Vài nét lịch sử danh xưng Đại Việt

Năm 473 BC Việt vương Câu Tiễn tiêu diệt nước Ngô. Ngay sau đó quân Việt bắc tiến vượt sông Hoài cùng hai đại quốc Hoa Hạ là Tề và Tấn họp hội nghị Từ Châu (Từ Châu hội minh, ở vị trí thành phố Từ Châu, tỉnh Giang Tô ngày nay). Ba nước ăn thề rồi cùng suy tôn thiên tử nhà Chu. Vua Chu Nguyên Vương biết ý Việt vương muốn xưng bá, bèn sai người đến ban phúc cho Câu Tiễn. Quân Việt quay về nam lấn đất nước Sở ở vùng sông Hoài, chinh phạt nước Tống cắt đất chia về nước Lỗ, hoành hành một dải Giang – Hoài trong nhiều năm. Các nước nhỏ phải lục tục đến triều cống. Câu Tiễn trở thành Bá Vương.

Không rõ Bá Vương Câu Tiễn có sử dụng danh xưng Đại Việt hay không nhưng sách Ngô Việt Xuân Thu và Việt Tuyệt Thư đều đã trang trọng dùng Đại Việt để chỉ nước Âu Việt. Tuy vậy chủ nghĩa Đại Việt không trực tiếp truyền đến người Việt Nam – con cháu của Câu Tiễn, mà lại thông qua Lưu Nham.

Năm 306 BC, phần lớn Âu Việt bị Sở sáp nhập và lập quận Giang Đông, Việt vương Vô Cường bị giết. Hậu duệ vua Việt chạy về phương nam thành lập nước Mân Việt và Đông Âu ở khu vực Phúc Kiến ngày nay. Năm 222 BC Vương Tiễn sau khi diệt Sở tiến về nam, người Việt đầu hàng. Nhà Tần phế vua Mân Việt và Đông Âu xuống làm Quân trưởng (thủ lĩnh bộ lạc) và lấy đất này làm quận Mân Trung.

Vì có công giúp Cao Tổ nhà Hán đánh Hạng Vũ, năm 202 BC thủ lĩnh Mân Việt được phục hồi vương tước. Chính sử Trung Quốc cũng ghi nhận năm 193 BC Hán Huệ đế lại tấn phong Vô Diêu làm Đông Âu Vương. Không khó để nhận ra rằng đây chỉ là chiêu thức chia để trị, ngăn ngừa sự đoàn kết của người Việt để trở thành một thế lực cạnh tranh với các tiểu vương nhà Hán. Đến năm 110 BC Hán sử lại chép rằng toàn bộ người Việt đã bị dời sâu vào nội địa ở khu vực Giang Hoài. Điều này có lẽ chỉ đúng với quý tộc và vương tôn nước Việt. Mọi mầm mống phục hưng Đại Việt đã được nhà Hán đề phòng từ xa, qua nhiều giai đoạn.

Cũng ở giai đoạn Tần mạt, khoảng năm 208 BC Triệu Đà thành lập nước Nam Việt. Chữ Việt trong quốc danh này chắc chắn là chữ Việt bộ ấp trên thanh gươm Câu Tiễn vì tên bản địa của Nam Việt được chỉ ra rất rõ ràng trong Hán sử là Âu Lạc. Lý do xuất hiện chữ Lạc là bởi sau đó Triệu Đà đã bành trướng và sáp nhập vào Nam Việt vùng đất Lạc Việt phía tây kinh đô Phiên Ngu. Tên nước của Triệu Đà rất thuần phác, nó chỉ mang nghĩa nước Âu Việt phía nam mà thôi.

Đến năm 917, Lưu Nham ly khai khỏi nhà Hậu Lương thành lập nước Đại Việt, đóng đô tại Phiên Ngu. Lãnh thổ Đại Việt bao gồm các tỉnh Quảng Đông, Quảng Tây tức Nam Việt của Triệu Đà cộng thêm hai trong ba quận phía nam mà Hán Vũ Đế đã thiết đặt nhưng chưa thực chiếm ngay lúc ấy là Giao Chỉ, Cửu Chân, Nhật Nam. Nhật Nam ở thế kỷ 10 đã là một phần lãnh thổ của một quốc gia độc lập với cả Đại Việt và Trung Nguyên là Chiêm Thành. Lưu Nham là cháu nội Lưu An, gốc tích từ vùng Hà Nam phía bắc, đến Phúc Kiến buôn bán làm ăn, sau lại dời xuống Lĩnh Nam và đẻ ra Lưu Khiêm. Lưu Khiêm là Nam Hải Tiết độ sứ của Đường Triều, năm 882 lại thêm chức Phong Châu Thứ Sử. Lưu Nham chỉ dùng quốc hiệu Đại Việt một năm rồi cải thành Nam Hán vì cho rằng mình là hậu duệ hoàng thất nhà Hán. Năm 939 Ngô Quyền ly khai khỏi Nam Hán và thành lập nhà nước Đại Việt. Quốc danh này được người Việt Nam sử dụng cho đến đầu thế kỷ 19, nếu không kể ngắt quãng vài năm Đại Ngu của Hồ Quý Ly.

