Văn bản đề cặp đến lý thuyết vùng đệm an ninh xưa nhất của đế quốc mà tôi tiếp xúc được bằng nguyên ngữ nằm trong Hậu Hán Thư: “Xứ Man Di tuy ngăn cách núi cao lũng sâu, nhưng có đất sinh sống, nối liền với vùng Kinh Sở là đất Giao, che chở đất Ba Thục cần một vùng ngoại Di, không thể xác định chỗ tận cùng. Tuy nhiên Man Di hung ác mạnh mẽ tinh ranh mưu lược, như bọn Khương Địch, có vượt qua chỗ trọng yếu bằng sự hung dữ tàn ác, cũng chẳng thể vào sâu”.

Chắc chắn các đế quốc cùng thời như La Mã, Ba Tư cũng có những thứ tương đương. Lý do là hậu thân của họ – nền văn minh phương Tây – từ nhiều trăm năm nay vẫn luôn áp dụng thuần thục lý thuyết này. Thậm chí họ còn đặt ra những cái tên mỹ miều như “Học thuyết Monroe”, biến toàn bộ châu Mỹ thành vùng đệm an ninh cho đế quốc Mỹ vào đầu thế kỷ 19.

Trước và sau thế chiến thứ hai, bản đồ các đế quốc xáo trộn. Nó là thời điểm hiếm hoi mà lịch sử nhân loại bày ra vô vàn những cuộc dàn xếp vùng đệm an ninh khắp nơi trên địa cầu.

1939 – 1940: Nhật tấn công vùng đệm Mông Cổ của Nga nhưng thất bại. Biên giới Nga – Phần Lan lùi hàng trăm km về phía Phần Lan sau một trận chiến tàn khốc trên băng giá mùa đông. Nga và Đức chia đôi Ba Lan theo một hiệp ước bí mật trước đó. Để “dễ ngủ” hơn, Nga lại chiếm thêm ba nước vùng Baltic.

1945 – 1952: Nga chiếm chuỗi đảo phía bắc Nhật. Anh – Pháp – Nga – Mỹ nhanh chóng thay đổi chế độ chiếm đóng hà khắc tại Nhật và Đức, biến phần đất mình đang đóng quân thành đồng minh, bản chất là chuyển hóa chúng thành các vùng đệm an ninh. Tàu Tưởng tràn sang bắc Việt, họ chỉ rút về khi được đổi miếng bánh lớn hơn đó là Quảng Châu Loan và tất cả các tô giới thuộc Pháp ở Hoa lục. Triều Tiên bị chia đôi, vĩ tuyến 38 là ranh giới.

korea

Đến năm 1954, Việt Nam cuối cùng cũng chung số phận với Đức và Triều Tiên. Đất nước bị xẻ làm hai ở vĩ tuyến 17. Hệ quả ấy có thể thấy trước, nếu sử gia vĩ đại nhất của người Việt không phải là Trần Trọng Kim. Lý thuyết vùng đệm an ninh của đế quốc đã nằm trong Hán sử 1800 năm và phổ biến rộng rãi suốt 1500 năm, từ thế kỷ thứ 5. Người làm sử bỏ sót nó, quả là điều đáng tiếc và không thể biện hộ.

Từ lý thuyết vùng đệm an ninh, các đế quốc thường trao đổi với nhau bằng thứ ngôn ngữ đặc thù mà không phải nước nhỏ nào cũng hiểu sâu sắc. Lỗi lại là ở sử học và các sử gia.

Chẳng hạn trước khi chiến tranh Việt – Mỹ khai mào rất lâu, Bắc Kinh đã “giao thiệp” với Washington nói riêng và thế giới phương Tây nói chung bằng “Bản tuyên bố ngày 4 tháng 9 năm 1958 của CHND Trung Hoa”. Ý nghĩa của nó là: “Tao không care vụ chủ quyền hay chủ quyền lịch sử như đài nhà tao hay nhồi sọ dân chúng đâu. Vấn đề là an ninh quốc gia. Đó là lằn ranh đỏ. Chúng mày bước qua đó là có chiến tranh. Mặt trận Triều Tiên thứ hai sẽ thành hình”. Và để chứng tỏ sự “thấu cảm” rất đế quốc, năm 1974 hạm đội 7 hùng mạnh của chú SAM đã “đá lông nheo” với hạm đội cổ lỗ sĩ lố nhố Hồng vệ binh trói gà không chặt của Mao: “Tới đi bác tài. Tui sẽ đóng ở Subic, bờ đông biển Đông. Thỉnh thoảng ta giao lưu bóng bàn nhé.”

Thầy của các chính trị gia kiệt xuất trên thế giới bao giờ cũng là sử gia. Chẳng phải vô lý mà Mao luôn gối đầu giường quyển sử “Tư Trị Thông Giám” của Tư Mã Quang. Sử học đúng nghĩa không những phải chứa đựng túi khôn, túi dại của tiền nhân trực hệ, mà còn bắt buộc phải thông hiểu ngôn ngữ đế quốc suốt lịch sử loài người. Đó là điều kiện tiên quyết để một quốc gia tự nắm vận mệnh của mình, tiến tới cường thịnh và độc lập, thoát khỏi thân phận là vùng đệm an ninh của bất cứ thế lực nào.

Ở quyển hồi ký The Pianist, nghệ sĩ dương cầm gốc Do Thái Wladyslaw Szpilman đã mô tả nhà nước Ba Lan tiền chiến bạc nhược giữa gọng kềm Đức – Nga, trong khi truyền thông “ngáo đá” luôn cố gắng “phiêu du” bằng cách “dìm hàng” máy bay và xe tăng fascist là những khối hình bằng giấy, chỉ hù dọa được trẻ con. Sự ấu trĩ đã phải trả cái giá đắt nhất xưa nay: trên dưới 17% nhân dân Ba Lan bị giết, đất nước biến thành đống gạch vụn!

Yêu nước cũng có nhiều loại: Thông minh, vô tri hoặc ngu xuẩn.

@T.T.D 7.2017