Xin mời các nhà xuất bản

4 Comments

Tựa bản thảo: KHẢO CHỨNG TIỀN SỬ VIỆT NAM – Researching of Vietnam Prehistory – Sự kết hợp đầu tiên và duy nhất của Thiên văn, Thư tịch, Khảo cổ, Ngôn ngữ, Văn hóa và Di truyền để khám phá Việt sử.

Bao gồm 111.333 chữ/từ/âm tiết, 206 trang A4 cỡ chữ Calibri 12. Trên 40 hình ảnh, bản đồ minh họa. Email tác giả: truongthaidu@gmail.com

Contents – Mục lục

Tiền dẫn

Phần mở đầu

Phần 1: Nam Giao, Giao Chỉ, Tượng quận, Cửu Chân và Nhật Nam là gì?

  1. Khái lược ngôn ngữ và tàng thư.
  2. Nam Giao 南交 và Chữ Giao bộ Đầu [亠]
  3. Nam Giao 南郊 – Chữ Giao bộ Ấp邑
  4. Nam Giao Bộ Đầu và Nam Giao Bộ Ấp là một
  5. Giao Chỉ 交阯 là gì?
  6. Tượng quận 象郡, thuật ngữ thay thế cho Giao Chỉ?
  7. Giao Chỉ thời Hán
  8. Cửu Chân 九真 và Nhật Nam 日南
  9. Kết luận

Phần 2: Khảo sát Việt sử trước năm 43 sau Công nguyên

  1. Văn minh Dương Tử, lãnh thổ, di truyền và ngôn ngữ.
  2. Tự nghĩa của Âu Việt và Lạc Việt
  3. Lõi Việt ngữ – Các âm chỉ song thân sinh thành
  4. Nguồn gốc Vân Nam của trống đồng?
  5. Dạ Lang, Văn Lang và Hùng Vương
  6. Dấu vết Totem
  7. Các nét đặc trưng Âu Việt
  8. Âu Lạc là gì?
  9. Ước đoán những gì đã diễn ra tại Việt Nam từ năm 111 BC đến 43 AD
  10. Người Việt Nam từ đâu đến?

Phụ lục 1: Một số sử liệu hữu quan.

  1. Tây Nam Di Liệt Truyện
  2. Đông Việt Liệt Truyện
  3. Nam Việt Liệt Truyện
  4. Nam Man Tây Nam Di Liệt Truyện
  5. Thần thoại: Thần Cung Bảo Kiếm

Phụ lục 2. Khái lược thiên văn và thiên văn cổ đại Trung Hoa.

  1. Khái lược
  2. Thiên văn học cổ đại Trung Hoa
  3. Các hình thức, tên gọi cột chỉ thị bóng nắng (gnomon) và ống ngắm bằng trúc
  4. Trái đất hình bán cầu?
  5. Hệ tọa độ sơ khai của mặt đất và bầu trời
  6. Quan hệ giữa tọa độ địa lý với chiều cao cột thổ khuê và độ dài bóng nắng
  7. Khái niệm địa trung, một cách giải thích nội hàm tên gọi Trung Quốc
  8. Di tích đài quan trắc thiên văn hậu kỳ đồ đá mới ở trung lưu Hoàng Hà
  9. Chén thánh của văn minh Trung Hoa nhìn từ thiên văn
  10. Thiên văn và toán học có thể soi sáng lịch sử
  11. Thiên văn khởi sinh tôn giáo độc thần.
  12. Kết luận

Phần Mở Đầu

Dưới đây là nguyên văn trang đầu tiên của quyển quốc sử Việt Nam đầu tiên còn lưu giữ được cho đến ngày nay, đó là An Nam Chí Lược của Lê Tắc, được viết vào khoảng năm 1335. Sách này nằm trong bộ sử thứ chín của “Khâm định tứ khố toàn thư” nhà Thanh. Lê Tắc vốn gốc họ Nguyễn ở khu vực Thanh Hóa ngày nay, hậu duệ của Thứ sử Giao Châu Nguyễn Phu thời Đông Tấn (317 – 420).

古南交周號越裳,秦名象郡。秦末,南海尉趙佗擊併之,自立國僣號。西漢初,髙帝封為南越王。歴數世其相吕嘉叛,殺其王及漢使者。孝武遣伏波將軍路博德平南越,滅其國,置九郡,設官守任。今安南居九郡之內,曰交阯、九真、日南是也。後歴朝沿革,郡縣不一。五季間,愛州人吳權領交阯。後丁、黎、李、陳相繼篡奪。宋因封王爵。官制刑政稍效中州。其郡邑或仍或革,姑槩存之。

Âm Hán Việt: Cổ Nam Giao Chu hiệu Việt Thường, Tần danh Tượng quận. Tần mạt, Nam Hải úy Triệu Đà kích tính chi, tự lập quốc thiết hiệu. Tây Hán sơ, Cao đế phong vi Nam Việt vương. Lịch số thế kì tương Lữ Gia bạn, sát kì vương cập Hán sứ giả. Hiếu vũ khiển Phục ba tướng quân Lộ Bác Đức bình Nam Việt, diệt kì quốc, trí cửu quận, thiết quan thủ nhậm. Kim An Nam cư cửu quận chi nội, viết Giao Chỉ, Cửu Chân, Nhật Nam thị dã. Hậu lịch triều duyên cách, quận huyện bất nhất. Ngũ Quý gian, Ái châu nhân Ngô Quyền lĩnh Giao Chỉ. Hậu Đinh, Lê, Lý, Trần tương kế soán đoạt. Tống nhân phong vương tước. Quan chế hình chánh sảo hiệu trung châu. Kì quận ấp hoặc nhưng hoặc cách, cô khái tồn chi.

Dịch nghĩa: Cõi Nam Giao ngày xưa, nhà Chu gọi là Việt Thường, tên thời Tần là Tượng quận. Cuối Tần, quan úy quận Nam Hải là Triệu Đà đánh chiếm thôn tính, tự lập quốc và dùng đế hiệu. Đầu Tây Hán, Cao đế Lưu Bang phong Triệu Đà làm Nam Việt vương. Sau khi trải qua nhiều đời, thừa tướng Lữ Gia ở đấy làm phản, giết Nam Việt vương và sứ giả nhà Hán. Vũ đế chí tôn sai Phục ba tướng quân Lộ Bác Đức bình định Nam Việt, diệt quốc, trí đặt chín quận, thiết lập quan chức trấn nhậm. Nước An Nam ngày nay từng thuộc chín quận ấy, bao gồm ba quận là Giao Chỉ, Cửu Chân và Nhật Nam. Sau khi trải qua sự thay đổi của nhiều triều đại, quận huyện không còn tương đồng. Đến thời Ngũ Quý (907 – 960), Ngô Quyền, người Ái châu thống lĩnh Giao Chỉ. Sau thì đến các họ Đinh, Lê, Lý, Trần nối nhau tiếm đoạt. Nhà Tống dựa vào đó mà phong vương tước. Quan chế pháp lệnh hình luật (ở trung ương) mô phỏng khá giống Trung Quốc. Bậc quận huyện thì có chỗ chiếu theo, có nơi khác biệt, (sau đây) tạm sơ lược lưu biên.

