Bắt đầu từ câu hỏi của một bạn đọc “Tết nguyên đán là của ai, do ai đặt ra?”. Tôi đã giải thích rằng Tết nguyên đán là một mốc thời gian đặc biệt của âm – dương lịch. Muốn có âm – dương lịch thì phải có thiên văn học, tính được thời gian trái đất quay xung quanh mặt trời một vòng gần với con số chính xác là 365,25 ngày. Điều kiện để xây dựng thiên văn học ở thời đại đồ đá là con người phải ở trên chí tuyến bắc, từ vĩ độ 23 độ 27 phút bắc trở lên. Dưới vĩ tuyến ấy, các bài toán thiên văn rất phức tạp, vượt quá khả năng của bất cứ cộng đồng dân cư cổ đại đã định cư nào. Thực tế là tất cả các nền văn minh đã nắm bắt thiên văn từ rất sớm đều ở trên chí tuyến bắc, chẳng hạn: Lưỡng Hà, Trung Hoa, Ai Cập, Ấn Độ hay Hy Lạp.
Thiên văn học nôm na là quá trình quan trắc mặt trời, trăng và sao từ một mốc cố định. Nếu rày đây mai đó như trong đời sống du canh du cư của các bộ tộc săn bắt hái lượm chẳng hạn, con người không thể tổng hợp được quy luật chuyển động của mặt trời để xây dựng âm dương lịch. Họ chỉ có thể sử dụng tháng trăng tròn khuyết gọi là âm lịch hay Nguyệt lịch. Nguyệt lịch hoàn toàn lệch pha với Nhật lịch, tức lịch mặt trời. Chỉ có Nhật lịch mới chỉ thị đúng thời điểm mùa màng mà thôi.
Ngoài thiên văn, chúng ta có một chỉ thị khác để xác định thời điểm bắt đầu chuyển từ du cư sang định cư của các tộc người cổ đại. Đó là thuần hóa vật nuôi và cây trồng hay quá trình chọn lọc gene đột biến thích hợp của động vật và thực vật nhằm phục vụ đời sống con người. Hoàn toàn có thể phân tích chính xác niên đại những dấu hiệu thuần hóa đầu tiên từ các mẫu vật khảo cổ.
Như vậy, âm dương lịch ở tình trạng sơ khai nhất phải có tuổi đời khá tương đồng với chiều dài lịch sử định cư và thuần hóa động thực vật. Trên lãnh thổ Trung Quốc ngày nay có hai nhánh chủng tộc Bắc – Nam và nhiều dấu vết ngôn ngữ, văn hóa cũng như khảo cổ khẳng định sự tồn tại của hai nền văn minh tối cổ tiền Hoa Hạ tương ứng. Xin được tạm gọi là văn minh Hoàng Hà và Dương Tử và đi sâu vào khảo sát.
CON ĐƯỜNG THIÊN DI
Cách đây trên 40 ngàn năm, từ vùng Lưỡng Hà có hai nhánh di dân về phía đông. Hình minh họa có sẵn dưới đây chỉ để cho dễ hiểu:
A. Nhánh thứ nhất băng qua thảo nguyên và sa mạc trung Á đến đông bắc Á trở thành người Mông – Mãn. Khi đến được bờ bắc Hoàng Hà, chọn lọc tự nhiên đã loại trừ gần hết gene hai mí vốn phổ biến khắp nhân loại. Địa hình bằng phẳng ngút mắt trên con đường thiên di yêu cầu phải giảm thị trường (tức là giảm kích thước mắt), vừa để nhìn rõ mục tiêu hơn, vừa hạn chế tia cực tím từ ánh mặt trời chiếu thẳng vào nhãn cầu, vì địa bàn có ít vật che chắn như cây cao, rừng rậm… (Ngược lại, các bộ tộc săn bắt hái lượm trong rừng nhiệt đới hoặc ôn đới mênh mông mà mắt nhỏ, một mí, nếu không bị thú dữ ăn thịt, thì cũng chết đói đến tuyệt chủng). Họ dùng da thú giữ ấm tốt nên lông trên cơ thể hầu như đã biến mất, trừ râu quai nón. Ở giai đoạn cuối, nhóm này bắt đầu chăn nuôi các đàn gia súc lớn, cưỡi ngựa rong ruổi khắp nơi nên đàn ông có xu hướng chân ngắn, lưng và tay dài.
Cách đây khoảng 12 ngàn năm người Mông Mãn bắt đầu định cư ở châu thổ Hoàng Hà và xây dựng nền văn minh cùng tên. Mốc thời gian này căn cứ trên dấu hiệu thuần hóa chó sói trở thành chó nhà [1] cũng như gieo trồng giống kê đuôi cáo tại Nam Trang Đầu, Hà Bắc, Trung Quốc.
