The origin of the historic term Luoyue – 駱越
Cách đây gần 20 năm, chúng tôi đã có những tháng năm trai trẻ thật đẹp đẽ, rong ruổi trên vùng Tây Nguyên và Đà Lạt. Khi tìm hiểu các địa danh Dalat, Dak Nong, Dak Min, Dak Nhim, Dak Song… ký âm bằng Pháp ngữ, chúng tôi đã lờ mờ nhận ra sự gần gũi của chúng với Lạc Việt.
Sau này tiếp xúc với “Thử tìm nguồn gốc ngữ nghĩa của từ tố Lạc”, của Nguyễn Kim Thản, Vương Lộc, tạp chí KHXH, 1974; chúng tôi đã tin Lạc 駱 trong Lạc Việt mang nghĩa là Nước như giả thiết của tài liệu. Các tác giả đã căn cứ trên nhóm từ Lạc điền, Lạc dân, Lạc hầu, Lạc tướng, Lạc vương và đi tìm âm tương ứng ở bắc bộ Việt Nam, một xóm rất nhỏ của ngôn ngữ Austronesian. Do nhu liệu quá ít, nên lý luận hơi gượng gạo, chưa kể việc họ không để ý đến sự trừu tượng hóa từ tố Nước.
Trực giác nói với chúng tôi âm Nước cổ đã được người Hán ký âm bằng Hán tự thành Lạc 駱, nhưng cuối cùng, mãi đến hôm nay các chi tiết và công cụ ngữ âm học mới được tập hợp đầy đủ để chứng minh điều này.
Một lễ hội giỗ tổ Lạc Việt Vương tại Quảng Tây, châu thổ Tây giang, năm 2016.
Bám vào những dòng sông
Đi đến không gian Lạc Việt, chúng tôi phải bám vào Trường giang và Hồng hà, bởi Hán sử đã nhắc đến người Lạc Việt phía bắc tận Kinh Châu, ở giữa là Quảng Tây và cuối cùng tại châu thổ sông Hồng.
Chữ Hán 江 giang chỉ sông Trường giang, từ thời Chu đến Minh đọc là [krōŋ]. Đó chính là âm tiền Mon Khmer, mẹ đẻ của từ [Sông] trong tiếng Việt. Khi người phương nam còn làm chủ con sông Trường Giang, họ gọi các nhánh nhỏ đổ vào sông mẹ bằng một âm gì đó mà người Hán ký âm thành Đà沱. Âm Tây Hán trở về trước của Đà沱là [l(h)āj], Đông Hán là [l(h)ǟ] và Đường âm là [d(h)ā]. Đây là định nghĩa của Đà 沱trong sách vở Trung Quốc: ở miền nam sông lớn gọi là Giang, sông nhánh gọi là Đà. Tuy nhiên chúng tôi nhìn rộng hơn, Đà沱có lẽ chỉ sông nhỏ, sông nhánh, suối lớn. Dalat (dòng suối của người Lat) và phụ lưu Đà giang của Hồng hà chứng minh điều đó. Sau rốt, Đà 沱 trong một câu Kinh Thi “月離于畢,俾滂沱矣 – Nguyệt li vu tất, tỉ bàng đà hĩ” lại có nghĩa là mưa lớn, nhiều nước.
So sánh các âm qua các thời kỳ của chữ Hán Đà沱 với âm chỉ Nước tiền Mon Khmer [*ɗaak] ở trên, chúng tôi thấy nó gần như đồng nhất với nhau. Nói cách khác Hán âm đã tuân thủ âm bản địa của Đà 沱 và chúng là một tại Đường âm.
