Tết Ta chắc chắn là đối tự của tết Tây từ khi tết Tây bắt đầu xuất hiện ở Việt Nam, trước tiên theo chân các giáo sĩ truyền giáo và ngay sau đó là áp đặt của chế độ bảo hộ Đại Pháp. Khi nói tết Ta, người Việt lúc ấy đứng về phía nền văn minh Nho giáo Á Đông lâu đời và những phong tục tập quán đã phổ quát mấy ngàn năm.

Tuy nhiên, sau hơn 80 năm nô thuộc, bị nhồi sọ và chia rẽ bởi tư tưởng và lịch sử bịa đặt của thực dân, tết Ta bỗng nhiên trở thành tết Việt cổ truyền. Người ta giải thích nó giống và trùng với tết Tàu bởi vì Việt là “bố” của Tàu, từ văn hóa, chữ viết đến di truyền. Tác giả tiên phong của thuyết này, không ai khác, là một linh mục tư duy bằng tiếng Pháp và tiếng Latin.

Thực ra ở thời tối cổ từ 12 đến 4-5 ngàn năm trước, loài người chỉ có hai mốc Hạ chí (ngày dài nhất, thời điểm nóng nực nhất trong năm) và Đông chí (ngày ngắn nhất, thời điểm lạnh nhất trong năm) để chọn làm ngày đầu năm. Muộn nhất là thời Chu, người Trung Hoa đã lấy ngày Đông chí đốt lửa tế trời. Người Việt ở Dương Tử, ngược lại, có lẽ đã chọn Hạ chí với lễ hội đua thuyền rồng.

Khi tích hợp nguyệt lịch vào nhật lịch, người Tàu gọi tháng chứa ngày Đông chí là Tý, tức tháng đầu năm theo 12 địa chi. Âm dân dã của Tý là Chuột gốc Hán Tạng. Năm 104 BC Hán Vũ Đế quyết định chuyển tết qua tháng Dần như ngày nay. Rõ ràng đây chính là Chinese New Year khi dịch sang tiếng Anh. Các gợi ý phế bỏ nguồn gốc China của nó để thành Lunar New Year vừa nông cạn vừa sai lầm bởi ngày nay nguyệt lịch chỉ còn mỗi người Hồi giáo sử dụng mà thôi. Lunar New Year là ngày tết Muharram của đạo Hồi chứ không thể là đầu năm của âm dương lịch (lunisolar calendar).

Theo Sử Ký, nhà Hạ ăn tết cũng vào tháng Dần, gần ngày Xuân Phân, nhà Thương chọn tháng Sửu. Người làm lịch xác định được mốc Xuân Phân và Thu Phân thì trình độ thiên văn phải cao hơn hẳn những ai chỉ mới biết dùng hai điểm Chí. Nói cách khác đi từ Hạ đến Chu hình như kèm theo là sự thụt lùi của thiên văn học ở giai đoạn đầu. Nó cho chúng tôi hình dung mơ hồ rằng có khi nhà Hạ đã vay mượn nền thiên văn tiên tiến Dương Tử. Rất hy vọng trong tương lai khảo cổ sẽ giúp minh định điều này.

Bánh chưng, bánh tét, bánh dày và bánh lá tre

 

 

 

Bánh Chưng chữ Hán là Chưng Bính 蒸餅. Bánh Dày là Bạc Trì Bính 薄持餅. Hai loại bánh này được đề cặp trong Chưng Bính Truyện ở Lĩnh Nam Chích Quái cuối thời Trần và gọi chung là Tiết Liệu 節料 – Đồ (bánh) cúng tết (tiết). Những tên gọi ấy đều có trong sách vở chữ Hán sớm nhất là thời Tấn, tuy nhiên theo mô tả thì hình thức và nội hàm hoàn toàn khác. Bánh chưng bánh dày Việt và các loại bánh Hán cùng tên đều được luộc hay chưng (như bánh trôi nước và bánh bao). Từ điển Thuyết văn và sách Thích Danh thời Đông Hán mô tả Tư 餈 loại bánh bánh bột hay bánh gạo.

Cùng nguyên liệu và cách nấu nhưng khác hẳn ở vẻ bề ngoài, người Hoa Nam di cư đến Nam Việt Nam từ Minh mạt trở đi cũng gói một thứ bánh vào dịp tết và gọi là Bánh Tét. Tét chính là âm của chữ Tiết 節 cách đây vài trăm năm [ciet]. Vậy Bánh Tét chính là bánh Tết. Đặc biệt, nhánh Thái Tráng có tên riêng Tày Nùng ở Việt Nam, hậu duệ chân truyền của văn hóa Lạc Việt, cũng có loại bánh chưng dài gọi là bánh Tày.