B. Nhánh thứ hai băng qua tiểu lục địa Ấn Độ đến Miến Điện. Tại đây họ lại chia hai, nhóm người đi sâu vào lục địa chiếm cứ thượng nguồn các dòng sông Mekong và Dương Tử tạm gọi là Thái – Tạng – Miến. Nhóm phân bổ khắp Đông nam Á rồi đi ngược về phía bắc đến cửa sông Dương Tử là Nam Đảo (Austronesian). Người Nam Đảo bắt đầu định cư ở đồng bằng bờ nam cửa sông Dương Tử cách đây khoảng 12.000 năm, căn cứ vào dấu hiệu thuần hóa lúa nước tại hồ Bà Dương và hang Ngọc Thiềm Nham tỉnh Hồ Nam. Xin lưu ý, chúng tôi lấy mốc ước đoán 12 ngàn năm từ rất nhiều tài liệu khảo cổ học công bố gần đây và chúng không hẳn hoàn toàn thống nhất với nhau.
BABYLON PHƯƠNG ĐÔNG
Sơ đồ Babylon phương đông.
Đỉnh cao và cũng là trung tâm của văn minh Dương Tử đã được xác nhận bởi khảo cổ học là di tích thành quốc Lương Chử (Chiết Giang, văn minh ngọc thạch, 3400 BC – 2200 BC): Đây là thành quốc rộng lớn nhất Á Đông ở thời đại của nó, diện tích 290ha, có tường thành bao bọc xung quanh và 6 cổng chính, 2 cổng ở mỗi hướng bắc, đông và nam, nhiều cửa thông nối với hệ thống sông rạch. Hoàng cung nằm ở giữa rộng 30ha. Thành quốc có đàn tế trời đất, hệ thống đê điều tưới tiêu và ngăn lụt lội, xã hội đã phân chia giai cấp và có khả năng đã có vua chúa và giới quý tộc tăng lữ. Dấu vết kho lương thực chứa được khoảng 15 tấn gạo [2]. Các di cốt dưới lòng đất có gene liên hệ rõ rệt với chủng người Thái – Tráng và Nam Đảo [3].
DẤU HIỆU THIÊN VĂN HỌC
Để khảo sát trình độ thiên văn học hai nền văn minh Dương Tử và Hoàng Hà, chúng tôi chọn ra ba di tích thành quốc là Lương Chử, Đào Tự (Sơn Tây, cuối đá đầu đồng, 2300 BC – 1900 BC) và Nhị Lý Đầu (Hà Nam, đồ đồng, 1900 BC – 1500 BC).
Lương Chử cách Đào Tự khoảng 1000km đường chim bay và bị chia cắt bởi hai con sông lớn là Dương Tử và Hoàng Hà. Thêm nữa, thời điểm suy tàn của Lương Chử và khởi phát của Đào Tự chênh nhau 100 năm. Do đó chắc chắn hai nơi này phát triển độc lập. Nhị Lý Đầu nằm giữa Đào Tự và Lương Chử, bên bờ nam Hoàng Hà, có thể là nơi đã tiếp nhận tinh hoa từ hai phía và phát triển thành nền văn minh Thương Ân mở đầu văn minh Hoa Hạ.
Mặt bằng nền móng và tường thành Lương Chử (3400 BC – 2200 BC)
Mặt bằng nền móng di tích Đào Tự (陶寺2300 BC – 1900 BC)
Nền móng di tích Nhị Lý Đầu (二里头1900 BC – 1500 BC)
Sơ đồ móng cung điện và Đại Môn (tiền thân của Ngọ Môn) của Nhị Lý Đầu được định vị đông tây nam bắc khá chuẩn, sai số chỉ 5 độ góc, chứng tỏ chủ nhân của chúng đã nắm khá vững thiên văn, có niên lịch và sử dụng đồng hồ mặt trời đo thời gian.
Tuy Lương Chử và Đào Tự lâu đời hơn Nhị Lý Đầu rất nhiều nhưng sơ đồ móng của chúng có sai số định vị đông tây nam bắc dưới 10 độ góc. Từ đó có thể kết luận Lương Chử và Đào Tự đã độc lập phát triển thiên văn và khả năng rất lớn là họ đã xây dựng được niên lịch và sử dụng đồng hồ mặt trời có độ chính xác chính ngọ dưới 30 phút. Để hiểu thêm định vị phương hướng, xin bạn đọc tham khảo thêm chủ đề riêng “Có thể định tuổi các nền văn minh bằng trục chính đạo?”