Và từ chỉ quốc gia dùng tiền ngữ nước, trừu tượng hóa nước để thành quốc gia đầu tiên mà chúng tôi đã tìm thấy chính là Đô都. Vì nhu liệu của S. Starostin không có liệt kê lịch sử ngữ âm của Đô. Chúng tôi phải đi đường vòng: Tự điển ghi nhận Đô đọc là Đương Cô Thiết (當孤切), nghĩa là nói lái thành Đô Cương và giữ Đô lại. Từ đây chúng tôi tra lịch sử ngữ âm của Cô 孤 và lấy nguyên âm của nó. Từ thời Chu đến Đông Hán sẽ là nguyên âm A, nghĩa là Đô lúc ấy đọc là Đa. Đời Đường tương ứng nguyên âm Ô, lúc này nó là Đô. Hoán chuyển A thành Ô chúng tôi có vô số ví dụ. Như chữ Phụ 父, Hán âm của nó là [bá] và Đường âm là [bwó], tức Ba – Bố, và Mai – Mối, Ngạt – Ngột, Hạt – Hột, Ang – Ông (từ翁 cũng chỉ cha trong tiếng Hán).
Bộ Ấp trong chữ Đô 都 ghi nhận nghĩa của từ Đô là quốc gia. Chu Lễ viết: Cự quốc ngũ bách lý vi đô – Nước rộng năm trăm dặm gọi là Đô. Đa/Đô 都 không có trong giáp cốt văn, rõ ràng đây là ngôn ngữ Dương Tử đã được người Hoa Hạ ký âm và sử dụng muộn nhất là từ thời Chu.
Lạc Việt
Lạc Việt chỉ bắt đầu xuất hiện vào thời Tây Hán. Chúng ta có 3 chữ Lạc tạo nên Lạc Việt: 雒越 , 駱越 , 貉越. Đây chắc chắn là Hán tự ký âm phương ngữ Lạc Việt. Ba bộ chỉ ý nội dung mang tính miệt thị: 隹 chuy, một giống chim. 馬 mã, là ngựa. 豸trĩ, một loài sâu. Người ta dùng một chữ duy nhất chỉ âm là 各 các. Từ thời Chu đến Minh, âm Các đều đọc là [kāk]. Chúng tôi không khớp nối được với Đà 沱. Tuy nhiên khi dùng một chữ đồng âm với các chữ Lạc trên, bộ thủy, tên một con sông ở Hoa Bắc thì sự tương đồng lại hiện ra: Lạc 洛 Đông Hán trở về trước đọc là [rhāk], trở về sau đọc là [lhāk] hoàn toàn khớp với âm Đà 沱 Đông Hán là [l(h)ǟ].
Như vậy Lạc trong Lạc Việt là lần ký âm thứ hai chữ Đà 沱 chỉ nước, sông nhánh hay vùng nước đã được trừu tượng hóa thành xứ sở của một bộ lạc. Lần thứ nhất là chữ Đa/Đô都, dùng cho nước nhỏ. Với Lạc Việt, chữ Lạc dùng chủ yếu cho các bộ lạc còn chậm phát triển. Những ngữ ý miệt thị rất đáng trách bị lạm dụng, chắc chắn đã được viết ra bởi một viên thư lại Hán triều thiếu tư cách, phẩm giá và tri thức. Chúng không thể biện hộ dù theo Hán Thư, thời Tây Hán có dạo người ta kiêng bộ Thủy, là hành khắc với bản mệnh Hỏa của triều đình, dựa vào lối giải thích mê tín của thuyết ngũ hành.
Khi Việt không còn là tên riêng của nước Việt ở cửa sông Dương Tử, từ bộ Ấp chỉ quốc gia, nó chuyển qua bộ Tẩu và biến thành từ phiếm chỉ các nhóm bộ lạc hoặc tiểu quốc giang nam. Người Hán đã căn cứ trên tiền ngữ chỉ ý niệm quốc gia của họ để đặt tên cho phân nhánh Thái có gốc tích từ Điền Trì ở Vân Nam xuôi xuống Trường giang, Tây giang và Hồng hà, chủ nhân văn hóa trống đồng. Lạc Việt ra đời từ đó.
@12.2017 T.T.Du
Jan 01, 2018 @ 12:14:38
Trong tiếng Hán cũng có từ lạc (落) này nhưng chỉ là để chỉ đơn vị cư trú nhỏ như thôn làng, hoặc là bộ lạc của các bộ tộc thiểu số như tụ lạc (聚落), ấp lạc (邑落), khu lạc (區落), bộ lạc (部落).