Chủ nghĩa Đại Việt tiền khởi

Daiviet_NamHan

Ảnh: Bản đồ Đại Việt của Ngô Quyền khi đã tách khỏi Nam Hán.

Đại Việt của các triều đại phong kiến Việt Nam không hề mang bản chất một chủ nghĩa tuyên xưng lãnh thổ bao gồm cả Quảng Đông và Quảng Tây cho đến nhà Tây Sơn. Bản dịch “Hoàng Lê nhất thống chí” viết: Vua Quang Trung sau khi quyết định đánh Trung Quốc, bèn sai bầy tôi là Chiêu Viễn Vũ Văn Dũng sang nhà Thanh dâng biểu cầu hôn và đòi lại đất hai tỉnh Quảng Đông và Quảng Tây. Bản dịch Đại Nam chính biên liệt truyện cũng ghi: Năm Nhâm Tý (1792), vua Quang Trung sai làm biểu văn sang nhà Thanh cầu hôn để dò ý vua Thanh và cũng để mượn cớ gây mối binh đao, nhưng vua bị bệnh không đi được. Cả hai ý trên xuất phát từ một sắc mệnh năm 1791: “Sắc sai Hải Dương, Chiêu Viễn Đại đô đốc Đại tướng quân Dực vận công thần Vũ Quốc Công được tiên phong làm Chánh sứ đi sứ nhà Thanh, kiêm lãnh toàn quyền trong việc tâu thưa để xin lại đất hai tỉnh Quảng Đông và Quảng Tây để dò ý và cầu hôn công chúa để khiêu khích tự ái vua Thanh”.

Chúng tôi tin các chi tiết trên đây là có thực bởi Chủ nghĩa Đại Việt của nhà Tây Sơn đã được Gia Long khéo léo kế thừa và vận dụng, nhưng ẩn dưới cái tên Nam Việt của Triệu Đà. Năm 1802 Nguyễn Ánh sai sứ sang Bắc Kinh yêu cầu nhà Thanh công nhận quốc danh này nhưng thất bại. Tạm chấp nhận sự hoán đổi Nam Việt thành Việt Nam vào năm 1804 nhưng đến năm 1813 thì triều đình nhà Nguyễn quay về với danh xưng Đại Việt. Đến năm 1839 vua Minh Mạng một lần nữa đổi tên nước thành Đại Nam. Người Việt đã sử dụng Đại Nam đến năm 1945, trước khi dùng Việt Nam như chúng ta thấy ngày nay.

Ở khía cạnh chính trị chính thống suốt thế kỷ 20, chủ nghĩa Đại Việt hầu như biệt tích, ít nhất là trên văn bản công khai.

Tham chiếu Chủ nghĩa Đại Thái

Nền chính trị hiện đại phương Tây có thể xem như được bắt đầu từ năm 1648 với Hòa ước Westfalia. Từ đây quyền lợi quốc gia trở thành tính chính danh và mục đích tối thượng cho tất cả các thể chế. Trên cơ sở này, nhà nước dân tộc ra đời. Khi truy vấn nguồn gốc dân tộc, chủ nghĩa dân tộc được sinh thành. Một trong những thứ vô nghĩa nhưng lại gây tác hại rất lớn đến văn minh và tiến bộ là chủ nghĩa dân tộc cực đoan cùng toan tính vẽ lại bản đồ quốc gia men theo các đường biên nhân chủng hoặc ngôn ngữ.

Sử gia Lê Minh Khải – Liam Kelley viết: “Trước thế kỉ XX, người dân ở Siam đều không nghĩ gì nhiều về “nguồn gốc”. Nó chỉ xuất hiện khi người phương Tây lần lượt đến đây và bắt đầu kiếm tìm “các sắc tộc” và “nguồn gốc”, những khái niệm phổ biến ở “phương Tây” lúc bấy giờ và là những nhân tố quan trọng của chủ nghĩa dân tộc, để rồi một số người ở Siam cũng bắt đầu nghĩ theo cách ấy”.

“Những công trình như cuốn The Tai Race: Elder Brother of the Chinese (Tộc người Thái: Người anh của người Hoa) (xuất bản năm 1923) đã cho rằng người Thái có nguồn gốc từ Trung Quốc. Cuối thập kỉ 1930s và trong suốt Thế chiến II, Phibunsongkhram đã dùng ý tưởng này để cổ xúy cho một dạng thức cực đoan của chủ nghĩa dân tộc Thái, và điều đó khiến một số người ở Trung Quốc tức giận…”

Tác giả quyển “The Tai Race: Elder Brother of the Chinese” là William Clifton Dodd (1857 ~ 1919). Sinh ra ở Marion, bang Iowa nước Mỹ, Dodd là một nhà truyền giáo hoạt động tại Lào và Chiềng Mai, vùng đông bắc Thái Lan. Khẳng định người Thái là “anh cả” của người Hoa, Dodd đã khơi dậy tinh thần bộ tộc cổ hủ để làm gì, nếu không phải muốn biến chúng thành những viên gạch móng cho một sự nghiệp tín ngưỡng gắn liền với chính trị. Không loại trừ ông ta đã mơ đến một “Nước Thái” phụng thờ Kitô trùm phủ cả Thái – Lào – Tây bộ Việt Nam và Hoa Nam.