Phân tích: Về cơ bản, đây là quan điểm sử học Việt Nam thời Trần. Các tài liệu lịch sử phong kiến cũng như hiện đại sau này hầu như tiếp thu hoàn toàn nội hàm ở đây để diễn giải quá khứ dân tộc. Hai chỗ chúng tôi gạch chân phía trên là hai sai lầm của sử gia, dẫn đến việc suy đoán cổ sử Việt Nam thiên lệch và thiếu logic.

  1. Tính bản địa: Châu thổ sông Hồng vốn được gọi là quận Giao Chỉ từ thời Tây Hán, chín quận phía nam trong đó có quận Giao Chỉ lại được gọi là Giao Chỉ bộ. Do đó ba quận Giao Chỉ, Cửu Chân và Nhật Nam được cho là Nam Giao Chỉ (bộ). Nó tương đương với cụm chữ Hán ở “Nam Man Tây Nam Di Liệt Truyện” trong Hậu Hán Thư: “Giao Chỉ chi nam”. Từ đó các sử gia phong kiến Việt Nam thống nhất cho rằng Nam Giao Chỉ chính là Nam Giao, một địa danh trong sách Thượng Thư ở tận thời Nghiêu Thuấn cách đó hơn 3000 năm. Nghĩa là trong suốt 3000 năm, người Việt, nước Việt hầu như ở một chỗ, không thay đổi. Nói cách khác, trong khoảng thời gian đó biên giới phía nam Trung Hoa là bất biến.
  1. Tính hư cấu: “Nam Man Tây Nam Di Liệt Truyện” trong Hậu Hán Thư chép: 交阯之南有越裳國Giao Chỉ chi nam hữu Việt Thường quốc. Nghĩa là phía nam Giao Chỉ có nước Việt Thường. Sự kiện Việt Thường này được nhắc đến muộn nhất là trong sách Trúc Thư Kỷ Niên xuất lộ từ một ngôi mộ thời Chiến Quốc. Khớp nối Việt Thường, nhiều khả năng là một từ phiếm chỉ được sáng tác trong sách dạy làm vua triều Chu, với vùng phía nam Giao Chỉ bộ là cách tư duy bất chấp thời gian và không gian.

Hai đặc tính trên đây của cổ sử Việt Nam, sẽ bị bác bỏ bằng tất cả các phương tiện có thể khảo sát lịch sử. Đặc biệt chúng tôi sẽ bóc tách lịch sử thiên văn học Á Đông khỏi lịch sử Trung Quốc, từ đó soi chiếu ngược vào những khoảng trống còn mơ hồ. Điều này có tác động và hiệu quả tương tự như Jared Diamond đã dùng Sinh vật học kiến giải lịch sử nhân loại trong “Guns, Germs, and Steel” hay không, chúng tôi chưa dám chắc. Nhưng ít ra nó đã phần nào chứng minh:

Nam Giao (南交) là tiền thân của Nam Giao (南郊). Nam Giao (南交) đầu tiên vốn dĩ là một đài quan trắc thiên văn có niên đại khoảng 2100 năm trước công nguyên. Còn Nam Giao (南郊) là đàn tế trời muộn nhất là từ thời Chu. Hậu thân cuối cùng của Nam Giao chính là Thiên Đàn ở Bắc Kinh. Tại Việt Nam, nó vẫn giữ nguyên tên gọi Nam Giao.

Giao Chỉ (交阯) có thể là khái niệm phái sinh từ Nam Giao, nó nói về vùng đất tiếp giáp phía nam vương quốc tối cổ của Chuyên Húc, vị đế thứ hai trong năm vị đế thuộc giai đoạn huyền sử từ năm 2697 TCN đến 2184 TCN.  Giao Chỉ thời Nghiêu Thuấn (舜尧 , khoảng năm 2100 BC) có lẽ nằm ở phía nam làng Đào Tự, huyện Tương Phần, tỉnh Sơn Tây, Trung Quốc. Giao Chỉ đầu thời Chu nhiều khả năng chính là đất Sở (Hồ Bắc, Trung Quốc). Cuối thời Chu (năm 239 BC) Giao Chỉ có thể tạm xác định tại khu vực Quý Châu – Hồ Nam ngày nay. Giao Chỉ thời Tần là Tượng Quận, Giao Chỉ đầu thời Tây Hán là toàn bộ lãnh thổ cũ của Nam Việt và bắc bộ Việt Nam. Sau năm 81 BC Giao Chỉ mới biến thành địa danh cố định và xác thực trên địa đồ và phân biệt rõ ràng Giao Chỉ bộ và quận Giao Chỉ.

Tượng quận (象郡) nên được hiểu đồng nghĩa với Giao Chỉ, vùng đất chưa được khám phía nam nước Tần, chỉ mới được định vị bằng thiên văn.

Cửu Chân (九真) là gốc trời, chân trời, khái niệm tương đương với thuật ngữ Xích Đạo ngày nay, nơi cột thổ khuê nửa năm (từ ngày xuân phân đến thu phân) có bóng mặt trời nằm ở phía nam, nửa năm còn lại (từ ngày thu phân đến xuân phân) có bóng mặt trời nằm ở phía bắc.

Nhật Nam (日南) ban đầu là khái niệm về vùng đất phía nam Cửu Chân, nó tương đương với phần bán cầu nam từ nam chí tuyến trở xuống, nơi cột thổ khuê luôn luôn có bóng mặt trời ở phía nam. Nói cách khác nó là hình dung vùng đất phía nam đối xứng với Hoa Hạ qua đường xích đạo.

Nam Giao南交 – Giao Chỉ交阯 – Tượng quận象郡 – Cửu Chân九真 – Nhật Nam日南là một hệ thống khái niệm thống nhất với nhau và liên quan mật thiết đến thiên văn học cổ đại Trung Hoa.

Bằng cách truy xuất và so sánh từ vựng trong các ngữ hệ Hán Tạng và Austronesian, định vị chúng ở các bản đồ gene, điều chỉnh bằng khảo cổ, văn hóa và thư tịch, chúng tôi đã đưa ra nguyên nghĩa của các thuật ngữ quan trọng liên quan đến cổ sử Việt:

  1. Việt và Âu đồng âm ở thời Hán trở về trước, đều là Hán tự ký âm bản ngữ Giang – Chiết, nghĩa đen là Nước, vùng nước, nghĩa bóng là quốc gia. Chúng tương đồng với Quốc nghĩa đen là đất/land/earth/soil, nghĩa bóng là quốc gia. Từ đó suy ra Việt Nam nghĩa là Nước Nam hay Southern Land.
  2. Lạc tương đương và có quá trình ra đời tương tự như Việt và Âu, nhưng thuộc về không gian tiền Thái Tráng, khớp với vùng đông bắc của bản đồ ngữ hệ Thái Tráng hiện nay. Khi kép hóa từ tố Âu và Lạc, thuật ngữ Âu Lạc được hình thành. Nó cũng chính là tên bản địa của vương quốc Nam Việt thành lập bởi Triệu Đà. Lạc Vương, do đó nghĩa là quốc vương; Lạc Hầu – Quốc Hầu; Lạc Dân – Quốc Dân; nhưng Lạc Điền nên được xem như ruộng lúa nước, hơn là Quốc Điền.
  3. Hùng Vương là một từ được sáng tạo muộn hơn Lạc Vương rất nhiều, từ tố của nó là Quân Vương, chỉ những lãnh tụ khai quốc bất kể gốc Âu Việt hay Lạc Việt. Hùng Vương tương tự như Viêm Hoàng của người Hoa Hạ, hay cụ thể và dễ hiểu hơn là Founding Fathers – Các tổ phụ lập quốc của người Mỹ.