Phong tục thông nghĩa (Hán – Ban Cố soạn): 自琅琊、青州六郡,及渤海都邑、鄉亭、聚落皆為立祠。Tự Lang Da-Thanh châu lục quân, cập Bột Hải đô ấp-hương đình-tụ lạc giai vi lập từ.
Hán thư – Câu hức chí (Hán – Ban Cố soạn): 時至而去,則填淤肥美,民耕田之。或久無害,稍築室宅,遂成聚落。Thời chí nhi khứ, tắc điền ứ phì mĩ, dan canh điền chi. Hoặc cửu vô hại, sảo trúc thất thất vũ, toại tụ lạc.
Đông quan Hán kí (Hán – Lưu Trân soạn): 逢萌隱琅琊之勞山,非禮不動,聚落化之。Phùng Manh ẩn Lang Da chi Lao sơn, phi lễ bất động, tụ lạc hóa chi.
Hậu Hán thư – Phùng Phường liệt truyện (Nam bắc triều – Phạm Diệp soạn): 帝且赦之,使魴轉降諸聚落,縣中平定。Đế thả xá chi, sử Phường chuyển hàng chư tụ lạc, huyện trung bình định.
Hậu Hán thư – Vương Phù liệt truyện (Nam bắc triều – Phạm Diệp soạn): 王扶字子元,掖人也。少脩節行,客居琅邪不其縣,所止聚落化其德。Vương Phù tự Tử Nguyên, Dịch nhân dã. Thiểu tu tiết hạnh, khác cư Lang Da Bất Cơ huyện, sở chỉ tụ lạc hóa kì đức.
Hậu Hán thư – Lí Húc liệt truyện (Nam bắc triều – Phạm Diệp soạn): 後拜侍御史,持節使幽州,宣布恩澤,慰撫北狄,所過皆圖寫山川、屯田、聚落百餘卷,悉封奏上,肅宗嘉之。Hậu bái Thị ngự sử, Sứ trì tiết U châu, tuyên bố ân trạch, úy phủ Bắc Địch, sở quá giai đồ tả sơn xuyên-đồn điền-tụ lạc bách dư quyển, tất phong tấu thượng, Túc Tông gia chi.
Phong Yến Sơn minh (Hán – Ban Cố soạn): 遂踰涿邪,跨安侯,乘燕然,躡冒頓之區落,焚老上之龍庭。Toại du Trác Da, khóa An Hầu, thừa Yến Nhiên, niếp Mặc Đốn chi khu lạc, phần Lão Thượng chi Long Đình.
Thuyết văn giải tự (Hán- Hứa Thận soạn): 聚,會也。从乑取聲。邑落云聚。Tụ, hội dã. Tòng khâm thủ thanh. Ấp lạc vân tụ.
Hậu Hán thư – Đông Di Nam Man Tây Nam Di Tây Khương Ô Hoàn Tiên Bi truyện (Nam bắc triều – Phạm Diệp soạn): 邑落皆主屬諸加。 Ấp lạc giai chủ thuộc chư gia. 邑落各有大人。Ấp lạc các hữu đại nhân. 有邑落長帥。Hữu ấp lạc trưởng soái. 下居邑落。Hạ cư ấp lạc. 邑落有相侵犯者,輒相罰,責生口牛馬,名之為「責禍」。Ấp lạc hữu tương xâm phạm giả, triếp tương tội, trách sinh khẩu ngưu mã, danh di ‘trách họa’. 邑落雜居。Ấp lạc tạp cư. 邑落相聚。 Ấp lạc tương tụ. 漢安元年,以趙沖為護羌校尉,沖招懷叛羌,罕種乃率邑落五千餘戶詣沖降。Hán An nguyên niên, dĩ Triệu Xung vi Hộ Khương hiệu úy, Xung chiêu hoài phản Khương, Hãn Chủng nãi suất ấp lạc ngũ thiên dư hộ chỉ Xung hàng. 邑落各有小帥,數百千落自為一部。Ấp lạc các hữu tiểu soái, sổ bách thiên lạc tự vi nhất bộ. 鮮卑邑落百二十部,各遣入質。Tiên Bi ấp lạc bách nhị thập bộ, các khiển nhập chất.
