Lịch sử nghiên cứu tiếng Việt có thể rút gọn như sau:

Năm 1877: Thầy tu người Pháp Joseph Simon Theurel (1829-1868) đã khẳng định tiếng Việt có gốc Hán trong di tác Từ điển An Nam – Latin (Dictionarium Anamitico – Latinum), xuất bản tại nhà thờ Kẻ Sở ở thị trấn Kiện Khê, Hà Nam (thuộc Giáo phận Hà Nội).

Năm 1912, người Pháp Henri Maspero (1883-1945) ở Viện Viễn Đông Bác cổ Đông Dương cho rằng tiếng Việt có gốc Thái Tày. Y chỉ dùng vài chục Việt âm hao hao với tiếng Thái Tày để kết luận. Tất cả các âm này đều là bạch thoại cổ Hán Đường, đã được chúng tôi xác tín bằng dữ liệu lớn (cự số, big data) của các phương âm Ngô Việt, Mân Việt cũng như chú âm trong các sách ghép vần cổ thời Hán, Tấn, Tùy, Đường, Tống, Minh, Thanh.

Để tách hẳn tiếng Việt khỏi gốc rễ thực sự của nó, năm 1912 Maspero cũng bịa ra cái gọi là 60% Việt âm gốc Hán (sự thực là 99.9%). Lí do là sách giáo khoa ngôn ngữ học phương Tây cho rằng hai ngôn ngữ có dưới 70% âm giống nhau, âm lõi khác nhau, thì không cùng ngữ hệ. Y đã lờ một thực tế có thể dễ dàng kiểm chứng ở các ngôn ngữ châu Âu: Chúng chia sẻ với nhau phần lớn từ vựng văn hóa, tôn giáo, khoa học, chính trị… của những ngôn ngữ thông dụng trong quá khứ. Với chúng ta và cả Nhật, Hàn,Trung; Hán Đường chính là tiếng Hy Lạp và La Mã phương Đông, là xương sống của ngôn ngữ quốc gia mỗi nước. 

Trước và sau trận Điện Biên Phủ lừng lẫy, vẫn là một tên thực dân Pháp “biết tuốt”, Andre-Georges Haudricourt (1911-1996), dùng các dữ liệu giả của Maspero để xác định tiếng Việt gốc Mon Khmer rồi phát tán khắp thế giới như là một chân lý không thể đảo ngược. 

Một trang tài liệu điển hình của Haudricourt xử lí dữ liệu giả của Maspero (1953 – La place du vietnamien dans les langues austroasiatiques, Bulletin de la Société de Linguistique de Paris 49. Alexis Michaud dịch sang tiếng Anh). Tất cả các Việt âm ở đây đều gốc Hán Đường mà trên blog và facebook chúng tôi đã nhiều lần nhắc đến, phân tích, chứng minh. Rõ rành rành như Mắt chính là từ chữ Mục 目, tiếng Triều Châu ở Sán Đầu hiện đọc y hệt giọng Nam Bộ Việt Nam [mak5] nhưng bọn giặc cỏ này đã láo xược tuyên bố đấy là tiếng Mon Khmer!

Dân Tộc 民族

Nation được dịch sang tiếng Việt là Dân tộc hoặc các nội hàm gần gũi như Quốc tộc, Quốc dân. Nghĩa này của Nation thật ra mới chỉ được định hình sau thế kỷ 16, khi châu Âu bắt đầu phân chia thành các quốc gia có chủ quyền, với bản sắc và ngôn ngữ riêng biệt, không còn sự kết dính của giới quân chủ và quý tộc cầm quyền nói và viết bằng văn ngôn La Mã.

Vào thế kỷ 19, người Nhật đã dịch Nation thành Quốc tộc 国族 và Tộc quần 族群. Cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20, các nhà cách mạng Trung Hoa chuyển thành Dân tộc 民族 hoặc Quốc dân 国民. Đặc biệt Quốc dân rất hay được Phan Bội Châu và Hồ Chí Minh sử dụng.