Bánh chưng và bánh dày được tác giả nhà Trần nối với Hùng vương, non nước thanh bình sau khi đánh bại giặc Ân. Mà giặc Ân thì rõ ràng chỉ bước tới sông Dương Tử mà thôi, không thể và không cách gì có thể hành quân đến châu thổ sông Hồng (lúc ấy còn là đáy biển).

Kiểu cách Bánh Dày xuất hiện dày đặc ở Hoa Nam và lan sang tận Nhật Bản, có rất nhiều cách gọi: Tổ bính 祖餅 (bánh cúng tổ tiên), Niên cao bính 年高餅 (bánh Tết), Đạo bính 稻餅 (bánh gạo),  Nhị bính 餌餅 (bánh bột), Từ/Tư Ba 糍/餈粑 (bánh dày). Tư 餈 âm Đông Hán đọc là [ʒjǝj], rất giống âm Dày. Chữ Tày trong Tày Nùng được ký âm bằng chữ Đại 岱, tiếng Thái Tráng đọc là [daej] nhưng Hán âm thời Lý Trần của nó [d(h)ǝ̄̀j] và [dʌ̀j] cũng khá tương đồng với dày trong Bánh Dày.

Như vậy khả năng rất lớn là các loại bánh tết làm bằng gạo nếp đều có nguồn gốc Dương Tử, nơi phát tích văn minh lúa nước (cung cấp nguyên liệu làm bánh) và du nhập vào Việt Nam theo các đoàn người di cư. Nếu phong tục gói bánh chưng bánh tét ngày tết là lõi văn hóa Đại Việt ở cửa sông Dương Tử thì làm bánh dày đã lộ rõ dấu hiệu Lạc Việt. Văn minh Dương Tử có lẽ ăn tết chính vào ngày Hạ chí, khác biệt với người Hoa Hạ dùng mốc Đông chí. Vì vậy bánh lá tre cúng đoan ngọ trong lễ hội thuyền rồng hẳn là mẹ đẻ bánh chưng và bánh tét. Hơn nữa, nó liên kết chặt chẽ với totem tre trúc: tượng hình cây măng, gói bằng lá tre. Người Dạ Lang cổ đại có truyện cổ tích Trúc vương đẻ ra từ một bọng tre bên bờ suối. Người Việt có truyền kỳ Thánh Gióng. Cậu bé Gióng lớn nhanh như thổi là tái hiện sự sinh trưởng của cây măng. Trong tiếng Việt, Gióng nghĩa là đốt tre, có quan hệ với Hán âm Tùy – Đường của ống tre là chữ Đồng 筒 [dōŋ]. Phương âm Giang (Tô Châu) và Chiết (Ôn Châu) ngày nay vẫn đọc là [doŋ]. Chính di dân Âu Việt đã đem câu chuyện này đến châu thổ sông Hồng và ký âm hơi lệch sang chữ Đổng 董 (Phù đổng thiên vương). Cơm nấu trong ống tre và bánh gói bằng lá tre là nền tảng không thể phủ nhận của Nhục tống.

Các loại bánh nếp nhân thịt ở Hoa Nam tiếng Hán là nhục tống 肉粽 nhưng đã phổ biến khắp Đông Nam Á bằng âm Mân Việt: Machang (Philippine), Má Chạng hoặc Bá Chạng (Việt Nam), Bah Tsàng (Thái Lan), Ba Cang (Malaysia), Bachang (Indonesia)… Âm [ba] và [ma] khớp với nhiều âm Hán Tạng chỉ cây tre. Người Malaysia gọi tre là Mambu, người Hà Lan ký âm thành Bamboes và đi vào tiếng Anh thành Bamboo. Như vậy Machang có thể dung chứa nguyên nghĩa bánh gói bằng lá tre của nó ở phiên bản đầu tiên là bánh cúng đoan ngọ. Ngoài ra chữ Hán cổ còn dùng Mo/Ma 饃 để chỉ loại bánh chưng hoặc hấp. Chữ Tống 粽 phương âm Hồ Nam và Triều Châu là [cang], âm Trung Nguyên là [ciuŋ]. Do vậy Machang cũng có khả năng chính là bánh chưng.