Ranh giới của Chủ nghĩa Đại Thái hầu như khớp với bản đồ ngữ hệ Thái – Tráng dưới đây.

Taikadai-en.svg

Chủ nghĩa Đại Bách Việt

Chủ nghĩa Đại Việt gián tiếp sinh ra đứa con mắc bệnh tâm thần phân liệt thể hoang tưởng là Chủ nghĩa Đại Bách Việt. Nguồn cơn cũng từ một ông linh mục Tây học. Phiên bản William Clifton Dodd ở Việt Nam tên là Lương Kim Định (1915 – 1997). Cũng là một tu sĩ Kitô giáo như Dodd, ngài Kim Định gom hết thành tựu của văn minh Hoa Hạ về Việt Nam để rồi đi xa hơn Dodd rất nhiều: Việt là bố của Tàu. Chủ nghĩa Đại Việt dưới phép màu Thánh Gióng trở thành Đại Bách Việt, tuyên xưng toàn bộ con người, văn hóa, văn minh và lãnh thổ Hoa Hạ có được là do… ăn cắp của người Việt!

DaiBachViet

Ảnh: Nước Xích Quỷ (Quỷ Đỏ) của Chủ nghĩa Đại Bách Việt.

Đại Bách Việt có mẹ đẻ là phản khái niệm Bách Việt. Thật vậy, thuật ngữ Bách Việt xuất hiện lần đầu tiên ở Lã Thị Xuân Thu (239 BC): 漢之南,百越之際 – Từ sông Hán trở về phía nam là biên giới với Bách Việt. Thuật ngữ ấy mô tả cả vùng bờ bắc Dương tử, được ghi nhận là khu vực đất đai màu mỡ, núi sông diễm lệ, có một số ít liên minh bộ lạc đã có quân trưởng, không có quốc gia nào cả. Khi đi vào lịch sử Việt Nam, Bách Việt lạc hậu đổi chiều trở thành phản khái niệm, là một nền văn minh rực rỡ hơn Hoa Hạ rất nhiều.

Kết luận

Chủ nghĩa Đại Việt tuyên xưng về lãnh thổ, một tiền bản hẹp hơn Đại Đông Á của Fascist Nhật rất nhiều nhưng về bản chất là tương đồng. Chủ nghĩa Đại Hán chú trọng vào văn hóa, tính ưu việt và lâu đời của văn minh Hoa Hạ nhưng không thể giấu đi tham vọng “Thiên tử” đè đầu cưỡi cổ các dân tộc khác. Chủ nghĩa Đại Mông chuộng vũ lực, vó ngựa tung hoành khắp nửa địa cầu đã gieo rắc biết bao đau thương trên lục địa Á – Âu. Và cuối cùng là Chủ nghĩa Đại Thái vạch ranh giới trên cơ sở bản đồ ngữ hệ Thái – Tráng nhưng đã chết yểu cùng với Fascist Nhật.

Là sản phẩm thủ dâm tinh thần hoặc con bài của thực dân đế quốc nhằm phân hóa Á Đông, do đó về cơ bản tất cả các loại Đại Chủ Nghĩa này đều đáng lên án. Ở thời đại mô hình quốc gia dân tộc đã phủ khắp nhân loại, việc tuyên xưng là cha là anh của người Việt và người Thái đối với người Trung Quốc là bước thụt lùi đáng hổ thẹn: Kéo tuột tư duy xã hội về chế độ thị tộc mông muội cách đây mấy ngàn năm.

Tháng 4.2017, khi gặp nhau lần đầu tiên tại Mar-a-Lago, ông Tập Cận Bình đã nói với tổng thống Donald Trump rằng bán đảo Triều Tiên từng là quận huyện của Trung Quốc thời Hán Vũ Đế. Bất kể ngữ cảnh, đây rõ ràng là biểu hiện cần cảnh giác và phê phán của Chủ nghĩa Đại Hán. Chủ nghĩa Đại Việt hay Đại Bách Việt không thể và cũng không nên được chọn làm đối sách với Chủ nghĩa Đại Hán.

Chúng chỉ có một giá trị tham khảo duy nhất: Khi chồng chủ nghĩa Đại Thái và Đại Việt vào cùng một bản đồ, phần tương giao của chúng là Quảng Tây và phía tây Việt Nam từ Điện Biên đến tận Nghệ An – Hà Tĩnh. Một lần nữa gốc tích Lạc Việt (chủng Thái) và Âu Việt của dân tộc Việt Nam hiện lên rõ như ban ngày.

(Nguồn tham khảo sử liệu chính: Sử Ký – Tư Mã Thiên)

@12.2017 T.T.Du