Một điều rất thú vị là hai chữ Dân tộc 民族 xuất hiện tận thời Chiến quốc và mang nghĩa y hệt từ Natio/Nacion (trong tiếng Hy Lạp và La Mã) chỉ người bản địa hay địa phương. Do vậy “dân tộc” trong cụm “dân tộc thiểu số” vẫn được dùng để chỉ thổ nhân.

Tổ quốc 祖國, Ái quốc 愛國

Hai chữ Tổ Quốc xuất hiện sớm nhất là vào năm 22 Đạo Quang nhà Thanh (1842), trong sử thư Thánh Vũ Kí của nhà tư tưởng Ngụy Nguyên (người Hán, quê Hồ Nam): Ba xã giả, hồi hồi tổ quốc 巴社者, 回回祖國 (Ba Xã là tổ quốc của người Hồi).

Tuy vậy, Tổ Quốc như chúng ta hiện nay vẫn hiểu thì xuất hiện muộn hơn. Ngày 17.6.1907 trên tờ Thần Châu Nữ Báo tại quê nhà Thiệu Hưng, Chiết Giang của mình, nữ chí sĩ cách mạng dân chủ Thu Cẩn (1875 – 1907) trong một bài hùng thi đã viết: “頭顱肯使閒中老. 祖國寧甘劫後灰? Đầu lô khẳng sử nhàn trung lão. Tổ quốc ninh cam kiếp hậu hôi”. Đại ý “Chẳng lẽ chúng ta cam tâm nhàn nhã đến bạc đầu, trong khi tổ quốc tươi đẹp đang bị hủy hoại?”. Ý thơ như một lời trăn trối, tháng sau cùng năm, vào ngày 15, Thu Cẩn đã hiến thân cho tổ quốc của cô ở tuổi 32 trong cuộc khởi nghĩa nhằm lật đổ Thanh triều mục nát.

Đến năm 1909 hai từ Tổ Quốc thiêng liêng và đồng nghĩa mới xuất hiện trong các trước tác của Phan Bội Châu (theo biên niên sử thì lúc này ông đang ở Trung Quốc). Và có kẻ đã bịa đặt rằng cụ Phan học được khái niệm này từ nền văn minh “nhơn từ bác ái” Lang Sa đang đè đầu cưỡi cổ nô lệ nhân dân ta!

Nếu Tổ Quốc 祖國 chỉ mới xuất hiện vào năm 1907 trên tờ Thần Châu Nữ Báo tại Thiệu Hưng, Chiết Giang, và sau đó được Phan Bội Châu dùng; thì Ái Quốc 愛國 là một giá trị Nho học trường tồn đã xuất hiện trong Chiến Quốc Sách thời Chiến Quốc và sau đó là Tiền Hán Kỷ triều Đông Hán: Ái Quốc Như Gia 愛國如家.

Quốc ngữ là gì?

Các ngôn ngữ quốc gia chính thức khắp hoàn cầu thường được nội bộ nước ấy gọi tắt là Quốc ngữ. Quốc ngữ là một trong những thành tố quan trọng để định hình biên giới và Nhà nước dân tộc. Cả Quốc ngữ và Nhà nước dân tộc có tuổi đời chỉ mới vài thế kỷ. Tiếng Việt Nam, tiếng Trung Quốc, Nhà nước dân tộc Việt Nam và Trung Quốc cũng mới ra đời rất gần đây mà thôi.

Không hẹn mà gặp, năm 1909, khi khái niệm Tổ quốc đang được thiêng liêng hóa ở Trung Nguyên, cũng là lúc Quốc ngữ Trung Hoa bắt đầu được xây dựng bằng việc cải cách và chuẩn hóa ngôn ngữ trong các phong trào cách mạng liên tục. Từ năm 1956, Mao đã thay thuật ngữ Quốc ngữ bằng “Phổ thông thoại” còn dân gian thì gọi là tiếng Bắc Kinh hoặc Quan thoại. Từ vựng chủ yếu của Quốc ngữ Trung Quốc được lấy từ bể văn ngôn Hán Đường mênh mông, nhưng cách diễn đạt nhẹ nhàng và dễ hiểu hơn với đại chúng được thừa hưởng từ văn chương Minh – Thanh.  

