Nguồn gốc dân tộc Việt Nam

7 Comments

Trong hơn mười năm trở lại đây, hội địa lý quốc gia Hoa Kỳ (National Geographic) đã bán dịch vụ tìm tổ tiên cho một số lượng khá lớn người Việt muốn đi đến sự thật cuối cùng. Họ đa số là Việt Kiều sống ở một số nước phương Tây. Các mẫu gene Việt đã cho ra kết quả không nằm ngoài dự đoán của chúng tôi tại quyển sách Khảo chứng tiền sử Việt Nam bằng cổ thư và thiên văn học: Người Kinh ở Việt Nam có 57% gene từ tổ phụ Đông Bắc Á, 43% gene của tổ mẫu Đông Nam Á.

NationalGeo

 (Nguồn ảnh: Chụp từ National Geographic)

Ngày 3.10.2017, tạp chí khoa học hàng đầu thế giới Nature (phiên bản trực tuyến) đã công bố kết quả một công trình nhân chủng học lớn, hội tụ 13 nhà nghiên cứu quốc tế có tên tuổi trong đó có ba cái tên Việt Nam: S. Pischedda, R. Barral-Arca, A. Gómez-Carballa, J. Pardo-Seco, M. L. Catelli, V. Álvarez-Iglesias, J. M. Cárdenas, N. D. Nguyen, H. H. Ha, A. T. Le, F. Martinón-Torres, C. Vullo & A. Salas: Phylogeographic and genome-wide investigations of Vietnam ethnic groups reveal signatures of complex historical demographic movements.

“From an anthropological point of view, the overall scenario is that present-day Vietnamese have a dual ethnic origin: a major component coming from South of China, superimposed to a minor component originating from a Thai-Indonesian composite. The Nam tiến has probably been key for the configuration of the genome architecture of present-day Vietnamese”.

“Đứng trên quan điểm nhân chủng học, kịch bản chung là người Việt Nam ngày nay có nguồn gốc dân tộc kép: thành phần chính đến từ Hoa Nam, chồng lên thành phần phụ từ hợp chủng Thái – Indonesia. Nam tiến có lẽ là từ khóa cho sự mô tả cấu trúc di truyền của người Việt Nam hiện đại.”

***

Đã đến lúc bóc bỏ chiếc nhãn “Bản địa” được dán lên lịch sử và văn hóa Việt Nam bởi chủ nghĩa dân tộc mù quáng, bởi các sử gia kém chuyên môn nhưng giỏi tuyên huấn.

Các kết quả có được nhờ thành tựu di truyền và nhân chủng học ở trên hoàn toàn trùng khớp với nghiên cứu của chúng tôi dựa vào Hán sử, cấu trúc ngôn ngữ và khảo cổ trống đồng. Nói cách khác, hai hướng tiếp cận đã bổ sung cho nhau để đi đến tóm tắt lịch sử Việt Nam như sau:

Trước năm 330 BC chủ nhân vùng đất từ bắc bộ Việt Nam đến Thanh Hóa – Nghệ An là người Mon Khmer, ngoại hình thấp lùn, da ngăm đen (giống người Chàm ngày nay). Khi Trang Kiểu đánh chiếm và ở lại làm vua vùng hồ Điền – Côn Minh – Vân Nam, một số bộ lạc Thái cổ (dáng người cao ráo, da trắng) ở đấy bỏ chạy theo sông Hồng và sông Mã xuống Việt Nam, hòa trộn với người Mon Khmer bản địa, xây dựng văn hóa bộ lạc hoặc liên minh bộ lạc Đông Sơn khá rực rỡ. Chủ nhân văn hóa này được Hán sử gọi là người Lạc Việt.

Ở thời điểm Công nguyên, người Hán bắt đầu thực dân hóa Việt Nam, đó là động lực và nguyên nhân cuộc nổi dậy của Hai Bà Trưng.

900 năm tiếp theo, Việt Nam là nơi hội tụ và hợp huyết của các nhóm người: Lạc Việt (da hơi ngăm, tầm vóc trung bình), Âu Việt con cháu Câu Tiễn di cư xuống từ lãnh thổ Mân Việt và Nam Việt cũ (da hơi sáng, tầm vóc trung bình, có tục xăm mình), quan binh người Hán viễn chinh đồn trú và tội nhân Hán đi đày hoặc lánh nạn (da trắng, cao lớn, đa số mắt một mí). Giới tinh hoa của xã hội Việt Nam khi ấy chắc chắn có dòng máu từ mẹ Lạc Việt nhưng mang đậm nét văn hóa Âu Việt và Hán.