Như chúng tôi đã làm rõ trong “Khảo chứng tiền sử Việt nam bằng Cổ thư và Thiên văn học“, thiên văn chỉ định hình khi xã hội chuyển hóa từ săn bắt hái lượm sang định canh định cư và thuần hóa cây trồng, vật nuôi. Thiên văn là tiền đề cho toán học ra đời và từ ngôn ngữ toán học con người tiến tới khai sinh ngôn ngữ truyền đạt, tức là chữ viết. Tại di chỉ Lương Chử, rất tiếc chưa xuất hiện dấu hiệu của chữ tượng hình rõ ràng như Đào Tự và Nhị Lý Đầu. Có thể họ vẫn đang dùng toán học ở dạng Kết Thằng (thắt nút), chưa đi đến bước viết các con số lên những chất liệu khác nhau để hình thành chữ viết đầu tiên.
BABYLON PHƯƠNG ĐÔNG SỤP ĐỔ
Các bằng chứng từ đầu não Lương Chử đã cho chúng ta cái nhìn mới về văn minh Dương Tử: phát triển rực rỡ ở tầm nhân loại, đã sử dụng thiên văn, có thể có toán pháp và bắt đầu xây dựng văn tự tượng hình cách đây 5400 năm. Tuy nhiên đến năm 2200 BC, thành quốc Lương Chử đột ngột biến mất, vùng ảnh hưởng của nó phân rã và thụt lùi trở lại văn hóa bộ lạc. Ước đoán các lý do như sau:
A. Do biến đổi khí hậu như diễn dịch tại đây. Khi dùng sóng radar quét sâu xuống 5m dưới lòng đất và kiểm nghiệm bằng những hố đào trực tiếp, công trình khảo cổ năm 2015 của các nhà khoa học Trung Quốc và Italy đã xác định ở độ sâu 2m3 trở xuống là kiến trúc đất nện nén chặt. Bề mặt của chúng là lớp đất mỏng khoảng 10 đến 20cm, có dấu vết rất rõ ràng của nhiệt lửa, do sinh hoạt nhiều đời của cư dân cổ. Khả năng rất lớn là ở năm 2200 BC, một trận đại hồng thủy tại sông Dương Tử đã xóa sổ toàn bộ trung tâm của nền văn minh ngọc thạch này.
B. Các tiểu trung tâm khác của văn minh Dương Tử tồn tại qua đại hồng thủy đã bị văn minh Hoàng Hà tiêu diệt hoặc thôn tính: Biến đổi khí hậu là lý do trực tiếp và cụ thể. Tuy nhiên, một quốc gia lớn (có hoàng thành rộng gấp 10 lần Tử Cấm Thành ngày nay ở Bắc Kinh) không thể tuyệt diệt hoàn toàn nếu thủ đô của nó đột nhiên biến mất. Đáng chú ý là tại Lương Chử chưa có dấu hiệu sử dụng đồng trong khi đó các di chỉ cùng tuổi phía bắc thuộc văn minh Hoàng Hà như Ngưỡng Thiều, Hồng Sơn… đã phát lộ dày đặc xỉ đồng. Chúng là tiền đề cho Nhị Lý Đầu vươn lên và tỏa sáng. Chúng ta lại thấy quy luật “Guns, Germs and Steel” của Jared Diamond ở đây: Vũ khí sắc bén hơn, gây sát thương dễ dàng và nghiêm trọng hơn đã đóng vai trò tiên quyết trong lịch sử.
Mãi đến khoảng năm 800 BC, trên địa bàn Lương Chử lại hồi sinh một hình thái nhà nước mới có gene Nam Đảo và Thái – Tráng, đó là nước Âu Việt. Sau khi bị nước Sở tiêu diệt vào năm 334 BC, một số nhánh Âu Việt đi về phía nam thành lập Mân Việt, Đông Âu và hợp huyết với người Lạc Việt tại nước Nam Việt của Triệu Đà. Sau công nguyên, người Âu Việt tiếp tục vượt biển đến mảnh đất Việt Nam và chính họ đã một lần nữa giành độc lập rồi dựng lên nước Đại Việt.
