1. Đồng hồ 銅壺 – Giờ 時 – Khắc 刻

Hình 1

Hình 1 là chiếc đồng hồ cổ đại Á Đông thời Tây Hán, đào được ở Mãn Thành – Hà Bắc năm 1968. Chữ là Đồng Hồ Lậu Khắc 銅壺漏刻, nghĩa là cái hồ bằng đồng phía trên có cắm phù tiễn 浮箭 (que dài hình mũi tên có Khắc 刻 vạch nổi trên mặt nước trong hồ), và vòi Lậu 漏 (tức là rỉ nước tỉ lệ với thời gian). Khi nước trong hồ đồng vơi dần do thẩm lậu ra ngoài thì số khắc trên que chỉ thị cũng giảm dần. Đếm số khắc sẽ biết giờ giấc.

Theo Hán Thư, thời này phù tiễn có khắc 120 vạch. Nghĩa là 1 khắc 刻 Tây Hán có (24h x 60 phút)/120 = 12 phút hiện nay. Các triều đại sau đó giảm xuống 100 vạch, tức 1 khắc bằng 14,4 phút. Đến đầu đời Thanh, do ảnh hưởng của thời kế phương Tây, Thanh triều ban bố Thì Hiến Thư qui định 1 ngày đêm chỉ có 96 khắc. Do vậy một khắc sẽ tròn 15 phút.

Như vậy từ nguyên Đồng Hồ trong tiếng Việt có muộn nhất là cách đây trên 2000 năm và đã hoàn toàn mất dấu ở Trung Quốc.

Hình 2

Hình 2 là chiếc đồng hồ gia dụng đơn giản nhất thời Tây Hán. Ta thấy rõ các khe để đặt vào đó chiếc que có vạch khắc chỉ thị giờ. Độ chính xác của chiếc đồng hồ này không cao vì khi nước đầy, áp lực lớn sẽ làm đồng hồ chạy rất nhanh và ngược lại.

Vùng Á Đông, ở những cộng đồng dân cư lớn hay tại kinh đô mỗi quốc gia luôn phải đặt một hệ thống đồng hồ rất phức tạp, nhiều tầng.

Hình 3

Hình 3 là đồng hồ 4 tầng phổ biến ở thời Đường. Các cơ chế vận hành thủy động học sẽ khiến đồng hồ chỉ giờ chính xác hơn. Sai số chỉ vào khoảng 10 phút 1 ngày. Tư Hồ Lại 司壺吏 là chức quan nhỏ chịu trách nhiệm cho đồng hồ vận hành trơn tru, đánh trống hay chuông điểm giờ làm chuẩn cho mọi người và giúp các đồng hồ gia dụng cân chỉnh thích hợp. Đây chính là lý do phát sinh âm Tiếng (Thanh 聲) hay Điểm 點 để chỉ giờ trong tiếng Việt và tiếng Trung. Ngoài ra âm Giờ cũng chính là cổ âm của chữ Thì 時 và phát âm trong tiếng Ngô Việt (Thượng Hải, Hàng Châu, Ôn Châu) hiện nay khá tương đồng với tiếng Việt Nam [zɿ13/213/31].

Sau rốt, người ta hoàn toàn có thể giảm sai số đồng hồ xuống thấp hơn nữa nếu biết 1 chút thiên văn: Vào chính Ngọ, tức 12h trưa, ở bán cầu bắc luôn thấy mặt trời ở vào hướng chính nam. Điều này làm cho bóng cây nêu ngả về hướng chính bắc. Nếu không có Nhật Quỹ 日晷 (thời kế mặt trời) để xem và chỉnh giờ đồng hồ cho đúng thì dựng một cây nêu làm chuẩn là xong.

Mấy trăm năm nay loài người vẫn luôn phải chỉnh giờ cho đúng – đủ kiểu đủ cách, gần đây là từ radio quốc gia. Hiện tại chỉ những người chơi đồng hồ cơ mới phải chỉnh ngày, chỉnh giờ mà thôi. Đồng hồ kỹ thuật số ở khắp nơi chính xác hầu như tuyệt đối, không ít trong số đó lại có cơ chế tự động đồng bộ với các server chuẩn với sai số 1 giây trong hàng thế kỷ.