Hệ quả của kết luận này sẽ dẫn đến việc hiểu cổ sử Việt Nam trước thời Hai Bà Trưng sẽ rất khác với sách vở từ hiện tại trở về quá khứ. Nền tảng cổ sử Việt Nam sẽ bị thách thức với tinh thần khoa học và xây dựng cao nhất.

Ở lĩnh vực di truyền học, trong hơn mười năm trở lại đây, hội địa lý quốc gia Hoa Kỳ (National Geographic) đã bán dịch vụ tìm tổ tiên cho một số lượng khá lớn người Việt muốn đi đến sự thật cuối cùng. Họ đa số là Việt Kiều sống ở một số nước phương Tây. Các mẫu gene Việt đã cho ra kết quả không nằm ngoài dự đoán của chúng tôi tại quyển sách này: Người Kinh ở Việt Nam có 57% gene từ tổ phụ Đông Bắc Á, 43% gene của tổ mẫu Đông Nam Á.

Ngày 3.10.2017, tạp chí khoa học hàng đầu thế giới Nature (phiên bản trực tuyến) đã công bố kết quả một công trình nhân chủng học lớn, hội tụ 13 nhà nghiên cứu quốc tế có tên tuổi trong đó có ba cái tên Việt Nam: S. Pischedda, R. Barral-Arca, A. Gómez-Carballa, J. Pardo-Seco, M. L. Catelli, V. Álvarez-Iglesias, J. M. Cárdenas, N. D. Nguyen, H. H. Ha, A. T. Le, F. Martinón-Torres, C. Vullo & A. Salas: Phylogeographic and genome-wide investigations of Vietnam ethnic groups reveal signatures of complex historical demographic movements. Các tác giả kết luận: “From an anthropological point of view, the overall scenario is that present-day Vietnamese have a dual ethnic origin: a major component coming from South of China, superimposed to a minor component originating from a Thai-Indonesian composite. The Nam tiến has probably been key for the configuration of the genome architecture of present-day Vietnamese”.

“Đứng trên quan điểm nhân chủng học, kịch bản chung là người Việt Nam ngày nay có nguồn gốc dân tộc kép: thành phần chính đến từ Hoa Nam, chồng lên thành phần phụ từ hợp chủng Thái – Indonesia. Nam tiến có lẽ là từ khóa cho sự mô tả cấu trúc di truyền của người Việt Nam hiện đại.”

Các hướng tiếp cận đã bổ sung cho nhau, giúp chúng tôi mạnh dạn tóm tắt lịch sử Việt Nam như sau: Trước năm 330 BC chủ nhân vùng đất từ bắc bộ Việt Nam đến Thanh Hóa – Nghệ An là các bộ tộc du canh du cư Austronesian, ngoại hình thấp lùn, da ngăm đen (giống người Chàm ngày nay). Khi Trang Kiểu đánh chiếm và ở lại làm vua vùng hồ Điền – Côn Minh – Vân Nam, một số bộ lạc tiền Thái Tráng (dáng người cao ráo, da trắng) ở đấy bỏ chạy theo sông Hồng và sông Mã xuống Việt Nam, hòa trộn với người Austronesian bản địa, xây dựng văn hóa bộ lạc hoặc liên minh bộ lạc Đông Sơn khá rực rỡ. Chủ nhân văn hóa này được Hán sử gọi là người Lạc Việt.

Ở thời điểm Công nguyên, người Hán bắt đầu thực dân hóa Việt Nam, đó là động lực và nguyên nhân cuộc nổi dậy của Hai Bà Trưng.

900 năm tiếp theo, Việt Nam là nơi hội tụ và hợp huyết của các nhóm người: Lạc Việt (da hơi ngăm, tầm vóc trung bình), Âu Việt con cháu Câu Tiễn di cư xuống từ lãnh thổ Mân Việt và Nam Việt cũ (da hơi sáng, tầm vóc trung bình, có tục cắt tóc xăm mình), quan binh người Hán viễn chinh đồn trú và tội nhân Hán đi đày hoặc lánh nạn (da trắng, cao lớn, đa số mắt một mí). Giới tinh hoa của xã hội Việt Nam khi ấy chắc chắn có dòng máu từ mẹ Lạc Việt nhưng mang đậm nét văn hóa Âu Việt và Hán.

Năm 938, Ngô Quyền ly khai khỏi Nam Hán, lấy tên cũ của Nam Hán là Đại Việt (năm 917) để dựng nước. Rõ ràng quốc danh Đại Việt hàm ý quyền lực Việt Nam khi ấy thuộc về người gốc Âu Việt và Nam Việt. Các họ Đinh – Lê – Lý – Trần tiếp nối sau đó có lẽ đều là người Việt Nam gốc Âu Việt hoặc Hán. Hậu quả là chính sử Việt Nam bắt đầu từ thời Trần đã đưa Triệu Đà làm vua khai quốc.

Đến thời Hậu Lê, hoàng gia gốc tiền Thái Tráng đầu tiên nắm quyền ở Việt Nam. Họ dần dần loại bỏ Triệu Đà khỏi sử sách. Người miền trong Thanh Hóa – Nghệ An – Hà Tĩnh (gốc tiền Thái Tráng chiếm ưu thế) không tin tưởng người phía bắc (nặng gốc Âu Việt và Hán). Sự kiện gia tộc Nguyễn Trãi bị tru di hoặc gia tộc tiền Thái Tráng của Mạc Đăng Dung được ưu ái, nên được nhìn dưới con mắt mâu thuẫn huyết thống và văn hóa, hơn là chính trị.

Cuối Minh đầu Thanh, chính trị trung ương bắc triều hỗn loạn, làn sóng di cư từ Hoa Nam xuống Việt Nam dâng cao. Thuyết Đại Việt của Lưu Nham từ năm 917 sống lại. Quang Trung có lẽ đã rất tin tưởng các đô đốc hải quân gốc Phúc Kiến, Triều Châu, Quảng Đông và Hải Nam của mình. Ông mơ đến một nước Đại Việt hùng cường bao gồm cả Lưỡng Quảng. Giả thuyết trên càng có căn cứ hơn với đề xuất của Gia Long với Thanh triều, đặt tên mới Nam Việt cho đế quốc của ông. Nam Việt chính là phiên bản Đại Việt xưa hơn, gắn với tên tuổi Triệu Đà.