Như vậy, về cơ bản, quan điểm cho rằng người Việt có một nhánh tổ tiên từ một nền văn minh vĩ đại trên 5000 tuổi có lẽ không sai. Chỉ có điều nó là con đẻ của dòng sông Dương Tử vĩ đại, chứ không phải sông Hồng bản địa nhỏ bé. Dương Tử trong Hán ngữ còn viết là 江 (giang), từ thời Chu đến Minh người Hán đọc là [krōŋ]. Đó chính là âm Thái / Mon Khmer của từ Sông trong tiếng Việt. Trong từ chỉ sông này, tiếng Thái và Mon Khmer rất giống nhau. Ngày nay, sau mấy ngàn năm Hán hóa, vùng phía nam Trường Giang vẫn còn lốm đốm các khu vực phát âm khá giống tiếng Thái / Mon Khmer: Nam Xương – Giang Tây: [kɔŋ] ; Mai Huyện và Quảng Châu – Quảng Đông: [kɔŋ] ; Phúc Châu – Phúc Kiến: [kouŋ] hoặc [köyŋ] ; Dương Châu – Giang Tô: [ka_ŋ] hoặc sang trọng là [ćiâŋ]. Khi chủng Nam Đảo còn làm chủ con sông Trường Giang, họ gọi các nhánh nhỏ đổ vào sông mẹ là [d(h)ā], người Hán ký âm thành Đà沱, hoàn toàn tương đồng với cách các bộ tộc gốc Nam Đảo ở Tây Nguyên Việt Nam vẫn gọi sông là Dak hoặc Krong.
TẾT NGUYÊN ĐÁN CỦA AI?
Thiếu kiến thức thiên văn cổ đại và khảo cổ, rất nhiều học giả và tác giả Việt Nam đoán mò rằng âm lịch có nguồn gốc từ văn minh lúa nước Dương Tử còn dương lịch của văn minh Hoàng Hà. Chúng tôi thì chắc chắn rằng cả hai nền văn minh ấy đều dùng một hình thức âm – dương lịch tuy sơ khai nhưng hữu hiệu với mùa màng, không ai phải học của ai mà chỉ cần quan trắc lâu dài và tổng hợp quy luật chuyển động tương đối của mặt trăng, mặt trời và các vì sao với trái đất.
Nói cho cùng, phong tục ăn tết Nguyên đán có lẽ do người Chu truyền đến Âu Việt và người Hán sau đó lại đem đến Việt Nam. Ban đầu người Hoàng Hà ở vĩ độ rất cao, họ lấy tháng trăng gần ngày Xuân phân nhất, đỡ lạnh nhất để làm đầu năm. Do đó Hạ lịch chọn ngày 1 tháng Dần làm nguyên đán. Khi Hoàng Hà nam tiến xuống Dương Tử, để phù hợp với vĩ độ thấp hơn của kinh đô, nhà Thương chọn tháng Sửu, nhà Chu chọn tháng Tý (gần Đông Chí nhất). Tần lại lùi hẳn về tháng Hợi, trước những đợt lạnh nhất trong năm. Kể từ Hán Vũ Đế người ta quay lại tháng Dần. Cháu nội Tào Tháo có lần đổi sang tháng Sửu.
Đây là những lý do thuần túy thiên văn và chắc chắn do những thiên văn gia hoàng gia thiết lập nhưng khi công bố thì thường dưới những chiếu chỉ rất mông lung và mang tính chính trị là chính. Người Việt Nam vẫn gọi tháng Tý là tháng Một chắc chắn là do thói quen Âu Việt có mãi tận thời Chu mà thôi!
@T.T.Du 12.2017
[1] The zooarchaeology of domesticated animals in ancient China). Quaternary Sciences 30(2):298–306
[2] http://as.wiley.com/WileyCDA/WileyTitle/productCd-1444335294.html
[3] https://link.springer.com/article/10.1007%2Fs00439-007-0407-2
Nov 25, 2020 @ 14:59:09
Nền văn minh rất tuyệt vời
◇§ Mặt Hồ Phẳng Lặng. | thạch thảo viên - vũ đan huyền
Aug 20, 2020 @ 01:34:47
◇ Mặt Hồ Phẳng Lặng. | thạch thảo viên - vũ đan huyền
Jun 28, 2020 @ 20:40:21
Jan 07, 2018 @ 14:18:22
Jan 05, 2018 @ 07:41:12
Dec 26, 2017 @ 10:31:12
Dec 22, 2017 @ 08:42:43
Dec 11, 2017 @ 07:10:23
Dec 10, 2017 @ 11:03:54
Đóng góp cho văn minh Trung Hoa nói chung thì văn minh Dương Tử có các di sản lớn, ở đây tạm liệt kê văn hóa trung đại và hiện đại là văn hóa Ngô Việt (吳越文化) trước:
– Tiếng Ngô (吳語): một phương ngữ Hán ở tỉnh Giang Tô, Chiết Giang, Thượng Hải.
– Côn khúc (昆曲): di sản văn hóa thế giới về ca kịch truyền thống.
– Việt kịch (越剧): ca kịch truyền thống lớn thứ hai Trung Quốc.
– Âu kịch (瓯剧): ca kịch truyền thống phi vật chất của Trung Quốc.