2. Giây – Phút

Mãi đến năm 1475 Paulus Almanus, một linh mục kiêm thợ đồng hồ gốc Đức làm việc tại Rome, mới phát minh ra cách chỉ thị phút và giây trên mặt đồng hồ bằng bản vẽ. Chiếc đồng hồ cổ nhất có kim giây còn lưu giữ, được sản xuất năm 1560. Phút, tiếng Latin là Minuta, mang nghĩa một phần nhỏ, miếng/mảnh nhỏ. Giây, tiếng Latin là Secunda, viết tắt từ “secunda pars minuta” nghĩa là phần chia nhỏ thứ hai sau Phút.

Như vậy khái niệm Giây, Phút đã được du nhập vào Á Đông chỉ vài trăm năm trở lại đây mà thôi. Tác giả của những từ này rất có thể là những ông thợ vừa bán vừa sửa đồng hồ, chủ yếu gốc Mân, Quảng hay Hẹ (Khách Gia). Logic là họ sẽ chọn dùng các từ mang nghĩa nhỏ và có âm gần gũi với Minuta và Secunda.  

Số học Á Đông có Thập Thối Vị 十退 位, tức là 10 tên gọi để chỉ các phần lẻ bé dần sau số nguyên, gồm: Phân 分, Li 釐, Hào 毫, Miểu 秒 hoặc Ti 絲, Hốt 忽, Vi 微, Tiêm 纖, Sa 沙, Trần 塵, Ai 埃, Miểu 渺, Mạc 漠. Căn cứ vào Tôn Tử Toán Kinh, có thể thấy rằng ở thời Xuân Thu, người Á Đông chỉ mới phổ dụng đến đơn vị Hốt 忽. Đây chính nhóm từ nguyên để tiền nhân chọn ra thuật ngữ chỉ giây, phút và sao trong thời kế cận đại.

Xuất phát từ qui định và cách dùng trong Thì Hiến Chí 時憲志 đời Thanh, tiếng Bắc Kinh đã chọn Phút = Phân (chung) 分(鐘), Giây = Miểu 秒 là hai đơn vị đi sau Thì 時 (60 phút) và 刻 Khắc (15 phút) .

Chữ Hốt 忽 có rất nhiều ngữ chi Hoa Nam và Đài Loan đọc là Phút, đặc biệt nhiều trong tiếng Khách Gia và xác suất rất cao đây là âm cận đại của phương ngôn Hoa Nam chỉ khái niệm Minuta rồi du nhập vào Việt Nam. Từ kết luận đó chúng tôi cho rằng từ nguyên Giây (Secunda) trong tiếng Việt nhiều khả năng nằm ở chữ Ai 埃 cũng có rất nhiều âm Khách Gia ở Đài Loan và Hoa Nam tương đồng với Việt ngữ [jai1/zai1/iai44].

Thúc Hốt 倏忽 mang nghĩa khoảnh khắc, một đoạn thời gian rất ngắn. Hốt cũng là từ nguyên của Vút trong Vút qua, Vụt qua. Ai 埃 nghĩa đen là bụi, nhỏ như hạt bụi. Khi thông qua âm Khách Gia, trở thành Giây trong tiếng Việt, từ nay chúng ta có thể hiểu Giây là một hạt bụi của thời gian. Đặc biệt thú vị là Phút và Giây vẫn có nét âm Latin của minuta và secunda.

Mãi đến tận thế kỷ 20 đơn vị nhỏ hơn giây mới đến được đại chúng qua các chủng loại đồng hồ tinh xảo, thậm chí đến nay tiếng Anh cũng chưa có thuật ngữ này, mà chỉ nói chung chung “blink of an eye” – chớp mắt. Giới mua bán sửa chữa đồng hồ ở Sài Gòn hiện nay gọi 1/10 giây là Sao 稍 (mang nghĩa nhỏ bé). Chữ Sao ấy đồng âm trong tiếng Việt-Mân-Quảng-Hẹ.