Năm 938, Ngô Quyền ly khai khỏi Nam Hán, lấy tên cũ của Nam Hán là Đại Việt (năm 917) để dựng nước. Rõ ràng quốc danh Đại Việt hàm ý quyền lực Việt Nam khi ấy thuộc về người gốc Âu Việt và Nam Việt. Các họ Đinh – Lê – Lý – Trần tiếp nối sau đó có lẽ đều là người Việt Nam gốc Âu Việt hoặc Hán. Hậu quả là chính sử Việt Nam bắt đầu từ thời Trần đã đưa Triệu Đà làm vua khai quốc.

Đến thời Hậu Lê, hoàng gia gốc Thái đầu tiên nắm quyền ở Việt Nam. Họ dần dần loại bỏ Triệu Đà khỏi sử sách. Người miền trong Thanh Hóa – Nghệ An – Hà Tĩnh (gốc Thái chiếm ưu thế) không tin tưởng người phía bắc (nặng gốc Âu Việt và Hán). Sự kiện gia tộc Nguyễn Trãi bị tru di hoặc gia tộc Tày – Thái của Mạc Đăng Dung được ưu ái, nên được nhìn dưới con mắt mâu thuẫn huyết thống và văn hóa, hơn là chính trị.

Cuối Minh đầu Thanh, chính trị trung ương bắc triều hỗn loạn, làn sóng di cư từ Hoa Nam xuống Việt Nam dâng cao. Thuyết Đại Việt của Lưu Nham từ năm 917 sống lại. Quang Trung có lẽ đã rất tin tưởng các đô đốc hải quân gốc Phúc Kiến, Triều Châu, Quảng Đông và Hải Nam của mình. Ông mơ đến một nước Đại Việt hùng cường bao gồm cả Lưỡng Quảng. Giả thuyết trên càng có căn cứ hơn với đề xuất của Gia Long với Thanh triều, đặt tên mới Nam Việt cho đế quốc của ông. Nam Việt chính là phiên bản Đại Việt xưa hơn, gắn với tên tuổi Triệu Đà.

Giải pháp Việt Nam của Gia Khánh vừa uyển chuyển vừa khôn khéo loại trừ được mầm mống tư tưởng Đại Việt. Thập kỷ 30 của thế kỷ 20, Trung Quốc cũng đã phải đối mặt với một luận thuyết tương tự từ một quốc gia Đông Nam Á. Đó là thuyết Đại Thái, tuyên xưng lãnh thổ dân tộc Thái bao gồm cả Vân Nam và một số vùng đất Hoa Nam khác.

Ngày 2.9.1945 lãnh tụ Hồ Chí Minh khai sinh nước Việt Nam mới, kết thúc hơn một ngàn năm phong kiến. Tương tự như vua Nhật từng đặt niên hiệu MINH TRỊ, cụ Hồ đặt tên mình là CHÍ MINH. Minh Trị hay Hướng Minh/Chí Minh đều xuất phát từ một câu Chu Dịch: NAM DIỆN HƯỚNG MINH NHI TRỊ. Nó nói lên ý chí độc lập của một quốc gia có chủ quyền bên cạnh Trung Hoa, chia sẻ cùng đất nước của Chu Công các giá trị văn hóa phổ quát cũng như lịch sử và di truyền của tổ tiên.

@T.T.D 10.2017

Tư duy phi tuyến tính – Lateral thinking

Leave a comment

Khái niệm này được nhà tâm lý học Malta, Edward de Bono, đặt tên năm 1967. Ví dụ tác giả đưa ra là phán quyết của vua Do Thái Solomon (Judgment of Solomon): Đối mặt với vụ tranh chấp con của hai bà mẹ, Solomon yêu cầu cưa đôi đứa trẻ, mỗi người nhận một nửa. Bà mẹ thật sự là người đã phải chấp nhận nhường nhịn kẻ mạo danh để bảo vệ tính mạng con mình.