– Truyền thuyết Lương Chúc (梁祝传说): chuyện tình Lương Sơn Bá-Chúc Anh Đài thời Tấn.
– Truyền thuyết bạch xà (白蛇传说): truyền huyền thoại về rắn trắng
– Thiên Thai Tông (天台宗): một phái Thiền tông của Phật giáo.
– Việt diêu (越窑): gốm sứ kẻ hoa văn màu xanh nổi tiếng ở Giang Nam chỉ đứng sau gốm sứ Giang Tây.
– Âu tú (瓯绣): nghệ thuật thêu tranh lên vải lụa nổi tiếng.
– Chiết thái (浙菜): món rau Chiết Giang.
– Giang Nam viên lâm (江南園林): vườn rừng Giang Nam.
…
Văn hóa Ngô Việt (吳越文化) còn gọi là văn hóa Giang Chiết (江浙文化), tức là văn hóa miền Giang Tô-Chiết Giang-Thượng Hải. Kế thừa văn hóa đồ đá mới như văn hóa Hà Mẫu Độ, văn hóa Lương Chử, văn hóa Ngô Việt thực sự hình thành độc lập vào thời nhà Chu với các nước Ngô và Việt. Trải qua các thời Tần-Hán, đến thời nhà Tấn thì bắt đầu ảnh hưởng mạnh của văn hóa Trung Nguyên, trở thành một trong những nền văn hóa điển hình cho văn minh Trung Hoa. Vào thời nhà Đường về sau, văn hóa Ngô Việt bắt đầu phát triển hơn cả văn hóa Trung Nguyên, là vì văn hóa Trung Nguyên liên tiếp bị các bộ tộc thiểu số miền Quan Ngoại như Khiết Đan-Nữ Chân-Mông Cổ thống trị làm cho mai một, cho nên văn hóa Ngô Việt trở thành phên dậu bảo tồn được rất nhiều văn hóa truyền thống Trung Hoa ví như tiếng Ngô (吴语) được xem là nhã ngữ, ẩm thực Ngô Việt có vị ngọt là chính, khác với vị cay nồng của miền Tây Nam hay bị béo ngậy của ẩm thực miền Trung Nguyên. Ngô Việt cũng là nơi xuất hiện nhiều tao nhân mặc khách và nhà khoa học, là trung tâm học vấn lớn của Trung Quốc với nhiều vị Trạng nguyên Nho học thời xưa.
Người Ngô Việt tính cách trong cứng ngoài mềm, khiêm tốn, hòa ái, coi trọng lễ tiết tác phong, nhưng trong chiến tranh lại biểu hiện khí tiết anh dũng, ví dụ phong trào phản Thanh phục Minh thời Minh-Thanh, vẫn còn cái hào khí thời Ngô-Việt tranh bá thời Xuân thu.
Dec 10, 2017 @ 10:09:54
Thời xưa trên Trái Đất có nhiều nền văn minh, đa số đều đã bị diệt vong trong dòng chảy lịch sử, ví như văn minh sông Nil bị đế quốc La Mã và Arab chinh phục, văn minh Lưỡng Hà bị đế quốc Ba Tư chinh phục, văn minh Ấn Độ bị đế quốc Ba Tư chinh phục, chỉ có văn minh Trung Hoa là liên tục không dứt đến ngày nay. Sao vậy? Là vì Trung Hoa có hai văn minh bên hai dòng sông mẹ tương hỗ cho nhau là văn minh Hoàng Hà và văn minh Dương Tử vậy.
Khảo cổ học đã chính minh văn minh Hoàng Hà và văn minh Dương Tử gần như phát triển cùng lúc, nhưng xét kĩ thì văn minh Hoàng Hà phát triển hơn văn minh Dương Tử ở thời kì đồ đá mới, nhưng sau khi bước vào thời đại đồ đồng-sắt (thời đại kim khí) đến nay thì văn minh Dương Tử bứt phá phát triển nhanh với các nền văn hóa rực rỡ như văn hóa Tạng Khương (藏羌文化), văn hóa Ba Thục (巴蜀文化), văn hóa Kinh Sở (荆楚文化), văn hóa Ngô Việt (吳越文化).
Với điều kiện tự nhiên đặc thù khí hậu ẩm ướt mưa nhiều, văn minh Dương Tử là văn minh sớm nhất trồng lúa nước và dùng thuyền bè sớm nhất ở Trung Quốc, có trình độ mấu muối, làm ngọc thạch sáng lạn nhất ở Trung Quốc.
Trải qua các thời Tống-Nguyên-Minh-Thanh cho đến nay, văn minh Dương Tử trở thành trung tâm lớn nhất của của tư tưởng Nho-Lão-Phật, trình độ học vấn và phát triển kinh tế cũng là đầu tàu của Trung Quốc.