Với gốc tích Mân Việt rành rành của mình, nếu không phải nhà Lý và nhà Trần là các đoàn di dân đầu tiên đem bánh nếp nhân thịt đến Việt Nam, thì họ cũng là tác giả của việc cổ súy mạnh mẽ, kết dính với bánh dày bản địa Lạc Việt, nâng chúng lên hàng văn hóa quốc gia. Chứng thực cội nguồn bánh chưng bánh dày từ truyện cổ tích dân gian rồi viết xuống bằng chữ Hán Chưng Bính 蒸餅, Bạc Trì Bính 薄持餅 chính là nỗ lực xây dựng nền móng văn hóa Việt Nam đặc trưng cho muôn đời. Bánh Tày và bánh Tét vốn tròn và dài, bánh Dầy to – dẹp – tròn tượng hình Linga và Yoni trong nghi thức phồn thực bộ lạc, giống các đôi cóc trên trống đồng. Khi đổi qua hình thức vuông – tròn, chúng đã dung nạp ý niệm đất trời của Kinh Dịch, đánh dấu sự chuyển hóa sang tín ngưỡng độc thần của xã hội.

Tục gói bánh lá tre cũng xuất hiện ở một số bộ tộc Tây Nguyên Việt Nam là một chi tiết rất thú vị. Nếu Hai Bà Trưng là người Lạc Việt đầu tiên kháng Hán tại mảnh đất Việt Nam hiện đại thì Khu/Âu Liên là người Âu Việt đầu tiên tiếp nối tiền nhân sau đó gần 100 năm, trước cả Lý Bí. Thư tịch Hán đã ghi rõ ông họ Khu tên Liên. Khu và Âu đồng âm, đồng nghĩa, là Hán tự ký âm tiếng Giang – Chiết. Họ Âu là họ riêng biệt của người Âu Việt. Hình ảnh Khu Liên rất mù mờ trong Việt sử nhưng những chiếc bánh đoan ngọ bà con dân tộc còn gói trong lễ hội chứng thực sự có mặt của ông và dòng máu Dương Tử kiêu hùng chưa bao giờ phai nhạt.

Hoa đào

DuyVien

Cây đào thực ra là một loại mận dại bản địa khu vực đất tổ Hoa Hạ: Lan Châu, Cam Túc và dãy Tần Lĩnh ở Thiểm Tây. Nó được thuần hóa cách đây nhiều ngàn năm và hơn 2000 năm trước đã lan truyền đến Lưỡng Hà, Ai Cập và La Mã để rồi tỏa khắp thế giới như ngày nay. Tổng sản lượng đào thu hoạch hằng năm trên thế giới hiện tại gần bằng một nửa táo (apple).

Hoa đào đã đi vào văn hóa Hoa Hạ muộn nhất là đầu triều Chu. Kinh Thi có rất nhiều vần thơ đầy mỹ cảm nói về nó. Chẳng hạn: Đào chi yêu yêu – Chước chước kỳ hoa. Nghĩa là cây đào tươi tốt đang nở hoa rực rỡ. Thời ấy đất đai màu mỡ mênh mông, lãnh tụ nhân từ và chuộng tri thức, người Hoa Hạ thưa thớt nhưng chăm chỉ nên đủ đầy hạnh phúc. Nhìn cây đào nhiều sức sống, hoa đào bừng nở giữa giá rét trong khi các loài khác trụi trơ cành lá, nhân gian bèn gán vào những đoạn thân xù xì uốn lượn ý nghĩa trường sinh bất tử.

Sử Ký – Ngũ đế bản kỷ, mô tả biên giới của vị đế thứ hai trong ngũ đế là Chuyên Húc: 北至于幽陵,南至于交阯,西至于流沙,東至于蟠木Bắc đến vùng tăm tối lạnh lẽo U Lăng, nam đến vùng Giao Chỉ, tây đến miền sa mạc mênh mông, đông đến xứ sở của loài cây Bàn Mộc.

Bàn mộc ở đây chính là cây đào truyền thuyết, ba ngàn năm mới cho một mùa trái chín, hương vị thần tiên, con người ăn được thì sống mãi. Thân cây vạn năm nên thô ráp, tạo dáng rồng vờn.