Quốc ngữ Việt Nam được hoàn thiện muộn hơn Trung Quốc do chế độ thực dân vừa áp chế vừa tẩy não và xuyên tạc nguồn gốc tiếng Việt. Và cũng như người anh em ở phương bắc, quốc ngữ của chúng ta cũng thu nạp từ vựng văn ngôn Hán Đường và nhiều sáng tạo của tiểu thuyết Minh – Thanh. Ví dụ: Hương Quán 鄉貫 có bạch thoại đọc ngược là Quê hương (Tây Du Kí, Tam Quốc diễn nghĩa). Xưng Niệm 稱念, âm bạch thoại là Khen ngợi (Kim Bình Mai). Ma Ma 媽媽 / Má, Mẹ; “Bài binh bố trận 排兵布陣”  (Tây Du Ký)…

Như vậy rõ ràng tiếng Việt Nam và tiếng Trung Quốc hiện nay là hai quốc ngữ non trẻ được phát triển độc lập nhưng cùng gốc rễ vì cùng thuộc về một nền văn minh. Chỉ có những kẻ dốt nát, tự ti và cực đoan mới nghĩ được rằng nếu chấp nhận kết quả nghiên cứu của chúng tôi, chấp nhận sự thật là tiếng Việt gốc Hán Đường với những đặc trưng Mân Việt rõ rệt, thì hóa ra Việt ngữ chỉ là một phương ngữ Trung Quốc!

Độc giả có tư duy độc lập cũng nên hết sức cảnh giác với việc đặt tên bộ chữ Latin dùng để kí âm tiếng Việt là chữ quốc ngữ. Một sự cố ý nhập nhèm với nội hàm Quốc ngữ, để tâng công và thờ phụng những ông chủ hồng mao của một bộ phận không nhỏ người Việt vẫn mang tâm thế nô lệ!

[ + , – , x , : ]

Trong bể văn ngôn Hán Đường mênh mông (với ít nhất 8 mươi ngàn chữ Nho), có rất nhiều chữ chứa đựng nội hàm của bốn dấu hiệu toán học hiện đại [ +, -, x, : ]. Khi quốc ngữ Trung quốc bắt đầu hình thành từ năm 1909, họ đã chọn bốn chữ Gia 加, giảm 減, thừa 乘, trừ 除 và dùng âm Bắc Kinh của nó để đọc bốn dấu hiệu ấy.

Muộn hơn nhưng được tiến hành độc lập và song song ở một ý nghĩa nào đấy, quốc ngữ Việt Nam lại dùng Cộng 共, trừ 除, nhân 因 và âm bạch thoại Chia.

Một trong rất nhiều nghĩa của chữ Giải 解 là Tách ra, Chia hoặc Sẻ. Tiếng Bắc Kinh hiện đọc bằng ba âm [jiě], [jiè] và [xiè] (nghe gần như Chiẽ, Chíe và Xé) nghe đã rất giống đẳng lập Chia Sẻ. Đi sâu hơn thì Chia và Sẻ là âm gốc quan thoại Trung Nguyên Tống Minh. Đọc đúng là Chia có tiếng Thái Nguyên (Sơn Tây), Nam Kinh, Vũ Hán, Tây An. Âm Sẻ cũng vẫn còn tồn tại ở Tế Nam, Thái Nguyên, Tây An nhưng hiện chỉ dùng để đọc họ Giải 解.