Dec 08, 2017 @ 20:33:51
Nhiều khả năng là nền văn hóa Lương Chử (良渚文化) biến mất là do thiên tai hoặc tự diễn biến mà di dời đi chỗ khác. Thứ nhất là vì không có thư tịch ghi chép, thứ hai là quy luật của mọi vương quốc thời xưa là có thịnh suy, văn hóa Lương Chử cũng không ngoại lệ. Bấy giờ dọc theo hai bờ trung du và hạ du sông Dương Tử cũng có nhiều nền văn hóa độc lập cùng thời hoặc kế thừa văn hóa Lương Chử như văn hóa Mã Kiều (馬橋文化), văn hóa Thạch Gia Hà (石家河文化), văn hóa Khuất Gia Lĩnh (屈家嶺文化). Điểm chung của các nền văn hóa trên là trồng lúa nước và dùng công cụ đồ đá-gốm và bắt đầu dùng đồ đồng. Có thể nói là nền móng của các nước Sở, Ngô và Việt thời Thương-Chu sau này.
Thư tịch cũng chép một số phương quốc hoặc bộ tộc thời Ngũ Đế và Hạ-Thương-Chu:
Sử kí – Ngũ Đế bản kỉ chép thời vua Nghiêu thì người Tam Miêu (三苗) ở Giang Hoài và Kinh châu nhiều lần làm loạn. Tam Miêu (三苗) cũng gọi là Miêu Dân (苗民), Hữu Miêu (有苗) là bộ tộc hoặc phương quốc ở khoảng giữa hồ Động Đình và hồ Bành Lãi, tức bờ nam trung du sông Dương Tử.
Sử kí – Khổng Tử thế gia và Quốc ngữ – Lỗ ngữ cũng chép chuyện Hạ Vũ đến núi Cối Kê hội chư hầu, Phòng Phong Thị (防風氏) đến muồn bèn giết đi. Phòng Phong Thị còn gọi là Uông Mang Thị (汪芒氏) phương quốc hoặc bộ tộc ở gần núi Cối Kê ở bờ nam hạ du sông Dương Tử cũng cách di chỉ văn hóa Lương Chử không xa.
Dật chu chư – Vương hội giải chép một số phương quốc miền đông nam đã từng cống nạp phần lớn là đồ thủy sản cho nhà Thương-Chu như Đông Việt (東越), Âu Nhân (歐人), Ư Việt (於越), Cô Muội (姑妹), Cụ Âu (具區), Cộng Nhân (共人), Hải Dương (海陽), Tự Thâm (自深), Cối Kê (會稽), Phù Lâu (符婁), Cừu Châu (仇州), Y Lự (伊慮), Âu Thâm (漚深), Việt Âu (越漚)… Đây rõ là các phương quốc hoặc bộ tộc ở miền Giang Hoài.
Dec 07, 2017 @ 20:40:19
Hệ quả tất yếu thôi. Trình độ canh tác trồng lúa khô (kê, mạch) của người miền Hoàng Hà là khá cao, đòi hỏi kĩ thuật canh tác cũng như xem lịch (24 tiết khí có Tiểu tiết, Đại tiết thì chỉ có ở miền Hoàng Hà). Tết Nguyên đán tức là lễ ngày đầu của năm mới, tức ngày đầu tháng giêng (tháng Dần) trong nông lịch.
Người ở miền Dương Tử nhiều sông hồ, quen trồng lúa nước chỉ đòi hỏi kĩ thuật thấp hơn, chỉ theo lối đao canh hỏa chủng hoặc thủy nậu, hoặc theo nước thủy triều lên xuống.
Dec 07, 2017 @ 20:35:54
@Tích Dã: Y boong như tôi nói. Đến thời TMT nhà Hán chưa đến châu thổ sông Hồng.
Dec 07, 2017 @ 20:18:18
Tư Mã Thiên thời Hán kể địa vật nhân vật của các vùng miền của Trung Quốc trong Sử kí – Hóa thực liệt truyện cũng cho ta hình dung sự khác nhau giữa hai miền lưu vực Hoàng Hà và Dương Tử, qua đó cho thấy văn minh phát triển khác nhau:
1. Miền lưu vực Hoàng Hà
關中自汧、雍以東至河、華,膏壤沃野千里,自虞夏之貢以為上田,而公劉適邠,大王、王季在岐,文王作豐,武王治鎬,故其民猶有先王之遺風,好稼穡,殖五穀,地重,重為邪。
Vùng Quan Trung từ đất Hình-Ung cề phía đông đến vùng Hà-Hoa, đất đai đồng lầy nghìn dặm, từ thời Ngu-Hạ đặt ra phép cống nạp đã được xem là ruộng tốt thượng hạng. Lại nữa tổ tiên nhà Chu là Công Lưu dựng nước ở đất Bân, hậu duệ là Đại Vương-Vương Qúy đắp thành ở đất Kì, Văn Vương đóng đô ở đất Phong, Vũ Vương đóng đô ở đất Cảo, cho nên dân miền ày còn giữ được phong tục truyền lại của tiên vương, ưa việc trồng trọt, trồng ngũ cốc, coi trọng đất đai, tính ghét gian tà.