Hậu Hán thư – Tây Nam Di Tây Khương Tiên Bi liệt truyện (Nam bắc triều – Phạm Diệp soạn): 冉駹夷者,武帝所開。元鼎六年,以為汶山郡。至地節三年,夷人以立郡賦重,宣帝乃省并蜀郡為北部都尉。其山有六夷七羌九氐,各有部落。其王侯頗知文書,而法嚴重。貴婦人,黨母族。Nhiễm Mang Di giả, Vũ Đế sở khai. Nguyên Đỉnh lục niên, dĩ vi Vấn Sơn quận. Chí Địa Tiết tam niên, Di nhân dĩ lập quận phú trọng, Tuyên Đế nãi tỉnh tịnh Thục Quận vi Bắc Bộ Đô Úy. Kì sơn hữu Lục Di Thất Khương Cửu Đê, các hữu bộ lạc. Kì vương hầu pha tri văn thư, nhi pháp nghiêm trọng, quý phụ nhân, đảng mẫu tộc. 迷唐乃率部落遠依賜支河曲。Mê Đường nãi suất bộ lạc viễn y Tứ Chi hà khúc. 其約法:違大人言者,罪至死;若相賊殺者,令部落自相報,不止,詣大人告之,聽出馬牛羊以贖死。Kì ước pháp: vi đại nhân ngôn giả, tội chí tử; nhược tương tặc sát giả, lệnh kì bộ lạc tự tương báo, bất chỉ, chỉ đại nhân cáo chi, thính xuất mã ngưu dương thục tử. 異部大人抄取其外家牛羊,檀石槐單騎追擊之,所向無前,悉還得所亡者,由是部落畏服。Dị bộ đại nhân sao thủ kì ngoại gia ngưu dương, Đàn Thạch Hòe đơn kị truy kích chim sở hướng vô tiền; tất hoàn đắc sở vong giả, do thị bộ lạc úy phục.
Jan 01, 2018 @ 10:54:04
Anh từng đến Tây Nguyên rồi chắc anh phải biết các bộ lạc thiểu số ở đấu gọi vùng đất cư trú của mình là buôn (bôn), hay plây (plei, pơlây, pơlơi, palây) hay kon (kung). Đây đồng thời là đơn vị cư trú, đồng thời là đơn vị xã hội cơ sở thấp nhất tồn tại ở các tộc người thuộc nhóm ngôn ngữ Môn-Khmer (như người Mạ, Chil, Cơ Ho ở Lâm Đồng) và các dân tộc thuộc ngữ tộc Malay-Polynesia (như Ê Đê, Gia Rai, Chăm), tập trung chủ yếu ở Tây Nguyên và dọc Trường Sơn. Buôn phần nào có thể coi tương đương như làng của người Việt (Kinh), bản của các dân tộc Tày, Thái.
Đơn vị cư trú của người bản địa Giao Chỉ cũng khá giống như vậy, hoặc phát triển hơn chút ít, họ không gọi nơi cư trú của họ là nước/lạc (雒/駱/貉). Thuật ngữ nước (nhược/渃) để chỉ quốc gia chỉ xuất hiện sớm nhất vào thời nhà Trần (thế kỉ 15) về sau mà thôi, bằng chứng là các tác phẩm văn thơ bằng nhữ Nôm, gọi quốc gia là nước (nhược/渃), thời kì này người bản địa đã biết rõ khái niệm quốc gia là thế nào, quốc gia là rộng lớn hơn khái niệm đơn vị cơ bản của họ là làng xã như kẻ/cổ/chạ (古/可), làng (廊).
Nói về nguồn gốc phiên âm của từ lạc (雒/駱/貉), nguyên nghĩa là ruộng Lạc (Lạc điền/雒田/駱田), trong tiếng Việt ngày nay còn lưu giữ từ Rộc để chỉ ruộng trũng, có thể từ Lạc (雒/駱/貉) là phiên âm của từ Rộc.