Chữ Giải 解 mới giải quyết được từ ghép đồng nguyên Chia sẻ. Vẫn còn Tích/Tách 析, Tỉ 仳 hoàn toàn có thể biến âm thành Chia và có các phương ngữ Trung Quốc hơi tương đồng. Hơn nữa cả ba chữ này đều được dùng trong ngôn ngữ toán học Việt Nam: Số hữu tỉ, Tích phân, Giải tích…

Trường hợp cụ thể này có thể phóng chiếu để nhìn tổng quan cách hình thành quốc ngữ Việt Nam và Trung Quốc.

Lân 鄰 Làng, Hương 鄉 Xóm, Lân Cận 鄰近 Láng giềng, Hạng Hương 巷鄉 Hàng Xóm, Lân Hương 鄰鄉 Làng Xóm.

Từ hồi blog 360 và đến facebook có một tay tiến sĩ vật lý học ở Tây về, me Tây mê muội và ghét Cộng Sản tột độ nhưng rất nhiều người đọc y. Cái dốt nát nhất của y là bịa ra từ nguyên Làng trong tiếng Việt. Biết y sai nhưng hồi ấy tôi chưa đủ trình độ Việt ngữ để lột trần y ra, cho đến hôm nay:

Lân 鄰 là một đơn vị hành chính rất cổ, từ thời Chu. Sách Chu Lễ viết Năm nhà là một Lân (Ngũ gia vi Lân五家爲鄰). Đọc là Lang hiện có tiếng Quảng Đông ở Tăng Thành [lɐŋ11], Tân Điền và Thái Hanh (Hương Cảng) [lɐŋ21] và Bình ngữ Quảng Tây tại Vĩnh Phúc (Đào Thành, Quế Lâm) [lɐŋ23]. Ta vẫn thấy âm Lân với nghĩa Làng trong Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc của Nguyễn Đình Chiểu ở TK 19: “Chẳng qua là dân ấp, dân lân, mến nghĩa làm quân chiêu mộ”.

Láng giềng là bạch thoại của hai chữ Lân Cận 鄰近. Quan thoại Thái Nguyên tỉnh Sơn Tây Trung Quốc hiện đọc chữ Cận gần như Chiểng [ʨiəŋ45]. Hương 鄉 là từ nguyên của âm Xóm, Chòm và Khóm, chứ không phải Thôn 村. Hiện tiếng Mân Trung ở Tam Minh, Phúc Kiến đọc cả hai chữ Hương 香/鄉 bằng cùng một âm là [ʃiam553]. Hai chữ Lân Hương 鄰鄉 xuất hiện trong sách Ngô Việt Xuân Thu thời Đông Hán, có âm bạch thoại Hán Mân là Làng Xóm. Hàng Xóm thì lại là bạch thoại của hai chữ Hạng Hương 巷鄉. Hạng ở đây mang nghĩa con đường làng khúc khuỷu quanh co. Như vậy ở cạnh nhau gọi là Láng Giềng. Ở cùng hương thôn, trên cùng một con đường làng thì gọi là Hàng Xóm. Láng giềng tất nhiên là hàng xóm, nhưng hàng xóm thì chưa chắc đã là láng giềng!

Nhai 街, Hạng 巷 = Đường Cái, Ngõ, Hẻm

Cái trong Đường cái là tiếng Hán Mân khi đọc chữ Nhai 街 chỉ đường lớn, thẳng, đối lập với Hạng 巷 chỉ đường nhỏ khúc khuỷu trong làng xóm (lân hương). Âm Cái này hiện thấy ở hầu hết các phương ngữ chính tại Trung Quốc. Công thức biến âm khả dĩ ở đây là Nhai -> Giai -> Cái. Theo thiển ý của chúng tôi, Hạng 巷 đã biến âm thành Héng như cách phát âm tiếng Quảng Đông hiện nay ở Sùng Tả [hɛŋ52] và cuối cùng là Hẻm được sử dụng rộng rãi tại Sài Gòn.

