Nó cần sử gia tư duy phi tuyến tính, thì mới có thể làm sáng tỏ được những điều khuất tất.
@ T.T.D. 2017
Leave a Reply