Giải pháp Việt Nam của Gia Khánh vừa uyển chuyển vừa khôn khéo loại trừ được mầm mống tư tưởng Đại Việt. Thập kỷ 30 của thế kỷ 20, Trung Quốc cũng đã phải đối mặt với một luận thuyết tương tự từ một quốc gia Đông Nam Á. Đó là thuyết Đại Thái, tuyên xưng lãnh thổ dân tộc Thái bao gồm cả Vân Nam và một số vùng đất Hoa Nam khác.

Ngày 2.9.1945 lãnh tụ Hồ Chí Minh khai sinh nước Việt Nam mới, kết thúc hơn một ngàn năm phong kiến. Tương tự như vua Nhật từng đặt niên hiệu MINH TRỊ, cụ Hồ đặt tên mình là CHÍ MINH. Minh Trị hay Hướng Minh/Chí Minh đều xuất phát từ một câu Chu Dịch: NAM DIỆN HƯỚNG MINH NHI TRỊ. Nó nói lên ý chí độc lập của một quốc gia có chủ quyền bên cạnh Trung Hoa, chia sẻ cùng đất nước của Chu Công các giá trị văn hóa phổ quát cũng như lịch sử và di truyền của tổ tiên.

————————————————————————————————–

Abstract

This book affirms that Nan Jiao 南交 , Jiao Zhi 交阯 , Xiang Jun 象郡 , Jiu Zhen 九真, and Ri Nan 日南 are united concepts related to Chinese Classical Astronomy. While researching the meaning of Nan Jiao, Jiao Zhi, Xiang Jun, Jiu Zhen, and Rinan by using Chinese ancient astronomy, we accidentally figured out the non-superstitious meaning and how to establish the definitions of River Map 河圖, Lo Shu Square 洛書, Yin Yang 陰陽, Five Elements 五行 and Yijing 易經. According to the author, this might be the first time ever in the history of East Asia that the Chinese mysterious “holy grail” was discovered by using scientific method. Due to the digression of the book’s subject, the references are rough but they are more plausible and reliable than any illusory story that was put on the establishment of River Map, Lo Shu Square, Yin Yang, Five Elements, and Yijing.

The first meaning of Jiao Zhi 交阯 is the southern region located next to Nan Jiao南交. Next, Jiao Zhi 交阯 refers to a southern region sharing the border with the Chinese Empire. Within thousand years of southern expansion by different reigns, Jiaozhi located in Hubei of Western Zhou 西周. Before 239 BC, Jiaozhi located between Hunan and Guizhou. Until Eastern Han 東漢 time, Jiaozhi was officially appeared on the Chinese map as a province Jiaozhibu 交阯部 including Jiaozhi district 交阯郡  and eight other districts. During the reign of Qin 秦, Jiaozhi was Xiangjun 象郡. The Xiangjun region was confirmed as Jiaozhi by meaning and by astronomical pre-observation. Jiuzhen 九真 means “the root of the sun” which is similar to the Equator. Rinan 日南 (Sun south) means the southern region of the sun. In Rinan, the gnomon’s shadow is always located in the south, which is the Southern hemisphere from Tropic of Capricorn to South Pole.

By accessing and comparing vocabularies in the Sino-Tibetan and Austronesian languages, locating them in genetic maps with archaeological, cultural and bibliographic adjustments, we have figured out the meaning of important terms intimate to ancient Vietnamese history as presented below:

  1. Việt and Âu are homophones in the Han Dynasty and before, serving as transcriptions of Jiang – Zhe words by Chinese characters; originally and literally they mean water or water area, and their derivative sense is Country. They are similar to the word Quốc, which means earth/land/soil, and the derivative meaning of which is Country. Accordingly it can be inferred that Vietnam means Southern Country or Southern Land.
  2. Lạc 駱 is equivalent and has a birth process similar to that of Việt and Âu, but belongs to the Tai-Kadai linguistic sphere, which matches the northeast region of the present Tai-Kadai language map. Âu Lạc was formed as a result of the combination of Âu and Lạc. It was also the indigenous name of the kingdom of Nam Việt founded by Triệu Đà. Lạc Vương, therefore, means the king of the country; Lạc Hầu – the Marquess; Lạc Dân – The People of the country; but Lạc Điền should be understood as paddy field, rather than country’s field.
  3. Hung King 雄王 is a word created at a much later time than Lac King 駱王, its element Quân 君 simply refers to the Chief of the nation/tribe whether of Âu Việt or Lạc Việt origins. Hùng King as a term is similar to the Yan and Huang emperors of China, or, in a more specific and understandable comparison, equivalent to the Founding Fathers of America.

The above terms’ meanings will change the important details of China’s southern provincial history as well as Vietnam’s.

@1.2018 T.T.Du

 

“Ba Tàu” nghĩa là gì?

7 Comments

———————–

Cập nhật 9.11.2023

Sau hơn 5 năm nghiên cứu từ nguyên Việt ngữ, với thành quả chỉ ra hơn 3000 Việt âm gốc Hán Đường Mân, cuối cùng chúng tôi cũng tìm ra nghĩa khả dĩ nhất của hai âm Ba Tàu/Tào.

Tàu/Tào thì dân ta đọc thẳng đúng văn ngôn Đại Đường chuẩn Trường An. Chữ Tào 艚 chỉ thuyền gỗ, thuyền chở hàng hoặc thuyền lớn. Ba thực ra là bạch thoại gốc Hoa Nam của chữ Hoa 華 có một nghĩa chỉ người gốc Trung Quốc. Bằng chứng là hiện nay 90% phương ngữ Khách gia đọc chữ Hoa là [fa], khoảng 70% phương ngữ Quảng Đông cũng đọc là [fa]. Trong khi đó hầu hết Mân ngữ, thứ tiếng liên hệ mật thiết nhất với tiếng Việt thì hầu hết đọc là [hua], chỉ có phương ngữ Mân vùng Tam giác Châu giang đọc là [fa55].

Có thể trong quá khứ các tàu buôn Quảng và Hẹ đến Việt Nam, họ xưng là Pha Tào. Dân bản xứ gốc Mân nghe thành Ba Tào và chết tên từ đấy.

———————-

Chữ Xa 車, âm Hán Việt có nguồn gốc từ Hoa Nam (ở Nam Xương và Mai Huyện – Quảng Đông ngày nay người ta vẫn đọc là [cha]). Âm Xe của nó lại gần với âm Quảng Châu nhất [čhɛ]. Chữ Tàu của Việt ngữ xuất phát từ chữ Tào bộ thủy 漕 có từ thời Chiến Quốc, nghĩa là vận tải bằng đường thủy. Hán âm [ʒ(h)ǝ̄w], Minh âm [ʒâw].

Từ đó sinh ra từ “Tàu xe” ở Việt ngữ là phương tiện vận chuyển nói chung, đôi khi nó đơn âm hóa chỉ còn mỗi chữ Tàu hoặc Xe như trong Tàu bay, Tàu lửa, Xe lửa… hoặc hoán chuyển thành Xe Đò chính là Xe Tàu.