Hạng 巷 nuốt phụ âm cuối ta sẽ có Ho [hɔ̃33] (tiếng Khách Gia ở Đại Dư, Giang Tây) rồi ngạc hóa thành Ngõ cũng là tiếng Khách Gia tại Thượng Do, Giang Tây [ŋɔ̃55]. 

Riêng âm Kiệt của miền trung, chúng tôi cho rằng đây là bạch thoại giản xưng của hai chữ Hiệp Lộ 狹路 mô tả các lối đi nhỏ hẹp, gần như là định nghĩa lại chữ Hạng 巷. Cũng xin nhắc lại chữ Lộ 路 hiện nay tiếng Ngô Việt tại Ôn Châu đọc gần như Lối [løy22].

Họ, Hàng, Dòng, Giống

Á Đông cổ đại mỗi bộ Tộc 族 có một xưng hiệu khác nhau gọi là Tính 姓. Chữ Tính 姓 hội ý Nữ/Sinh, chỉ người mẹ. Chứng tỏ lúc này đang là chế độ mẫu hệ, khó biết ai thực sự là cha. Qua Tam đại Hạ Thương Chu, phụ hệ hình thành, Tính 姓 sẽ phân dần ra các Chi Hệ 支系 (Chi Họ) và gọi là Thị 氏. Đến thời Hán dân gian đã không còn phân biệt được Tính và Thị.

Họ trong tiếng Việt là bạch thoại khi đọc chữ Hệ 系. Trong hàng trăm phương ngữ TQ, chỉ có Hạc Sơn thị nói tiếng Quảng Đông đọc chữ Hệ là Họ như người Việt.Nếu bạn về xứ Mân sẽ thấy rất nhiều Tính/Thị được đặt tên thôn làng do di cư từ Trung Châu xuống. Vì cùng Tính/Thị, nên phải dùng Hệ 系 và Hàng 行 để thiết lập tôn ti, từ đây phát sanh từ ghép Họ Hàng. Đặc điểm Mân Việt này có lẽ đã được nhà Lý và nhà Trần đưa vào Việt Nam.

Gia đình quí tộc quân chủ còn chia Tông/Dòng 宗, dòng trưởng Đại tông 大宗 mới được thừa kế tài sản và chức tước. Lấy vợ Tiểu tông, thì có tiếng nhưng chẳng có miếng. Đó là một trong những nội hàm của thành ngữ “Lấy vợ xem tông, lấy chồng xem giống”. Giống và Dòng đơn giản chỉ là âm bạch thoại của Tông 宗, căn cứ vào đẳng lập đồng nguyên Dòng Giống.

Hương 香: Hương, Nhang, Thơm, Khóm

Chữ Hương 香 có rất nhiều nghĩa và nhiều biến âm, ở đây chỉ nói về 3 âm 4 nghĩa hằng dụng trong tiếng Việt. Thứ nhất và thứ hai là danh từ Hương/Nhang chỉ thứ que/cây làm ra từ bột gỗ và hương liệu, hay được dùng trong cúng tế. Hương là âm chuẩn thời Đường. Nhang là biến âm từ Hương. Bằng chứng là hiện nay rất nhiều phương ngữ Trung Quốc đọc là Xiang [ɕiaŋ31] còn một số địa phương ở Quảng Tây nói Hán Ngữ lại đọc thành Giang [iɐŋ53] hoặc [jɐŋ55]. Như vậy Nhang là biến âm của Giang, như Nhà là biến âm của Gia 家 mà thôi. Thứ ba và tư là động/danh từ Thơm với nghĩa Hôn và Hương. Hiện tiếng Mân Trung ở Tam Minh, Phúc Kiến đọc chữ Hương 香 này là [ʃiam553]. Do vậy Sơm chính là tiền âm của Thơm.