Ở góc độ nào đó, lateral thinking đứng trên tư duy critical thinking (tư duy phản biện, phân tích) thông thường. Nó đòi hỏi sự sáng tạo những ý tưởng mới từ cái có sẵn, dựa trên những giá trị có tính động (movement value).

Hoa ngữ và Nhật ngữ đều phiên dịch khái niệm này là “thủy bình tư khảo” và định nghĩa đây là tư duy đa hướng, thêm chiều ngang vào chiều dọc (phản biện, phân tích) hoặc phi tuyến tính. Người Việt dịch thành “tư duy ngoại biên” là bám theo tự nghĩa, chứ không phải tính chất.

Tư duy phi tuyến tính hoàn toàn không mới trong các nền văn minh lớn, Edward de Bono chỉ có công đặt tên cho nó mà thôi. Trong lĩnh vực văn học trinh thám Đông – Tây, tư duy phi tuyến tính được nhắc đến rất nhiều. Chẳng hạn tại bộ film “The Invisible Guest” nổi tiếng gần đây, người ta nêu ra trường hợp điển hình như sau: “Trong một cái nhà kho bằng gỗ hoàn toàn bỏ trống. Có một người đàn ông được tìm thấy treo cổ trên cây xà ngang chính. Sợi dây thừng ông ấy dùng để treo cổ là 3 mét. Chân ông ấy cách sàn nhà là 25 cm. Bức tường gần nhất cách 6 mét. Không thể leo tường hoặc với tới xà ngang. Vậy mà người đàn ông đó có thể tự treo cổ được. Làm sao ông ấy làm được điều đó? Ông ấy leo lên một tảng băng, rồi nó tự tan dần bởi nhiệt”.

Truyện dân gian Việt Nam, có lẽ do nhà Nho nào đấy sáng tác từ các chất liệu văn hóa Trung Hoa, cũng có phiên bản phán quyết của Solomon: “Một bà già mất gà đã nổi điên chửi hàng xóm hết ngày này qua ngày khác. Cả xóm chịu hết nổi, bèn kéo nhau đến công đường nhờ phân xử. Vị quan cho phép mọi người thẳng tay tát kẻ làm náo loạn. Hầu hết mọi người nghĩ đến tình làng nghĩa xóm, lại thương bà già của đau con xót, nên chỉ vung tay rất nhẹ. Riêng kẻ trộm, sẵn cáu tiết vì bị nguyền rủa, đã xuống tay rất mạnh. Y liền bị bắt vì tội trộm cắp”.

Tôi không nhớ bất cứ một câu chuyện Bao Công phá án nào cả, nhưng tôi tin chắc bạn đọc sẽ tìm ra giùm tôi ít nhất là vài tình huống mà tư duy phi tuyến tính đã được áp dụng.

lateral

Trong quyển sách “Khảo chứng tiền sử Việt Nam bằng cổ thư và thiên văn học” chúng tôi đã áp dụng tư duy phi tuyến tính để lấp đầy các khoảng trống ở Việt sử trước công nguyên.

Theo chính sử Việt Nam từ thời phong kiến đến nay, người ta đều xác quyết có vua Hùng và An Dương Vương cũng như xung đột giữa Triệu Đà với An Dương Vương. Trong khi đó Hán sử lại hoàn toàn thiếu vắng các sự kiện này.

Do đó chúng tôi đã đi đường vòng:

  1. Một là chứng minh Nam Giao, Giao Chỉ, Tượng Quận, Cửu Chân và Nhật Nam khởi đi là các khái niệm thiên văn hoặc liên quan đến thiên văn và là những giá trị động (movement value).
  2. Hai là chứng minh người Hán rất yếu hàng hải và Triệu Đà không có đủ điều kiện về kỹ thuật, tri thức cũng như vật chất để thực hiện hải hành trên quãng đường gần 1000km từ Quảng Châu đến Hà Nội để xâm lược mảnh đất tiền Việt Nam.

Từ đó lý thuyết di cư đã được áp dụng. Nó đã đủ hợp lý để phủ nhận hoàn toàn hư cấu bản địa của văn hóa Việt Nam. Nói cách khác, tiền sử Việt Nam có quá nhiều khoảng trống. Nó cần sử gia tư duy phi tuyến tính, thì mới có thể làm sáng tỏ được những điều khuất tất.

@ T.T.D. 2017