BaTau

Do đó hẳn nhiên từ Người Tàu là để chỉ các nhóm dân Hoa Nam di cư đến Việt Nam bằng đường thủy. Còn Ba Tàu theo chúng tôi chữ Hán là 番漕, âm đọc lên thành Ba Tào. Chữ Ba 番 còn có âm khác là Phiên, ở Hán ngữ chúng chỉ những dân tộc vùng biên giới (phiên rợ, phiên di 番夷) hoặc các nhóm thiểu số từ ngoại quốc đến. Thế kỷ 18 và 19, bộ ngoại giao Anh đã tốn rất nhiều giấy mực để phản bác chữ “phiên” trong các công văn của nhà Thanh. Nó thường được dùng để chỉ nước Anh nói riêng và các nước Âu – Mỹ nói chung. Sự miệt thị của từ Ba Tàu nằm ở chữ Ba và khá kín đáo.

Từ Ba Tàu nhìn từ góc độ dân tộc học, sẽ bổ sung cho chúng ta thời điểm mà người Việt củng cố ý thức về bản sắc riêng biệt của mình, sau khi đã khẳng định ở Bình Ngô Đại Cáo về cương vực, văn hiến và các triều đại độc lập lâu đời.

Dựa vào đặc điểm và quá trình hình thành dân tộc Kinh, từ Ba Tàu có niên đại sớm nhất là ở đầu triều Lê mà thôi. Bởi vì về bản chất, hoàng gia Lý – Trần cũng là một dạng Ba Tàu, đến Việt Nam từ Hoa Nam. Họ không thể tự miệt thị mình bằng từ ngữ ấy.

Tiện đây, chúng tôi cũng xin bác bỏ giải thích cũ của tác giả An Chi mà nhiều người từng cho là đúng.

@11.1.2018 T.T.Du

Các nét đặc trưng Âu Việt

Leave a comment

Lịch sử hơn 1000 năm chế độ phong kiến Việt Nam có một sự cân bằng rất thú vị: hoàng gia gốc Âu Việt cầm quyền nửa đầu, gốc Lạc Việt ở nửa sau.

Đất tổ Lạc Việt là vùng Vân Nam, thượng lưu Dương Tử. Hạ lưu của nó, châu thổ Giang – Chiết là nơi Âu Việt phát tích. Chính vì vậy, khảo cổ Việt Nam đào được thứ gì, thì ở Hoa Nam người ta đào được thứ đó, nhưng luôn lâu đời hơn, to lớn hơn, đầy đủ hơn và đáng tin với học giới quốc tế hơn. Trống đồng Lạc Việt là ví dụ thứ nhất, nhiều người đã biết. Các nghiên cứu Việt ngữ hầu như chưa nhắc đến lăng mộ hình thuyền của Âu Việt vương Doãn Thường (510 BC – 497 BC), phụ thân ngài Câu Tiễn ở Ấn Sơn, Thiệu Hưng, Chiết Giang.

Boat Coffin1

Ảnh 1: Nhà mồ, trung tâm của Bảo tàng Ấn Sơn Việt Quốc Vương Lăng. 

Rất tiếc, vương lăng đã bị đào trộm nhiều lần, đồ tùy táng thất thoát gần hết. Tuy vậy, qui mô khu mộ, quan tài độc mộc hình thuyền, mái mộ đắp đất trên dàn gỗ chống hình chữ V ngược vẫn ghi dấu văn minh sông nước kênh rạch hồ đầm ở cửa sông Dương Tử.

Có lẽ văn hóa Âu Việt tưởng tượng và hình dung cõi vĩnh hằng ở dưới nước (xứ sở của Lạc Long Quân). Do đó mộ hình thuyền, quan tài thuyền độc mộc là phương tiện để linh hồn xuống thủy cung, về với tổ tiên…

Boat Coffin2

Ảnh 2: Quan tài hình thuyền làm từ độc mộc. Dài 6,2m, đường kính chỗ to nhất 1,15m. Gấp đôi kích thước quan tài hình thuyền Việt Khê ở Việt Nam.

Có ba căn cứ hình chân vạc rất quan trọng chứng tỏ văn minh của người Âu Việt hoàn toàn khác Hoa Hạ.

1. Phong tục, hình thể: Sách Luận Ngữ, chương Hiến Vấn thuật lại lời Khổng Tử: “微管仲,吾其被髮左衽矣 – Nếu không có Quản Trọng, giờ đây (phong tục của) chúng ta (sẽ giống người phương nam) là xõa tóc, cài vạt áo về bên trái rồi”. Vậy mà không hiểu sao trường phái “phản khái niệm Bách Việt” lại có thể cho rằng Nho Giáo là học thuyết của người Việt. Khái quát nói trên của Khổng Tử còn thiếu chi tiết “xăm mình” được lập đi lập lại trong sách vở thời Chu.

Yue_statue

Bức tượng người Âu Việt đào được từ một mộ táng vùng Chiết Giang hiện trưng bày tại bảo tàng Hàng Châu phía trên chỉ ra đặc điểm hình thể và văn hóa bản địa: Mắt to, hai mí. Tóc cắt ngắn, phía trước chẻ ngôi. Xin lưu ý kiểu mắt một mí và vấn tóc của các chiến binh Hoa Hạ phát lộ ở ngoại vi lăng mộ Tần Thủy Hoàng. Cơ thể người Âu Việt xăm vẽ vằn vện như sóng nước. Đặc biệt, nét xăm hình rồng trên hai đùi bức tượng khớp hoàn toàn với phong tục của hoàng gia nhà Trần, đến đời Trần Anh Tông (1276 – 1320) mới chấm dứt.

2. Tên gọi quốc gia: Người Hoa Hạ dùng Quốc là nghĩa bóng của soil/earth/land; người Âu Việt dùng Việt là nghĩa bóng của Nước, vùng nước. Như vậy Bách Việt có thể hiểu là hàng trăm tiểu quốc phương nam có quốc danh phần nhiều bắt đầu bằng Việt, tức là Nước.

3. Thiên văn học và trục thần đạo: Nếu ở Hoa Hạ, trục bắc – nam là thần đạo thì Âu Việt dùng đông – tây (giống Lưỡng Hà). Căn cứ nằm trong họa đồ dưới đây. Trục thần đạo đông – tây của lăng Doãn Thường khá chính xác. Điều này có thể diễn đạt rộng ra rằng người Âu Việt có thể đã sử dụng đồng hồ mặt trời khá chuẩn. Hiện nay khảo cổ chưa xác định được hướng cửa chính của di tích thành quốc Lương Chử. Nếu nó mở về phía đông thì sẽ có bằng chứng người Âu Việt vẫn gìn giữ được khoa học thiên văn của văn minh Dương Tử.

Yue_Orientation

Ảnh 4: Mặt bằng lăng Doãn Thường xẻ ngang một ngọn đồi. Trục thần đạo đông – tây, khác với các mộ hoàng đế phương bắc luôn theo trục bắc – nam. Nguồn xueshu.com.