Quả dứa văn ngôn gọi là Phượng Lê 鳳梨 có lẽ vì các cánh lá của trái trông như đuôi chim Phượng. Trong tiếng Mân các âm Phượng 鳳, Vượng 旺 và Hương 香 gần như đọc như nhau. Có nơi đưa quả dứa lên bàn thờ với song ý: vừa thờ chim Phượng của Đạo giáo (Phượng Lê 鳳梨), vừa cầu chúc cho thịnh vượng đến với gia đình mình (Vượng Lai 旺来).

Quả dứa trên bàn thờ tổ tiên người Việt với hàm ý “Vượng lai”.

Khi quả Dứa gốc châu Mỹ đến Việt Nam vào khoảng TK 16-17, đồng bằng sông Hồng đã là một không gian ngôn ngữ khá bảo thủ và khép kín, khác xa với miền trung và miền nam. Chúng tôi chỉ có thể ước đoán người bắc cho đây chỉ là một giống Dưa (Qua 瓜) ngoại lai, nên gọi nó là Dứa.

Những cư dân gốc Mân đến miền trung và nam nghe văn ngôn Phượng Lê 鳳梨thì áp ngay vào Hương Lê 香梨 và dùng bạch thoại giản xưng Thơm/Khóm để gọi, y hệt trường hợp Hương 鄉 có bạch thoại là Xóm, Chòm (xóm) và Khóm.

Liên Ngư 蓮魚 Sen Cá, Khá dả, Dư dả, Có dư

Nếu Sen là bạch thoại Hán Mân khi đọc chữ Liên, như Lực/Sức 力, Lục/Sáu 六, Lô/Sọ 顱… thì Cá lại là âm tối cổ Dương Tử. Rất nhiều ngôn ngữ của các bộ lạc biệt lập giữa Thái Bình Dương vẫn dùng thể đa âm [ika], chẳng hạn tiếng Mangareva nằm giữa Chile và New Zealand.

Quan hệ Ư và A, chúng ta có Cự/Cả 巨, Lữ/Lã 呂. Căn cứ vào trường hợp tiếng Đường chuẩn Trường An, Cam 甘, được ngạc hóa thành Ngon trong bạch thoại Việt Nam ngữ; thì Ngư chính là kết quả của biến âm Ư/A kết hợp ngạc hóa Cá mà ra. Âm trung gian Kư khi đọc chữ Ngư rất may còn lưu tồn trong tiếng Mân Nam ở Hạ Môn [gu35].

Vì vậy chúng tôi kết luận Cá là cổ Hán âm, chia sẻ nguồn gốc Dương Tử cổ đại với rất nhiều ngôn ngữ châu Á Thái Bình Dương. Giáp cốt và kim văn trực họa tượng hình một con Cá. Hậu Hán có khả năng biến âm thành Kư rồi ngạc hóa trong thời Đường ra Ngư.

Ngư = Dư

Sách Trung châu âm vận cuối TK 16 đầu TK 17 đã phiên chữ Ngư: “Di cư thiết 移居切, bình thanh = dư”. Như vậy có thể khẳng định muộn nhất là thời Minh, sớm là Đường/Tống, Ngư được đọc là Dư, đồng âm với Dư 餘 (thừa) để gửi gắm hy vọng vào một cuộc sống no đủ khi ăn cá, nuôi cá. Chữ Dư 餘 còn có âm Da (hoặc Dà) phiên trong sách Tập vận thời Tống “dư già thiết 余遮切, bình thanh”. Khi tạo thành đẳng lập đồng nguyên ở tiếng Việt ta sẽ có Dư dả. Căn cứ vào Khả thi 可施 bạch thoại Hán Mân đọc là Có thể, Khả năng 可能 là Có lẽ, thì Khá dả chính là Khả dư 可餘, dân dã đọc thành Có dư.

Vận mệnh tương quan 運命相關

Hai chữ Vận mệnh xuất hiện lần đầu tiên là ở sách Kinh thị Dịch truyện của Kinh Phòng thời Tây Hán. Qua Đông Hán, trong quyển Bạch Hổ Thông, sử gia Ban Cố lại đảo ngược thành Mệnh vận 命運. Suốt hơn hai ngàn năm văn ngôn Á Đông, cặp từ Vận mệnh và Mệnh vận được dùng rất nhiều, hầu như đồng nghĩa, tùy ngữ cảnh mà hiểu: Số phận, Số mệnh, Tương lai (tốt đẹp, may mắn).