昔唐人都河東,殷人都河內,周人都河南。夫三河在天下之中,若鼎足,王者所更居也,建國各數百千歲,土地小狹,民人眾,都國諸侯所聚會,故其俗纖儉習事。
Ngày xưa người nhà Đào Đường đóng đô ở đất Hà Đông, người nhà Ân Thương đóng đô ở đất Hà Nội, người nhà Chu đóng đô ở đất Hà Nam. Miền Tam Hà ấy là ở giữa của thiên hạ như thế chân vạc, là chỗ ở của đế vương vậy, dựng nước đã mấy trăm mấy nghìn năm rồi. Miền này đất đai nhỏ hẹp mà người dân lại đông, kinh đô là nơi chư hầu tụ hội, cho nên phong tục dân ấy thành thạo các việc mà chi tiêu lại tiết kiệm.
齊帶山海,膏壤千里,宜桑麻,人民多文綵布帛魚鹽。臨菑亦海岱之閒一都會也。其俗寬緩闊達,而足智,好議論,地重,難動搖,怯於眾鬬,勇於持刺,故多劫人者,大國之風也。其中具五民。
Đất Tề liền núi biển, đất đai màu mỡ nghìn dặm, hợp với trồng cây dâu-gai, người dân làm ra nhiều vải vóc hoa văn và đánh bắt cá, nấu muối. Thành Lâm Truy cũng là một nơi đô hội ở giữa miền Hải-Đại. Phong tục dân ấy rộng rãi thoải mái mà túc trí, ưa luận việc nghĩa, coi trọng đất đai, khó dao động, sợ hãi khi có tụ họp chiến tranh, chỉ dũng cảm khi đánh lén, cho nên có nhiều kẻ cướp, đây là phong thái của người nước lớn. Vùng này có đó ngũ dân (sĩ, nông, công, thương, cổ).
而鄒、魯濱洙、泗,猶有周公遺風,俗好儒,備於禮,故其民齪齪。頗有桑麻之業,無林澤之饒。地小人眾,儉嗇,畏罪遠邪。及其衰,好賈趨利,甚於周人。
Mà các nước Trâu-Lỗ gần sông Châu-Tứ, cũng có phong tục truyền lại của Chu Công, tục ưa học đạo Nho, coi trọng lễ nghĩa, cho nên dân ấy cẩn thận. Cũng có nghề trồng cây dâu-gai, không có nhiều món lợi của rừng và đầm. Đất hẹp người đông, chi tiêu tiết kiệm, sợ bị tội mà lánh xa việc gian tà. Kịp thời suy vi thì ưa buôn bán hám lợi còn hơn cả người nhà Chu.
夫自鴻溝以東,芒、碭以北,屬巨野,此梁、宋也。陶、睢陽亦一都會也。昔堯作(游)[於]成陽,舜漁於雷澤,湯止于亳。其俗猶有先王遺風,重厚多君子,好稼穡,雖無山川之饒,能惡衣食,致其蓄藏。
Từ Hồng Câu về phía đông, từ Mang-Đãng lên phía bắc đến đầm Cự Dã, đấy là nước Lương-Tống. Đất Đào-Thư Dương cũng là một nơi đô hội. Ngày xưa vua Nghiêu dạo chơi ở Hàm Dương, vua Thuấn câu cá ở Lôi Trạch, vua Thang đóng đô ở đất Bạc, cũng là vùng này. Tục dân ấy vẫn còn phong tục truyền lại của tiên vương, tính trọng hậu có nhiều bậc quân tử, ưa việc trồng trọt, dẫu rằng không có nhiều món lợi của núi và sông, nhưng có thể dè sẻn ăn mặc mà để cất chứa.