Mộ thuyền ở Việt Nam

Tóm tắt một số chi tiết trong luận án tiến sĩ sử học bảo vệ năm 2000, “Mộ thuyền trong văn hóa Đông Sơn ở Việt Nam” của tác giả Bùi Văn Liêm: “Phát lộ 41 ngôi mộ có quan tài hình thuyền. Niên đại từ thế kỷ 6 BC đến thế kỷ 2 AD. Phân bổ tại 7 tỉnh Quảng Ninh, Hải Phòng, Hải Dương, Hưng Yên, Hà Tây, Hà Nam và Hà Nội. Mộ thuyền tiêu biểu là Việt Khê, 2500 tuổi, đào được tại  vùng đất trũng thôn Việt Khê, xã Phù Ninh, huyện Thủy Nguyên, thành phố Hải Phòng, 1961”.

Nguyễn Duy Hinh, Văn minh Lạc Việt, nxb. Văn Hóa – Thông Tin, VN, 2004 cũng viết: “Mộ cổ Việt Khê phát hiện năm 1961 tại công trường đào đất Việt Khê thuộc nhà máy đóng tàu Hải Phòng, thôn Ngọc Khuê xã Phù Ninh huyện Thủy Nguyên thành phố Hải Phòng, cách bờ sông Hàn khoảng 50m, cách Cửa Cấm 26km về phía tây bắc”.

VietKhe2

Mộ thuyền Việt Khê nói riêng và toàn bộ mộ thuyền Việt Nam nói chung, mang yếu tố văn hóa Âu Việt, có lẽ là chỉ dấu di cư của người Âu Việt – Nam Việt đến châu thổ sông Hồng sau công nguyên. Vào tay giới khảo cổ học Việt Nam, nó đã được làm hàng trắng trợn, già hóa lên thành 2500 năm.

VietKhe

Ảnh: Xã Phù Ninh huyện Thủy Nguyên, Hải Phòng, nơi đào được mộ thuyền Việt Khê (dấu chấm đỏ trong bản đồ) ngày nay cách biển 28,68 km.

Khớp vào khảo sát địa thủy văn châu thổ sông Hồng, vị trí mộ thuyền Việt Khê trước công nguyên là đáy biển.

sealevel

***

Lịch sử Việt Nam về cơ bản chưa phải kết quả từ quá trình truy tầm sự thật. Nó chỉ diễn giải vụng về những dữ liệu mập mờ, không đầu không cuối rồi ép uổng đại chúng lắng nghe. Không ít cá nhân tài cán giỏi giang nhưng lại nhìn lịch sử cổ đại bằng nhãn quan tôn giáo, nồng nặc tín điều. Cố gắng nhìn xa, trông rộng, thoát khỏi sự cô lập của thuyết bản địa đần độn, người Việt chắc chắn sẽ bàng hoàng nhận ra nhiều giá trị văn hóa và khoa học của tổ tiên mình vẫn còn dấu vết ở ngoài biên giới đất nước.

@01.2018 T.T.Du

Tự nghĩa của Âu Việt và Lạc Việt

16 Comments

The origin of the historic terms Ouyue 甌越 and Luoyue 駱越

Tiền đề: Chúng tôi nhận thấy dấu vết trừu tượng hóa từ tố đất và nước để trở thành quốc danh trong rất nhiều ngôn ngữ khắp hoàn cầu. Tùy vào ngữ pháp, đất và nước có thể gọi là tiền tố hay hậu tố. Hậu tố đất/land/soil ở châu Âu: England (vùng đất của những thiên thần), Deutschland (vùng đất của con người), Netherland (vùng đất thấp). Tiền tố đất/land/soil tại Đông Nam Á: Myanmar có lẽ hình thành từ tiền tố Mje nghĩa là đất/soil tiếng Burmese ngữ hệ Hán Tạng. Tương tự, Malaysia có tiền tố Malai nghĩa là đất/soil trong tiếng Tangkhulic hệ Hán Tạng vùng Manipur, Ấn Độ.

Cũng trong ngữ hệ Hán Tạng, đất/soil/earth ở tiếng Darang (Tây Tạng) đọc là: [khala:i / khɯlɑi]. Tiếng Yidu Lhoba (Trên cao nguyên Tây Tạng): [khɯlɑi]. Tiếng Kiranti, Nepan: [kha]. Tiếng phía đông Kiranti: [kham/akhuma]. Đây chính là âm của chữ Hán Khu 區: thời Thương đọc là [kho], Chu [kho], Tây Hán [khwa], Đông Hán [khwa]. Người Hoa Hạ đã trừu tượng hóa đất/land/soil bằng công thức: Khu區 (vùng đất) + Qua 戈 (vũ khí bảo vệ) -> Vực 或 (chỉ quốc gia) + Vi 囗 (tường thành) -> Quốc國 (quốc gia).

Nếu người Hoa Bắc gọi tổ quốc là Sơn Hà (đất nước), người Hoa Nam lại đảo ngược thành Giang Sơn (nước đất). Trong 5 tỉ chữ Hán từ các sách vở Trung Quốc đã số hóa tại Chinese Text Project, từ nhà Hán trở về trước, Sơn Hà 山河 được dùng 47 lần, Giang Sơn 江山 chỉ xuất hiện 8 lần. Từ nhà Ngụy trở về sau Sơn Hà được dùng 386, Giang Sơn vẫn thấp hơn và ở mức 357 lần. Thống kê này ghi nhận ảnh hưởng ngôn ngữ phía nam lên phía bắc, suốt quá trình nam tiến của người Trung Quốc.

Từ đó chúng tôi kết luận tiền tố chỉ ý niệm sơ khởi của quốc gia ở phương nam sẽ phải tồn tại hình thức Nước, vùng Nước, bằng chứng vững chắc nhất đã thấy tại Việt ngữ. Theo nhu liệu ngữ hệ Austronesian, dạng proto của Nước là một từ đa âm [danum], tiếng Formosa phía bắc đảo Đài Loan vẫn đọc là [lanum]. Khi đơn âm hóa để phân bổ vào những nhánh nhỏ, nó hình thành các chi: [*ɗaak] (tiền Mon Khmer). [daik] (Mon).). [Da] và [Dak] của một số tộc người gốc Austronesian trên Tây Nguyên Việt Nam vẫn dùng nghĩa là nước, vùng nước, sông suối nhưng hàm ý xứ sở. Và cuối cùng là [num – nạm – nụm – nậm] (Thái Tráng). Trải qua mấy ngàn năm biến âm rất đa dạng, và có thể bị tác động bởi ngữ hệ Hán Tạng, người Việt ngày nay đọc water và country đều dưới âm Nước.

  1. Âu và Việt

Tại lưu vực Dương Tử từ phía nam tỉnh Hà Nam đến châu thổ sông Hoài và Giang Đông, âm [wa] và [wat] là tiền tố đứng trước các quốc danh xuất hiện dày đặc trong sách sử Trung Quốc. Sách Dật Chu Thư liệt kê tên các tiểu quốc phía nam đầu thời Thương: 漚深 Âu Thâm, 越漚 Việt Âu, 甌鄧 Âu Đặng. Các chữ Âu này dù dị tự nhưng chỉ mang âm [wa], Việt có âm [wat]. Qua thời Chu rồi Tần và Hán, các tiền tố Vu于, Ư 於 và Ô 烏 đều mang âm [wa] rất thịnh hành đứng trước tên đất, tên nước như: Ô Hử (bộ tộc), Vu Việt, Ư Việt, Ô Thương, Ô Trình, Ư Lăng, Vu Đồ, Vu Tiềm… Sau đó Âu và Việt tiếp tục chia tách, sáp nhập, tạo nên các xứ sở: Đông Âu, Tây Âu, Tây Vu, Đông Việt, Nam Việt, Âu Lạc… Sự tồn tại cặp Âu Việt và Việt Âu càng khẳng định âm Âu và Việt có mức độ giống nhau khá cao.