Có lẽ muộn nhất là thời Hán, đã xuất hiện tục trồng đào ngoài sân, cắm một nhành hoa xuân trong nhà ở tiết nhật (tết nhất – ngày tết) cầu mong mọi người bình an hạnh phúc khang ninh thượng thọ. Hảo tục này đã theo người Hán đến Hoa Nam và Việt Nam, rồi tồn tại lâu dài và vững bền ở Bắc Việt cho đến ngày nay. Trong khi đó, thổ nhưỡng Nam Việt không phù hợp, hoa đào mất dấu. Người ta bèn tìm một giống cây dại bản địa gọi là Mai vàng rồi uốn dưỡng, vặt lá thúc nụ để có thứ hoa giông giống đào đưa hương ngày đầu năm âm lịch.

Năm Tuất nói chuyện Sói

Grey-wolf-snow

Tuất 戌 là địa chi thứ 11 trong lịch Trung Hoa. Nhiều khả năng 12 địa chi là chuỗi thuật ngữ thiên văn độc lập. Sau này, để dễ nhớ và dễ thuộc, giới chiêm tinh truyền bá mê tín chọn các con vật có âm gần giống áp vào thành 12 con giáp. Chẳng hạn Mão/Mẹo卯 âm giống miêu/mèo. Chu âm là [mhrū́]. Một loại mèo là Cầy hương (Civet Cat) âm của nó trong vài nhánh Hán Tạng là [thu] lại khá tương đồng với âm [thu] hay [thuo] chỉ con Thỏ trong một số nhánh khác, đây hẳn là lý do Mão/Mẹo được người Trung Quốc gán thành con Thỏ.

Tuất thời Chu đọc là [sw̥it], Hán âm cổ còn hiện diện ở Việt Nam là [sói], âm này hệ Hán Tạng còn lưu giữ ở một số chi như Konyak-Chang [sho], [šuo], [ʃɔ]. Con Chó ở Việt Nam còn gọi là con Cầy, hai âm này đều là âm Proto Mon Khmer [cɔ] và [cgəy]. Chó Má là từ ghép đẳng lập vì Má là âm Thái Tráng [ma].

Như vậy hoàn toàn có thể dùng Sói tượng trưng cho năm Tuất. Dịch Tuất/Sói thành Chó, năm Tuất thành năm Chó, biết đâu đã làm mất đi nhiều ý nghĩa nguyên thủy của Chu lịch.

***

Tóm lại ngày tết dân tộc Việt Nam có cái lõi Dương Tử là bánh chưng bánh tét và bánh dày, lấy thời điểm tết Tàu, dùng giống hoa đào do Tàu thuần hóa, cùng với trà Tàu, pháo Tàu (đã bị cấm) và nhiều thứ phụ trợ bản địa cũng như phi bản địa khác làm vỏ, tạo nên phong tục địa phương quyến rũ.

Văn hóa không có biên giới, dung nạp văn hóa lành mạnh chính là chủ động làm giàu cho cộng đồng thụ hưởng. Các hành vi phủ nhận trơ trẽn và hằn học bài bác văn hóa luôn luôn mang bản chất phản văn hóa.

taohua

Ảnh trên là một nét hoa đào Thiểm Tây tại công viên văn hóa Khương tộc. Xin các bạn cũng lưu ý, cổ Khương tộc chính là tổ tộc của nhà Hạ và nhà Chu, hai triều đại đã trừu tượng hóa vùng nước (Vũ là mưa và Chu là bãi bồi) thành quốc gia. Nước cũng chính là nguyên nghĩa của chữ Việt trong quốc danh Việt Nam ngày nay. Hào khí Dương Tử rõ nét nhất trong văn hóa Việt Nam chắc chắn chứa đựng tại hai câu thơ kiêu hùng của đức vua Trần Nhân Tông:

社稷兩回勞石馬

Xã tắc lưỡng hồi lao thạch mã

山河千古奠金甌

Sơn hà thiên cổ điện kim âu

Đại ý: “Xã tắc hai lần làm ngựa đá phải mệt nhọc. Non sông định lập từ ngàn xưa (đến nay) vẫn trọn vẹn cương thổ”. Kim âu ngoài nghĩa trọn vẹn cương thổ, trong ngôn ngữ Mân Việt chữ Âu cũng chỉ vùng nước và đồng âm với chữ Việt bộ Ấp mang hàm ý một quốc gia độc lập và tự chủ.

Khai bút xuân Mậu Tuất

16.2.2018 @T.T.Du