Mệnh 命 âm bạch thoại Việt ngữ là Mạng. Vận 運 nằm trong chuỗi bạch thoại Hán cổ Vân/Mây 雲, Vạn/Mười 萬, Văn/Muỗi 蚊… cho nên âm May (may rủi) trong tiếng Việt từ đây mà ra. Có ngữ chi Mân Nam gốc Phúc Kiến và Quảng Đông lại đọc Vận 運 là Hêng, hoàn toàn tương đồng với âm chỉ may mắn trong tiếng Nam Bộ Việt Nam.

Ngôn ngữ của nền văn minh tiền khai Á Đông chúng ta vừa sâu, vừa rộng, hàm ý rất rõ ràng và uyên bác. Khi dịch Vận mệnh qua tiếng Anh hậu khai chỉ vài trăm tuổi, thành Fate, Destiny hay Fortune thì vừa thiếu vừa thừa. Hiện nay bốn chữ Vận mệnh tương quan 運命相關 được truyền thông Việt ngữ diễn đạt thành “Chia sẻ tương lai chung” mới tạm đúng nhưng chưa đủ, chưa chuyển tải được nội hàm May/Hên như là kì vọng tích cực và chính đáng trong mối quan hệ bình đẳng giữa hai quốc gia Việt Nam và Trung Quốc ở những năm tháng phía trước.  

Tiểu kết

Trên mạng hiện nay trăm hoa đua nở, có nhiều đám mù chữ Nho tán hươu tán vượn về Việt ngữ, trích sách Tây, thậm chí cả sách Tàu như kinh thánh. Tất cả tác giả ấy nếu không phải lũ thực dân bẩn thỉu, thì cũng là những người muôn năm cũ, chưa bao giờ có dữ liệu lớn và cụ thể như những thứ chúng tôi đã trình bày, cho nên cũng chỉ là thầy mù xem voi hay âm mưu tẩy não mà thôi. Một khi 99.9% Việt âm có thể truy xuất từ chữ Nho, thì những cái gọi là thuật ngữ dịch từ tiếng Tây nghe leng keng như “ngữ hệ”, “âm vị”… chả còn giá trị gì nữa. Hai ngôn ngữ chỉ khác ngữ hệ khi và chỉ khi cùng nhau chia sẻ 70% vốn từ trở xuống, khác hẳn nhau ở âm lõi sâu nhất. Đó là lí do Henri Maspero phòng xa, ước gán cho tiếng Việt chỉ chứa 60% âm Hán Việt!   

Càng nghiên cứu sâu Việt ngữ, tôi càng thương người Việt. Ngay cả một quyển Từ điển khổng lồ của Viện ngôn ngữ học quốc gia cũng không hiểu Hàng Xóm nghĩa là gì, giải thích lung tung, lấy lỗ hổng nọ đắp vào lỗ hổng kia.

Mục đích của đám học giả bạch chủng “biết tuốt” đã thành công mĩ mãn. Quốc gia dân tộc Việt Nam bị què một chân, cái chân trụ quan trọng tên là Ngôn ngữ! Đây là tiền đề cho một nền văn hóa lai căng mất gốc sinh trưởng mạnh mẽ, ở đó con người sẽ hồn nhiên phỉ báng lời ăn tiếng nói được truyền lại từ tổ tiên ngàn đời của chính mình, ít nhất là bằng cách biến nó thành phụ chú cho những ngôn ngữ ngoại lai trên xứ sở này.

Tiếng Việt bị hạ nhục ngay trong môi trường giáo dục của Bộ Văn Hóa!

Thạch Viên, Nhơn Trạch 01.01.2024

@truongthaidu