Nhìn nhận thoáng qua, nhiều người đã cho rằng [wa] và [wat] là trợ từ ngữ khí và không mang nghĩa. Tuy nhiên khi đi sâu vào nhu liệu ngữ hệ Hán Tạng, chúng tôi thấy âm [wa] khớp hoàn toàn với âm chỉ nước và mưa trong tiếng Kiranti cũng như Newar (Nepan) và rất gần gũi với các nhánh Lolo [ue] (mưa) và [waji] (máng nước), Miến Điện [rwa] (mưa), Tạng [uà] (mưa) và [wa] (máng nước), Kuki – Chin [waa] (sông). Đặc biệt chữ Vũ 雨 nghĩa là mưa trong Hán ngữ có âm cổ đại cũng là [whá], tuyệt đối tương đồng khi đọc lên vì chúng chỉ khác nhau âm h chỉnh độ mở của khẩu hình.

Đến đây đã xuất hiện khả năng các vùng đất hai bên bờ hạ lưu Dương Tử cũng từng trừu tượng hóa nước, vùng nước để trở thành cương thổ, lãnh thổ hoặc quốc gia.

Viet_kimvan_tieutrien

Đầu tiên chúng tôi sẽ xét đến từ Việt trên thanh gươm ngài Bá vương Câu Tiễn (hình trên): Nó gồm hai bộ phận. Bên trái là chữ Ấp bao gồm vòng tròn phía trên chỉ một vùng đất, dưới là hình nhân, ý nói tụ cư. Phần này ý chỉ quốc gia sơ khởi. Bên phải là chữ Việt戉 mang âm Việt, tức [wat] vào thời Thương – Chu. Nó hoàn toàn là một chữ khác với Việt 越 bộ Tẩu, nghĩa là vượt qua, dù đồng âm.

Ở phương diện âm, chữ Việt bộ Ấp thừa âm [t] so với âm chỉ nước và mưa [wa]. Tuy nhiên nó lại khớp ý với chữ Vực或 Hoa Hạ. Chữ Việt 戉 là một loại binh khí cổ điển hình dạng giống chiếc rìu, cũng thể hiện chủ quyền quốc gia sơ khởi như chữ Qua戈 trong chữ Vực或.

Sự lệch âm này chắc chắn đã khiến người Hoa Hạ đọc tên nước Việt hơi khác với chính người Việt. Từ đó mới xuất hiện hàng loạt chữ [wa] đồng âm được người Hoa Hạ ở các khu vực khác nhau tạo thành tiền tố chỉnh âm hoặc bổ âm cho Việt. Đó chính là Âu, Ư, Vu. Âu Việt, Ư Việt, Vu Việt trong sử sách là một nhưng đã được ký âm nhiều cách. Âu, Ư, Vu và cả Ô nữa, đều đồng âm với từ tố Nước [wa]. Nói cách khác, chúng hoàn toàn có thể đã được trừu lượng hóa lên thành quốc gia ở vùng Giang – Hoài, bằng âm chỉ nước và mưa trong ngữ hệ Hán Tạng.

Chắc hẳn khi nhà Tần thống nhất chữ viết, ý nghĩa là một quốc gia có chủ quyền của chữ Việt bộ Ấp đã được các học giả Hoa Hạ để ý. Hậu quả là họ đã chuyển tất cả những chữ Việt bộ Ấp trên sách vở qua bộ Tẩu mãi mãi. Ý chí độc lập và hùng khí Đại Việt ở cửa sông Dương Tử chìm vào bóng tối, ít nhất là trên tự nghĩa,  hơn 2200 năm qua!

Cũng dưới thời đại của vua Tần, Việt bổ Tẩu trở thành thành tố của khái niệm Bách Việt trong sách Lã Thị Xuân Thu. Nó phiếm chỉ tất cả các tiểu quốc hoặc các liên minh bộ lạc lạc hậu vùng Giang nam. Nhà Hán thay nhà Tần và ở thời Tây Hán, họ khai sinh thuật ngữ Lạc Việt.

  1. Lạc Việt

Cách đây gần 20 năm, chúng tôi đã có những tháng năm trai trẻ thật đẹp đẽ, rong ruổi trên vùng Tây Nguyên và Đà Lạt. Khi tìm hiểu các địa danh Dalat, Dak Nong, Dak Min, Dak Nhim, Dak Song… ký âm bằng Pháp ngữ, chúng tôi đã lờ mờ nhận ra sự gần gũi của chúng với Lạc Việt.

Sau này tiếp xúc với “Thử tìm nguồn gốc ngữ nghĩa của từ tố Lạc”, của Nguyễn Kim Thản, Vương Lộc, tạp chí KHXH, 1974; chúng tôi đã tin Lạc 駱 trong Lạc Việt mang nghĩa là Nước như giả thiết của tài liệu. Các tác giả đã căn cứ trên nhóm từ Lạc điền, Lạc dân, Lạc hầu, Lạc tướng, Lạc vương và đi tìm âm tương ứng ở bắc bộ Việt Nam, một xóm rất nhỏ của ngôn ngữ Austronesian. Do nhu liệu quá ít, nên lý luận hơi gượng gạo, chưa kể việc họ không để ý đến sự trừu tượng hóa từ tố Nước.

Trực giác nói với chúng tôi âm Nước cổ đã được người Hán ký âm bằng Hán tự thành Lạc 駱, nhưng cuối cùng, mãi đến hôm nay các chi tiết và công cụ ngữ âm học mới được tập hợp đầy đủ để chứng minh điều này.

Bám vào những dòng sông 

Đi đến không gian Lạc Việt, chúng tôi phải bám vào Trường giang và Hồng hà, bởi Hán sử đã nhắc đến người Lạc Việt phía bắc tận Kinh Châu, ở giữa là Quảng Tây và cuối cùng tại châu thổ sông Hồng.

Chữ Hán 江 giang chỉ sông Trường giang, từ thời Chu đến Minh đọc là [krōŋ]. Đó chính là âm tiền Mon Khmer, mẹ đẻ của từ [Sông] trong tiếng Việt. Khi người phương nam còn làm chủ con sông Trường Giang, họ gọi các nhánh nhỏ đổ vào sông mẹ bằng một âm gì đó mà người Hán ký âm thành Đà沱. Âm Tây Hán trở về trước của Đà沱là [l(h)āj], Đông Hán là [l(h)ǟ] và Đường âm là [d(h)ā]. Đây là định nghĩa của Đà 沱trong sách vở Trung Quốc: ở miền nam sông lớn gọi là Giang, sông nhánh gọi là Đà. Tuy nhiên chúng tôi nhìn rộng hơn, Đà沱có lẽ chỉ sông nhỏ, sông nhánh, suối lớn. Dalat (dòng suối của người Lat) và phụ lưu Đà giang của Hồng hà chứng minh điều đó. Sau rốt, Đà 沱 trong một câu Kinh Thi “月離于畢,俾滂沱矣 – Nguyệt li vu tất, tỉ bàng đà hĩ” lại có nghĩa là mưa lớn, nhiều nước.