Dec 31, 2017 @ 14:28:21
@Tích Dã: Bác là điển hình của một người trọng cổ khinh kim. Thế bác giải thích thế nào khi chính sông Dương Tử có âm krong của tiếng Nam Á 🙂
《周礼·地官·小司徒》四县爲都。又诸侯子弟封邑亦曰都。《 chu lễ· địa quan· tiểu tư đồ》 tứ huyện vi đô。 hựu chư hầu tử đệ phong ấp diệc viết đô。
Anh lại dịch méo mó câu Chu Lễ, dùng một nguồn chiết tự rất đáng nghi ngờ để bác nghiên cứu của tôi. Rất buồn.
Dec 31, 2017 @ 12:33:20
Từ nguyên Đà/Đa (沱) trong các tên đất như Dalat, Dak Nong, Dak Min, Dak Song… nghĩa là sông/suối trong tiếng Nam Á (các bộ lạc thiểu số Tây Nguyên và Nam Lào, Cao Miên…) nhé bác. Địa danh có tên sông suối hay sự vật tự nhiên như núi (山), nước (thủy/水) đầy rẫy trong sử sách và ngày nay ở cả Trung Quốc và châu Á. Nó không hàm nghĩa là chỉ vùng đất/xứ sở. Ví dụ: Giang Hạ, Thiên Thủy, Chiết Giang, Hắc Long Giang, Giang Tây, Thái Sơn, Sơn Đông, Sơn Tây…
Từ để chỉ vùng đất/xứ sở trước khi có khái niệm quốc gia (國家) thì ở các nước như sau:
– Trung Quốc: châu (州), ấp (邑), quận (郡), huyện (縣), hương (鄉), lí (里)…
– Việt Nam: kẻ/cổ/khả/chạ(古/可), làng (廊)…
– Các bộ lạc Thái-Tráng: mường/mang/mãnh (芒/猛), bản (板)…
– Các bộ lạc Nam Á (Tây Nguyên/Nam Lào/Cao Miên): buôn/bản/phum (板), sóc (朔)…
Những từ như sơn hà (山河), giang sơn (江山), chỉ là hình tượng sông (河/江) và núi (山) để chỉ chung cho lãnh thổ quốc gia chứ nó không phải là đất và nước.
Ví dụ tên gọi Đà Lạt nó vốn là nghĩa là tên một thị trấn/thị xã/thành phố do người Pháp đặt ra, nghĩa gốc là con suối của người Lạt. Từ Đà trong từ Đà Lạt nó không mang nghĩa là đất nước/xứ sở, mà nó có nghĩa là con suối. Các địa danh khác có từ Đà ở miền Tây Nguyên cũng như vậy.
Lại nói về chữ Đô/Đa 都, nghĩa gốc của nó cũng không có nghĩa là xứ sở/quốc gia.
Đô 都
者,既是声旁也是形旁,是“煮”的本字,表示烧柴做饭。都,金文(者,“煮”,焚烧)(邑,城邑),表示焚柴祭天之城。造字本义:名词,国王焚天祭祖所在的大城市。篆文将金文的写成。隶书将篆文的写成,将篆文的“邑”写成“双耳旁”。作副词时,“都”在部分方言区和普通话口语中也念作 dōu。
Chữ gia (者) bên cạnh là chữ hình thanh cũng là tượng hình, vốn là chữ chử (煮), biểu thị đốt củi để nấu cơm. Chữ đô (都) trong kim văn gồm chữ giả (者) tức là chữ chử (煮) nghĩa là đốt củi và chữ ấp (邑) nghĩa là thành ấp, nghĩa của nó là vùng đất đốt củi tế trời. Bản nghĩa của chữ này là danh từ, là thành ấp dùng để đốt củi cúng tế tổ tiên của quốc vương.
《説文解字》:都,有先君之舊宗廟曰都。从邑,者聲。周禮:距國五百里爲都。
Thuyết văn giải tự: Đô, tông miếu cũ của tiên quân gọi là đô. Theo bộ ấp, âm giả. Chu lễ chép: “Cách quốc (tòa thành của vua ở) năm trăm dặm là đô.
http://www.vividict.com/WordInfo.aspx?id=3108
Vậy thì đô (都) không phải nước (đà/沱)