*Một chút và Một chốc:

Chữ Nho có thành ngữ Nhất Xúc Nhi Đắc 一蹴而得 nói về việc thành tựu, thành công chóng vánh. Nhất Xúc ở đây chính là một chốc, một chút. Tiếng Mân đọc chữ Xúc là Chốc [ʦʰok2], tiếng Quảng đọc là Chúc [zuk1]. Như vậy tiếng Bắc Việt ảnh hưởng tiếng Mân của các vua Lý-Trần nên nói Một Chốc. Tiếng Nam Việt ảnh hưởng tiếng Quảng Đông nên thành Một Chúc, Một Chút.

3. Năm – Mùa – Tháng – Ngày

Nền học thuật Thực dân nửa ngu dốt, nửa chứa đầy nọc độc, nhằm mục đích chính là tẩy não người Việt đã từng chỉ ra âm Năm xuất phát từ một trong các tiếng Khmer [cnam], Mon [hnam], Ba Lưu Quảng Tây [nam1], Bố Can Vân Nam [nam55]. Học thuật Việt Nam hiện nay, bản chất là học thuật Thực dân nối dài, đã đang và sẽ sử dụng nhu liệu này như một tín điều vĩnh cửu, kể cả khi chúng tôi đã chỉ ra rằng Năm chính là cổ âm của Niên.

 Thật vậy sách Độc Đoạn của Thái Ung (133-192) thời Đông Hán được nhà Thanh tái bản năm 1646 ở trang 17 ghi nhận thuật ngữ chỉ Năm: “Hạ viết tuế nhất viết nẫm dã” (Năm – thời Hạ gọi là Tuế, hay còn gọi là Nẫm – chỗ nét sổ đỏ hình trên). Chữ Nẫm 稔 ngày nay tiếng Quảng Đông đọc là [nam5], [nim1], tiếng Mân Hạ Môn đọc là [lim53] do biến âm N/L, nhiều ngữ chi Khách Gia đọc như tiếng Quảng Nam – Đà Nẵng [nem3].  

Như vậy nếu cho rằng tiếng Việt hay tiếng Hán cổ đã đơn âm hóa một nhóm từ lõi Á Đông cổ đại thì người ta đã làm muộn nhất là ở thời đại của Thái Ung, chứ không phải mãi sau này, như kết luận của các học giả siêu phàm phương Tây – với trình độ bạch thoại Việt ngữ chắc chắn thua xa một chú bé tuổi teen đánh giày đầu đường xó chợ.

Âm Mùa còn tồn tại ở thể đẳng lập Mùa Vụ có từ nguyên là chữ Nho Vụ 務, khớp cả hai với phương âm tiếng Ngô Việt vùng Chiết Giang.

Tháng có từ nguyên là chữ Thường 嫦 vốn là một từ cổ chỉ mặt trăng. Tiếng Ngô Việt – Hàng Châu phát âm như cổ ngữ Giăng của chúng ta [ʣɑŋ213]. Thường và Tháng chỉ là 2 cách đọc do biến âm như Mương/Máng, Nương/Nàng, Giường/Sàng, Đường/Đàng, Thương/Thang…

Ngày – từ nguyên ở chữ Nhật 日. Tiếng Ngô Việt – Ôn Châu hiện vẫn đọc gần như tiếng Việt [ȵai213].

———————————————————

Nhu liệu ngữ âm học chúng tôi sử dụng trong bài viết này:

1. Hán ngữ đa công năng tự khố (漢語多功能字庫) của Đại học Hồng Công chứa đựng khoảng 20 ngữ chi chính, tối đa chuyển tải từ vài âm đến khoảng 60 phương âm trên một chữ Nho.

2. Hán Điển 漢典 – chứa đựng hơn 8 vạn chữ Nho và 20 vạn từ ngữ. Một chữ Nho liệt kê từ vài chục đến gần 400 phương âm trên toàn lãnh thổ Trung Quốc hiện nay.

Thành phố Thủ Đức 12.12.2020

@ T.T.Du