So sánh các âm qua các thời kỳ của chữ Hán Đà沱 với âm chỉ Nước tiền Mon Khmer [*ɗaak] ở trên, chúng tôi thấy nó gần như đồng nhất với nhau. Nói cách khác Hán âm đã tuân thủ âm bản địa của Đà 沱 và chúng là một tại Đường âm.

Và từ chỉ quốc gia dùng tiền ngữ nước, trừu tượng hóa nước để thành quốc gia đầu tiên mà chúng tôi đã tìm thấy chính là Đô都. Vì nhu liệu của S. Starostin không có liệt kê lịch sử ngữ âm của Đô. Chúng tôi phải đi đường vòng: Tự điển ghi nhận Đô đọc là Đương Cô Thiết (當孤切), nghĩa là nói lái thành Đô Cương và giữ Đô lại. Từ đây chúng tôi tra lịch sử ngữ âm của Cô 孤 và lấy nguyên âm của nó. Từ thời Chu đến Đông Hán sẽ là nguyên âm A, nghĩa là Đô lúc ấy đọc là Đa. Đời Đường tương ứng nguyên âm Ô, lúc này nó là Đô. Hoán chuyển A thành Ô chúng tôi có vô số ví dụ. Như chữ Phụ 父, Hán âm của nó là [bá] và Đường âm là [bwó], tức Ba – Bố, và Mai – Mối, Ngạt – Ngột, Hạt – Hột, Ang – Ông (từ翁 cũng chỉ cha trong tiếng Hán).

Bộ Ấp trong chữ Đô 都 ghi nhận nghĩa của từ Đô là quốc gia. Chu Lễ viết: Cự quốc ngũ bách lý vi đô – Nước rộng năm trăm dặm gọi là Đô. Đa/Đô 都 không có trong giáp cốt văn, rõ ràng đây là ngôn ngữ Dương Tử đã được người Hoa Hạ ký âm và sử dụng muộn nhất là từ thời Chu.

Lạc Việt

Lạc Việt chỉ bắt đầu xuất hiện vào thời Tây Hán. Chúng ta có 3 chữ Lạc tạo nên Lạc Việt: 雒越 , 駱越 , 貉越. Đây chắc chắn là Hán tự ký âm phương ngữ Lạc Việt. Ba bộ chỉ ý nội dung mang tính miệt thị: 隹 chuy, một giống chim. 馬 mã, là ngựa. 豸trĩ, một loài sâu. Người ta dùng một chữ duy nhất chỉ âm là 各 các. Từ thời Chu đến Minh, âm Các đều đọc là [kāk]. Chúng tôi không khớp nối được với Đà 沱. Tuy nhiên khi dùng một chữ đồng âm với các chữ Lạc trên, bộ thủy, tên một con sông ở Hoa Bắc thì sự tương đồng lại hiện ra: Lạc 洛 Đông Hán trở về trước đọc là [rhāk], trở về sau đọc là [lhāk] hoàn toàn khớp với âm Đà 沱 Đông Hán là [l(h)ǟ].

Như vậy Lạc trong Lạc Việt là lần ký âm thứ hai chữ Đà 沱 chỉ nước, sông nhánh hay vùng nước đã được trừu tượng hóa thành xứ sở của một bộ lạc. Lần thứ nhất là chữ Đa/Đô都, dùng cho nước nhỏ. Với Lạc Việt, chữ Lạc dùng chủ yếu cho các bộ lạc còn chậm phát triển. Những ngữ ý miệt thị rất đáng trách bị lạm dụng, chắc chắn đã được viết ra bởi một viên thư lại Hán triều thiếu tư cách, phẩm giá và tri thức. Chúng không thể biện hộ dù theo Hán Thư, thời Tây Hán có dạo người ta kiêng bộ Thủy, là hành khắc với bản mệnh Hỏa của triều đình, dựa vào lối giải thích mê tín của thuyết ngũ hành.

Khi Việt không còn là tên riêng của nước Việt ở cửa sông Dương Tử, từ bộ Ấp chỉ quốc gia, nó chuyển qua bộ Tẩu và biến thành từ phiếm chỉ các nhóm bộ lạc hoặc tiểu quốc giang nam. Người Hán đã căn cứ trên tiền ngữ chỉ ý niệm quốc gia của họ để đặt tên cho phân nhánh Thái có gốc tích từ Điền Trì ở Vân Nam xuôi xuống Trường giang, Tây giang và Hồng hà, chủ nhân văn hóa trống đồng. Lạc Việt ra đời từ đó.

  1. Kết luận

Các biện giải chữ Hán ở đây dựa vào nghiên cứu lịch sử ngữ âm của S. Starostin, chúng tôi tin rằng chúng sẽ ngày càng hoàn thiện hơn, cũng như chưa chắc chuẩn xác tuyệt đối. Kết luận của bài viết này nên được tham khảo và tiếp tục đi sâu hơn.

Chúng ta không thể tìm một sự tương đồng tuyệt đối khi dùng ngôn ngữ này ký âm một ngôn ngữ khác, đặc biệt là với chữ Hán đơn âm tiết, một âm thường là cách đọc của rất nhiều chữ. Chẳng hạn từ tiếng Anh Europe được người Hán ký âm là Âu Châu 歐洲 (ōu zhōu), chỉ hao hao giống âm gốc mà thôi. Do đó tỉ lệ tương đồng các Hán tự ký âm đã liệt kê trên đây là rất cao, rất đáng chú ý.

Lạc Việt và Âu Việt là hậu duệ của nền văn minh sông nước Dương Tử với đỉnh cao Lương Chử không may đã bị diệt vong vào năm 2200 BC vì đại hồng thủy. Do đó các tên gọi của chúng có dính dáng đến tiền tố nước là rất hợp lý. Nếu các luận cứ trên đây đúng, thì đáp số của các thuật ngữ lịch sử liên quan hết sức giản dị. Và hy vọng chính sự giản dị, sẽ đem đến tính thuyết phục cho khảo cứu này: Việt bộ Ấp là một trong những chữ Nôm đầu tiên trong lịch sử Việt Nam. Tuổi đời của nó trẻ nhất là 2500 năm.

  1. Âu Việt = Quốc gia hình thành từ các Nước (Việt) nhỏ vùng Giang – Hoài.
  2. Việt Nam = Nước Nam. Nó tương đương với Southern Land nhưng không tương đồng như trước đây chúng tôi đã suy luận.
  3. Lạc Việt = Các bộ lạc tiền Thái – Tráng, có điểm chung là đều trừu tượng hóa xứ sở của mình từ từ tố Nước (Da, Dak).

@5.1.2018 T.T.Du