2. Miền lưu vực Dương Tử
越、楚則有三俗。夫自淮北沛、陳、汝南、南郡,此西楚也。其俗剽輕,易發怒,地薄,寡於積聚。江陵故郢都,西通巫、巴,東有雲夢之饒。陳在楚夏之交,通魚鹽之貨,其民多賈。徐、僮、取慮,則清刻,矜己諾。
Miền Sở-Việt thì có ba vùng, Từ sông Hoài lên phía bắc đến các nước Bái-Trần-Nhữ Nam-Nam Quận là vùng Tây Sở. Phong tục dân ấy khinh bạc, dễ phát cáu, đất đai cằn cỗi, cho nên dân ít cất chứa. Thành Giang Lăng vốn là Dĩnh Đô, phía tây thông miền Vu-Ba, phía đông có cái lợi của hồ Vân Mộng. Nước Trần ở giữa miền Sở-Hạ, chuyển chở cá và muối, cho nên dân nhiều kẻ làm nhà buôn. Người đất Từ-Đồng-Thủ Lư thì trong sạch, biết giữ lời hứa.
彭城以東,東海、吳、廣陵,此東楚也。其俗類徐、僮。朐、繒以北,俗則齊。浙江南則越。夫吳自闔廬、春申、王濞三人招致天下之喜游子弟,東有海鹽之饒,章山之銅,三江、五湖之利,亦江東一都會也。
Từ đất Bành Thành về phía đông là các nước Đông Hải, Ngô, Quảng Lăng, là vùng Đông Sở. Tục dân vùng này giống dân đất Từ-Đồng. Từ đất Câu-Tăng lên phía bắc thì tục giống người nước Tề. Phía nam sông Chiết là nước Việt, từ thời người nước Ngô là bọn Phù Sai-Xuân Thân Quân-Lưu Tị vẫy gọi con bọn thích ngao du trong thiên hạ đến nay thì phía đông nước ấy có cái lợi của muối biển, món lợi của đồng núi Chương, sản vật của miền Tam Giang-Ngũ Hồ, cũng là một nơi đô hội của miền Giang Đông.
衡山、九江、江南、豫章、長沙,是南楚也,其俗大類西楚。郢之後徙壽春,亦一都會也。而合肥受南北潮,皮革、鮑、木輸會也。與閩中、于越雜俗,故南楚好辭,巧說少信。江南卑溼,丈夫早夭。多竹木。豫章出黃金,長沙出連、錫,然堇堇物之所有,取之不足以更費。
Các nước Hành Sơn-Cửu Giang-Giang Nam-Dự Chương-Trường Sa là vùng Nam Sở, phong tục giống người vùng Tây Sở. Sau khi người Sở dời đô từ Dĩnh về Thọ Xuân thì cũng là nơi đô hội. Đất Hợp Phì ở giữa nam bắc, thu góp vỏ cây, cá muối, cây gỗ. Phong tục lại tạp lẫn với ngưỡi Mân Trung-Vu Việt, cho nên người Nam Sở ưa biện luận, khéo nói mà ít khi giữ lời hứa. Miền Giang Nam ẩm thấp, đàn ông chết sớm. Có nhiều tre, gỗ. Đất Dự Chương có vàng, nước Trường Sa xuất chì-thiếc, nhưng sản vật thu được không đủ để bù cho phí tổn khai thác.
九疑、蒼梧以南至儋耳者,與江南大同俗,而楊越多焉。番禺亦其一都會也,珠璣、犀、瑁、果、布之湊。
Đất Cửu Nghi-Thương Ngô về phía nam đến quận Đam Nhĩ, phong tục đại khái giống miền Giang Nam, lại có nhiều người Dương Việt. Thành Phan Ngung cũng là một nơi đô hội, thu góp châu cơ-sừng tê-đồi mồi-quả-vải vóc.
總之,楚越之地,地廣人希,飯稻羹魚,或火耕而水耨,果隋蠃蛤,不待賈而足,地埶饒食,無饑饉之患,以故呰窳偷生,無積聚而多貧。是故江淮以南,無凍餓之人,亦無千金之家。
Tóm lại, vùng Sở-Việt thì đất rộng người thưa, dân ăn cơm gạo canh cá, hoặc trồng trọt theo lối đốt cỏ hoặc dẫn nước ngâm cỏ, bắt ăn ốc hến, không cần mua bán mà tự đủ ăn, đất nóng ẩm nhiều đồ ăn, không lo cái nạn đói kém, cho nên sống uể oải qua ngày, không cất chứa mà nhiều kẻ nghèo. Cho nên từ miền Giang Hoài về phía nam không có kẻ đói rét cũng không có nhà giàu nghìn vàng.
_______________________
Miền Hoàng Hà đất đai màu mỡ nhưng nhỏ hẹp, đất chật người đông, cho nên tiết kiệm có chí tiến thủ, cho nên xây dựng văn minh sớm.
Miền Dương Tử đất đai dàn trải, nhiều sông hồ, rừng núi, biển đảo, đất rộng người thưa, sống uể oải qua ngày, không có chí tiến thủ, xây dựng văn minh muộn hơn.